Nỗi hổ thẹn, chúng mang lại giá trị gì? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 10, 2021
Tâm Lý Học

Nỗi hổ thẹn, chúng mang lại giá trị gì?

Theo Mark Manson, nỗi hổ thẹn có thể là động lực để ta hoàn thiện bản thân.

Nỗi hổ thẹn, chúng mang lại giá trị gì?

Nguồn: Kinga Cichewicz/Unsplash

Tiếp nối "Nỗi hổ thẹn, chúng đến từ đâu?", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “The Best Way to Resolve Your Shame” được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Nghịch lý của sự hổ thẹn và tội lỗi

Có thể bạn đang nghĩ "Thế thì, Manson, nếu nhờ vào hổ thẹn và tội lỗi mà ta không biến thành kẻ tồi tệ, tại sao chúng cũng khiến ta tổn thương, không cách này thì cách khác?"

Tôi xin nhắc lại, cảm xúc — tất cả chúng — là con dao hai lưỡi. 

Không có cái gọi là cảm xúc "tốt" hay "xấu", chỉ có lý do tốt và xấu cho một cảm xúc.

Ví dụ, hạnh phúc thường được coi là một cảm xúc tốt. Nhiều người nói rằng chúng ta nên tối đa hóa hạnh phúc hết sức có thể. 

Nhưng nếu tôi thấy hạnh phúc nhất khi hành hạ con mèo nhà hàng xóm, thì hạnh phúc của tôi không phải là cảm xúc thiện chí. Tương tự, nếu tôi mặc cảm về ngoại hình của mình, khi tôi có niềm tin phi lý là cơ thể mình xấu xí và cố gắng che giấu nó bằng mọi giá thì đó là một dạng hổ thẹn không lành mạnh.

Nhưng nếu tôi cảm thấy hổ thẹn vì đã lừa dối bạn gái hồi đại học và từ đó tránh làm tổn hại lòng tin trong các mối quan hệ hiện tại, thế thì hổ thẹn cũng có thể trở thành cảm xúc tốt, bởi vì nó giúp tôi kiểm soát chính mình. 

Đúng vậy, sự hổ thẹn gây tổn thương và khiến chúng ta không thích nhiều khía cạnh của bản thân. Nhưng nó cũng là một hình thức răn đe tinh thần đối với hành vi xấu. Nhiều năm trước, tôi đã phá vỡ một mối quan hệ quan trọng trong đời mình và giờ nỗi hổ thẹn về nó giúp tôi không làm phương hại đến các mối quan hệ hiện tại. Đó là khi hình thức hổ thẹn lành mạnh được phát huy.

Sự hổ thẹn bị mang tiếng như vậy là vì rất nhiều người trong chúng ta vẫn “ghim” nó với những lý do tiêu cực. Hầu hết nguyên nhân đến từ văn hóa hoặc gia đình nơi chúng ta lớn lên. 

Nỗi hổ thẹn thường bị liên hệ đến những điều tiêu cực. | Nguồn: Unsplash

Chúng ta bị phán xét khắc nghiệt vì dáng mũi “trông tức cười”, vì vậy khi lớn lên chúng ta có những phức cảm kỳ quặc về gương mặt mình. Để rồi ta thực hiện 11 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nhằm cố gắng che đậy điều đó. 

Hoặc khi bị chế giễu vì sự nhạy cảm, chúng ta lớn lên với cảm xúc dần trở nên chai sạn và cứng nhắc.

Hoặc nếu lớn lên trong một giáo phái hà khắc khiến bản thân hổ thẹn vì bất kỳ ý nghĩ nào về tình dục, những mộng tưởng và khao khát thể xác của ta trở thành nỗi xấu hổ mãnh liệt.

Ở mức độ cá nhân, ta phải nhìn vào gốc rễ của sự hổ thẹn và đánh giá liệu chúng có hữu ích hay không. Nếu có, ta cần học cách chấp nhận và sống với chúng. Nếu không, ta phải dứt bỏ chúng và bắt đầu lại.

Chúng ta cũng trải qua quá trình này ở mức độ văn hóa. Trong nhiều thế kỷ, đồng tính luyến ái bị coi là điều đáng hổ thẹn. Nhưng vài thế hệ gần đây, những cá nhân dũng cảm đã đứng lên khẳng định rằng không, họ không nên hổ thẹn về giới tính của mình, cũng như xã hội không nên hổ thẹn vì điều đó. Và nó đã có tác dụng. Các chuẩn mực văn hóa được thay đổi, chúng ta ngày càng dễ chấp nhận hơn. Đối với hầu hết mọi người thuộc các xã hội phát triển phương Tây, đồng tính luyến ái không còn bị coi là điều gì đó cấm kỵ hay đáng hổ thẹn nữa.

