Phan Anh Esheep: Bỏ bẫy ổn định tuổi 30 để làm “bà già” vui vẻ kể chuyện ẩm thực | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
30 Thg 08, 2021
Truyền ThôngBỏ

Phan Anh Esheep: Bỏ bẫy ổn định tuổi 30 để làm “bà già” vui vẻ kể chuyện ẩm thực

“Quá khứ, hiện tại, tương lai là ba điểm. Mà cứ có ba điểm ta lại có một mặt phẳng rồi.”
Phan Anh Esheep: Bỏ bẫy ổn định tuổi 30 để làm “bà già” vui vẻ kể chuyện ẩm thực

Phan Anh Esheep | Nguồn: Phan Anh Esheep

Hơn 10 năm trước, khi nhắc đến cái tên Phan Anh, độc giả và những người trẻ khi đó có lẽ sẽ biết chị qua những trang báo Hoa Học Trò rực rỡ bấy giờ. 10 năm sau, Phan Anh Esheep khi được gọi tên, người ta sẽ nhớ đến là một Food Blogger có tiếng với những câu chuyện ẩm thực và những món ăn ngon miệng đẹp mắt. Hoặc ngắn gọn hơn là Admin của group Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) rộn ràng trên Facebook.

Phan Anh đã #Bỏ những thành công đang có và ổn định của phụ nữ ở tuổi 30, để bắt đầu con đường ẩm thực từ những công thức bánh ngọt hay bộ ảnh xinh xắn đăng trên trang cá nhân.

Những bước đi theo chị là sự “mù mịt" lúc bấy giờ, lại như một luồng gió mới cho những người yêu ẩm thực chỉn chu, tinh tế và tỉ mỉ, gọn gàng. 10 năm tiếp theo trong sự nghiệp của chị là những thành công và sức ảnh hưởng riêng trong làng ẩm thực.

Có những điều gì Phan Anh Esheep đã mang theo và bỏ lại, hay hài lòng và vẫn tiếp tục theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình?

1. Từng đi qua 10 năm ở Hoa Học Trò với vị trí rất tốt, nhưng lại #Bỏ rồi theo đuổi đam mê ẩm thực, động lực nào để chị đi đến quyết định đó?

Động lực để tôi quyết định bỏ lại 10 năm thanh xuân, và cả nhiều năm trước đó nữa với tòa soạn báo mình yêu thương gắn bó chính là “cái bẫy ổn định” của tuổi 30. Tôi gắn bó với Hoa Học Trò từ khi còn là học sinh. Tôi đã lớn lên với người bạn, người thầy này. Hoa Học Trò như một cái nôi nuôi dưỡng và bồi đắp tôi vậy.

Nhưng sự ổn định khi đã có một công việc tốt, mức lương tốt hay đồng nghiệp tốt lại là lúc tôi cảm nhận sức sáng tạo trong mình đang đuối dần. Vậy là công việc này đang “bỏ” tôi rồi. Tôi không còn sự mãnh liệt, nhiệt huyết, sáng tạo trong cống hiến cho công việc này nữa.

Bắt đầu sự nghiệp với công việc vẽ minh hoạ ở toà soạn báo Hoa Học Trò, nhưng khi đã ổn định, Phan Anh quyết định #Bỏ để theo đuổi đam mê ẩm thực | Nguồn: Phan Anh Esheep

Đó là lúc tôi nghĩ mình phải thoát khỏi cái bẫy này, tìm đến điều mà vào thời điểm ấy tôi đang khao khát. Động lực của tôi lúc đấy chính là: Được thử sức ở vạch xuất phát, một lĩnh vực hoàn toàn mới. Đó cũng là để tìm lại được chính mình, tìm lại sự nhiệt huyết khởi đầu.

Và lĩnh vực tôi chọn để theo đuổi lúc ấy chính là ẩm thực. Cụ thể hơn là vai trò của một Food Blogger – người chia sẻ ẩm thực trên mạng xã hội. Vào thời điểm ấy, Food Blogger còn là một khái niệm vô cùng xa lạ tại Việt Nam.

