Soft masculinity - Mẫu “đàn ông nữ tính” chúng ta cùng theo đuổi | Vietcetera
Billboard banner

Soft masculinity - Mẫu “đàn ông nữ tính” chúng ta cùng theo đuổi

Với xu hướng soft masculinity, nam giới được thoát khỏi khuôn mẫu "cường tráng, cứng rắn, gai góc."
Soft masculinity - Mẫu “đàn ông nữ tính” chúng ta cùng theo đuổi

Nguồn: Lợi Phan

1. Soft masculinity là gì?

Soft masculinity (tạm dịch: nam tính mềm), chỉ hình tượng nam tính sở hữu những đặc điểm thiên nữ như tính nhạy cảm, sự dịu dàng và thoải mái biểu lộ cảm xúc.

Bản chất tính nam và tính nữ đều hình thành từ sự gán ghép của con người cho cơ thể tự nhiên. Vì thế, xã hội luôn bỏ ngỏ khả năng di động giữa hai cực giới hạn.

Với xu hướng soft masculinity, cá nhân được thoát khỏi khuôn mẫu nam tính duy nhất - cường tráng, cứng rắn, gai góc. Nhưng đồng thời, tính nam tích cực - kiên trì, dũng cảm, tự chủ - vẫn được giữ lại.

Đàn ông cũng có quyền làm đẹp, trang điểm, bộc lộ sự yếu đuối, “đi nhẹ, nói khẽ.” Đây là những điều thường khiến họ bị gắn mác ẻo lả, đồng bóng, nhu nhược, v.v. với hàm ý miệt thị.

2. Nguồn gốc của soft masculinity

Nguồn gốc Latinh của từ masculinity là masculus, có nghĩa “đáng làm đàn ông.” Năm 1993, trong sách Masculinities, Raewyn Connell định nghĩa masculinity là những cấu thành của xã hội về vai trò nam giới trong mối quan hệ đối lập với nữ giới. Cụ thể, tính nam sẽ theo hướng duy lý, chủ động, kiểm soát, ngược với sự duy cảm, bị động ở tính nữ.

Theo học giả người Hàn Quốc Sun Jung, soft masculinity là “sản phẩm” của ba trào lưu văn hoá:

  • “Metrosexual” của Phương Tây: Đầu thập niên 1990, nhà báo người Anh Mark Simpson, “cha đẻ” của thuật ngữ, dùng metrosexual để chỉ những “dân chơi” đô thị, sống hưởng thụ, ăn mặc sành điệu, biết tiêu tiền và có tiền để tiêu.
  • “Bishounen” của Nhật Bản: Thuật ngữ này miêu tả những chàng trai “đẹp như hoa” hay những mỹ nam xuất hiện trong truyện tranh Nhật, tiêu biểu như bộ truyện Hana Yori Dango, Boys Over Flowers.
  • “Seonbi” của Hàn Quốc (ảnh hưởng từ Nho giáo Trung Quốc): Vào triều đại Joseon, seonbi là những nho sĩ không nhất thiết phải lao động chân tay mà chủ yếu tập trung vào tinh thần, trí tuệ.

3. Vì sao soft masculinity phổ biến?

Mô-tuýp quảng cáo “đàn ông đích thực” đang bị bộ phận lớn người trẻ Anh quay lưng. Theo khảo sát của trang Amplify, 61% nam thanh niên cho rằng truyền thông cần thay đổi định nghĩa về sự nam tính.

Xu hướng marketing hiện đại cũng chuyển trọng tâm từ giới tính sang nhu cầu trải nghiệm của con người.

Chẳng hạn, hãng mỹ phẩm Horace của Pháp và Anthony của Mỹ nảy ra ý tưởng quảng cáo bằng meme, ngôn ngữ vui tươi, bình thường hóa chuyện chăm sóc da và sức khỏe ở nam giới.

alt
Nguồn: Sign Salad

Một số sao nam nổi tiếng trong làng giải trí US-UK như Harry Styles, Timothee Chalamet gây sốt với gu thời trang “mềm mại.” Ở Việt Nam, có ca sĩ trẻ Mono thường trình diễn với những bộ đồ bó sát, nữ tính.

