Ngành quảng cáo sáng tạo: Làm sao để dấn thân mà không vỡ mộng? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 01, 2020
Sáng TạoTruyền Thông

Ngành quảng cáo sáng tạo: Làm sao để dấn thân mà không vỡ mộng?

Ảnh hưởng to lớn và vẻ ngoài hào nhoáng của ngành sáng tạo chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế bên dưới là gì? Chia sẻ của người làm sáng tạo như sau.

Ngành quảng cáo sáng tạo: Làm sao để dấn thân mà không vỡ mộng?

Bạn là sinh viên mới ra trường? Bạn có cá tính mạnh mẽ và một “bầu” ý tưởng mới lạ? Bạn thích môi trường làm việc thoải mái, không gian đẹp như mơ cùng mức lương cao?

Và những sáng tạo không giới hạn như thế này là điều bạn mong mỏi?


Nếu câu trả lời là “có” cho tất cả điều trên, chắc hẳn, ngành quảng cáo – truyền thông sẽ là bến đỗ phù hợp. Hoặc chí ít, bạn đang nghĩ vậy.

Thực sự, ngành “sáng tạo” có tuyệt vời đến thế? Tìm hiểu 4 điều sau rồi hẵng kết luận nhé.

Làm truyền thông sáng tạo cũng giống làm nghệ thuật?

Rất nhiều bạn nghĩ công việc làm quảng cáo – truyền thông giống như làm nghệ thuật, phải bay, phải phiêu hết mình cùng những ý tưởng độc, lạ chưa từng có.

Đến khi nhận brief (bản yêu cầu sáng tạo) và phải trình bày ý tưởng lên các anh chị senior (nhân viên sáng tạo cấp cao) hoặc CD (Creative Director – giám đốc sáng tạo) thì lúc ấy mộng mới vỡ tan tành. Bao nhiêu ý tưởng xương máu phải bỏ đi hết. Lúc đó, tâm hồn thương tổn, cái tôi ấm ức, các bạn nghĩ rằng mình vào nhầm công ty, rằng không ai hiểu được ý tưởng “siêu chất” của mình.


View this post on Instagram



We had a laugh when reading this, because they're spot on. Yesterday we found the perfect poster in the Boardroom where we hosted the Storytelling Masterclass. Which idea killer do you hear most often? – – #ideakiller #innovation #agencylife #masterclass #storytelling #brainstorm #idea #concepting #office #sbs #somefun #amsterdam #boardroom
A post shared by Get your growth (@getyourgrowth) on Oct 18, 2017 at 1:29am PDT

Chuẩn bị tinh thần đi vì đây sẽ là những câu “giết” ý tưởng phổ biến bạn được nghe đấy.

Cốt lõi ở đây là bạn chưa hiểu bản chất và mục tiêu của ngành truyền thông quảng cáo!

Ngành quảng cáo – truyền thông sinh ra để giải quyết vấn đề cho những nhãn hàng. Sẽ không thương hiệu nào bỏ tiền tỷ ra để một nhân viên quảng cáo làm một bức hình, quay một bộ phim thể hiện nét màu sáng tạo cá nhân của họ cả.

Vì thế, trước khi trình bày ý tưởng, hãy thử hít một hơi dài, sau đó xét kĩ xem ý tưởng của mình đã thực sự giải quyết vấn đề cho khách hàng chưa. Suy cho cùng, sự sáng tạo trong agency (công ty quảng cáo) là một sự sáng tạo yêu cầu tính logic rất cao, tựa như làm toán vậy.

Ngành sáng tạo làm rất vui, chẳng áp lực gì?!

Nếu bạn theo trường phái “lãng mạn”, có lẽ ngành quảng cáo không phải lựa chọn trong mơ. Đây là một ngành có sự đào thải rất cao và áp lực mỗi ngày cực lớn, áp lực từ deadline (hạn chót phải hoàn thành công việc), từ khách hàng, từ các bộ phận trong công ty và nhiều khi, là từ chính bản thân.

Thời đại digital hiện nay, những bài viết kể khổ, tâm tình chuyện “khó nói” trong giới agency nhiều vô kể. Nếu nghĩ đó chỉ là đùa cho vui, thì bạn đã lầm!

Bọn con đi họp về xong cũng không mất gì trừ niềm tin.#deadlinetrongngay #vietartmemes #emyeuhoihoa—Tranh của Mai Trung Thứ (1906 – 1980).
Posted by Deadline trong ngày on Sunday, 1 December 2019

Một trong những cách sáng tạo để giới quảng cáo bày tỏ những nỗi niềm khó nói khi đi làm.

Có những lúc deadline cận kề mà đầu óc bạn vẫn trống rỗng hay dự án tưởng chừng xong xuôi nhưng lại đổi đề bài vào phút cuối… Rất rất nhiều chuyện bất ngờ có thể xảy ra trong ngành này. Vì thế, hãy xét xem bản thân có chấp nhận và ứng phó được các tình huống này không rồi hẵng bước chân vào.

Một ý tưởng xuất chúng của bạn sẽ thay đổi bộ mặt ngành quảng cáo?

Tinh thần trên rất đáng hoan nghênh, nhưng có điều…

Nói “ý tưởng này của tôi” là một điều hết sức trẻ con.
– Trích lời Sói Ăn Chay – một copywriter (chuyên viên sáng tạo nội dung) kì cựu.

Đầu tiên, sáng tạo chưa bao giờ là cuộc chơi của riêng cá nhân nào. Để một ý tưởng thành hình và ra ngoài đời sống, cả đội ngũ sáng tạo phải cùng lao vào làm, đóng góp cái này, thêm bớt cái kia. Vì thế, một sản phẩm sáng tạo luôn là công sức cả tập thể chứ không bao giờ là “ý tưởng của riêng tôi”.


Sản phẩm quảng cáo là sự đóng góp của rất nhiều con người chứ không riêng gì một cái đầu xuất chúng.

Thứ hai, không có ý tưởng đột phá nào có thể dễ dàng vượt qua “đôi mắt kiểm duyệt” đầy khắt khe của đội ngũ bên nhãn hàng. Sẽ có những âu lo, nghi ngờ, thậm chí sợ hãi nếu ý tưởng quá mới lạ và đột phá.

Nếu ý tưởng của bạn có thể sống sót đến khi bước chân ra đời sống, xin chúc mừng! Còn nếu không cũng đừng buồn, đó chính là thực trạng của ngành. Sáng tạo, đòi hỏi rất nhiều sự dũng cảm. Và khách hàng, phải là những người dũng cảm nhất!

Làm sáng tạo chắc lương cao lắm?

Cũng như mọi ngành nghề khác, ngành quảng cáo – truyền thông cũng là một công việc văn phòng bình thường, không thượng đẳng hơn. Vì thế, so với mặt bằng chung, mức lương trong ngành chỉ nhỉnh hơn đôi chút chứ không hề “cao tít”.


Chuyện lương bổng khi vừa bước chân vào ngành truyền thông – quảng cáo như thế nào?

Tất nhiên, ở đâu cũng vậy, ngành nào cũng thế, nếu là một người xuất chúng, bạn chắc chắn có được thu nhập tương xứng. Nhưng sẽ không bao giờ có chuyện ngồi mát ăn bát vàng. Muốn lương cao, bạn chắc chắn phải thể hiện bản thân xứng đáng với những trọng trách được giao.

Bài viết được thực hiện bởi Quang Anh.

Xem thêm:

[Bài viết] Ask A Senior: Giám đốc Sáng tạo của Ogilvy Tiên Võ chia sẻ về ngành quảng cáo

[Bài viết] Ask A Senior: Sói Ăn Chay và trăn trở của người làm sáng tạo