Một cỡ vừa cho tất cả đàn ông? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Một cỡ vừa cho tất cả đàn ông?

Từ đàn piano, điện thoại thông minh, ô tô, nhà vệ sinh cho đến các kiến thức về cơ thể người trong y học, chúng ta đang mặc định rằng nam giới là tiêu chuẩn.
Một cỡ vừa cho tất cả đàn ông?

Minh hoạ: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nam giới là mặc định

Có những thứ vốn được thiết kế theo lối thiên vị giới - mặc định theo tiêu chuẩn phù hợp với đàn ông (one-size-fits-men).

Đàn piano

Đàn piano được thiết kế theo tiêu chuẩn phù hợp với bàn tay của nam giới - có kích thước lớn hơn bàn tay nữ giới. Điều này ảnh hưởng đến khả năng chơi đàn của các nữ nghệ sĩ piano nói chung, khiến họ khó đạt được mức độ nổi danh bằng các đồng nghiệp nam của mình.

Ngoài ra, thiết kế thiên vị giới của đàn piano cũng khiến các nghệ sĩ nữ có nguy cơ đau nhức và chấn thương cao hơn khoảng 50% so với các nghệ sĩ nam.

Ô tô

Khi phụ nữ ngồi vào ghế lái của ô tô, họ thường phải điều chỉnh cho ghế gần với phía trước hơn. Song, đó không phải là “vị trí ngồi theo tiêu chuẩn” của nhà sản xuất. Sự lệch khỏi quy chuẩn đồng nghĩa với nguy cơ chấn thương cao hơn trong các vụ va chạm. Phụ nữ có nguy cơ dễ bị thương hơn nam giới tới 71%. Kể cả khi đã cân nhắc các yếu tố khác như chiều cao, cân nặng, cách sử dụng dây an toàn thì nguy cơ tử vong ở nữ vẫn cao hơn nam 17%.

Điều này chủ yếu do hệ thống an toàn của ô tô được thiết kế theo các mô hình thử nghiệm va chạm đã sử dụng hình nộm nam giới. Nhà sản xuất hầu như không thử nghiệm với hình nộm nữ giới hoặc chỉ sử dụng hình nộm nam giới thu nhỏ để đại diện cho nữ giới - một nỗ lực không đáng kể vì hình nộm không phản ánh đúng cấu trúc cơ thể và khả năng chịu thương tích của phụ nữ​.

alt
Hệ thống an toàn của ô tô được thiết kế thường sử dụng hình nộm của nam giới. | Nguồn: Unsplash

Nhà vệ sinh

Nhìn bề ngoài, cách chia diện tích sàn bằng nhau giữa nhà vệ sinh nam và nữ có vẻ công bằng. Đây cũng là cách làm từ trước đến nay. Cách phân chia 50/50 không gian sàn thậm chí đã được chính thức hóa trong các quy chuẩn về lắp đặt hệ thống ống nước.

Tuy nhiên, sự thật là nhà vệ sinh nam thường được thiết kế có cả buồng vệ sinh và bồn tiểu đứng, nên về cơ bản, số người có thể “giải quyết nỗi buồn” tính trên mỗi mét vuông diện tích sàn trong nhà vệ sinh nam sẽ cao hơn nhiều so với của nữ.

Chưa kể, phụ nữ thường sử dụng nhà vệ sinh lâu gấp 2, 3 lần đàn ông vì nhiều lý do. Phụ nữ mang thai hoặc đến kỳ kinh nguyệt cần sử dụng nhà vệ sinh nhiều lần và lâu hơn nam giới. Phụ nữ cũng thường đi cùng trẻ em, người già và người tàn tật, khiến nhu cầu vào nhà vệ sinh của họ tăng lên.

Máy móc nông nghiệp

Ở Mỹ, đến năm 2007, có đến gần 1 triệu lao động nữ vận hành máy móc trong trang trại, nhưng “hầu như tất cả các công cụ và thiết bị bán trên thị trường đều được thiết kế dựa trên các chỉ số vóc dáng, trọng lượng, sức lực, v.v… trung bình của đàn ông”.

Hệ quả là các công cụ làm nông thường quá nặng hoặc quá dài; cầm quá cỡ hoặc gắn ở vị trí không phù hợp (bàn tay của phụ nữ trung bình ngắn hơn nam giới khoảng 2cm); còn các thiết bị cơ giới thì khó điều khiển (chẳng hạn các bàn đạp trên máy kéo được gắn quá xa ghế ngồi so với nữ giới). Cũng vì vậy mà các nữ thợ mộc có tỷ lệ bong gân/căng cơ và tổn thương dây thần kinh cổ tay/cẳng tay cao hơn so với các đồng nghiệp nam.

