Tác giả sách Thu Hà: Vẫn chờ một ngày vào quán nước biết mình sẽ gọi gì | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 01, 2021

Tác giả sách Thu Hà: Vẫn chờ một ngày vào quán nước biết mình sẽ gọi gì

Trần Thu Hà (còn được gọi là mẹ Xu Sim), tác giả của "Con nghĩ đi mẹ không biết", đã phải bỏ rất nhiều tiền, chỉ để được khóc.
Tác giả sách Thu Hà: Vẫn chờ một ngày vào quán nước biết mình sẽ gọi gì

Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Tôi biết đến chị Trần Thu Hà (là còn quen thuộc với nick-name Mẹ Xu Sim) qua tờ báo mà "ai từng là teen cũng đã đọc" - Hoa Học Trò. Chị Thu Hà là một cây bút chuyên nghiệp với 20 năm kinh nghiệm trong nghề báo, một KOL với rất nhiều bài viết viral về đề tài giáo dục, xã hội, và là một “mẹ Xu Sim” với các đầu sách best-seller nói về chuyện giáo dục con trẻ như “Con nghĩ đi mẹ không biết”, “Buông tay để con bay"..

Cuộc trò chuyện với chị trong văn phòng Vietcetera bắt đầu bằng một việc rất đơn giản, nếu không nói là hài hước: chị Thu Hà không biết mình nên uống gì mỗi khi vào quán cà phê, nên toàn gọi theo người đi cùng, ngon thì vui dở thì… thôi. Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện về sự tự ti, nỗi hoang mang của một người “đang lạc đường” (mà tôi ít nhiều cũng thấy mình trong đó). Và khi nhắc đến những chữ “bỏ” trong đời chị, tôi đã nghe thấy những tiếng nấc nghẹn ngào...

Chữ “bỏ” oách nhất trong đời chị là lúc nào?

Bỏ chồng!

Bố mẹ chị hay nói “hai dòng họ nhà mình từ thời tổ tiên mấy chục đời nay chưa ai từng bỏ chồng đâu con ạ”. Thế mà mình lại dám “bỏ”, rồi thành người nổ phát súng đầu tiên luôn. Lúc đó chị giấu ghê lắm, tại bố mẹ đã nói trước là người này không hợp rồi. Mà thời ấy mình lì, cứ nghĩ là “bố mẹ chẳng hiểu gì hết, chỉ có mình hiểu ‘ảnh’ thôi.”

alt
Nguồn: Maika Elan và Tâm Phạm cho Vietcetera

Chị đã sống trong cảm giác tội lỗi rất nhiều năm sau khi bỏ chồng. Suốt 9 năm nay, chỉ có một lần duy nhất chị về quê dịp Tết. Lúc đó là sau khi chị đã tham gia rất nhiều lớp học chữa lành, rất nhiều những cuộc gặp với bác sĩ tâm lý. Chị tưởng mình đã ổn lắm rồi. Cho đến khi phải đối diện với những chất vấn, những dòm ngó, chị mới nhận biết một cách rõ ràng, là những vết thương của mình vẫn chưa hề lành.

Thật ra chị không sợ những ai hả hê khi thấy mình vấp ngã đâu. Những người đó chẳng làm được gì cuộc đời mình cả. Nhưng chị sợ làm đau những người thương yêu mình. Thứ làm chị đau nhất là khi những ai thương chị, họ nhìn chị, rồi họ khóc.

Chị đã lớn lên với một sự hiểu biết sâu sắc rằng bố mẹ mình không phải là một cặp đôi hạnh phúc. Có lẽ vì thế nên họ luôn mong chị có một cuộc đời khác đi, và đôi lúc nó trở thành một gánh nặng vô hình. Có một điều chị vẫn phải đang phải học để hiểu, là khi mình hạnh phúc, bố mẹ mình cũng sẽ hạnh phúc.

Còn chữ “bỏ” thứ hai...