Nhưng làn sóng Hallyu mới là chất kích thích mạnh mẽ. Từ thập niên 2000, những nam chính dịu dàng, ngọt ngào như trong phim Bản tình ca mùa đông, Ngôi nhà Hạnh Phúc đã thay đổi mô-tuýp giằng tay, ép nữ chính vào tường.

Không cần xé áo khoe cơ bắp, các nam thần Kpop vẫn “đốn tim” fan với lối trang điểm thời thượng, phong cách phi giới cùng hành động đáng yêu (aegyo).

Khoảnh khắc họ rơi lệ, yếu đuối lấy đi thương cảm của bao khán giả. Cũng nhờ làn sóng này, ngành làm đẹp cho nam của Hàn Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới trong 5 năm qua.

Theo học giả Sun Jung, các công ty giải trí dùng soft masculinity như một chiến lược để toàn cầu hóa. Mỗi thành viên sẽ “đóng” một hình mẫu nam tính: cool ngầu, nhẹ nhàng, đáng yêu. Giải thích theo học thuyết của Carl Jung, đây là lớp “mặt nạ ngôi sao” (persona) được thỏa hiệp giữa nghệ sĩ và thị hiếu đại chúng.

Không những vậy, soft masculinity còn thỏa mãn đối tượng nữ giới về hình mẫu nam tính “trong mơ.” Quanh quẩn, lủi thủi trong xó bếp vẫn là vị trí của nhiều phụ nữ Việt hiện nay.

Đặc biệt với tình trạng bạo lực gia đình, nhiều bà nội trợ khao khát một mái ấm hạnh phúc bên người chồng tinh tế, chu đáo, yêu chiều. Nói cách khác, những bộ phim Hàn lãng mạn giúp họ lấp đầy khoảng trống trong lòng.

Trước những áp lực về tính nam độc hại, soft masculinity thể hiện tâm lý phản kháng (reactance psychology), đi tìm tự do ở nam giới. Nhưng không phải nơi nào cũng đồng cảm và cho phép đàn ông thể hiện bản tính nữ.

Chẳng hạn, ở Trung Quốc, tạo hình nữ tính của nghệ sĩ nam bị coi là lệch lạc, trái “thuần phong mỹ tục.”

Và chúng ta cũng không nên lãng mạn hoá soft masculinity như phương án tối ưu nhất để kháng cự khuôn mẫu nam tính truyền thống. Với các xu hướng khai thác triệt để hình mẫu nam tính mềm hiện nay trong ngành giải trí, có nguy cơ rằng soft masculinity cũng sẽ thành một khuôn mẫu giới mới.

4. Dùng soft masculinity như thế nào?

Tiếng Anh

A: OMG! I’m in love with Harry Styles’s dress in every Met Gala that he has attended. He slayed so hard!

B: Yeah, me too. I also love the fact that he’s an icon of “soft masculinity.”

Tiếng Việt

A: Ôi má ơi! Tớ phát cuồng với thời trang của Harry Styles trong mấy buổi lễ Met Gala. Đỉnh của chóp!

B: Tớ cũng thế. Tớ thích cả việc anh ấy theo đuổi hình tượng “nam tính mềm.”

5. Các từ liên quan đến soft masculinity

  • Traditional masculinity: tiêu chuẩn nam tính mạnh mẽ được định hình theo hệ nhị phân nam (phái mạnh)-nữ (phái yếu).
  • Precarious masculinity: tính nam xét theo bản dạng giới, không rập khuôn, dẫn đến sự linh hoạt giới, bức bối hoặc sự bất an về định nghĩa “chuẩn men.”
  • Positive masculinity: đặc điểm tích cực của nam tính truyền thống - dũng cảm, anh hùng, kiên định, tự lực.
  • Toxic masculinity: tiêu chuẩn cực đoan của nam tính truyền thống - thống soát, thù ghét, hung bạo, lạm quyền.