Vì vậy, làm thế nào để chúng ta thực hiện quá trình này cho chính mình? Làm thế nào để chúng ta nhổ sạch gốc rễ của hổ thẹn và vứt bỏ xiềng xích oán hận bản thân?

Rất vui vì bạn đã hỏi… Nhưng trước khi nói đến đó, tôi muốn nói qua một vấn đề đi kèm vừa quan trọng vừa liên đới. Vâng, đó chính là chủ đề bàn luận yêu thích của mọi người: sự ái kỷ.

Khi hổ thẹn trở thành ái kỷ

Có một điểm nhấn thú vị đối với hổ thẹn mà dường như không tồn tại với bất kỳ cảm xúc nào khác, đó là những cảm xúc khác sẽ tan biến theo thời gian. Có thể hôm nay bạn cảm thấy xấu hổ vì trót nói hớ tại cơ quan, nhưng sang tuần sau bạn lại cười với đồng nghiệp về điều đó. Có thể bạn rất vui vì đã thắng Bingo tối qua, nhưng đến giờ ăn trưa bạn đã hết thấy nó vui rồi.

Dù tốt hay tệ hơn, cảm xúc dường như không bao giờ kéo dài. Tuy nhiên chẳng hiểu sao, nỗi hổ thẹn thì cứ nán lại, trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, thậm chí cả đời.

Và không chỉ dai dẳng, nó còn âm ỉ đau. Giống như một loại nấm chết người, bằng cách nào đó, nó ăn mòn và độc hại hơn theo thời gian.

Bởi hổ thẹn không chỉ đơn thuần là cảm xúc. Nỗi hổ thẹn một phần cũng được định nghĩa bởi cá nhân — nó chính là cách mà ta nhìn nhận mình. Nếu ta thấy mình thật tồi tệ và không xứng đáng, cảm giác hổ thẹn sẽ kéo dài tới vô hạn trong tương lai.

Nỗi hổ thẹn một phần cũng được định nghĩa bởi cá nhân — nó chính là cách mà ta nhìn nhận mình. | Nguồn: Unsplash

Ngoài ra, hổ thẹn dai dẳng còn có một khía cạnh khác. Khi thời gian qua đi, chúng ta bắt đầu tự thuyết phục rằng nỗi hổ thẹn của mình thật đặc biệt và độc nhất. Trong thời gian dài chúng ta cảm thấy bản thân ghê tởm theo cách mà ta không thấy ở người khác. Do đó, chúng ta dường như được vũ trụ ấn định để gánh chịu lời nguyền này, là kẻ được chọn trong số nhiều người. 

Tự cho rằng “chỉ riêng mình ta” mắc lỗi hoặc thiếu sót quả là một gánh nặng tâm lý khó nhằn. Nó thật mệt mỏi và giam hãm ta trong cảm xúc lo âu và tội lỗi triền miên. Kết cục là tâm trí ta tuyệt vọng tìm kiếm những phương pháp đối phó, và nó thường diễn ra theo một trong hai cách: 

1. "Tôi là một kẻ chẳng ra gì và thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi."

Hoặc:

2. “Thế giới thật tồi tệ khi đối xử với tôi như vậy và tôi sẽ trả đũa nó.”

Ái kỷ là khi ta tin rằng mình có quyền được đối xử đặc biệt bởi vì bản chất của ta khác với mọi người xung quanh. Ái kỷ có thể dựa trên niềm tin thượng đẳng phi lý, nhưng nó cũng có thể dựa trên cảm giác thấp kém phi lý.

Dù trên bề mặt hai điều này có vẻ trái ngược, song chúng đều dẫn đến kết quả như nhau: tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ”, đánh sập mọi nhận thức và thấu cảm. Giống như một cái hố đen, ái kỷ nuốt chửng ánh sáng xung quanh và chẳng bao giờ tự soi rọi hay giải phóng mình khỏi sức hút mãnh liệt của tuyệt vọng.

Một khi hổ thẹn biến thành ái kỷ, nó càng khó bị đánh bật hơn. Bởi vì người ái kỷ đã tự thuyết phục bản thân rằng hổ thẹn không hẳn là hổ thẹn — mà đó là điều khiến họ trở nên đặc biệt, độc đáo, đáng được chú ý và cảm thông ngay từ đầu.