Là việc liên tục gọi điện về nhà. Ngày xưa đi đâu chị cũng phải gọi về để xem liệu con chị (Xu và Sim) có ổn không, có bị gì không. Chị “chết tên” mẹ Xu Sim cũng vì lúc nào cũng nhắc đến con. Chị rất thương con mình, nhưng nếu chị cứ mang Xu và Sim trên lưng, thì chẳng còn chỗ cho chị, hay cho một ai khác nữa.

alt
Nguồn: Maika Elan và Tâm Phạm cho Vietcetera

Chị muốn… có bồ (cười). Và chị cũng muốn sau này, cái tên chị xuất hiện trong các cuốn sách chỉ có chữ Thu Hà thôi, không phải mở ngoặc là Mẹ Xu Sim nữa. Để làm được điều đó, chị phải dần bỏ đi những thói quen liên quan quá nhiều đến con mình. Mà con chị khi không bị “làm phiền” bởi những cuộc gọi, tụi nó cũng vui ơi là vui ấy chứ.

Sau mỗi lần bỏ, chị nghĩ mình “được” gì?

Chị lúc nào cũng viết về việc con tự lập, mẹ tự do, về buông tay, về “bay”. Nhưng thật ra chị bị rất nhiều ràng buộc. Về việc phải hạnh phúc như cách người thân kỳ vọng về mình. Về việc tại sao khuôn mặt mình không được trái xoan như người khác. Về việc giọng nói mình sao cứ Thanh Hóa pha Ninh Bình pha miền Bắc pha miền Nam chẳng giống ai cả, sao không hay được như các MC.

Vậy nên chị nghĩ mỗi lần bỏ, chị được gần với chị hơn một chút. Chị luôn cảm thấy mình là một người đi lạc. Và chị đã đi lạc rất lâu. Khi bỏ đi một thứ gì đó, chị lại được quay về một ít với bản thân mình, để tự do hơn.

alt
Nguồn: Maika Elan và Tâm Phạm cho Vietcetera

Mọi người hay hỏi tại sao chị lại có thể viết được những dòng chữ thấu hiểu tâm trạng như thế. Thật ra chị không có bí kíp gì cả. Vì xuất phát điểm của chị thấp (ngày xưa học Văn chỉ toàn 5, 6 điểm), chị không có thành tựu đặc biệt, cũng chẳng mạnh mẽ, lại sợ hãi rất nhiều thứ.

Vì chị là một người bình thường, nên chị hiểu những ai giống chị. Chị hiểu lý do tại sao có những người vợ bị chồng đánh cả chục năm trời mà vẫn không dám buông tay, vì sao những người liên tục bị bạo hành mà cứ mãi nhẫn nhịn.

Hồi xưa chị nghĩ mình hay lắm, vì tính chị dễ chịu. Ai uống gì chị cũng uống theo được. Nhạc gì chị cũng nhảy được. Ăn kiểu Bắc, kiểu Nam, kiểu Thổ Nhĩ Kỳ hay gì cũng ‘tới bến’ được. Nhưng đến lúc được hỏi “Bạn thực sự thích gì?”, chị không trả lời được. Giờ thì chị phải đi coaching để người ta giúp chị biết được thứ chị muốn.

Ngày xưa, đến khóc chị còn không dám. Bao nhiêu cú sốc trong cuộc đời chị, chị có khóc đâu. Chị phải bỏ rất nhiều tiền, chỉ để được khóc.

alt
Nguồn: Maika Elan và Tâm Phạm cho Vietcetera

Chị cũng có nhiều dự định muốn thực hiện lắm. Làm podcast này, ra mắt một cuốn sách mà không nhắc đến con này. Mọi thứ vẫn dang dở, và chị phải “đóng tiền phạt” cho bạn bè rất nhiều vì cứ hứa là sẽ xong mà mãi không xong. Chị nghĩ bởi vì chị đang đợi. Đợi một ngày chị biết yêu thương mình, yêu giọng nói, yêu gương mặt, yêu mọi thứ.

Và đợi, đến một ngày khi đi vào quán nước, chị biết mình sẽ gọi món gì!