Nhịn khi nào và nhịn ra sao? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 08, 2022

Nhịn khi nào và nhịn ra sao?

Biết rằng "một sự nhịn chín sự lành" nhưng khi nào thì mình nên nhịn? Nhẫn nhịn khác với chịu đựng.
Nhịn khi nào và nhịn ra sao?

Nguồn: cottonbro/Pexels

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào.”

Người xưa quả là bậc thầy trong việc chọn lựa từ ngữ, tạo các thông điệp ngắn gọn để truyền đạt những bài học sâu sắc trong cuộc sống.

Sự ngắn gọn này tuy dễ hiểu, nhưng đôi khi lại khó áp dụng. Con voi hình thù thế nào thì biết rồi, nhưng trong cuộc sống những hoàn cảnh nào ta nên tránh tranh cãi?

Bài viết này tổng hợp những “con voi” mà mình quan sát được, những tình huống mình cố gắng tự nhắc nhở nên nhẫn nhịn lùi một bước.

1. Khi đối phương có quyền lực hơn mình

ldquoMigravenh coacute chịu được hậu quả của cuộc chiếnrdquo
“Mình có chịu được hậu quả của cuộc chiến?”

Quyền lực ở đây bao gồm: vị thế xã hội như ba mẹ, sếp, vị thế thể chất như người có cơ thể cao lớn, khoẻ mạnh hơn, có vũ khí,...

Cậu bạn tôi hay kể về chuyện lúc còn đi học, cậu cứ hay tranh cãi với thầy của mình rồi bị điểm kém. Sau này ra đi làm, cậu vô tình gặp lại thầy. Lúc này thầy mới tâm sự với cậu rằng:

“Lúc đấy em có thể đúng, nhưng thầy lại là người có quyền lực hơn, thiệt thòi vẫn là em.”

Chẳng có gì sai khi bạn bảo vệ cái tôi – niềm tin cá nhân, và mình rất ủng hộ bạn làm việc đó. Nhưng đừng quên rằng, khi phải đứng trước cuộc tranh luận với “con voi” có sức mạnh hơn mình, thử chậm lại một chút để tự hỏi: “Mình có chịu được hậu quả của cuộc chiến?”

Bạn cãi thắng trong một vụ quẹt xe, nhưng nếu đối phương manh động làm bạn tổn thương thì sao? Bạn cãi thắng trong công việc với sếp, nhưng nếu lỡ như sếp là người thù dai và xấu tính thì sao?

À, cũng xin đừng hiểu sai ý mình. Không phải là bạn phải im lặng để chịu thiệt thòi, chỉ cần dừng lại một vài giây để đừng phản ứng thái quá.

Chẳng hạn, khi bị một người lạ vô tình va quẹt trên đường, nếu là chuyện nhỏ, hãy bỏ qua. Khi sếp không đồng tình với một quyết định hay nguyện vọng nào đó của bạn, bạn có thể nhẹ nhàng từ tốn trình bày quan điểm của mình và lắng nghe thêm góc nhìn của sếp. Vì để có thể làm sếp, bản thân họ cũng có lý luận của riêng mình.

Nếu bạn đã cố gắng mà kết quả vẫn không có gì thay đổi thì có thể nhờ đến sự trợ giúp hoặc tư vấn người khác - một người có vị thế quyền lực cao hơn bạn, và ngang hàng với đối phương chẳng hạn.

2. Khi bạn coi trọng mối quan hệ hơn chuyện đúng - sai, thắng - thua

nếu thứ migravenh cần nhất ở họ lagrave tigravenh thacircn thigrave hagrave cớ gigrave lại đặt chuyện đuacuteng sai lecircn trecircn hết
Nếu thứ mình cần nhất ở họ là tình thân, thì hà cớ gì lại đặt chuyện đúng sai lên trên hết?

Lời xin lỗi thường khó nói. Nó lại càng khó khi ta không có lỗi. Nhưng có những tình huống mà một lời xin lỗi có thể giải quyết được rất nhiều. Đó là lúc ta xin lỗi không phải để nhận lỗi, mà để thể hiện rằng ta trân trọng mối quan hệ này hơn chuyện đúng sai.

Cái tôi của mình đôi lúc sẽ cao ngất trong một số chủ đề tranh luận nhất định. Cái tôi đó sẽ thúc mình đi tới cùng để bảo vệ quan điểm. Giữa những lúc như vậy, mình nhận ra mình có thể chậm lại để tự hỏi: “Bảo vệ được quan điểm mình xong thì sao?”

Ví như mối quan hệ của mình và mẹ, chẳng có quan điểm nào của mình lại quan trọng hơn việc hai mẹ con vui vẻ với nhau. (Mặc dù đôi khi mình cũng hay kiên trì cà khịa bà lắm).

Vì vậy mình luôn nghĩ kỹ về vị trí của đối phương trong cuộc sống của mình. Nếu họ đủ quan trọng, nếu thứ mình cần nhất ở họ là tình thân, thì hà cớ gì lại đặt chuyện đúng sai lên trên hết?

3. Khi biết rằng bạn luôn có thể sai và đối phương có ý tốt

caacutech ta chọn luocircn coacute thể sai magrave nếu đuacuteng thigrave cũng chưa chắc lagrave caacutech phugrave hợp nhất
Cách ta chọn luôn có thể sai, mà nếu đúng thì cũng chưa chắc là cách phù hợp nhất.

Ba cộng sáu bằng chín, mà năm cộng bốn cũng bằng chín. Có nhiều cách để đạt được một mục tiêu.

Việc cần làm là cân nhắc để chọn lựa đâu là cách tạo ra nhiều giá trị nhất. Học cách phân biệt giữa lời chỉ trích và sự góp ý để xây dựng thái độ phù hợp, để kiên nhẫn lắng nghe người có quan điểm trái chiều, đương nhiên là khi ý định của họ là tốt cho mục tiêu chung.

Hãy nhẹ lòng để nhớ rằng cách ta chọn luôn có thể sai, mà nếu đúng thì cũng chưa chắc là cách phù hợp nhất. Sự nhẫn nhịn lúc này sẽ tạo cơ hội để ta phát triển.

4. Khi đối phương là người bạn muốn hiểu hơn

Để hiểu một người hatildey quan saacutet họ khi lợi iacutech của họ bị tổn hại
Để hiểu một người, hãy quan sát họ khi lợi ích của họ bị tổn hại.

Con người có xu hướng bày ra cho người khác thấy những mặt tốt của mình. Nếu không có những cuộc tranh luận, chúng ta thường chỉ thấy những mặt tốt đó.

Do đó, vào những lúc dường như đang có "bất hoà", bạn có thể tận dụng cơ hội, khoan hãy lập tức tranh cãi mà bình tĩnh lắng nghe, khai thác thêm để hiểu được tầm nhìn, tính cách, động cơ làm việc và mối quan tâm của người đối diện.

Nếu cuộc tranh luận là giữa người bạn quan tâm và một người khác, khoan hãy can thiệp, mà chậm rãi quan sát xem họ làm gì với người kia. Nhất là khi người bạn quan tâm có nhiều sức mạnh hơn “đối thủ” của họ.

5. Khi đối phương đang ở trong hoàn cảnh khó khăn

Nhường nhịn cũng lagrave một moacuten quagrave
Nhường nhịn cũng là một món quà.

Năm 2018, mình bị một chiếc xe trộn xi măng tông khi đang dừng đèn đỏ ở làn đường dành cho xe máy. Tai nạn đó có thể đã lấy đi tính mạng của mình, nếu khung xe của mình không đủ cứng để dừng chiếc xe nặng chục tấn cán qua.

Lúc đó mình đã đưa ra một quyết định, mà nhiều người cho rằng là quá cảm tính - là bỏ qua cho tài xế, sau khi mình nghe được cuộc điện thoại của anh với vợ. Anh dặn chị đi cầm chiếc nhẫn cưới để xoay xở. Hình nền điện thoại của anh là cô con gái còn nhỏ tầm lớp 4 lớp 5.

Chẳng có đạo lý gì ở đây cả, và mình cũng không phải là một người giàu có hào phóng gì cho cam. Khi vừa xảy ra tai nạn, nghĩ tới việc công việc sẽ bị ảnh hưởng, rồi phải chi tiền để sửa chiếc xe, mình cũng cực kỳ bực tức, chắc mẩm phải có ai đó chịu hậu quả cho việc này.

Nhưng mình không muốn vợ và đứa con gái của anh là người phải chịu việc đó.

Cuộc sống dường như luôn khó khăn với tất cả mọi người. Thế nên, mình nghĩ nếu có thấy ai đó đang chật vật xoay sở về vật chất, hay cảm xúc (mất người thân, thất tình, công việc đang có vấn đề,…) thì nhường nhịn cũng là một món quà mình có thể gửi đến họ.

Những suy nghĩ cuối

Suy cho cùng nhẫn nhịn là kết quả của việc chúng ta quản lý được cảm xúc, từ đó tránh được rất nhiều rắc rối và tổn thương vô nghĩa. Cứ lao mình vào những cuộc tranh cãi, bất luận lớn, nhỏ sẽ nuôi dưỡng cái tôi ngày càng lớn. Mình sẽ trở nên bảo thủ, bất ổn về cảm xúc và đôi khi lỡ mất cơ hội cho những mục tiêu quan trọng.

Trên nhẫn nhịn một bậc là chịu đựng. Khi đó lại có hai tình huống:

#1: Chịu và đựng, là chấp nhận và chứa đựng. Ta chấp nhận những khó khăn, thử thách và mở rộng tâm can để chứa đựng ngày càng nhiều.

#2: Chịu đựng, là cam chịu sự thiệt thòi. Ta biết rằng luôn có những sự lựa chọn khác, nhưng lại không đủ dũng cảm để chọn lấy, rồi cứ thế mà bất mãn.

Mong rằng bạn tìm được vài điều hữu ích trong bài viết này.