Nhưng chính vì làm trong nghề báo, tiếp xúc nhiều hơn với thông tin từ thế giới, tôi nắm bắt và phân tích được rằng, xu hướng tương lai chính là chia sẻ qua mạng xã hội. Từ đó, tôi tìm hiểu kĩ về khái niệm “Food Blogger” để có định hướng và cảm hứng để bắt đầu đam mê, hành trình từ bước đầu tiên.

Chỉ một vài năm sau, KOL hay Influencer mạng xã hội đã trở thành một xu hướng, một định danh, một công việc có thu nhập khủng và được ghi nhận trên toàn thế giới.

Đây là “cuộc cách mạng” mới trong truyền thông và marketing. Đồng nghĩa, một người nổi tiếng và đứng đầu trong lĩnh vực chia sẻ của họ trên mạng xã hội sẽ có cơ hội tỏa sáng, kiếm được rất nhiều tiền và trở nên nổi tiếng.

Tại mốc này, tôi chấp nhận #Bỏ tiếp.

Tôi có một quyết định táo bạo khiến nhiều người không hiểu nổi, cho rằng tôi kiêu ngạo, chê tiền hoặc không tức thời, không biết nắm cơ hội. Đó chính là “Bỏ” những lời mời bước chân vào “showbiz”, từ chối nhiều hợp đồng làm KOL, không đồng ý sử dụng sự nổi tiếng và danh tiếng của mình để làm một KOL khai thác thu nhập từ danh tiếng.

Tôi chấp nhận là một Influencer khó tính. Định giá Esheep Kitchen trên các trang uy tín của nước ngoài, được phân tích bởi các chuyên gia truyền thông thì tôi luôn có mức giá cao nhất trong những KOL thuộc lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam trong nhiều năm, đến tận giờ. Nhưng tôi lại không dùng giá đó chỉ để tận thu, để nhận hợp đồng.

Tôi vẫn là người nghiên cứu ẩm thực, vẫn tiếp tục đi con đường chia sẻ riêng chứ không lấn sân trở thành KOL “phủ sóng mọi nhãn hàng”.

Với bản thân phải luôn hiểu mình muốn gì và sẽ làm gì | Nguồn: Phan Anh Esheep

Thật may, chính con đường riêng ấy lại mở ra thị trường xúc tiến thương mại trong lĩnh vực ẩm thực mà chưa một Food Blogger nào nghĩ đến. Nó đem lại cho tôi thu nhập tốt, đủ để tôi thực hiện, chia sẻ đam mê ẩm thực trên mạng xã hội một cách vô tư nhất mà không cần sự can thiệp nào khác.

Và tôi nghĩ cái gì đến, cũng đến. Đầu tiên là quá trình nỗ lực của tôi trong việc chia sẻ một cách trung thực, uy tín, khách quan. Sau đó là trở thành một người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội và gặt hái được kết quả, ngày càng lớn hơn.

Nên tôi nghĩ có dám “Bỏ”, mới “Nhận” được cái mình mong muốn và xứng đáng.

2. Một điều khó nói thành lời trong suốt chuyến hành trình của chị từ lúc bắt đầu đến nay?

Hành trình của mình tôi đã đi hơn 20 năm, nên cũng không thấy có gì quá khó nói.

Quyết định và lựa chọn là của mình, nên tôi phải chịu trách nhiệm với nó. Dù thế nào, tôi nghĩ có hai điều bản thân phải luôn tâm niệm.

Một là, với bản thân: Tôi luôn hiểu mình muốn gì, phải làm gì.

Hai là, với người khác: Lời nói không nên là cách để họ hiểu mình. Cứ làm thôi, từ đó người khác sẽ hiểu mình hơn. Muốn gì nói rồi làm luôn, không gì khó nói cả.

3. Có điều gì chị muốn #Bỏ đứt trong gần 20 năm sự nghiệp làm báo và ẩm thực của mình không?

Có chứ, cái cũ đi, thì cái mới mới đến được. Cả một danh sách dài thật dài những điều tôi muốn #Bỏ, giờ tôi cũng #Bỏ được gần hết rồi.

Đó là sự nóng nảy, thiếu kiên nhẫn của một cái đầu quá nhiều ý tưởng luôn nghĩ rằng mọi ý tưởng đều cần thực hiện ngay và phải làm ngay. Đó còn là cái tôi cao ngạo và thiếu đồng cảm của một người trẻ có chút tài và dễ thành công.