Kết quả là: các mục sư nhà thờ thúc giục đàn áp những người đồng tính luyến ái thật ra cũng đang che giấu xu hướng tính dục của mình, những người từng bị lạm dụng trở thành kẻ nghiện tình dục, những kẻ bắt nạt nạn nhân tin vào lời biện minh cho bạo lực. Tất cả những niềm tin và hành vi hai mặt, trái ngang của con người mà bạn và tôi thường thấy, nếu tua ngược cuốn băng đủ xa, chúng hiện hình thành một trải nghiệm hổ thẹn nào đó.

Đối phó với hổ thẹn và tội lỗi

Bản thân hổ thẹn không nhất thiết là thiếu lành mạnh, mà chính bối cảnh xung quanh khiến nó trở nên không lành mạnh. Đó là lý do khiến chúng ta hổ thẹn, cũng như cách mà chúng ta chọn để đối phó với hổ thẹn đã khiến nó trở nên độc hại.

Chôn vùi, che giấu, giả vờ như nó không tồn tại và chưa bao giờ xảy ra là những cách không lành mạnh để xử lý nỗi hổ thẹn. Nhìn chung, chôn vùi bất kỳ cảm xúc nào cũng không tốt, nhưng chôn giấu nỗi hổ thẹn còn trao cho nó sức mạnh để kiểm soát bạn.

Thay vào đó, những gì chúng ta cần làm là chiều ngược lại: phơi bày sự hổ thẹn của mình, chia sẻ nó, cởi mở về những khiếm khuyết của bản thân để chúng không còn giam cầm ta. Đây là một quá trình lành mạnh nhằm củng cố lòng tự trọng và cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn.

Nếu sự hổ thẹn của bạn là vô lý — nghĩa là khi bạn hổ thẹn về những điều mà bạn không nên — việc chia sẻ điều đó khiến bạn nhận ra nó dư thừa thế nào. Bạn sẽ thấy mọi người không hề chế giễu bạn, thế giới không hề ghét bạn, thời gian không hề ngừng trôi và vũ trụ chẳng hề quay quanh bạn.

Nếu bạn đã làm điều gì đó đáng hổ thẹn, thì việc chia sẻ nó mở ra con đường dẫn đến tha thứ. Từ đó, thay vì hạn chế chúng, bạn có thể chung sống với lỗi lầm và khiếm khuyết theo cách giúp cải thiện hành động trong tương lai. 

Vậy con đường để bộc lộ bản thân trông như thế nào? Làm thế nào để bạn tha thứ cho mình về những thất bại mà bạn đã thừa biết? 

1. Tách biệt con người với những gì bạn đã làm

Tất cả chúng ta đều từng làm những điều ngu ngốc. Tất cả chúng ta đôi khi khiến người khác - và cả chính mình - thất vọng và đều đã có ít nhiều ăn năn. 

Nhưng hành động sai trong quá khứ không đồng nghĩa với con người bạn. 

Bạn có thể học hỏi từ những sai lầm, bất kể chúng khủng khiếp thế nào. Thất bại có thể trở thành động lực để bạn cải thiện bản thân trong tương lai. Bạn thậm chí có thể tận dụng những thất bại của mình như lời cảnh báo và giúp những người đang trải qua khó khăn tương tự.

Thất bại và sai lầm đều có giá trị và cũng không thể tránh khỏi. Bạn không nhất thiết trở thành người tồi tệ nếu lỡ phạm phải chúng. Vì vậy, hãy cố gắng thay thế việc "tôi là người tồi tệ" bằng "tôi đã mắc sai lầm". Chẳng hạn, “tôi lỡ cán qua con mèo hàng xóm” thay vì “tôi là kẻ tàn sát loài mèo”.

2. Đồng cảm với động cơ thực sự đằng sau hành động của bạn

Khi bạn đã tách bạch các hành động của mình ra khỏi danh tính bản thân, bạn có thể bắt đầu lật mở những lý do thực sự khiến bạn gặp khó khăn.

Bạn không hủy hoại dự án và khiến đồng nghiệp vạ lây vì bạn là một người chẳng ra gì. Có thể bạn làm vậy vì cảm thấy không được ghi nhận và tôn trọng đủ. Có thể bạn đã bị “cả giận mất khôn” và trở nên bốc đồng. Có thể bạn đã mất ngủ trong ba ngày và đánh mất toàn bộ ý chí tại một thời điểm tồi tệ. 

Dù thế nào chăng nữa, lý do đằng sau những hành động của bản thân cho phép bạn rút kinh nghiệm để khắc phục. Và một khi đã cải thiện mình, bạn hầu như không còn hối tiếc về bất kỳ điều gì dẫn đến sai lầm. 

