Thế nào là một học sinh giỏi? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Thế nào là một học sinh giỏi?

Lấy trường chuyên làm hệ quy chiếu để đánh giá học sinh giỏi có thể gặp phải những hạn chế gì?
Thế nào là một học sinh giỏi?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Điểm số

Sự việc một chuyên gia giáo dục ở Hà Nội tuyên bố mình đã “phá” để con không thể đỗ vào trường Hà Nội-Amsterdam vừa qua là một trong số nhiều ví dụ chứng tỏ mối quan hệ vô cùng phức tạp giữa phụ huynh Việt Nam và hệ thống trường chuyên. Bình luận về sự việc, nhà kinh tế học Huỳnh Thế Du đề xuất cụm từ “ghét trường chuyên” làm tên gọi cho một hiệu ứng tâm lý.

Dĩ nhiên, trường chuyên ở Việt Nam còn tồn đọng rất nhiều tiêu cực, song tâm lý “ghét trường chuyên” của nhiều phụ huynh làm lộ ra cuộc tranh cãi khó có hồi kết hơn trong giáo dục: tranh cãi về định nghĩa “học sinh giỏi.” Quả thực, bố mẹ nào cũng muốn con mình giỏi, nhưng họ không muốn chỉ đánh giá bằng điểm số. Cụm từ “học sinh giỏi” cũng hay được nhắc đến đầy định kiến khi công chúng nói về “bệnh thành tích.”

Dưới áp lực này, vào ngày 20/07/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Qua thông tư này, cách xếp loại học sinh giỏi/tiên tiến/trung bình/yếu/kém trước đây bị thay thế. Bộ cũng yêu cầu đánh giá một số môn học bằng nhận xét thay vì chấm điểm, và không còn tính điểm trung bình tất cả các môn học để giảm tải áp lực thành tích cho học sinh.

httpsimgvietceteracomuploadsimages12jun2023giaykhenjpg
Nguồn: giaoduc.net

Thông tư trên của Bộ thực ra còn giải quyết chuyện điểm số không thực chất. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, vấn đề “lạm phát” danh hiệu học sinh giỏi được ghi nhận. Vào năm 2010, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển công bố con số 51% số em tiểu học ở Hà Nội đạt danh hiệu học sinh giỏi vào năm đó, một con số khá cao. Hiện tượng 38/39 học sinh giỏi mỗi lớp cũng được ghi nhận ngày càng dày đặc ở các trường công lập mọi cấp học.

Để tránh hiện tượng đánh giá điểm số không thực chất, thì giải pháp của nhiều bố mẹ là giúp con phấn đấu vào trường chuyên. Thay vì chạy theo thành tích “lạm phát” ở các trường công lập thường, thì việc vượt qua một bài thi môn chuyên có độ khó cao hơn khá nhiều so với bài thi tiêu chuẩn, cùng tỉ lệ chọi từ 1/10 trở lên khiến điểm số của một học sinh chuyên biểu thị năng lực của em thực chất hơn.

Nhìn chung, giải pháp trường chuyên có thể phần nào khoả lấp sự thiếu uy tín trong cách chấm điểm và xếp loại học sinh. Song nó không phải liều thuốc cho “bệnh thành tích” mà các phụ huynh lo ngại. Áp lực cạnh tranh tất yếu dẫn đến các vấn đề về tâm lý học đường và sự phân biệt đối xử, như chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên liên đoàn giáo dục độc lập Australia, đã nhìn nhận dựa trên kinh nghiệm tại các “trường chọn” (selective schools) ở Anh, Úc, Canada và Đức - hệ thống trường có cách thức hoạt động gần với trường chuyên ở Việt Nam.

Đây là lý do một bộ phận phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả muốn đi tìm tiêu chuẩn “học sinh giỏi” khác để thay thế điểm số.

Kỹ năng mềm

httpsimgvietceteracomuploadsimages12jun2023gdvntruongamsterdam43542jpg
Nguồn: giaoduc.net

“Học lệch”, “gà nòi”, “thiếu kỹ năng sống”, v.v. là những lập luận tấn công hệ thống trường chuyên phổ biến thứ nhì sau “bệnh thành tích.” Bản thân chuyên gia giáo dục “phá” nỗ lực học chuyên của con cũng gián tiếp sử dụng lập luận này. Chị cho rằng việc vào chuyên có thể khiến con vất vả vượt qua nỗi thất vọng của bản thân khi gặp thất bại vì áp lực ở đó cao hơn, trong khi học ở một trường công lập bình thường sau khi đã thi chuyên thất bại, con vẫn có thể gượng dậy và đi vòng quanh thế giới.