Phải #Bỏ những cái cũ đi, thì cái mới mới đến được | Nguồn: Phan Anh Esheep

Tôi cũng không định hình được những hạn chế của mình đang dần được cải thiện thế nào. Không có mốc nào cố định. Những nhược điểm, hạn chế của bạn thân khi được tiếp xúc với nhiều người hơn, nhiều vấn đề hơn, nhiều khó khăn hơn, thì tự khắc phải thay đổi thì mới “làm được”.

Tôi nhận ra điều tuyệt nhất là mỗi ngày, trên hành trình này, tôi giống như một người bộ hành, khi xuất phát đã mang quá nhiều hành lý nên thật nặng nề. Nhưng dần dần, vẻ đẹp trên hành trình khiến tôi #Bỏ lại dần những thứ tôi đã từng nghĩ nó là hành trang.

Giờ đây khi đã trải nghiệm đủ nhiều, tôi nghĩ nó đã không còn quan trọng. Tôi đã thu lượm được nhiều điều tuyệt diệu khác, quý giá hơn những thứ tôi từng có và mang theo.

4. Xây dựng cộng đồng Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) có ý nghĩa như nào với những bước phát triển trong sự nghiệp của chị?

Yêu Bếp có một ý nghĩa vô cùng thú vị. Nó chính là thứ khiến tôi định nghĩa lại mục đích chia sẻ của mình trong công việc của một Food Blogger. Trước đây, tôi đã từng nghĩ, Food Blogger là người chia sẻ “một chiều”, nghĩa là người chỉ trao đi những gì mình biết.

Nhưng cộng đồng Yêu Bếp lại khiến tôi hiểu rằng, sự chia sẻ là vòng tròn tuyệt đẹp của “trao đi – nhận lại”. Đến giờ, tôi mới là người “học” được rất nhiều từ Yêu Bếp.

Cái khó khăn nhất khi xây dựng Yêu Bếp, chính là trước nó, chưa có một mô hình nào, bài học nào của một hội nhóm trên mạng trở thành một cộng đồng “sống động và có sức ảnh hưởng” như tôi mong muốn. Để từ đó nhìn vào mà rút kinh nghiệm, khi tôi muốn xây dựng một cộng đồng chia sẻ niềm vui ẩm thực và phong cách sống “theo mong ước của tôi’ cả.

Phan Anh cùng cuốn sách về ẩm thực của mình | Nguồn: Phan Anh Esheep

Tôi và đội ngũ admin Yêu Bếp phải dò từng bước, thử từng việc để tìm được sự thấu hiểu cộng đồng. Sau đó là tìm cách xây dựng quy trình làm việc, dựa trên nhu cầu từ chính cộng đồng mà đưa ra quy tắc ứng xử cộng đồng. Cuối cùng, dùng kiến thức trong lĩnh vực của mình và kỹ năng sống bao năm trau dồi để cộng đồng phát triển hơn.

Khi Yêu Bếp được biết đến nhiều hơn, mọi người lại hỏi tôi “Ô thế cứ để người ta “bắt chước ”Yêu Bếp thế à?”. Tôi thì không cho là như thế.

Nếu Yêu Bếp làm đủ tốt và tạo ra được những kinh nghiệm, bài học hữu ích để phát triển cộng đồng, thì tôi sẽ không giữ “cái tốt đẹp” này làm của riêng.

Cộng đồng cần thêm nhiều hội nhóm tích cực, văn minh chứ không chỉ cần mình Yêu Bếp. Yêu Bếp đã thực sự giúp thay đổi nhận thức của xã hội về rất nhiều vấn đề còn tồn tại trước đó, giờ đây đang chuyển mình tích cực.

Tôi chỉ mạnh mẽ phản đối việc sao chép, làm nhái, ăn sẵn thôi. Tôi mong các hội nhóm, các báo chí hãy đầu tư sáng tạo nội dung và thực hiện các hoạt động cộng đồng với toàn tâm toàn ý để thu hút thành viên và tạo nên một sân chơi tích cực và tôn trọng bản quyền.

