Bán trường chuyên cho tư nhân có giúp giáo dục bình đẳng hơn? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Bán trường chuyên cho tư nhân có giúp giáo dục bình đẳng hơn?

Tư nhân hóa trường chuyên, bất bình đẳng sẽ vẫn còn ở đó, học sinh cũng chẳng bớt áp lực hơn.
Bán trường chuyên cho tư nhân có giúp giáo dục bình đẳng hơn?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Đâu là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc thương tâm liên quan đến học sinh trường chuyên gần đây? Đó là câu hỏi nhiều người thắc mắc và theo đuổi. Đối mặt với bệnh tâm lý, mất kết nối với gia đình, và áp lực học tập ở trường chuyên là ba nguyên nhân được nhiều nhà phân tích mổ xẻ.

Khi trường chuyên lại trở thành tâm điểm của dư luận xã hội, quan điểm “bán trường chuyên cho tư nhân” của TS Nguyễn Đức Thành, được đưa ra từ tháng 7 năm 2020, lại gây bão trở lại.

Ông Thành cho rằng logic chung của những tiêu cực liên quan tới trường chuyên là bất bình đẳng xã hội. Giải pháp tư nhân hoá hệ thống này sẽ giúp khắc phục những vấn đề trên.

Quan điểm này cụ thể là gì, và có liên quan thế nào tới câu chuyện áp lực học tập dẫn đến bi kịch?

Vì sao bán trường chuyên cho tư nhân?

“Lấy của người giàu, chia cho người nghèo”

Đó là lập luận trung tâm của TS Nguyễn Đức Thành, người đã đề xuất bán trường chuyên cho tư nhân để giảm thiểu những tiêu cực của hệ thống này.

Tiêu cực được ông Thành liệt kê bao gồm: bệnh thành tích & áp lực học tập, sự lỗi thời về vai trò lịch sử, và nghiêm trọng nhất là bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm thu nhập khác nhau trong xã hội.

TS Nguyễn Đức Thành chỉ ra, hầu hết học sinh trường chuyên là con em nhà giàu. Một nghịch lý được ông nêu rõ ràng: Trường chuyên thuộc hệ thống công, nên chi phí hoạt động được lấy từ tiền thuế của nhiều gia đình không khá giả bằng. Điều đó dẫn đến hiện tượng “lấy của người nghèo, chia cho người giàu.”

Vấn đề ông Thành nêu ra là có cơ sở, đặc biệt là khi chúng ta nhìn vào mức đầu tư dành cho các trường công ở Hà Nội trong Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Trong đó các trường chuyên Top 1 ở Hà Nội có mức đầu tư công lên tới mức 18 triệu đồng/học sinh/năm. Con số này giảm dần ở các trường chuyên top 2 là 12 triệu đồng/học sinh/năm, và phổ thông công lập thường là 7.3 triệu đồng/học sinh/năm.

Chính sự chênh lệch về mức đầu tư đã khiến các cơ sở giáo dục công phân thứ bậc. Cuộc đua vào trường cao, trường thấp trở nên vô cùng khắc nghiệt, tác động nghiêm trọng tới tâm lý học trò.

Nguyên nhân lịch sử của bất bình đẳng giáo dục

Thực tế, từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, báo chí đã quan tâm đến những tiêu cực này, vì đây là thời kỳ đất nước hội nhập và có sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường. Kết quả, người trẻ tất yếu chịu áp lực cạnh tranh với bạn bè trong nước và năm châu.

Mục tiêu sơ khai của trường chuyên là nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước, bất kể nhân tài đó tới từ tầng lớp nào trong xã hội. Tuy vậy, từ sau sự du nhập của nền kinh tế thị trường và hiện tượng bất bình đẳng thu nhập, cuộc đua vào trường chuyên không còn công bằng.

Nhân tố then chốt nhất gây ra bất bình đẳng trong quá trình luyện thi được Mark Bray và Chad Lykins gọi là giáo dục ngoài luồng (shadow education), hay trong tiếng Việt chúng ta gọi là "học thêm."

Các gia đình khá giả có thể cho con tham gia vào những lò luyện thi chuyên từ nhỏ, kéo dài nhiều cấp học. Tất yếu, các em này sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn học trò không đủ điều kiện học thêm.

Các vấn đề trường chuyên gặp phải được ông Thành nêu là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, để nói giải quyết bất bình đẳng bằng cách tư nhân hoá hệ thống trường chuyên là không xác đáng, thậm chí, còn khiến hiện tượng này leo thang.

Tư nhân hoá không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng

Tư nhân hoá giáo dục công nhận bất bình đẳng ra sao?

Tư nhân hoá trường chuyên không những không giải quyết tận gốc bất bình đẳng trong đầu tư giáo dục giữa người giàu và người nghèo, mà còn hợp thức hoá điều đó, coi bất bình đẳng là điều hiển nhiên, tất yếu.

Ngày nay, dù học sinh giàu có có nhiều lợi thế trong việc thi đỗ trường chuyên hơn, song đây vẫn là một vùng xám trong giáo dục. Nói cách khác, học sinh ít điều kiện vẫn có khả năng thi đỗ trường chuyên, và môi trường này vẫn là nơi cung cấp chất lượng giáo dục tốt một cách tương đối đồng đều.

Nếu biến trường chuyên thành trường tư, không gian học tập giữa người giàu và người nghèo sẽ bị phân tách rõ ràng hơn. Một cách mặc định, con nhà điều kiện sẽ vào các nhà trường có chất lượng tốt hơn, tương tự đối với con nhà ít điều kiện.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Điều đó không đồng nghĩa với việc các bố mẹ không có nhiều nguồn lực kinh tế sẽ không nỗ lực cho con vào trường tốt nữa. Thậm chí, áp lực về kinh tế lên các gia đình nghèo sẽ còn lớn hơn, vì chất lượng giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của các gia đình Việt Nam.

Chúng ta không thể chắc chắn, khi áp lực từ cả phụ huynh và học sinh tăng lên, các sự việc thương tâm liên quan đến tâm lý sẽ diễn ra theo xu hướng nào. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn, gánh nặng tâm lý sẽ ngày càng mang màu sắc bất bình đẳng tầng lớp.

Câu chuyện này không còn xa lạ trong thực tiễn giáo dục Việt Nam, khi nhiều bố mẹ sẵn sàng “chạy” để con học trường điểm, lớp chọn từ mẫu giáo, cấp 1, bất kể ngôi trường đó đúng tuyến hay trái tuyến. Từ phía học trò, chuyện so sánh với nhau trường cao trường thấp hay gia cảnh cũng không phải điều mới lạ.

Bất bình đẳng không phải câu chuyện cũ

Tiêu cực xảy ra ở hệ thống trường chuyên và áp lực tâm lý ngày càng gia tăng lên học sinh, xuất phát từ bản thân xu hướng giáo dục ngoài luồng. Và giáo dục ngoài luồng cũng có thể coi như một hình thức “tư nhân hoá”, khi các lớp học thêm hoàn toàn không được quản lý chặt chẽ, và hoạt động theo nguyên tắc cung-cầu.

Sự lớn mạnh của hệ thống học thêm, luyện thi vào chuyên xuất phát từ sự kiện các trường chuyên tự thiết kế và tổ chức kỳ thi riêng của mình vào học kỳ 1991-1992. Ký ức của nhiều thế hệ học sinh chuyên trước đây, nay đã là các bậc cha mẹ, cho thấy nỗi ám ảnh “thi trường nào, học lò đấy”, “tìm đúng thầy, đúng thợ”.

Quá trình tự chủ đại học xuất phát từ những năm 2010 cũng là một trong số các nguyên nhân của áp lực học tập. Quyết định không lệ thuộc vào một bài thi đại học chung duy nhất cho mọi nơi chưa thể giảm tải gánh nặng cho học sinh.

Ngoài ra, các trường xét học bạ trường chuyên và bằng IELTS gây áp lực tài chính rất lớn cho nhiều gia đình. Chưa kể, bên cạnh chương trình học chính khoá nặng nề, nhiều học trò còn phải cân bằng thời gian cho lớp phụ đạo môn chính và lớp luyện văn bằng tiếng Anh.

Thống kê được công bố bởi THPT Phan Huy Chú - Đống Đa vào năm học 2019-2020 cho thấy số lượng học sinh miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ do đã có bằng IELTS, TOEFL, SAT của các trường chuyên top đầu Hà Nội là cao nhất.

Tầm ảnh hưởng sâu rộng của giáo dục ngoài luồng, bao gồm lớp học thêm, lò luyện thi, và các dịch vụ tư vấn du học giống như một bí mật mà ai cũng biết nhưng ít khi bàn thảo nghiêm túc về giáo dục Việt Nam.

Bất luận giáo dục ngoài luồng đóng góp nhiều vào thành tích học tập của học sinh và thu nhập của giáo viên bao nhiêu, thì nó cũng vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng nguồn lực giáo dục.

Vì sao môi trường học lành mạnh nên được ưu tiên?

Học giỏi không có nghĩa là có sức khoẻ tâm lý ổn định

Triết lý của giáo dục chuyên luôn là đầu tư mũi nhọn: Từ nguồn “tài nguyên” người học khá lớn hàng năm, các em giỏi nhất được chọn vào trường chuyên. Trong số các em giỏi nhất đó, một thiểu số top đầu được đầu tư tham dự các kỳ thi học sinh giỏi.

Sự phân tầng tiếp tục xảy ra trong quá trình nộp hồ sơ du học và cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu trong nước…

Trong cuộc đua này, áp lực tâm lý do cạnh tranh khắc nghiệt là điều hiển nhiên. “Lửa thử vàng” kiểu này chỉ đúng khi cuộc đua đến vinh quang hoàn toàn công bằng. Mâu thuẫn ở đây là, sẽ thật phi thực tế khi nói hiện nay học sinh có nguồn lực giáo dục và khả năng tiếp cận cơ hội giáo dục giống hệt nhau. Có thể thấy, áp lực tâm lý và chênh lệch giàu nghèo là hai vấn đề có quan hệ chặt chẽ.

không có giải pháp “một đập ăn quan” nào cho câu chuyện giáo dục này, song điều chúng ta có thể hướng đến là sự công bằng giữa các khoản đầu tư vào các cơ sở giáo dục công. Thay vì phân mức đầu tư giữa trường chuyên hạng 1, trường chuyên hạng 2 và trường thường như hiện nay, thì mọi trường công nên được cân đối mức bao cấp sao cho chất lượng học tập ở các nơi không quá chênh lệch.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nếu điều này xảy ra, chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua từ năm 2018 và bắt đầu đi vào thực tiễn đối với khối 10 từ học kỳ sắp tới sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Thay vì phân chia trường chuyên, trường thường, học sinh sẽ bớt áp lực hơn khi được học đúng tuyến tại địa phương mà vẫn được lựa chọn môn theo thiên hướng, sở trường của mình.

Với xu hướng “xã hội hoá giáo dục” khó có thể đảo ngược, thì việc chỉ hỗ trợ học phí cho các gia đình thực sự cần điều đó sẽ là một lối tư duy thực tế. Với các gia đình có điều kiện đầu tư học tập cho con cao hơn các gia đình khác, việc nộp học phí theo đúng giá “thị trường” nên được khuyến khích.

Điều này là hợp lý, khi hai nhóm học sinh kể trên đều tham gia chung một hệ thống giáo dục phổ quát. Chúng ta không thể ép các bố mẹ nhiều tiền rằng hãy đầu tư cho con mình ít đi. Giải pháp chống lại bất bình đẳng ở đây là hỗ trợ cho đúng người, đúng trường học.

Chăm sóc sức khỏe tâm lý như một quyền giáo dục phổ quát

Ngoài ra, để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thay vì đầu tư mũi nhọn vào các bảng vàng thành tích, giáo dục Việt Nam cần quan tâm hơn tới việc chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho tất cả mọi học sinh, bất kể tầng lớp xuất thân hay trường học.

Chăm sóc sức khỏe tâm lý phổ quát cho mọi học sinh sẽ dễ dàng được thực hiện hơn rất nhiều, khi khoảng cách chất lượng giữa các trường học được rút ngắn. Sa đà vào câu chuyện bán trường chuyên cho tư nhân đồng nghĩa với việc ta bỏ quên sức khỏe tâm lý của nhóm học sinh không “tinh hoa.”

Xem thêm:

[Bài viết] Chương trình lớp 10 mới: Liệu có quá ưu đãi cho học sinh thành phố?

[Bài viết] "Xã hội hóa" có là đích đến cuối cùng của giáo dục?