Chiến lược đầu tư theo nhóm cổ phiếu thú vị ở chỗ, bạn theo gu nào cũng sẽ có nhóm cổ phiếu đáp ứng nhu cầu của bạn. Ví dụ, nếu bạn thích đầu tư nhiều mã với vốn nhỏ, nhóm penny sẽ là lựa chọn khó bỏ qua. Hoặc nếu thích các mã tăng trưởng ổn định và vị thế cao, lựa chọn sẽ là nhóm bluechip.
Vậy nếu bạn muốn cả hai thì sao? Midcap chính là câu trả lời.
Hiểu đơn giản, midcap là cổ phiếu của một công ty có vốn hóa trung bình (trên 1.000 tỷ đồng và dưới 10.000 tỷ đồng). Tại Việt Nam, một số mã cổ phiếu điển hình thuộc nhóm này là BVB (ngân hàng Bản Việt), PHR (công ty CP cao su Phước Hòa), KSB (công ty khoáng sản Bình Dương).
Như các nhóm cổ phiếu khác, midcap cũng có cho mình một số lưu ý để nhà đầu tư nắm bắt, tiến đến hoàn thiện chiến lược đầu tư sao cho hiệu quả. Ở bài viết Đầu Tư Từ Đâu lần này, hãy cùng Vietcetera điểm qua một số lưu ý cơ bản nhé!
Tại sao nên đầu tư midcap?
Kỳ vọng tăng trưởng cao là câu chuyện chính khi đầu tư các doanh nghiệp midcap. Nhóm doanh nghiệp này đã vượt qua giai đoạn khi chúng còn là doanh nghiệp quy mô nhỏ, đội ngũ lãnh đạo và vị thế ngành còn biến động lớn.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp midcap có hành trình tăng trưởng ngách rất thú vị. Có nhiều lợi thế khiến midcap trở thành một trường phái đầu tư.
Lợi thế 1: Nhóm midcap có thể tận dụng sơ hở của nhóm bluechip để vươn lên
Midcap tăng trưởng đến từ khả năng mở rộng nhanh tập khách hàng. Tất cả đến từ vị thế cạnh tranh khác biệt khi đối thủ bluechip - tuy đang nắm giữ thị phần cao, nhưng lại “hở sườn”.
Điển hình là trường hợp của công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Công ty này đã vươn lên vị trí thứ 5 thị phần trên sàn chứng khoán HOSE quý 2/2022, với mô hình mới về công nghệ khác biệt so với các đối thủ tốp đầu.
Lợi thế 2: Nhóm midcap có thể tăng trưởng khi yếu tố thị trường thay đổi
Các mã midcap vì có quy mô nhỏ hơn bluechip nên khả năng linh hoạt thích ứng thị trường cao hơn. Khi gặp các biến cố kinh doanh bên ngoài (bao gồm yếu tố vĩ mô và yếu tố ngành), một số công ty sẽ bắt được nhịp chuyển đổi và tăng trưởng đột biến.
Trường hợp gần nhất có thể nhắc tới là PHR (công ty CP Cao su Phước Hòa) dần chuyển bước sang mảng bất động sản khu công nghiệp.
Đầu tư midcap có rủi ro gì?
Rủi ro 1: Biến động nhân sự
Như đã nói ở trên, đầu tư midcap gắn liền với câu chuyện xác định tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao luôn yêu cầu đội ngũ nhân sự phát triển mạnh theo chiều sâu và rộng.
Với các doanh nghiệp đang mở rộng thị phần thì mô hình phát triển chỉ là nhân rộng quy mô đội ngũ. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp xoay chuyển thêm mảng kinh doanh mới, rủi ro có thể đến từ sức ép phát triển đội ngũ nhân sự có chất xám phù hợp với ngành nghề này.
Rủi ro 2: Kỳ vọng cổ đông
Một rủi ro khác là sự biến động mạnh của kỳ vọng cổ đông khiến giá cổ phiếu biến động mạnh.
Nhà đầu tư mới sẽ gặp nhiều khó khăn khi nắm giữ cổ phiếu midcap tăng trưởng cao. Chỉ cần sau một vài thông tin không tích cực, giá cổ phiếu có thể biến động mạnh gấp 2-3 lần so với thị trường chung.
Cần lưu ý gì để đầu tư midcap an toàn?
Đầu tiên, bạn cần hiểu rõ câu chuyện tăng trưởng của doanh nghiệp để xây dựng niềm tin rằng: “Tiền trong túi của bạn không tăng trưởng nhanh bằng sự phát triển của doanh nghiệp midcap”.
Nói cách khác, bạn nên gửi tiền sớm cho midcap, đặc biệt khi bạn còn trẻ và khả năng tài chính còn “khoẻ mạnh”.
Thứ hai, bạn nên chia tiền đầu tư thành 3-5 khoản đầu tư midcap khác nhau để tránh rủi ro tập trung. Đặc biệt không đầu tư 2 mã midcap thuộc cùng 1 ngành.
Thứ ba, bạn cần bám sát tình hình phát triển, tăng trưởng của doanh nghiệp trên một vài yếu tố ảnh hưởng chính (key drivers) mà bạn tin rằng đây là chỉ báo sớm của doanh nghiệp này.
Ví dụ như với công ty chứng khoán thì key drivers có thể là số lượng môi giới và số lượng khách hàng mở tài khoản mới.
Lời kết
Phần thưởng lớn nhất dành cho những nhà đầu tư midcap là bạn có xác suất nắm trong tay một vài công ty có khả năng vươn mình trở thành bluechip tương lai.
Thực tế, lịch sử thị trường tại Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều công ty tăng trưởng vượt trội như công ty CP Hòa Phát (HPG), hoặc “người khổng lồ” Viettel vươn lên từ phía sau Mobifone, Vinaphone. Khi đó, khoản đầu tư dù nhỏ ở hiện tại có thể trở thành khoản đầu tư lớn trong tương lai gần.