5. Một Phan Anh Esheep đứng trong bếp cùng ẩm thực khác gì với Phan Anh Esheep viết báo, vẽ minh hoạ khi xưa?

Khác nhiều chứ. Phan Anh (Esheep) họa sĩ thì tóc dài, giọng trầm, người thanh mảnh mặc size S. Còn giờ, Phan Anh (Esheep) đứng trong bếp cùng ẩm thực thì tóc ngắn cũn đủ màu đủ kiểu. Giọng thì líu lo cười nói suốt ngày, và mặc size L rồi.

Phan Anh Esheep đứng trong bếp bây giờ tóc ngắn cũn đủ màu đủ kiểu | Nguồn: Phan Anh Esheep

Nói vui vậy để tự tôi thấy được, tôi đã khác rất nhiều. Trước đây, tôi là người rất ít khi chia sẻ, ngại đông người, một người hướng nội toàn tập, làm việc gì cũng chỉ muốn làm một mình và chỉ làm tốt nhất khi làm một mình.

Nhưng rồi thế giới ẩm thực đầy màu sắc và sự kết nối đã khiến tôi cởi mở hơn rất rất nhiều. Đầu tiên bộc lộ được sự tận tụy. Sau đó là sẵn sàng chia sẻ nội tâm với người khác mà không e ngại.

Thật vui vì tôi cân bằng hơn: hướng nội vừa đủ, hướng ngoại vừa đủ. Không vì sự hướng nội mà ngại việc chia sẻ. Không vì sự hướng ngoại mà mất đi bản thân.

6. Có giao điểm nào trong cuộc chuyển giao của chị bây giờ và chị cách đây hơn 10 năm không?

Quá khứ, hiện tại, tương lai là 3 điểm phải không? Mà cứ có 3 điểm ta lại có một mặt phẳng rồi. Tưởng tượng nhé, “mặt phẳng con người tôi” chính là mặt hồ nước. Bất cứ tác động nào, cũng sẽ như viên sỏi ném xuống hồ, tạo ra những xung động đồng tâm lan tỏa khắp mặt hồ, chứ không chỉ lan tỏa và chạm đến một điểm nhất định.

Chính vì vậy, ở bất cứ thời điểm nào, trong cuộc chuyển giao giữa tôi bây giờ và tôi cách đây 10 năm, đều có những giao điểm. Một việc nào đó, một thay đổi nào đó, một quyết định nào đó đã xảy ra cách đây 10 năm, có thể đã là nguyên nhân của một kết quả nào đó trong cả hành trình 10 năm ấy rồi.

Tư duy của một họa sĩ, một cây bút chuyên nghiệp giúp Phan Anh Esheep thể hiện bằng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chân thực nhất những gì muốn truyền tải | Nguồn: Phan Anh Esheep

Giao điểm dễ hình dung nhất chính là việc, tư duy của một họa sĩ, một cây bút, vẫn tiếp tục được phát huy và thể hiện trong những gì tôi làm tại thế giới ẩm thực. Nó giúp tôi có thể trở thành một Food Stylist có cái nhìn duyên dáng trước đồ ăn. Hơn cả là giúp tôi thể hiện bằng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chân thực nhất những gì tôi muốn truyền tải.

Còn nhiều nhiều những giao điểm ấy lắm, nó chính là từng nhân tố tạo nên cuộc chuyển giao mà.

7. Liệu có một “chân dung” Phan Anh Esheep cụ thể nào mà chị muốn hướng đến trong tương lai không?

Có đấy. Tôi muốn làm một bà già vui vẻ, chọc cười bọn trẻ và kể những câu chuyện về ẩm thực mà tôi đã tích lũy cả đời. Rồi chúng yêu quý tôi như bà của chúng vậy.

Còn giờ, tôi mới là chị Phan Anh Esheep 25 tuổi thôi.

8. Chị quan niệm thế nào về một cộng đồng có đủ sức lan tỏa và ảnh hưởng đến công chúng?

Với tôi thì đơn giản lắm. Một cộng đồng có đủ sức lan tỏa và ảnh hưởng đến công chúng khi mỗi thành viên trong cộng đồng ấy đều tìm được niềm vui, sự hữu ích, sự đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ.