New job stress - Công việc mới, nỗi lo mới | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 02, 2023
Tâm Lý Học

New job stress - Công việc mới, nỗi lo mới

Bạn háo hức vì sắp bắt đầu công việc mới, nhưng cũng lo lắng vì không thể đoán được điều gì đang chờ đợi phía trước.
New job stress - Công việc mới, nỗi lo mới

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Sau Tết là thời điểm không ít người bắt đầu công việc mới. Bạn háo hức chuẩn bị, nhưng cũng lo lắng khi không biết ngày đầu tiên sẽ ra sao, công việc thế nào và đồng nghiệp có dễ chịu hay không. Trong nhiều trường hợp, niềm hứng khởi ban đầu nhanh chóng biến thành căng thẳng tột độ, khiến bạn không thể thoải mái bắt đầu công việc mới.

Đáng chú ý là dù bạn có chuyển việc bao nhiêu lần, hiện tượng này vẫn có thể xảy ra như trong lần đầu tiên. Nên làm gì để vượt qua giai đoạn căng thẳng này?

New job stress là gì?

Còn gọi là new job anxiety, đây là phản ứng căng thẳng, lo lắng khi bạn bắt đầu một công việc mới. Nó thuộc dạng lo lắng dự đoán (anticipatory anxiety) - nỗi sợ trước những điều tồi tệ có thể xảy ra, thường tập trung vào các yếu tố bạn không thể dự đoán hoặc kiểm soát.

Ngoài chuyển việc, new job stress còn có thể xảy ra khi bạn vẫn làm công việc/công ty cũ, nhưng chuyển sang một văn phòng mới. Một trường hợp khác là bạn chuyển từ làm việc remote đến văn phòng. Dù trước đó đã tương tác với đồng nghiệp qua mạng, nhưng lần đầu gặp họ ngoài đời vẫn sẽ khiến bạn hồi hộp và lo lắng ở mức độ nhất định.

Theo Healthline, một số biểu hiện của new job stress bao gồm:

  • Mất tập trung, hay quên, khó quản trị cảm xúc và tâm trạng
  • Mất ngủ, đau đầu, căng cơ và chán ăn
  • Nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất và lên các kế hoạch đối phó.

Nguyên nhân dẫn đến new job stress

Não cảnh giác hơn trước yếu tố khó đoán

Não bộ luôn thích những gì dễ đoán, để từ đó lên kế hoạch hành động phù hợp. Yếu tố này không tồn tại ở một công việc mới. Bạn không thể đoán trước về phong cách làm việc của sếp và các đồng nghiệp mới, tính chất công việc mới và 7749 “luật ngầm” ở nơi làm việc mới.

Điều này khiến não “bật chế độ” cảnh giác cao độ. Đây vốn là bản năng tự vệ của con người, bởi khó đoán đồng nghĩa với nguy hiểm tiềm tàng. Giống như cách tổ tiên chúng ta cảnh giác hơn khi bước vào một khu rừng lạ, phản ứng này giúp bạn để ý nhiều hơn đến cách ăn mặc, cử chỉ của chính mình để gây ấn tượng tốt đẹp trong ngày đầu tiên.

Ngoài ra theo chuyên gia thần kinh Michael DeGeorgia, não có thể ghi nhận ngày đầu tiên đi làm là tình huống khiến bạn dễ bị phán xét. Điều này khiến lượng cortisol tăng cao, làm “tắt nguồn” thùy trước trán (frontal lobe) - cơ quan chuyên sắp xếp trí nhớ trong não. Đây là nguyên nhân bạn trở nên hay quên và mất tập trung.

Giang sơn khó đổi, thói quen khó dời

Khi còn làm công việc cũ, bạn đã hình thành một vài thói quen có thể thực hiện hàng ngày như được lập trình sẵn. Khả năng này trong tâm lý học gọi là bản năng thứ hai (second nature), nó giúp bạn “vận hành” mà không tốn quá nhiều nơron thần kinh vào công việc.

Nhưng khi bắt đầu công việc mới, bạn buộc phải ngắt “chế độ tự lái” này để khởi động một chu trình khác. Quá trình chuyển hóa này không hề dễ dàng. Nó buộc bạn phải tập trung để liên tục học hỏi các quy định mới, ghi nhớ những gương mặt/cái tên mới và đôi khi loại bỏ những thói quen cũ để vào việc nhanh chóng. Tất cả những điều này có thể khiến bạn bị quá tải, từ đó gây ra phản ứng căng thẳng.

