Lê Mạnh Cường: Nếu tất cả công việc trả lương giống nhau, mình vẫn chọn làm BTV | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Lê Mạnh Cường: Nếu tất cả công việc trả lương giống nhau, mình vẫn chọn làm BTV

Mọi thứ luôn bắt đầu từ con số nhỏ nhất, cho đến khi chúng ta đầu tư nhiều, chịu rủi ro cao và đặt nhiều tâm huyết để hưởng trái ngọt.
Lê Mạnh Cường: Nếu tất cả công việc trả lương giống nhau, mình vẫn chọn làm BTV

Nguồn: Lê Mạnh Cường

Lê Mạnh Cường được biết đến là MC trẻ nhất được dẫn chính trên chương trình Chuyển động 24h của VTV. Bên cạnh đó, chúng ta còn quen mặt với anh ở những chương trình như Chào buổi sáng hay Việc tử tế cũng của VTV.

6 Năm bắt đầu từ những đài nhỏ nhất, đến nay, Mạnh Cường đã có cho mình một vị trí mà rất nhiều bạn trẻ học báo chí và truyền thông mơ ước.

Dịp này, chúng tôi đã có cơ hội được nghe anh chia sẻ về hành trình đi từ một sinh viên ngân hàng sang làm MC, cùng với đó là những trải nghiệm trong kinh doanh và cuộc sống của anh.

1. Mua nhà hay thuê nhà?

Ở thời điểm hiện tại là tuổi 27, mình đang chọn thuê nhà. Sau khi kết hôn, mình và vợ đã chuyển ra ngoài và thuê nhà cho đến nay đã được 2 năm. Quan điểm của mình là sẽ mua nhà vào thời điểm thích hợp, khi đã ngoài 30 tuổi hoặc có con cần sự ổn định hơn.

Ngoài ra, mình lựa chọn thuê nhà còn có hai lý do nữa. Đầu tiên là mình sẽ có một khoản tiền rảnh rỗi để đầu tư cá nhân mà không bị quá phụ thuộc vào việc trả nợ. Thứ hai là chủ động hơn trong việc lựa chọn không gian sống. Mình thuê nhà được hai năm và đã chuyển nhà được hai lần.

Trong hai lần đấy mình cũng tự vỡ ra được nhiều kiến thức về việc lựa chọn ngôi nhà như nào cho phù hợp. Có thể một ngôi nhà rộng nhưng thiết kế không phù hợp thì cũng không làm mình hạnh phúc bằng tổ ấm nhỏ hơn chút nhưng lại đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bản thân.

2. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì bạn sẽ làm nghề gì?

Mình vẫn sẽ lựa chọn công việc làm BTV thôi. Thường khi lựa chọn công việc mình sẽ đặt ra ba tiêu chí như ba đỉnh của một tam giác. Đó là thu nhập, mối quan hệ và trải nghiệm.

Nếu công việc đáp ứng được hai trong ba tiêu chí đấy thì mình sẽ sẵn sàng. Như vậy, nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau, tức là bỏ đi một khía cạnh rồi thì hai khía cạnh còn lại, mình đều có được khi làm nghề này.

alt
Nguồn: Lê Mạnh Cường

Nghề BTV ở đài cho mình cơ hội được đi rất nhiều nơi, trong sáu năm làm nghề mình đã đi được hai phần ba đất nước, và cả nước ngoài nữa. Có những địa điểm rất ít người biết đến. Mình cũng gặp được nhiều người ở nhiều lĩnh vực, từ chính khách, nghệ sĩ đến những người dân bình thường. Điều đó đồng nghĩa với việc có thêm nhiều mối quan hệ và trải nghiệm khác nhau.

3. Trong một thế giới hoàn hảo (cuộc đời đi đúng hướng), bạn sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

Có lẽ là sẽ ở tuổi 45 hoặc 50. Bây giờ người trẻ bắt đầu có hiểu biết nhiều hơn về tài chính, đầu tư, kinh doanh cùng với đó là mong muốn được nghỉ hưu sớm, bạn bè mình cũng thế.

Mình đang ở tuổi 27, thời điểm rất tốt để phát triển sự nghiệp, nên mình đang làm hết công sức, năng suất và khả năng để gây dựng một nền tảng tốt nhất về vốn sống, tiền bạc, mối quan hệ.

Khi nào cảm thấy đầy đủ rồi thì mình sẽ chuyển sang một giai đoạn khác, với một mô hình khác. Mình đang có một thương hiệu The Dimple và sẽ làm cho nó lớn lên hơn, sau đó là sáng tạo nội dung truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, cuối cùng là đầu tư bất động sản, tài chính.

Ra trường năm 22 tuổi, mình nghĩ cày cuốc 20 năm sẽ có đủ vốn để phân bổ thành những nguồn đầu tư và khoản thu nhập bền vững trong tương lai.

Hơn nữa, mình nghĩ nghỉ hưu không có nghĩa là không lao động nữa và chỉ ngồi thở. Nghỉ hưu ở đây là cho mình cuộc sống thoải mái, được phép nuông chiều cảm xúc, mong muốn của bản thân nhiều hơn thay vì cứ bị cuốn đi như bây giờ.

4. Nghề nghiệp yêu thích hồi nhỏ của bạn là gì?

Trước đây mình không được định hướng cụ thể, cũng không có ước mơ trở thành ông nọ bà kia, mọi thứ rất mông lung cho đến khi mình học ngân hàng.

Thậm chí việc thi vào Học viện Ngân Hàng cũng là vì bố mẹ mình thấy trường đó thuận tiện cho chuyến xe buýt từ nhà đến trường, cứ ngồi lên xe là đến nơi. Hơn nữa, mình học ngân hàng vì điểm số phù hợp với năng lực bản thân vào thời điểm đấy, chứ không nghĩ là sẽ là một cán bộ ngân hàng.

Cho đến khi là sinh viên năm hai, tham gia các câu lạc bộ cụ thể như MC, mình mới khám phá ra được năng lực, thiên hướng của mình và quyết tâm theo nghề báo.

alt
Nguồn: Lê Mạnh Cường

Mình đã tham gia những cuộc thi MC, người dẫn chương trình của sinh viên, bắt đầu tiếp xúc với môi trường báo chí, gặp gỡ các bạn học ở đó, xem cách mọi người phân tích thông tin, đưa tin, rồi về tự mày mò, lên mạng tìm hiểu, học phần mềm dựng. Sau đó mình thử sức với những đài nhỏ như VTC, PTTH Hà Nội, dần dần niềm yêu thích với công việc mới lớn dần lên đến ngày nay.

5. Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà trường học không dạy?

Mình cho rằng đó là trách nhiệm và kỷ luật. Theo quan sát của mình, các bạn trẻ bây giờ rất sáng tạo, năng động và nhiều cảm hứng. Nhưng mọi người lại đang bị thiếu khuôn phép hay trách nhiệm với công việc của họ. Làm việc cảm hứng và trễ deadline rất nhiều nhưng mọi người không thấy áy náy hay tự ti vì tôi đang làm không tốt công việc này.

Trường học không dạy cho chúng ta về trách nhiệm trong công việc và cuộc sống. Chúng ta dễ thích một cái gì đấy nhưng lại không đưa vào nó sự quyết tâm, chăm chỉ để biến nó thành công cụ, nghề nghiệp hay lựa chọn tương lai của mình.

Đi cùng với trách nhiệm là kỷ luật, mọi người dễ thích một thứ trong một thời điểm, cắm đầu vào làm, trải nghiệm đến khi cảm thấy bắt đầu có khó khăn, vướng mắc thì lại nản lòng.

Thời sinh viên mình đi học, sinh hoạt câu lạc bộ, chơi thể thao nên không có thời gian để tự tìm hiểu về nghề báo. Một thời gian thấy không ổn, mình đã tự đặt ra kỷ luật là dậy lúc 5 giờ sáng, ngồi mần mò, học dựng video trên máy tính đến 7h thì đi học. Sau một thời gian dài giữ được kỷ luật đó, mình đã biết được mềm phần dựng thành thạo.

Đến một ngày, VTV cần người có khả năng dẫn chương trình, viết kịch bản và hậu kỳ video, khi đấy trong tay mình đã có đủ kỹ năng rồi, nó giúp mình trở thành người của VTV vào thời điểm đó. Lúc được tuyển dụng, mình hơn những người khác chỉ vì biết dựng video. Nhưng việc dựng đấy không phải vì mình học báo chí, mà mình lại là người xuất thân ở ngân hàng.

Cho nên, mình nhận ra, sự kỷ luật và quyết tâm không phải là những bài kiểm tra chúng ta phải thi trên trường, cũng không mang đến cho mình trái ngọt vào ngày một ngày hai. Chỉ đến khi mọi thứ đã chín muồi ở thời điểm thích hợp thì thành quả mới xuất hiện.

6. Nếu bây giờ đi học lại, bạn sẽ học gì?

Mình sẽ học báo chí, để thật sự được học về kỹ năng báo chí bài bản từ A-Z. Vì bây giờ mình vẫn là tay ngang, có những thứ khi làm mình phải học lại từ đầu.

Thời điểm vào VTV, thứ duy nhất mình biết là dựng thôi, mình phải đi học viết tin từ đầu. Đó là từng mẩu tin rất nhỏ, rồi học làm phóng sự dài, tiêu điểm, dẫn chương trình cũng phải trau dồi lại. Nếu học báo chí, mình sẽ được học tất cả những cái đấy, có một bộ công cụ trong tay để khi ra trường sẽ cảm thấy sẵn sàng hơn.