Những phụ huynh có chung quan điểm rằng bên cạnh kiến thức sách vở, con cái mình cần hiểu biết thực tế cuộc sống và các kỹ năng mềm khác, không phải thiểu số. Nhu cầu giáo dục toàn diện kiến thức-kỹ năng bắt đầu ra đời từ sau chính sách Đổi Mới năm 1986 nhằm giúp thế hệ trẻ thích nghi trong quá trình toàn cầu hoá. Trước đó, hệ thống trường chuyên ở Việt Nam đã tồn tại được 21 năm, nhưng hoàn toàn tập trung đào tạo nhân sự để phục vụ cho chiến tranh và phát triển kinh tế thời Hậu chiến.

Ngày nay, phổ cập kỹ năng mềm trong nhà trường vừa là áp lực, vừa là nguồn lợi ích kinh tế khổng lồ mà rất nhiều nhân tố giáo dục cùng muốn tham gia, bao gồm bên cung cấp dịch vụ độc lập của chuyên gia giáo dục nọ. Thực tế, giáo dục kỹ năng - từ các kỹ năng mềm cho tới hoạt động dự án, câu lạc bộ, và đôi lúc rèn luyện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng được xếp vào nhóm này - là yêu cầu then chốt dành cho một bộ hồ sơ du học. Vì thế, là nơi có số học sinh có nhu cầu du học cao áp đảo so với các trường công khác, trường chuyên đáp ứng đủ nhu cầu kỹ năng mềm của học sinh và bố mẹ học sinh.

Bộ thống kê có thể làm minh chứng cho luận điểm này được công bố vào năm 2020, trong đó 6 trên 10 trường cấp 3 ở Hà Nội có số lượng học sinh được miễn thi tốt nghiệp tiếng Anh vì có chứng chỉ quốc tế cao nhất là trường chuyên.

Để học sinh có đủ thời gian cam kết với các chương trình kỹ năng mềm, các nhà trường chắc chắn sẽ phải san sẻ thời gian học chính khoá. Đây là điều một số trường chuyên đã làm được từ lâu, do chính sách (chính thức hoặc không chính thức) giảm tải môn không chuyên cho đội tuyển học sinh giỏi, và giảm tải chương trình chính khoá cho du học sinh tương lai.

Các trường công trong hai học kỳ vừa qua cũng “bắt kịp” xu hướng giảm giờ học chính khoá, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH. Thay vì học dàn trải tất cả mọi môn, các em được chọn tổ hợp môn phù hợp với thiên hướng của mình, và tự do lựa chọn thêm các chương trình hướng nghiệp, kỹ năng mềm, câu lạc bộ, hoặc học ngoại ngữ vào thời gian trống. Với các thay đổi hiện hành, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa trường chuyên và khối công lập đang dần thu hẹp.

Nhìn chung, giáo dục toàn diện, vượt ra khỏi phạm vi của sách vở và điểm số, là phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam ngày nay - vươn ra quốc tế. Điểm trừ của cách đánh giá học sinh giỏi này là sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các nhà trường và điều kiện tài chính của các gia đình, vốn là điều kiện tiên quyết để học sinh tiếp cận tới các chương trình ngoại khoá chất lượng cao.

Một tiêu chuẩn giỏi duy nhất?

httpsimgvietceteracomuploadsimages12jun2023hanoiamsterdamhighschoolfrontyard1jpg
Nguồn: Wikimedia

Để giành điểm tốt, người học trò cần sự tích luỹ kiến thức hàn lâm và kỹ năng thi cử. Để có nhiều kỹ năng mềm, học sinh cần tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá. Tạm không bàn đến những lợi ích trừu tượng của hai loại học giỏi trên, lợi ích thiết thực nhất học sinh gặt hái được khi trở thành “học sinh giỏi” là vào được những ngôi trường đại học tốt nhất ở trong nước và thế giới. Suy cho cùng, dù thay đổi khái niệm “học sinh giỏi” theo hướng nào, thì các nhà giáo dục hiện nay vẫn chỉ nỗ lực đi tìm một chuẩn mực, đích đến duy nhất của sự học.