03feb2023intext1jpg
Nếu trở lại làm việc sau một kỳ nghỉ, não cần một thời gian để thoái khỏi "trạng thái nghỉ ngơi".

Bên cạnh đó, không ít người bắt đầu công việc mới sau một kỳ nghỉ lễ, nghỉ thai sản hoặc những khoảng nghỉ khác trong sự nghiệp. Tùy thuộc vào độ dài của khoảng nghỉ, não bộ sẽ cần một thời gian để “thoát” khỏi trạng thái nghỉ ngơi và tái khởi động chế độ làm việc. Căng thẳng và lo lắng cũng là những phản ứng thường thấy trong trường hợp này.

Làm gì để vượt qua new job stress?

New job stress vốn là phản ứng có lợi, bởi nó giúp bạn để ý hơn tới chính mình và phản ứng của các đồng nghiệp mới để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên khi quá căng thẳng, bạn dễ làm việc kém hiệu quả hơn, thậm chí bị suy giảm miễn dịch. Bạn có thể thử một vài biện pháp sau để giúp bạn “chill” hơn trong những ngày đầu công việc mới:

Tìm ra nguồn gốc nỗi lo

Bước đầu tiên giúp bạn vượt qua nỗi lo là đào sâu vào để tìm ra gốc rễ của nó. Bạn có thể viết ra giấy để thực sự “nhìn” thấy chúng, từ đó nhanh chóng tìm ra hướng xử lý phù hợp.

Nếu bạn không biết nên mặc gì, thử nhớ lại ngày bạn đến phỏng vấn xem mọi người ăn mặc thế nào. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một phần giới thiệu bản thân ngắn gọn để sử dụng khi cần thiết. Cách này giúp bạn trở nên tự tin hơn, nhanh chóng ghi điểm với các đồng nghiệp mới.

Tạo sự quen thuộc ở chỗ làm mới

Để giúp não nhanh chóng kích hoạt “bản năng thứ hai” trở lại, bạn cần nhanh chóng làm quen với công ty mới. Một số mẹo bạn có thể tham khảo bao gồm:

-Tới cơ quan 1-2 ngày trước ngày bắt đầu để quen đường, cũng như tìm ra quãng đường thuận tiện nhất để đi. Điều này quan trọng nếu bạn là dân chơi hệ “mù đường”, bởi việc đi muộn ngay ngày đầu vừa khiến bạn thêm lo lắng, vừa dễ để lại ấn tượng xấu.

-Bố trí góc làm việc gần giống như ở công ty cũ. Như vậy bạn sẽ không mất nhiều thời gian “định vị” các tài liệu/dụng cụ của mình, và cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc. Tương tự, nếu bạn phải chuyển đến thành phố khác, cố gắng sắp xếp phòng mới sao cho giống ở nhà hết sức có thể. Cách này giúp bạn nhanh chóng “vận hành” lịch trình buổi sáng để sẵn sàng cho ngày mới.

03feb2023intext2jpg
Để tạo sự quen thuộc, bạn nên bố trí góc làm việc gần giống với ở công ty cũ.

-Nếu có thể, kết nối và trao đổi cùng các đồng nghiệp mới trên LinkedIn trước khi bạn đi làm. Bước này giúp bạn bớt bỡ ngỡ khi gặp họ trong ngày đầu tiên, thậm chí nắm được một vài “quy tắc ngầm” cần lưu ý để tạo ấn tượng tốt hơn.

Cho phép bản thân sai

Bạn đang trong giai đoạn làm quen công việc mới, vì vậy mắc sai lầm là điều dễ hiểu. Mỗi lần như vậy, bạn bình tĩnh nhờ đồng nghiệp hướng dẫn và ghi chép kỹ lại để không tái diễn. Nên nhớ rằng giai đoạn này chỉ là tạm thời, và bạn sẽ sớm quen việc sau vài tuần.

Sau này nhìn lại bạn sẽ nhận ra, thực tế thời gian đầu lại là thoải mái nhất, bởi lúc này bạn chưa phải đối mặt với lượng công việc lớn và những vấn đề phức tạp khác.