1. Stresslaxing là gì?
Stresslaxing /stresˈlæksɪŋ/ chỉ cảm giác căng thẳng đến mức khi bạn không làm gì cũng vẫn cảm thấy "đứng ngồi không yên." Nguyên nhân thường là vì việc cần phải giải quyết vẫn chưa được hoàn thành.
2. Nguồn gốc của stresslaxing
Về mặt ngữ nghĩa, stresslaxing được kết hợp từ hai từ: stress (căng thẳng) và relaxing (thư giãn).
Stresslaxing bắt đầu xuất hiện trên thống kê của Google Trends vào khoảng tháng 10 năm 2020.
Mặc dù nguồn gốc chính xác của stresslaxing chưa được xác đinh, nhưng hiện tượng lo lắng gây ra bởi việc thư giãn (relaxation-induced anxiety) đã được nhắc đến trong các nghiên cứu từ thế kỷ trước. Một trong những nghiên cứu sớm nhất được tìm thấy là vào năm 1983. Nghiên cứu này chỉ ra khoảng 30% đến 50% người tham gia khảo sát gặp phải căng thẳng khi cố gắng thư giãn, nghỉ ngơi.
3. Vì sao stresslaxing trở nên phổ biến?
Nguyên nhân chính dẫn đến stresslaxing là việc sử dụng cơ chế đối phó né tránh (avoidance coping). Nghĩa là bạn đang có một công việc cần hoàn thành nào đó phức tạp hơn nhiều khả năng hiện tại và điều này khiến bạn căng thẳng. Nhưng bạn chối bỏ hiện thực đó, trì hoãn việc giải quyết vấn đề chính và cố đi tìm cách giải thoát tạm thời.
Khi bạn chưa hoàn thành công việc chính đã đặt ra, dopamine, chất dẫn truyền thần kinh hạnh phúc, giảm xuống thấp. Nhưng lúc này, cơ chế hoạt động của não bộ lại không cho phép chúng ta "nghỉ ngơi". Thay vào đó ta có xu hướng tìm kiếm sự phấn khích khác thay thế. Nếu hoạt động thư giãn không đủ hấp dẫn, mức dopamine khó tăng lên. Do đó, chúng ta có thể vẫn cảm thấy bế tắc, bứt rứt trong khi chơi game, hay xem bộ phim tủ dùng để "cứu mood" bao lâu nay.
Đặc biệt stresslaxing trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi văn hoá hối hả lên ngôi đi kèm với việc xu hướng làm việc ngoài giờ. Khi đó, mọi người thường xuyên bị ám ảnh bởi việc phải trở nên năng suất, cố gắng sắp xếp mọi thứ vào thời gian biểu chật hẹp. Chính vì vậy, những giây phút lẽ ra được dành cho việc thư giãn, nghỉ ngơi trở nên căng thẳng hơn vì áp lực cho rằng bản thân phải trở nên năng suất, thành công hơn.
Stresslaxing trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc mà còn khiến sức khoẻ tinh thần trở nên tồi tệ hơn. Để hạn chế ảnh hưởng của công việc lên đời sống cá nhân, bạn có thể tham khảo một số cách như:
- Công nhận rằng đôi khi căng thẳng cũng giúp ích cho bạn: Khi căng thẳng, cơ thể có những phản ứng giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết vấn đề như tim đập nhanh hơn giúp bơm máu lên não, thúc đẩy quá trình suy nghĩ hướng giải quyết. Chấp nhận điều này là bước đầu giúp bạn bắt tay vào giải quyết vấn đề thay vì né tránh chúng.
- Từ chối công việc mới khi bạn đang quá tải: Hãy luôn ưu tiên công việc quan trọng hơn và tránh những yếu tố gây xao nhãng.
- Tìm những cách thư giãn mới gây hứng thú cao: Chẳng hạn như tự nấu một bữa ăn, làm sổ, vẽ vời. Nhưng quan trọng là làm chủ nghệ thuật "không làm gì".
4. Cách dùng của stresslaxing
Tiếng Anh
A: Why are you so stressed out? I thought it was your favorite movie.
B: Yup, it is, but just knowing that the deadline's still there makes me end up stresslaxing.
Tiếng Việt
A: Sao nhìn căng thẳng vậy? Tưởng phim này ông thích.
B: Ừ, phim tui thích mà, nhưng cứ nghĩ tới việc chưa chạy xong deadline là lại thấy căng.