Vì sao ta thích tạm biệt năm cũ bằng việc tổng kết cuối năm? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
08 Thg 12, 2022
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao ta thích tạm biệt năm cũ bằng việc tổng kết cuối năm?

Hồi nhỏ bạn vẫn hay liệt kê thành tích trong năm để được ông già Noel tặng quà. Nhưng thực tế, việc làm này xuất phát từ yếu tố tâm lý.
Vì sao ta thích tạm biệt năm cũ bằng việc tổng kết cuối năm?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Năm 2022 đang dần khép lại. Nhưng trước khi lên kế hoạch cho năm mới hay dọn nhà đón Tết, có một việc mà nhiều người thường làm là tổng kết lại một năm đã qua. Báo cáo cuối năm, liên hoan tất niên hay ghi chép đúc kết cá nhân đều có điểm chung là nhìn lại những thăng trầm đã qua và đưa ra đánh giá tổng quan.

Không phải tự nhiên mà chúng ta làm việc này mỗi năm. Thực ra, việc nhìn lại trước khi bước tiếp là cách để ta tự công nhận và thấu hiểu chính mình.

Não bộ “hạnh phúc” khi nghĩ về những thành tựu

Nếu là “fan” của to-do list, bạn sẽ hiểu cảm giác vui sướng khi gạch đi các đầu việc được hoàn thành. Đó là bởi danh sách này đánh vào cơ chế thưởng của não bộ, từ đó sản sinh dopamine khiến bạn thấy sảng khoái và thỏa mãn.

Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn nhìn lại các thành tựu của năm cũ. Bên cạnh đó, những ký ức về sự kiện thành công cũng đồng thời tái xuất trong tâm trí. Cảm giác hạnh phúc khi xưa ùa về cùng niềm vui ở hiện tại sẽ nhân đôi cảm giác hãnh diện.

Nhiều người còn thích chia sẻ thành tựu của mình lên mạng xã hội. Những phản hồi tích cực từ bạn bè cũng có tác dụng kích thích dopamine. Ngoài ra, não bộ còn giải phóng một lượng nhỏ oxytocin khi các tương tác qua mạng được nhận diện như cuộc trò chuyện thân mật ngoài đời.

08dec2022intext1jpg
Các thành tựu trong năm có thể mang lại cho bạn nguồn dopamine dồi dào.

Nhìn lại một quá trình giúp ta thấu hiểu bản thân hơn

Cuối năm là lúc bạn được dừng lại và tìm hiểu kỹ hơn về những trải nghiệm đã lướt qua. Có những số liệu nhỏ nhặt mỗi ngày nhưng khi đặt chúng cạnh nhau, bạn mới nhận ra mình đã “lớn” thế nào.

Một số ứng dụng sẽ thay bạn lưu trữ và tổng kết thông tin cả năm với độ chính xác cao. Chẳng hạn, ứng dụng MyFitnessPal cho bạn biết số bước đi bộ mỗi ngày, đo lượng calo bạn tiêu thụ mỗi bữa ăn trong năm vừa qua. Gần đây nhất, tính năng Wrapped của Spotify còn “gói lại” năm 2022 của người dùng bằng những thống kê về ca khúc, thể loại nhạc, nghệ sĩ họ yêu thích và thời gian họ nghe nhạc trong suốt 365 ngày.

Những dữ liệu này là cơ sở để người dùng hiểu hơn về tình trạng sức khỏe, thói quen giải trí cũng như quá trình phát triển của bản thân. Theo tạp chí khoa học Journal of Personality and Social Psychology, khả năng thấu hiểu bản thân gắn liền với tính tự tôn và sự hài lòng của bạn. Vì vậy về khía cạnh tâm lý, những chỉ số trên giúp bạn giảm trầm cảm và lo âu.

Bên cạnh đó, cách bạn nhìn nhận bản thân cũng phần nào phản ánh cách bạn đánh giá người khác và chất lượng các mối quan hệ của bạn. Do đó, việc hiểu rõ bản thân qua các chỉ số trên giúp bạn xây dựng các mối quan hệ bền vững hơn.

Cơ hội để nhìn nhận những điều đã qua bằng góc nhìn mới

Đứng ở vị trí hiện tại nhìn về quá khứ, bạn sẽ có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn với những chuyện đã qua. Đây được gọi là khoảng cách tâm lý - khi bạn tách rời khỏi sự việc và nhìn nhận nó bằng con mắt người ngoài. Điều này giúp bạn không bị mắc kẹt trong những vấn đề của quá khứ và tìm được hướng giải quyết khác đi nếu gặp lại sau này.

Theo Psychology Today, việc nhìn lại quá khứ sẽ giúp bạn xây dựng “lối kể cứu chuộc” (redemption narratives). Thay vì chú ý đến những điều tiêu cực, bạn tập trung vào cách bạn chiến thắng nghịch cảnh, cũng như những bài học giá trị nhận được.

Chẳng hạn trong năm qua, bạn mất việc do công ty cắt giảm nhân sự. Lúc đó, bạn thấy bản thân thật xui xẻo và kém cỏi. Nhưng có thể bây giờ nhìn lại, bạn sẽ thấy đó là cơ hội để trau dồi các kỹ năng, kiến thức mới và tìm kiếm công việc phù hợp hơn.

Khoảng cách tâm lý cũng giúp ta xâu chuỗi những sự kiện và nhận ra ý nghĩa của những điều tưởng như bình thường, vô vị. Đơn giản như việc ăn, ngủ hay hít thở không phải là điều bạn để ý hằng ngày. Nhưng khi sống qua những năm tháng dịch COVID-19 hoành hành, bạn lại thấy biết ơn rằng mình vẫn khỏe mạnh và bình an.

Năm cũ là nguồn tư liệu cho năm mới

Việc hồi tưởng quá khứ vốn giúp bạn thấy lạc quan hơn về viễn cảnh tương lai. Đặc biệt trong những lúc khó khăn, khoảng thời gian hạnh phúc sẽ nhắc nhở bạn rằng sau cơn mưa trời lại nắng. Vì thế, những kỉ niệm được ghi lại sẽ là bảo tàng cảm xúc để ta “ghé thăm” mỗi khi mất tinh thần.

Trong các doanh nghiệp, báo cáo tổng kết còn đóng vai trò lưu trữ thông tin cho những thống kê dài hạn lên đến 5 hay 10 năm. Việc này giúp công ty cần truy xuất số liệu để dự đoán xu hướng tương lai. Ngoài ra, những giải pháp hữu hiệu của năm này cũng là tư liệu để áp dụng cho các vấn đề trong những năm khác.

Tương tự ở cuộc sống cá nhân, bản tổng kết cũng là cơ sở để ta so sánh bản thân với các phiên bản của năm cũ và nâng cấp cho phiên bản của năm mới.

Tổng kết rồi, ta làm gì tiếp?

Theo gợi ý của chị Chi Nguyễn (The Present Writer), sau khi “nhìn lại” năm cũ, bạn có thể “lên dây cót” danh sách phấn đấu cho năm mới. Để đặt ra những mục tiêu thực tiễn và phù hợp với bản thân, bạn có thể tham khảo 3 công thức dưới đây:

Công thức SMART

  • Specific - Cụ thể: Mục tiêu có số liệu, thời hạn, cột mốc và hành động cụ thể.
  • Measurable - Đo lường được: Mục tiêu có thể đo lường và theo dõi bằng các công cụ.
  • Achievable - Tính khả thi: Mục tiêu hợp lý về thời gian và phù hợp với khả năng.
  • Relevant - Tính phù hợp: Vai trò của mục tiêu này với sự phát triển của bản thân.
  • Time Bound - Giới hạn thời gian: Tạo các mốc thời gian hợp lý để thực hiện những đầu việc từ nhỏ đến lớn.

Công thức WOOP

  • Wish - Mong muốn: Điều bạn muốn thực hiện.
  • Outcome - Kết quả: Hình dung về kết quả lý tưởng và cuộc sống của bạn khi có được kết quả như ý.
  • Obstacle - Trở ngại: Điều gì có khả năng ngăn cản bạn đạt được ước muốn? Điều gì đã ngăn cản bạn trước đây?
  • Plan - Kế hoạch: Làm thế nào để bạn đạt được nó? Khi nào bạn đạt được? Giải pháp dự phòng khi không đi đúng kế hoạch?

Bảng mục tiêu (vision board)

  • Lập danh sách các mục tiêu muốn đạt được.
  • Thu thập hình ảnh thể hiện mục tiêu và truyền cảm hứng.
  • Ghép các tấm ảnh lại với nhau và viết thêm những câu chữ tạo động lực.

Tham khảo cách tạo bảng mục tiêu cho năm mới tại đây.

08dec2022intext2jpg
Có nhiều cách giúp bạn đặt các mục tiêu hợp lý cho năm mới.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý tới mức độ sẵn sàng của bản thân trước khi bắt đầu mục tiêu mới. Theo mô hình 6 bước thay đổi của James Prochaska và Carlo DiClemente, bạn phải nhận thức được mình có nhu cầu thay đổi, và nắm rõ các ưu nhược điểm của việc thay đổi trước khi thực hiện.

Nói cách khác, bạn không nhất thiết phải đặt mục tiêu năm mới vì thấy ai cũng đặt. Nếu bạn cần thêm thời gian để sẵn sàng, đừng ngần ngại dời mục tiêu đến một thời điểm khác phù hợp hơn trong năm mới.