Xây dựng một đường đua giáo dục độc nhất dĩ nhiên sẽ khiến những ai tin vào giáo dục công lập đối diện với một vấn đề hệ trọng. Vấn đề đó không phải cách tính điểm sao cho đúng, hay san sẻ thời gian sao để học sinh phát triển toàn diện, mà là xây dựng đường đua ra sao để công bằng đối với mọi ứng viên.

Kể từ sau 1986, khi giáo dục Việt Nam dần hội nhập với thế giới, trường chuyên đóng vai trò then chốt trong quá trình đó. Chúng là cầu nối giữa các nhân tài ở Việt Nam và các trường đại học quốc tế. Theo một khảo sát bỏ túi vào năm 2020 của bạn Đỗ Quyên, học sinh lớp 12 Anh 2 của trường Hà Nội-Amsterdam, 45% số học sinh được khảo sát vào trường chuyên vì muốn đi du học.

Đích đến này hợp lý hoá mọi yêu cầu tưởng như phi lý nhất của các bậc phụ huynh về thước đo năng lực con em mình. Và mọi thước đo ấy đều có thể được tìm ra ở trường chuyên. Dĩ nhiên, ham muốn được học trong một môi trường giáo dục tốt để thích nghi trong nền kinh tế toàn cầu là vô cùng chính đáng, và cần có những cơ sở như trường chuyên tạo ra đường đua để người “xứng đáng” nhất chạm tới vinh quang.

Nhưng không thể phủ nhận việc đường đua này không hề công bằng, dù phụ huynh và các chuyên gia nghĩ thêm bao nhiêu thang đo “học sinh giỏi” đi chăng nữa. Khi thực lực là một khái niệm còn gây tranh cãi cho đến tận ngày nay, thì từ những năm 1990, lớp học thêm đã xuất hiện để chắp cánh cho các học sinh có điều kiện tài chính nhỉnh hơn trung bình có chắc suất vào trường chuyên hơn. Nhà giáo Đào Thiện Khải dạy chuyên Toán tại cả hai trường Chu Văn An và Hà Nội-Amsterdam từ trước Đổi Mới, là một trong những giáo chức lên tiếng về hiện tượng này.

Vốn đầu tư công dành cho cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên cũng bảo chứng cho việc chương trình học và hoạt động ngoại khoá ở trường chuyên nhỉnh hơn so với các cơ sở giáo dục khác. Trong Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, các trường chuyên Top 1 ở Hà Nội có mức đầu tư công lên tới mức 18 triệu đồng/học sinh/năm. Con số này giảm dần ở các trường chuyên top 2 là 12 triệu đồng/học sinh/năm, và phổ thông công lập thường là 7.3 triệu đồng/học sinh/năm. Những con số này là bề nổi của bức tranh giáo dục ngày càng phân tầng rõ rệt hơn.

Chúng ta cũng cần phải nói đến các trung tâm tư vấn du học, vốn có sự hợp tác nhiều chiều với các hoạt động ở trường chuyên. Với mức đầu tư cao cùng hệ sinh thái giáo dục khá đầy đủ, thật khó để phủ định trường chuyên đang tạo ra học sinh giỏi. Nói chính xác hơn, trên bình diện công lập, hệ thống này còn quyết định định nghĩa về một “học sinh giỏi.”

Kết

Vấn đề nằm ở đây: Khi một hệ thống giáo dục duy nhất mãi được lấy làm hệ quy chiếu cho chất lượng đào tạo và chất lượng học sinh ra trường, thì những bất công sẽ khó có thể được giải quyết thoả đáng. Điều này từng được cảnh báo qua tiền lệ là các trường chọn trên thế giới. Chúng là trọng tâm của các tranh luận về bất công, khi lứa học sinh đầu vào của các ngôi trường này phần lớn đến từ các gia đình có điều kiện, theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền.

Ở Việt Nam, ta không phủ nhận rằng trường chuyên, dù có nhiều khiếm khuyết, vẫn là hệ thống thân thiện hơn đối với con em thuộc các gia đình trung lưu trở xuống, nếu so sánh với trường tư và trường quốc tế. Nó vẫn nâng đỡ các em thuộc gia đình không khá giả vươn lên trong xã hội, dù không nhiều. Vì thế, trường chuyên xứng đáng nhận được những phê bình chính đáng hơn so với phê bình của chuyên gia giáo dục được cộng đồng mạng quan tâm gần đây.

Những điều khác có thể làm là công nhận những con đường giáo dục và những chuẩn mực “học sinh giỏi” khác so với chuẩn mực nệ thành tích hiện có.