Ngoài ra: chỉ cần một chút thấu cảm với mình, giống như cách mà bạn nhìn nhận sai lầm của bạn bè như là một rắc rối không hơn và vẫn dành lòng tin cho họ. Bạn không lên án tính cách của họ, tuy nhiên chúng ta thường không vị tha thế với mình. 

Tất cả chúng ta đều xứng đáng có một người bạn để cho ta biết rằng mọi thứ vẫn ổn, và người đó có khi lại chính là ta.

3. Làm tốt hơn vào lần sau

Bước tiếp theo là tận dụng cảm giác hổ thẹn và tội lỗi của bạn cho tương lai. Nỗi hổ thẹn và tội lỗi có thể là động lực mạnh mẽ để hoàn thiện bản thân. Chúng thúc đẩy ta làm tốt hơn. Chúng cho ta biết mình đã mắc sai lầm gì trong quá khứ để không tái phạm.

Nhờ vậy, hổ thẹn và tội lỗi có thể trở thành những người thầy thông thái — kể cả khi họ là kiểu người khó tính hay dùng thước “khẻ” vào tay bạn vì buôn chuyện trong giờ học.

4. Chia sẻ nỗi hổ thẹn ngay cả khi nó khiến bạn đau đớn

Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của việc cởi mở về sự hổ thẹn và tội lỗi mà chúng ta chưa nhắc đến. Trái ngược lại với những gì bản năng mách bảo, thực chất việc thể hiện nỗi hổ thẹn và bối rối thường khơi gợi sự đồng cảm từ người khác, cũng như tạo nên sự thân mật trong các mối quan hệ. 

Cởi mở về nỗi hổ thẹn khơi gợi được sự đồng cảm từ người khác. | Nguồn: Unsplash

Đó là phần phản trực giác của điều này — bằng cách chia sẻ những gì ta tin rằng nên được giấu kín nhất, ta lại thực sự nhận được tình cảm mà mình khao khát — chứ không phải bằng cách che giấu nó.

Thật điên rồ, phải không?

Đây là lợi ích cốt lõi của trị liệu, tư vấn hoặc gặp gỡ một người bạn tốt vào tối thứ Sáu và lặng lẽ thổn thức khi đang vừa ăn vừa được họ vỗ về. Chính trong những khoảnh khắc suy sụp này, những mối quan hệ bền chặt nhất lại được xây đắp. 

5. Chọn sự hổ thẹn, chọn giá trị cho riêng mình

Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất mà sự hổ thẹn và tội lỗi dạy ta là chúng phản ánh các giá trị của bản thân. Bằng cách lựa chọn những giá trị tốt hơn, chúng ta giải phóng mình khỏi nỗi hổ thẹn không lành mạnh và đón chào những bất an phù hợp hơn vào cuộc đời mình.

Nếu bạn cảm thấy hổ thẹn về việc “phủi tay” với một người bạn đang thực sự cần mình và thấy tệ về điều này, nó thể hiện bạn coi trọng việc trở thành một người được bạn bè trông cậy. Sự hổ thẹn giúp bạn tuân theo giá trị này bằng cách thúc đẩy những cuộc trò chuyện chân thành, cảm giác hối lỗi và mong muốn hiện diện vì họ trong tương lai.

Mặt khác, nếu bạn cảm thấy hổ thẹn vì đã đi đôi giày “lệch tông” với đồng nghiệp, điều đó báo hiệu rằng giá trị của bạn đang lệch lạc. Bạn đang quan tâm đến vẻ bề ngoài lẫn sự tán thành của những người xung quanh hơn là tôn trọng bản thân và “gu” của riêng mình.

Đây là một giá trị không tốt, không chỉ bởi vì bạn không thể kiểm soát người khác nghĩ gì mà nó còn là hình thức thao túng: bạn thay đổi hành vi của mình để được nhìn nhận khác đi. Bằng cách này, hổ thẹn xâm lấn đến các mối quan hệ của chúng ta, cản trở sự thân mật, do đó khiến chúng ta thậm chí cảm thấy cô đơn hơn trước.

Cuối cùng, giá trị quyết định nỗi hổ thẹn của chúng ta. Giá trị tốt tạo ra sự hổ thẹn lành mạnh. Giá trị xấu khiến ta tự ghê tởm mình. Cũng như mọi khi, cảm xúc của chúng ta không phải là gốc rễ của các vấn đề, mà chỉ đơn thuần là điểm khởi đầu cho giải pháp.

Và bạn chẳng cần phải hổ thẹn về điều đó.