7. Liệt kê 3-5 công việc mà bạn từng làm trong đời?

Công việc kiếm ra tiền đầu tiên là mình đi múa lân sư tử buổi tối cho địa phương năm lớp 4, mỗi tối được 50 nghìn trong mùa Trung thu. Sau đó lớn hơn, mình tham gia các giải đấu bóng bàn. Mình rất đam mê và kiếm được kha khá tiền từ những chiếc huy chương giành được.

Công việc thứ ba là khi mình lên Đại học. Bố mẹ mình có tư duy là khi mình thi đỗ rồi thì sẽ quăng mình ra xã hội để tự kiếm tiền chi tiêu cá nhân, không quan tâm đến mình nữa. Chị gái mình lúc đó có biết một hãng sữa, cho mình vào đấy làm PG, bưng bê quầy sữa để giới thiệu sản phẩm.

alt
Nguồn: Lê Mạnh Cường

Đó cũng là bước ngoặt cuộc sống của mình. Vì khi ra ngoài va vấp với mọi người, nói chuyện, giới thiệu sản phẩm thì mình tự thấy bản thân có khả năng nói, tự tin hơn trước mọi người. Tháng lương đầu tiên lúc đó là 2 triệu.

Sau đấy thì mình mới bắt đầu thử sức bằng việc dẫn chương trình cho các đài nhỏ ở Hà Nội. Bây giờ thì mình còn kinh doanh, sáng tạo nội dung trên Tiktok và làm BTV.

8. Một bài học về tài chính mà bạn tuân theo?

Cũng không hẳn là bài học tài chính, nó giống việc đầu tư và kinh doanh hơn, đó là mọi thứ đều bắt đầu từ con số rất nhỏ.

Mình có một thương hiệu thời trang riêng, bắt đầu cùng vợ chỉ với 200 nghìn. Lúc đó bọn mình đi sang chợ vải, mua năm mẫu vải, đem về gần nhà may và nợ người ta tiền công. Sau đó bọn mình bán hết trong một đêm. Năm mẫu vải lúc đó làm được 20 cái, bán hết rồi thì nhận ra những mẫu vải đó không thể mua lại được nữa.

Dần dần như thế bọn mình có thêm vốn, bán được hết lại lấy tiền đó đi mua thêm, mô hình kinh doanh vì thế cũng phát triển hơn. Đến năm 2019, phát triển mãi như vậy rồi không thể lớn hơn được nữa nên bọn mình quyết định là dùng tiền tiết kiệm đem đi mở cửa hàng.

Lúc này mình học được bài học đó là hãy làm lớn lên, chấp nhận rủi ro, và thực sự quyết tâm với mục tiêu đó thì một ngày nào đó sẽ có trái ngọt. Mình bám theo thị trường để chuyển đổi số trên các sàn thương mại điện tử, làm tiktok,... để đa dạng nội dung và nguồn khách. Đến nay thì nó đang đi đúng hướng và mang lại cho mình một nguồn thu nhập khá ổn.

9. Tài sản vô hình giá trị nhất mà bạn sở hữu là gì?

Mình nghĩ đó là sự thích nghi tốt cùng với bộ kĩ năng được rèn luyện sau sáu năm đi làm. Nếu bị quăng vào bất cứ môi trường nào, mình đều có thể sống tốt và xoay xở được với những giá trị và khả năng có sẵn trong tay.

Hơn nữa, nếu xảy ra vấn đề gì, mình thường sẽ không nhìn nó ở mặt cảm xúc mà sẽ tư duy nó ở mặt lý trí. Mình hay đặt câu hỏi “tôi sẽ xử lý nó như thế nào?” thay vì “tôi sẽ phản ứng nó ra sao?”

alt
Nguồn: Lê Mạnh Cường

Mọi thứ đều có giải pháp và cách xử lý, mình tin là vậy. Bây giờ, khi nhận một đề bài cho công việc thì mình không còn sợ hay hoang mang như ngày trước nữa. Cái gì cũng có cách thôi, nhưng mình phải vững vàng trước đã.

10. Bạn cân bằng thế nào giữa công việc và cuộc sống?

Có lẽ là mình vẫn chưa thật sự cân bằng được. Khối lượng công việc hàng ngày của mình rất nặng, không chỉ là người chịu trách nhiệm nội dung chương trình mà còn là sáng tạo nội dung, xây dựng các kênh truyền thông và kinh doanh.

Mình chỉ cố gắng đặt ra một vài quy tắc cho mình và trong gia đình. Đầu tiên là một tháng một lần rời khỏi thành phố vào cuối tuần, đi các tỉnh lân cận để thoát ra khỏi áp lực công việc. Thứ hai là hàng ngày sau 10h tối sẽ ngồi vào xofa xem tivi, ăn trái cây, không làm việc nữa. Đó cũng là cách giúp mình thoải mái hơn rất nhiều.

Mình nghĩ là chỉ cần một tiếng thôi, từ 10h-11h là đã có thể giải tỏa mọi áp lực của ngày hôm đó rồi. Nhưng phải cố gắng ngày nào cũng làm được như thế cho đến khi nó trở thành một thói quen hàng ngày.