Rướn - Chấp nhận "mạo hiểm" để mối quan hệ không dừng ở xã giao | Vietcetera
Billboard banner
10 giờ trước
Văn Hoá Đi Làm

Rướn - Chấp nhận "mạo hiểm" để mối quan hệ không dừng ở xã giao

Muốn kết nối với những người tưởng chừng ngoài tầm với, bạn cần liều một chút để “ăn nhiều” hơn.
Rướn - Chấp nhận "mạo hiểm" để mối quan hệ không dừng ở xã giao

Nguồn: Akwaaba, Tùng

Nỗi sợ lớn nhất mình có khi bắt đầu guồng quay cuộc sống của một “người lớn” là nỗi sợ không thể xây dựng được những mối quan hệ sâu sắc. Ai sẽ ở trong vòng tròn quan hệ của mình? Làm thế nào để mình làm thân với những người lớn bận rộn khác? Ai cũng bận hoặc ít nhất là chúng ta cảm thấy thế, vậy thì lấy đâu ra thời gian dành cho nhau?

Bởi vậy mình dành một sự tôn trọng tuyệt đối cho thời gian của người khác, mỗi cuộc hẹn gặp nói chuyện mình đều bám theo lịch đúng từng giây. Mình sợ làm mất thời gian của người khác.

Thế nhưng một cuộc gặp đã khiến mình thay đổi suy nghĩ này. Mình nhận ra đôi khi quá nguyên tắc lại tạo thành một rào cản, khiến mình thiếu đi những lần “rướn” cần thiết để mở ra cơ hội kết nối mới.

Cuộc hẹn một tiếng và buổi nói chuyện ba tiếng

Một năm trước, nhân dịp vào Sài Gòn chơi, mình tranh thủ nhắn tin làm quen với chị Ruby - người mà mình đã theo dõi từ Podcast Vietnam Innovators đến công việc của chị ở Curieous.

Khi gửi tin nhắn cho chị Ruby, mình hoàn toàn nghĩ rằng chị nằm ngoài “tầm với” để mình có thế kết nối. Một người quá ngầu và khả năng cao sẽ không trả lời mình: “Chị toàn phỏng vấn giám đốc cấp cao (C-suite) với nhà sáng lập khởi nghiệp (founder startup) xịn mà, một đứa mới tốt nghiệp đại học thì có cửa gì…”

Nhưng ngạc nhiên là chị vui vẻ trả lời và còn cho mình một buổi nói chuyện một tiếng đồng hồ. Trưa hôm đó, mình ăn vội vàng chiếc bánh bao ở cửa hàng tiện lợi để có thể đến sớm năm phút, chuẩn bị cho buổi gặp mặt. Chúng mình nói về Curieous và MỞ (dự án khởi nghiệp của mình), về khởi nghiệp, về đam mê sáng tạo và xây dựng sản phẩm…

alt
Nguồn: Akwaaba Tùng

Nói nghe có vẻ to tát chứ thực ra toàn là mình hỏi một câu và chị Ruby trả lời bằng cách gửi mình một đường liên kết tham khảo, hoặc cho mình một lời khuyên hay tuyệt. Cứ thế buổi gặp mặt một tiếng trở thành ba tiếng. Và sau khi chào tạm biệt, mình cảm thấy như vừa có thêm một người bạn/mentor (cố vấn)/thought-partner đã quen tới… vài năm.

Thử rướn xa hơn để gần gũi hơn

Giữa mình và chị Ruby kết nối sâu sắc được như thế là nhờ cả hai cùng “hợp cạ”? Chắc chắn rồi. Nhưng mình nghĩ thời gian được ngồi cùng nhau cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Có những người mình từng gặp và thấy rất hợp cạ, nhưng vì có quá ít thời gian với nhau nên mối quan hệ cũng chưa thế phát triển sâu sắc hơn.

Hôm đó, phải quá cái “lịch hẹn 1 tiếng” tầm 15, 30 phút thì mình mới cảm nhận được sự cho phép của chị Ruby để “go deeper (đào sâu hơn)”. Mình nghĩ lý do là bởi ai cũng có giới hạn. Việc gặp một người mới đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực, thế nên những người bận rộn như chị Ruby chẳng hạn, mới đặt ra những giới hạn thời gian như 30 phút hay 1 tiếng cho một buổi gặp gỡ.

Một là để đảm bảo thời gian trong ngày được sử dụng tối ưu. Hai là giới hạn đó sẽ cho chúng mình một đường lui, trong trường hợp cuộc nói chuyện không thú vị cho lắm. Nhưng với những người rất hợp cạ, mình sẵn sàng nới rộng giới hạn đó (nếu sau đó mình không có việc gì) và mình nghĩ chị Ruby cũng vậy.

Cho nên chúng mình mới kéo dài cuộc nói chuyện gấp 3 lần thời gian dự tính ban đầu, giúp cho mối quan hệ của hai chị em thân thiết hơn chỉ sau lần gặp đầu tiên. Từ cuộc gặp đó, mình đã trở thành diễn giả cho một webinar mà chị Ruby tổ chức, chị còn kiếm vé cho mình tham gia hội thảo EdTech ở Bali và giới thiệu mình với nhiều người thú vị khác.

alt
Nguồn: Akwaaba Tùng

Vậy nên, lời khuyên cho các “đồng chí” ngại làm tốn thời gian của người khác giống mình là: Nếu bạn thấy hợp cạ và cuộc nói chuyện đang rất hay, hãy thử đẩy giới hạn thời gian thêm một chút. Nếu đối phương thực sự bận (hoặc không nghĩ họ hợp với bạn), họ sẽ từ chối. Lúc đó bạn tôn trọng giới hạn của họ cũng chưa muộn.

Mình nghĩ là sự tôn trọng nằm trên một phổ khá đa dạng. Khi tương tác với con người, bạn sẽ liên tục đi trên những lằn ranh của sự tôn trọng và thiếu tôn trọng. Sẽ có mối nguy chúng ta rơi vào vùng thiếu tôn trọng đó.

Nhưng quan điểm của mình là thà cứ thử “rướn” đi, để xem mối quan hệ có thể tiến xa được đến đâu. Còn hơn là mãi bám theo sự tôn trọng tuyệt đối, tự đặt cho mình những giới hạn có phần cứng nhắc và bỏ lỡ mất cơ hội xây dựng mối quan hệ tuyệt vời.

Kết

Rướn = Mở rộng giới hạn + Tôn trọng lời chối từ

Mình mong là bạn sẽ nhớ công thức trên. Rướn có nghĩa là hãy cứ thử kết nối với một người ở rất xa vòng tròn thân cận của bạn đi. Nhưng hãy tiếp cận một cách tinh tế và tôn trọng nếu họ từ chối hoặc không phản hồi mình.

Điều quan trọng là không để những lần bị từ chối khiến mình chùn bước. Phía sau mỗi câu chuyện thành công như gặp chị Ruby là 99 câu chuyện thất bại chổng vó, bị từ chối, bị cho “ăn bơ” hoặc thậm chí là bùng kèo. Nhưng mình còn trẻ mà, không rướn thì sao biết mình có thể đi xa được tới đâu và mối quan hệ nào sẽ lại gần?

Đọc bài viết gốc của Akwaaba, Tùng tại đây.