Nói “tiếng nước ngoài” ở nước ngoài, mình đã tìm lại sự tự tin thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Nói “tiếng nước ngoài” ở nước ngoài, mình đã tìm lại sự tự tin thế nào?

Đôi khi sự khác biệt lại là thứ có thể giúp bạn hoà nhập vào một cộng đồng mới.
Nói “tiếng nước ngoài” ở nước ngoài, mình đã tìm lại sự tự tin thế nào?

Nguồn: Minh Hang Le

* Biên tập từ chia sẻ của bạn Minh Hang Le gửi về cho hòm thư Làm Lành của Vietcetera

Mình đang là y tá ở một bệnh viện nhà nước của Sydney, nước Úc.

Nói vậy có lẽ bạn cũng đoán được mình sắp kể câu chuyện về việc hoà nhập với môi trường làm việc ở xứ lạ quê người. Nhưng mình nghĩ bài học mình rút ra được ở đây có thể áp dụng được cho bất kỳ ai đang cảm thấy lạc lõng trong một môi trường hoàn toàn mới nào đó.

So với các bạn đang làm cùng khoa, mình là một “người ngoại đạo”. Mình là du học sinh duy nhất ở đó. Dù ở Úc cũng khá lâu rồi, tiếng Anh trôi chảy, nhưng tất nhiên khả năng ngôn ngữ của mình không thể nào hoàn toàn như người bản xứ.

Có đôi lúc ngồi cùng với các bạn người Úc, người Anh hay các nước khác có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, mình chỉ hiểu được lõm bõm những câu đùa hay chuyện cười họ đang kể cho nhau nghe, vì có những từ ngữ mà bạn phải hiểu rất sâu về văn hoá của nước họ thì mới hiểu được. Vì muốn hòa nhập, mình cũng cười lấy lệ. Lâu dần, cái cười lấy lệ đó thành quen, nhưng lòng mình thì trống rỗng.

Mình “ngoại đạo” còn vì xuất phát điểm sau khi tốt nghiệp của mình là làm việc ở các công ty dịch vụ, chuyên cung cấp các y tá thời vụ đến viện dưỡng lão, hay còn gọi là agency nurse, thay vì được nhận vào chương trình thực tập ở các bệnh viện như các bạn người Úc. Lý do rất đơn giản thôi: mình là du học sinh.

Dù không vẻ vang gì và phải chạy ngược chạy xuôi ít nhất 1-2 tiếng đồng hồ ngoài đường bất kể mưa nắng, chỉ để đến các viện dưỡng lão khác nhau làm việc, nhưng đó cũng là bước đầu để mình viết vào CV là “có kinh nghiệm”. Sau gần 4 năm lăn lộn ở 4 chỗ làm bên ngoài, mình mới được nhận vào làm ở bệnh viện. Lúc này, các bạn đồng nghiệp, dù trẻ hơn, cũng đã dày dạn kinh nghiệm ở bệnh viện hơn và lên làm team leader hết.

Mình có tủi thân không? Cũng có chứ. Nhưng cứ bám vào cái tủi thân đó thì được gì?

Cũng có khi mình thật vụng về, lóng ngóng, nên bị các “em” team leader trách mắng. Nhưng mình vẫn lắng nghe các em, bởi mình cần học. Đây là lúc mình phải học, không phải để tranh cãi hay vênh váo. Rõ ràng, các em nhỏ tuổi hơn, nhưng ở môi trường bệnh viện, các em xuất sắc và nhiều kinh nghiệm hơn mình.

Thế rồi mình rất nôn nóng làm sao để trở thành một thành viên nhóm hiệu quả và cũng được mọi người công nhận. Mình cố gắng học từng chút một. Số lượng kiến thức nhiều hơn mình nghĩ. Vật vã 2 tháng trời đầu tiên, thỉnh thoảng mình vẫn rưng rưng nước mắt vì… sao làm cực quá. Người bệnh nhân này trong tay mình, làm sao để họ khỏe lại đây, làm sao để họ... không “ngủm” đây?

Sau giờ làm việc, vì muốn thoát khỏi những căng thẳng ở chỗ làm, mình đã bắt đầu chú tâm học ngoại ngữ khác, từ cách gần gũi nhất với bản thân là "chơi" Duolingo. Mình tự học tiếng Hoa, và thi lấy bằng HSK. Đến nay, vốn từ cũng tàm tạm và nói thì cũng “rớt lộp độp”, nhưng sau tất cả, nhờ chịu khó học mà không sợ sai, nên mình cũng ham nói lắm. Nhờ thế mà mình cũng giao tiếp sơ sơ được tiếng Hoa.

Kể từ khi mình xung phong và giao tiếp được tiếng Hoa với các bệnh nhân người Trung Quốc mà một chữ tiếng Anh bẻ đôi họ cũng không biết, các bạn đồng nghiệp bắt đầu... nhìn mình với con mắt khác. Té ra, mình cũng ấn tượng đấy chứ. Được đấy chứ! Chẳng ngờ, cái thú tiêu khiển hằng ngày của mình lại có lúc hữu dụng thế này.

Bây giờ mỗi khi có bệnh nhân người Trung không biết tiếng Anh, mình rất hay được giao nhiệm vụ phiên dịch. Trong lúc vẫn còn là một "lính mới", rất may mình đã có cơ hội gây ấn tượng, rồi từ đó thay đổi cái nhìn của mọi người và dần hòa nhập hơn.

Đâu phải đi làm nghĩa là chỉ đi, làm, rồi về, mà không lưu lại chút dấu chân nào ở nơi mình đã đi qua.

Đâu phải để hoà nhập là cứ phải cố giống người khác.