Y học

Xuyên suốt lịch sử, cơ thể nam giới và nữ giới luôn được mặc định là không có quá nhiều khác biệt, ngoại trừ kích thước và chức năng sinh sản.

Trong giáo dục y khoa, quan niệm “cơ thể nam giới đại diện cho cơ thể con người” vẫn phổ biến. Theo đó, mọi thứ nằm ngoài chuẩn mực này được chỉ định là những trường hợp “không điển hình”.

Phần lớn những hình minh họa, những bìa sách về giải phẫu người vẫn sử dụng hình ảnh người đàn ông. Cơ thể nam giới được sử dụng nhiều gấp 3 lần so với cơ thể nữ giới để minh họa cho “các bộ phận cơ thể trung tính”.

alt
Trong giáo dục y khoa, quan niệm “cơ thể nam giới đại diện cho cơ thể con người” vẫn phổ biến. | Nguồn: Unsplash

Trong khi đó, giới tính sinh học khác nhau đi kèm những khác biệt về mặt sinh lý, chuyển hóa, nội tiết tố. Yếu tố này vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh, có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nhận biết các triệu chứng và độ hiệu quả của dược phẩm cũng như thiết bị y tế. Song, lý thuyết điều trị và cả những hướng dẫn lâm sàng xưa nay hầu hết đều được xây dựng theo cơ thể nam giới mà ít có sự phân tích về giới tính.

Tại sao phụ nữ "vô hình" với các nhà sản xuất?

Tất cả những ví dụ ở trên chỉ là một vài trong vô vàn những thiết kế thiên vị giới dường như đã bị bình thường hóa trong đời sống hằng ngày.

Truyền thống và lịch sử đã tạo ra một nền văn hóa trong đó đàn ông thường chiếm giữ các vị trí lãnh đạo và quyền lực nhiều hơn, đặc biệt trong các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ. Điều này dẫn đến việc các tiêu chuẩn, bao gồm cả trong thiết kế sản phẩm, thường được định hình dựa trên góc nhìn và nhu cầu của nam giới.

Phụ nữ “vô hình” trong dữ liệu

Nguyên nhân chính của hiện tượng “cỡ vừa cho đàn ông” là lỗ hổng dữ liệu về giới. Phần lớn các thử nghiệm, khảo sát và dữ liệu dùng cho việc thiết kế sản phẩm thường chỉ tập trung vào nam giới hoặc không có đầu ra phân loại theo giới tính. Nhiều nhà sản xuất đã bỏ qua phụ nữ khi thiết lập đối tượng khách hàng tiềm năng của họ.

Phần mềm nhận diện giọng nói của Google có khả năng nhận diện chính xác giọng nói của nam giới cao hơn 70% so với giọng nói của nữ giới. Đó là bởi cơ sở dữ liệu của công nghệ này (kho ngữ liệu corpora) chủ yếu chứa các bản thu âm giọng nam. Hơn nữa, hầu hết các nhà cung cấp không có phân tích giới tính giọng nói trong kho dữ liệu của họ.

Trong y học, nhiều nghiên cứu chỉ sử dụng đối tượng nam giới và sau đó áp dụng kết quả cho cả hai giới, bất chấp những khác biệt sinh lý học rõ rệt giữa nam và nữ.

Nhiều nghiên cứu trên động vật về những bệnh phổ biến ở phụ nữ thậm chí còn không dùng đến những con giống cái. Ví dụ, phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 70% so với nam giới, nhưng nghiên cứu trên động vật về các hội chứng rối loạn liên quan đến não lại thực hiện trên động vật giống đực nhiều gấp 5 lần.

Ngay cả với những nghiên cứu có cả hai giống tham gia, ⅔ nghiên cứu có kết quả không có phân tích theo giới tính. Đề xuất lồng ghép giới và giới tính vào các nghiên cứu thường bị coi như “gánh nặng”. Lý do là chi phí mua và nuôi cả hai giới cao hơn và lo ngại rằng các hormone và hệ thống sinh sản không ổn định của chuột cái có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu.

alt
Nhiều nghiên cứu trên động vật về những bệnh phổ biến ở phụ nữ thậm chí còn không dùng đến những con giống cái vì những lo ngại rằng các hormone và hệ thống sinh sản không ổn định của chuột cái có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu. | Nguồn: Unsplash

Các nhà nghiên cứu cố gắng giải thích cho thực trạng này là do một số bất tiện khi nghiên cứu cơ thể phụ nữ, họ lo ngại rằng các hormone “không điển hình” có thể gây ảnh hưởng. Bên cạnh đó, họ cũng chống chế rằng kêu gọi phụ nữ tham gia khó khăn hơn so với đàn ông. Song điều này thực chất chỉ phản ánh nỗ lực hạn chế của chính họ trong việc đảm bảo tính bao hàm và toàn diện của nghiên cứu.

Phụ nữ “vô hình” trong vị trí lãnh đạo, R&D và sản xuất

Trong hầu hết trường hợp, đàn ông không hề chủ động gạt phụ nữ ra rìa. Tuy nhiên, nữ giới có những nhu cầu nhất định, xuất phát từ những trải nghiệm nhất định, mà các nhà sản xuất (chủ yếu là nam giới) không thể biết để đáp ứng, đơn giản vì họ không bao giờ trải qua những điều này.

Khi không có đủ sự tham gia của nữ giới trong quá trình R&D, từ thiết kế ban đầu đến khi hoàn thành sản xuất, đánh giá và thử nghiệm, các nhu cầu và quan điểm của nữ giới dễ bị bỏ qua hoặc không được đánh giá đúng mức.

Bãi đỗ xe khổng lồ của Google đã từng khiến cho nhiều nhân viên nữ mang thai - với cơ thể nặng nề và bàn chân trương phình - gặp khó khăn trong việc di chuyển. Tình trạng này chỉ diễn ra cho tới năm 2014, khi một nhân viên nữ (lúc đó đang mang bầu) đến gặp và đề xuất với giám đốc của công ty rằng cần có khu vực đỗ xe dành riêng cho phụ nữ có thai - gần các tòa nhà làm việc hơn - càng sớm càng tốt. Nam giám đốc khi đó là Sergey Brin đã ngay lập tức đồng ý, và nói thêm rằng trước đó anh ấy chưa hề nghĩ đến chuyện này. Tất cả những phụ nữ mang thai ở công ty sau đó đã được hưởng lợi.

Nữ nhà báo công nghệ Adi Robertson từng đến một buổi trải nghiệm sản phẩm. Chiếc kính ôm đầu đáng lẽ ra phải tự động đi theo đôi mắt của người dùng, nhưng với cô ấy nó lại không hoạt động được - cho đến khi một nhân viên hỏi có phải mắt cô chuốt mascara hay không. Điều khiến Adi ngạc nhiên không phải là việc chiếc kính đã hoạt động hoàn hảo sau khi hiệu chỉnh mà là có người đã thực sự tính đến trường hợp người dùng có trang điểm. Điều đáng nói là công ty đó cũng là công ty khởi nghiệp VR duy nhất mà nhà báo Adi từng viết bài có nhà sáng lập là nữ.

alt
Khi không có đủ sự tham gia của nữ giới trong quá trình R&D, các nhu cầu và quan điểm của nữ giới dễ bị bỏ qua hoặc không được đánh giá đúng mức.

Vòng lặp vô hình trong những bất bình đẳng vô hình

Thực trạng “cỡ vừa cho đàn ông” vẫn xảy ra cho đến hiện nay vì các nhà sản xuất muốn tiết kiệm chi phí và đơn giản hóa quy trình sản xuất. Khi các sản phẩm mà lẽ ra phải trung tính về giới lại được thiết kế một cách thiên vị cho nam giới, thì người chịu thiệt thòi đầu tiên, tất nhiên là phụ nữ. Đây không chỉ thiếu sót về mặt khoa học, ảnh hưởng đến hiệu suất lao động hay khả năng tiếp cận một số công việc đặc thù của phụ nữ, mà đôi khi còn sai trái về mặt đạo đức, đặc biệt đối với các vấn đề sức khỏe và an toàn.

Sự thật là phụ nữ có thể bị đánh giá thấp hơn so với nam giới trong cùng một công việc, nhưng lý do không phải vì họ kém về năng lực, mà vì các công cụ vốn không được thiết kế dành cho họ. Điều này khiến các định kiến về năng lực của phụ nữ hằn sâu hơn. Tệ hơn, khi thường xuyên bị đánh giá thấp, phụ nữ có thể nội tâm hóa các định kiến ấy, tự ti về khả năng và mức độ phù hợp của mình với một số công việc. Điều này càng làm trầm trọng hơn sự cách biệt trong thu nhập và giảm sự tham gia đóng góp của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực.

Đã đến lúc chúng ta cần xem xét và giải quyết các lỗ hổng mang tính hệ thống, thay vì chỉ chăm chăm đổ lỗi và tìm cách “khắc phục" phụ nữ cho vừa với những chuẩn mực vốn không dành cho họ. Rất nhiều những khoảng trống về sự hiện diện của phụ nữ cần được lấp đầy. Các sản phẩm ưu việt hơn được các nhà sản xuất ra mắt mỗi mùa, nên “ưu việt" cho tất cả mọi người, thay vì chỉ “ưu việt" cho đàn ông.