Mua hàng sale có đồng nghĩa với tiết kiệm? | Vietcetera
Billboard banner

Mua hàng sale có đồng nghĩa với tiết kiệm?

“Sale Sale Sale” có bằng “Save Save Save”?

Mua hàng sale có đồng nghĩa với tiết kiệm?

Nguồn: Unsplash

Mỗi đợt lễ tết hay dịp đặc biệt nào đó trong năm, hễ bước chân ra ngoài cửa, ta lại thấy hàng loạt các cửa hàng treo biển đỏ “Sale Sale Sale” rợp trời. Ngày nay, phong trào giảm giá cũng leo cả lên “chợ online” khiến người tiêu dùng thật khó kìm lòng để rút ví.

Nhưng “Sale Sale Sale” có bằng “Save Save Save”?

Ký ức tuổi thơ của tôi là những ngày cùng mẹ lao vào những sạp hàng vỉa hè, hào hứng cầm lên những bộ quần áo đông xuân xanh đỏ, hít hà cái mùi vải mới, quyện với mùi lề đường, quyện với âm thanh rào rào mặc cả, trả giá.

Nhìn lại, có nhiều món đồ mua vội vã trong những ngày cuối năm ấy thực sự rất tốt và dùng được đến mấy cái Tết liền sau đó. Nhưng cũng có nhiều món đến khi mang về nhà mới tự hỏi: “Tại sao mình lại bỏ tiền mua cái thứ chẳng ra gì như thế này?” và hậm hực vì bị chiêu trò giảm giá của người bán che mắt.

Vậy, khi nào mua đồ giảm giá đồng nghĩa với tiết kiệm và khi nào không?

Câu trả lời ngắn gọn là: Mua đồ giảm giá chỉ có thể tiết kiệm khi mình mua đúng những món mình cần (không phải món mình muốn) và mua được với giá tốt (thấp hơn so với bình thường).

Mua đồ giảm giá không tiết kiệm khi mình mua những món không có trong kế hoạch chi tiêu ban đầu và mua với cái giá “tưởng là sale mà không thực sự sale”.

Nhưng làm sao để có thể đảm bảo khả năng tiết kiệm cao nhất? Dưới đây là một số lời khuyên nằm trong “cẩm nang mua hàng sale” đã được xây dựng từ những ngày lăn lê chọn đồ “xả kho” của tôi.

1. Chuẩn bị trước mỗi mùa sale

Các đợt giảm giá mạnh thường cố định vài lần trong năm (như Black Friday, Giáng Sinh, cuối năm dương lịch, cuối năm âm lịch…). Khoảng 1-2 tháng trước thời điểm này, bạn nên chuẩn bị sẵn một danh sách những món đồ mình muốn mua và tham khảo giá từng món, ghi chú vào đâu đó để có thể xem lại khi cần.

Khi “cơn bão sale” tới, tập trung mua những món thiết yếu trước. Đối chiếu với danh sách đã có sẵn, với những món mình thực sự cần mà đang được chào bán với giá thấp hơn bình thường, bạn có thể cân nhắc mua chúng.

Nếu những món bạn cần ngay mà lại không được sale trong đợt giảm giá này, bạn có thể dùng đó là điều kiện để thương lượng với người bán, ví dụ: “Đợt này cửa hàng/thương hiệu giảm giá nhiều mặt hàng quá mà riêng món đồ này lại không thấy giảm. Mình có thể ưu đãi thêm cho khách hàng gì trong đợt này không?”

Rất nhiều trường hợp, vì đang trên đà giảm giá, người bán sẵn sàng đưa ra mức chiết khấu đặc biệt để giữ chân khách. Bằng cách này, bạn đảm bảo có thể mua những món mình cần với giá “yêu thương” nhất.

2. Cân nhắc kỹ khi mua những món đồ ngoài dự tính

Trong quá trình mua sắm, sẽ có những món không thuộc danh sách ban đầu, hay những món bạn không thực sự cần nhưng lại đột xuất yêu thích và muốn mua. Điều này là tâm lý hoàn toàn bình thường.

Để đảm bảo tính tiết kiệm cao nhất, bạn nên cân nhắc một số câu hỏi trước khi mua: “Mình muốn mua món này là vì chất lượng món đồ hay chỉ vì nó đang sale?”, “Mình có thể dùng được món đồ này trong bao lâu?”, “Nó có mang lại giá trị tích cực gì cho cuộc sống của mình không?”

Nếu có thể, cầm món đồ lên quan sát, ướm thử (nếu ở cửa hàng) và đọc review sản phẩm (nếu ở trên mạng) trước khi quyết định mua.

3. Không bao giờ, không-bao-giờ, vay nợ chỉ để mua sale

Dù giảm giá có sâu đến thế nào, nó cũng không thể bằng cái giá bạn phải trả khi vay nợ tiền (tín dụng, gia đình, bạn bè) để mua sắm. Chỉ nên mua trong hạn mức số tiền có sẵn, với tính toán chi tiêu rõ ràng.

Nếu bạn thực sự không có tiền dư để mua sắm, hãy tạm ngừng ra ngoài phố, bớt lên mạng xem hàng hoá giữa đợt sale để tránh bị quảng cáo lôi kéo. Đừng cảm thấy FOMO! Sẽ vẫn luôn có đợt sale khác chờ đón bạn!

Tóm lại, giảm giá chỉ đồng nghĩa với tiết kiệm khi bạn có chiến lược chi tiêu rõ ràng, hiểu mình cần gì và muốn gì, và biết “sức khoẻ tài chính” của mình đang ở mức nào. Những đợt “bão sale” có thể đem lại niềm vui cho cả người bán lẫn người mua nếu đôi bên trao đổi trong minh bạch, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau.