Mình học được gì sau khi hỏi lương của hơn 50 người lạ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
10 Thg 01, 2024

Mình học được gì sau khi hỏi lương của hơn 50 người lạ?

Nhiều người đau đầu về lương, nhưng lại ít người có thể thoải mái chia sẻ về nó.
Mình học được gì sau khi hỏi lương của hơn 50 người lạ?

Chi Nguyễn | Nguồn: Bamboo Careers

“Có bao giờ bạn thoải mái trò chuyện về lương thưởng với bạn bè hay người thân của mình chưa?” – Chi Nguyễn mở đầu cuộc trò chuyện khiến chúng tôi bỡ ngỡ.

Câu trả lời của đa số chúng tôi là không. Cho dù có dám nhắc đến chủ đề này đi nữa thì nó cũng chưa thể thoải mái tự nhiên như hỏi hôm qua xem phim gì, cuối tuần đi chơi ở đâu.

Lương thưởng vẫn là một chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam, và điều này đã vô tình tạo nên những bất bình đẳng hay nhu cầu không được nói ra. Khảo sát của Deloitte trên hơn 14.000 người trẻ cho thấy rằng hơn một nửa trong số đó có những lo ngại về tài chính, nhưng phần lớn họ vẫn ngần ngại nói chuyện với cấp trên về việc tăng lương hoặc thăng chức.

Với mong muốn “bình thường hóa” việc trao đổi về lương thưởng, Chi Nguyễn hiện đang điều hành kênh Tik Tok với hơn 13 ngàn người theo dõi của Bamboo Careers, một ứng dụng tra cứu lương và cố vấn tăng lương.

Sau khi phỏng vấn hơn 50 người lạ xoay quanh chủ đề tiền lương, Chi nhận ra điều gì?

Nói về lương không có nghĩa là “khoe lương”

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng bắt gặp hình ảnh các cô, các bác lấy làm hãnh diện và khoe tiền lương của con mình. Còn khi mức lương không như mong đợi, họ sẽ chỉ ậm ừ cho qua. Từ đó cũng hình thành tâm lý chỉ nói về lương khi lương cao.

Tuy nhiên, Chi nhận thấy điều đó dường như chỉ còn đúng với các thế hệ trước.

Một khảo sát của Deloitte gần đây cho thấy: so với các thế hệ trước, Gen Z đánh giá thấp về tầm quan trọng của lương thưởng hơn. Nếu đứng trước lựa chọn giữa một công việc được trả lương cao nhưng nhàm chán với một công việc thú vị nhưng không được trả lương cao bằng, Gen Z có xu hướng phân chia khá đồng đều giữa 2 lựa chọn. Trong khi đó các thế hệ trước thiên nhiều về lựa chọn có lương cao hơn.

Có lẽ vì thái độ có phần thoải mái hơn về tiền lương mà họ cũng sẵn sàng hơn khi chia sẻ về tiền lương khi được hỏi. Nó không còn là về chuyện khoe khoang hay làm hãnh diện cha mẹ, mà còn là một hình thức khảo sát và tìm kiếm giá trị của chính mình.

Những bạn trẻ đồng ý lời mời chia sẻ lương của Chi thường mong muốn nhận được những lời khuyên mang tính xây dựng và cũng muốn biết được mình có bị trả lương thiếu công bằng không.

Nguồn Bamboo Careers
Nguồn: Bamboo Careers

Được làm chủ thời gian cũng là một dạng tiền lương

Báo cáo cuối năm 2023 của Gallup chỉ ra rằng áp lực công việc vẫn giữ ở mức cao kỷ lục. Đứng trước áp lực công việc, nhiều người lựa chọn “mặc kệ” chuyện cơm áo gạo tiền hoặc ưu tiên những lựa chọn khác cho mình. Khi đó, tiền lương không còn là một yếu tố hàng đầu khiến họ cân nhắc nữa.

Theo khảo sát của Vietnamworks, ngoài tiền lương thì môi trường làm việc, những phúc lợi khác giúp công việc và cuộc sống của họ “dễ thở” hơn, được làm chủ thời gian của chính mình nhiều hơn sẽ là yếu tố giữ chân người lao động.

Trong một clip gần đây, Chi đã có dịp phỏng vấn anh An (34 tuổi) làm tattoo artist (nghệ sĩ xăm hình). Anh chia sẻ rằng đứng giữa lựa chọn công việc và đam mê xăm, anh đã phải vừa học vừa làm trong một thời gian.

Và khi đến thời điểm thích hợp, anh đã nghỉ công việc hiện tại để chuyển hoàn toàn qua làm với đam mê của mình. Thu nhập có thể không đổi quá nhiều nhưng anh tin rằng công việc ấy phù hợp với định hướng và giá trị của bản thân mình lúc đó.

Có thể thấy, tiền lương không định nghĩa chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn mong muốn có một nguồn thu nhập ổn định để theo đuổi đam mê, sinh hoạt, tích trữ. Vì thế, những xu hướng làm việc khác như nghề tay trái (side hustles) dần nổi lên để chúng ta vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa chủ động thời gian làm những việc mà ta thích.

Chúng ta cần được “mách nước” về mức lương cơ bản của ngành nghề mình đang làm

Thiếu cân bằng về chi trả lương vẫn còn là một vấn đề tồn đọng trong xã hội hiện nay. Sự mất cân bằng hôm nay có thể sẽ tác động lớn đến cả sự nghiệp của bạn. Theo thống kê của Trung tâm Luật Phụ nữ tại Mỹ, trong cả cuộc đời đi làm của một người phụ nữ, cô sẽ kiếm thấp hơn từ 150,000 đến hơn 500,000 đô so với đồng nghiệp nam của mình.

Không chỉ phụ nữ hay các cộng đồng thiểu số nói riêng, có thể chính bạn cũng đang bị trả lương thiếu công bằng. Và chỉ có tìm hiểu về mức lương thị trường, những yếu tố ảnh hưởng đến lương mới giúp bạn đàm phán được một mức phù hợp.

Chi thấy có nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn mới ra trường có xu hướng làm việc, tăng ca nhiều nhưng không được trả lương xứng đáng với nỗ lực họ bỏ ra. Và khi được hỏi thì họ vẫn chưa tự tin vào khả năng đàm phán của mình, nguyên nhân chính là vì chưa hiểu đủ và đúng về thị trường cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến lương. Vì thế, việc chia sẻ và tham khảo mức lương của thị trường sẽ cho bạn biết mình có bị trả lương thấp hơn hay không.

Nguồn Bamboo Careers
Nguồn: Bamboo Careers

Chi nghĩ, để thúc đẩy minh bạch lương trong thị trường lao động, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ rằng tiền lương là thước đo duy nhất cho giá trị mỗi người hay tiền lương là một điều gì đó to lớn, định hình chúng ta. Để từ đó, tiền lương được trở thành một đề tài mà ai cũng có thể tiếp cận đến khi cần.

Gần đây nhất, có một anh hiện đang nắm giữ chức vụ quản lý và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp đã chủ động tìm đến kèm theo mong muốn được đóng góp cho kênh của bọn mình. Anh chia sẻ lý do đơn giản chỉ vì anh rất ủng hộ việc nói về lương, ở nước ngoài thì đã thấy nhiều nhưng Việt Nam vẫn cần nhiều đồng lực thúc đẩy hơn nữa.

Từ những bình luận và chia sẻ của mọi người trên kênh, tụi mình nhận ra rằng có rất nhiều người quan tâm về lương nhưng ít người dám chia sẻ về nó. Đặc biệt là có rất nhiều bạn trẻ đang tìm việc làm hoặc cơ hội công việc mới, nhưng họ lại không tìm thấy một người đi trước sẵn sàng “mách nước" về mức lương cơ bản của ngành.

Chi cũng như Bamboo Careers mong muốn được nói nhiều về lương hơn nữa và mang đến những thông tin cần thiết giúp bạn có thể tra cứu mức lương một cách minh bạch nhất trong lần phỏng vấn tiếp theo.

Bài viết được thực hiện bởi Tường Nguyễn.