Stress cũng có tốt và xấu, bạn chọn cho mình loại nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 04, 2021
Chất Lượng Sống

Stress cũng có tốt và xấu, bạn chọn cho mình loại nào?

Phân loại stress tốt hay xấu là do cách chúng ta nhìn nhận mình có thể đối phó với nó như thế nào. Làm sao để "chọn" stress tốt?

Stress cũng có tốt và xấu, bạn chọn cho mình loại nào?

Nguồn: Bích Thuỷ @salted.evian cho Vietcetera.

Điểm giống nhau giữa tổ tiên của chúng ta từ thời nguyên thủy và thế hệ hiện tại có lẽ là chúng ta đã, đang và luôn stress. Các cụ stress vì lo bị ăn thịt, còn chúng ta stress vì deadline, một bài kiểm tra, một cuộc thi hay rất nhiều lý do khác.

Stress là gì?

Stress hay căng thẳng không hẳn là kẻ thù mà chúng ta luôn phải đề phòng, lẩn tránh. Đó là một trong những phản ứng rất bình thường của cơ thể trước các tác động ngoại cảnh. Nó cảnh báo, nâng cao nhịp tim để lấy oxy và cung cấp năng lượng cho các phản ứng sau đó. Vì thế, stress giúp chúng ta sinh tồn và tiến hóa. 

Theo Positive Psychology, stress được chia thành hai loại chính: eustress (stress tốt) và distress (stress xấu).

1. Stress tốt: 

Stress tốt
Stress tốt hay eustress.

Giúp chúng ta giữ động lực, đạt được mục tiêu và cảm thấy cuộc đời tốt đẹp. Stress tốt xuất hiện trong thời gian ngắn, thường được sản sinh khi chúng ta gặp phải các tình huống khó nhằn nhưng thú vị, kích thích. Stress tốt giúp bạn về mặt cảm xúc, tinh thần và cả thể chất. 

Những trải nghiệm thường đem đến stress tốt bao gồm: bắt đầu một sở thích, tập thể dục thể thao, thử một công việc mới hay bắt chuyện với một người bạn mến

2. Stress xấu: 

Stress xấu
Stress xấu hay distress.

Là khi stress xuất hiện thường xuyên, dồn nén và nằm ngoài khả năng kiểm soát. Mất tập trung, buồn chán hay quá khích, vô cảm, mệt mỏi là một trong những biểu hiện của stress xấu. Khi đó, thử thách sẽ trở thành mối hiểm nguy đáng sợ, làm bạn cảm thấy ngộp thở, lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý. 

Chiến tranh, xung đột, bạo động thường là những nhân tố liên quan đến stress xấu. 

Khi nào stress tốt chuyển xấu và ngược lại?

Phân loại stress tốt hay xấu là do cách chúng ta nhìn nhận mình có thể đối phó với nó như thế nào. 

Theo nghiên cứu, khi nghĩ stress đang cảnh báo cho bạn một “mối nguy", bạn sẽ phản ứng khác với khi nghĩ nó là “thử thách". Một “mối nguy" sẽ kích thích stress mạnh hơn và tạo cho bạn nhiều lo âu hơn. Còn “thử thách" nhắc nhở cơ thể chuẩn bị bằng cách tăng cường năng lượng và lưu lượng máu, củng cố sự tự tin, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ.

Kelly McGonial, chuyên gia tâm lý sức khỏe từng chia sẻ trong buổi diễn thuyết TED, những người có niềm tin rằng stress đe dọa đến đời sống của họ có tỉ lệ tử vong cao hơn những người tin rằng stress cần thiết. Nói cách khác, một trong những nguyên nhân tử vong của con người bắt nguồn từ cách nhìn tiêu cực về stress.

Khi stress, bên cạnh các kích thích tố như adrenaline và cortisol, não bộ cũng giải phóng cả oxytocin (hormone gắn kết) để mách bảo bạn kết nối với người khác – hay còn gọi là phản ứng “tend and befriend"; và DHEA, một chất hóa học giúp não của chúng ta phát triển sau những trải nghiệm căng thẳng, chống lại tác động của cortisol và tăng cường chữa bệnh.

Như vậy, cách bạn nhìn và hành động hoàn toàn có thể thay đổi trải nghiệm của bạn về stress theo hướng tích cực. 

Hành động và suy nghĩ như thế nào?

Kelly McGonial chia sẻ: “Khi bạn cho rằng phản ứng stress của mình là thứ hữu ích, bạn sẽ tạo nên một hệ sinh học can đảm”. Cách nhìn tích cực này được gọi là “stress mindset theory” giúp nâng cao khả năng phản ứng với stress, theo nghiên cứu của đại học Standford.

Stress tốt và stress xấu
Cách nhìn tích cực sẽ giúp bạn "chuyển hoá" stress thành có lợi cho mình.

Mỗi lần bạn cảm thấy lo lắng vì một tác nhân gây stress, hãy cho nó cái nhìn bao dung hơn bằng cách:

  • Nhìn nhận những phản ứng của cơ thể là đang hỗ trợ bạn vượt qua thử thách, không phải đang khiến bạn suy yếu.
  • Tự nói với bản thân rằng tất cả sẽ qua, và mình sẽ trưởng thành hơn nhờ những trải nghiệm đó. 
  • Đừng cố gắng giữ trong mình sự tiêu cực mà hãy thử mở lời, tạo cơ hội cho những người yêu thương được chia sẻ, an ủi, động viên bạn. Khi một người chọn kết nối với người khác khi đang stress, người đó đang tạo dựng sự kiên trì cho mình. Nó cũng khiến bạn bình tâm và có động lực hơn. 
  • Kết hợp một số phương pháp thư giãn như hít thở và dẫn dắt hình ảnh, thiền, yoga.
  • Vực dậy tinh thần bằng cách tăng 4 loại hormone hạnh phúc.
  • Tìm đến những thông tin, kỹ năng hoặc nguồn hỗ trợ bạn vượt qua thử thách.
  • Luyện tập lòng tự trắc ẩn để biết cách bao dung cho giới hạn của mình.

Những điều này không hề dễ dàng, nhưng bạn hãy can đảm biến stress xấu thành stress tốt cho bản thân mình. Khi luyện tập thay đổi suy nghĩ, hành động và biến chúng trở thành thói quen, bạn sẽ vững vàng giải quyết những khó khăn của cuộc đời mình.