Chương trình lớp 10 mới: Liệu có quá ưu đãi cho học sinh thành phố? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Chương trình lớp 10 mới: Liệu có quá ưu đãi cho học sinh thành phố?

Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng với khối lớp 10. Đáng lưu ý là, các nhóm học sinh sẽ không hưởng lợi giống nhau từ thay đổi này.
Chương trình lớp 10 mới: Liệu có quá ưu đãi cho học sinh thành phố?

Nguồn: Jeswin Thomas/Unsplash

Chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng đối với khối lớp 10 trong năm học 2022-2023 sắp tới, được xem là một bước tiến lớn của ngành giáo dục.

Đứng trước những thay đổi lớn (tập trung vào gia tăng lựa chọn môn học và công tác hướng nghiệp), cơ sở vật chất được xem là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa chương trình này. Tuy nhiên, hầu hết các trường có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chất lượng hơn lại nằm ở các thành phố lớn. Thế nên một câu hỏi được đặt ra: Đối tượng hưởng lợi chủ yếu ở đây có chăng là các học sinh thành phố?

Thông tin về chính sách thường kén độc giả trẻ. Song, là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục phổ thông hoặc có con em đang còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng nên biết về những thay đổi vĩ mô mới. Từ góc nhìn rộng hơn về xã hội, chúng ta nhận thức được rõ hơn những đặc quyền và bất lợi của bản thân.

Điểm mới của chương trình mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới thực tế đã được ban hành từ năm 2018. Theo đó, lộ trình thực hiện đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sẽ bắt đầu vào năm học 2022-2023. Những đổi mới đối với lớp 10 được quan tâm hơn cả vì đây là năm chuyển giao giữa hai cấp học, và cũng là thời điểm phát triển tâm sinh lý quan trọng trong đời học sinh.

Cụ thể, các em sẽ chỉ cần học 7 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương), ít hơn nhiều so với 17 môn bắt buộc như chương trình hiện hành.

Ngoài ra, học sinh chỉ cần chọn 5 môn học từ 3 nhóm:

  • Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật
  • Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học
  • Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật

Chương trình mới sẽ phù hợp với nguyện vọng ngành nghề của thế hệ trẻ trong một nền kinh tế thị trường ngày càng chuyên biệt hoá về chức năng lao động của con người. Thay vì phải đợi tới cuối cấp phổ thông hoặc đầu đại học mới được hướng nghiệp, giờ đây, các em được định hướng từ cấp 2 và thực sự đặt tay lựa chọn vào đầu cấp 3.

Tự do lựa chọn - Cách làm mới, nhưng ý tưởng cũ

Thực tế, sự lựa chọn chương trình học dựa vào thiên hướng của học sinh đã không còn xa lạ ở Việt Nam. Tại các trường công lập thường, mô hình phân ban A, C, D… đã phổ biến từ đầu những năm 1990. Dù vẫn phải học bắt buộc mọi môn, nhưng tuỳ theo ban, học sinh sẽ học nâng cao các môn sở trường của mình.

Trường chuyên, hoạt động từ 1965 đến nay dành cho một nhóm nhỏ học sinh có năng lực học tập vượt trội, là mô hình tiêu biểu nhất của tư duy tự do lựa chọn. Tại đây, các học trò có năng khiếu về một môn học cụ thể sẽ được thi tuyển vào môi trường có tính chất chuyên biệt cao.

Kết quả phỏng vấn về thực trạng của một số trường chuyên trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhờ được ưu tiên tập trung đào tạo môn chuyên và giảm tải các môn học khác, học sinh chuyên thường có thể tận dụng thời gian trống để học các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT từ sớm. Vì thế, các em có cơ hội cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới nhiều hơn hẳn so với học sinh trường thường.

Cần lưu ý, học sinh chuyên không được giảm thời gian học chính thức ở trường. Nhưng nhờ sự linh động trong chương trình học, các em có thể học tiếng Anh vào các tiết của môn “phụ” vào buổi tối. Cùng thời gian đó, học trò trường thường phải đáp ứng yêu cầu của mọi môn học, đồng thời tham dự nhiều lớp học phụ đạo ngoại khóa.

Nguồn xframeio
Trường chuyên, hoạt động từ 1965 đến nay dành cho một nhóm nhỏ học sinh có năng lực học tập vượt trội, là mô hình tiêu biểu nhất của tư duy tự do lựa chọn. | Nguồn: xframe.io

Thêm thời gian, thêm lựa chọn

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm thiểu được tiêu cực nảy sinh từ sự chênh lệch chương trình học giữa hai hệ thống nhà trường kể trên. Nó cho mọi học sinh tiền đề quan trọng nhất để lựa chọn - thời gian.

Thời gian giảm tải cho phép học sinh tham gia hoạt động hướng nghiệp từ sớm, làm căn cứ lựa chọn tổ hợp môn phù hợp sau này. Hướng nghiệp từ câu lạc bộ từng chỉ là đặc sản của trường chuyên và các trường điểm, còn bây giờ học sinh nào cũng được hưởng lợi từ hoạt động này.

Không những vậy, các em có thể theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập như trung tâm tư vấn du học mà không sợ ảnh hướng tới thời gian học chính khoá. Điều này thể hiện tiềm năng xã hội hoá giáo dục của chương trình mới.

Bản thân chương trình mới cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi giáo dục Âu-Mỹ. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong các trường cấp 3 ở Mỹ, đội ngũ giáo viên cố vấn sẽ giúp học sinh tra cứu thông tin các trường đại học, làm hồ sơ ứng tuyển, chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa như SAT hay TOEFL.

Tham khảo từ giáo dục quốc tế cho trường học Việt Nam nhiều kinh nghiệm. Vì ngày nay, nhiều đại học đứng đầu trong nước cũng nhận kết quả văn bằng quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT… để phục vụ quá trình xét tuyển.

Chênh lệch chất lượng giáo dục giữa học sinh thành phố và “phần còn lại”

Bức tranh giáo dục đầy tích cực phía trên chỉ diễn ra ở thành thị. Nói chính xác hơn là chỉ một nhóm nhỏ học sinh thành thị, vì ngay cả ở các thành phố lớn, điều kiện cơ sở vật chất giữa các trường cũng phân chia thứ bậc.

Trong Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, các trường chuyên top 1 ở Hà Nội có mức đầu tư công lên tới mức 18 triệu đồng/học sinh/năm. Con số này giảm dần ở các trường chuyên top 2 là 12 triệu đồng/học sinh/năm, và phổ thông công lập thường là 7.3 triệu đồng/học sinh/năm. Tiền đầu tư này quyết định cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên của mỗi trường, những yếu tố then chốt giúp học sinh được định hướng tương lai phù hợp với mình nhất.

Xét về mặt toán học, nếu được lựa chọn hoàn toàn tự do, học sinh có tới 108 cách chọn tổ hợp môn. Tùy vào điều kiện vật chất và nhân sự, mỗi nhà trường sẽ tự đề xuất các tổ hợp môn riêng và định hướng học sinh cách lựa chọn. Với các trường hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi hơn thì việc xây dựng chương trình sẽ sát với nhu cầu thực tế của học sinh hơn các trường còn lại.

Nguồn Nam HoagravengVietcetera
Tùy vào điều kiện vật chất và nhân sự, mỗi nhà trường sẽ tự đề xuất các tổ hợp môn riêng và định hướng học sinh cách lựa chọn. | Nguồn: Nam Hoàng/Vietcetera

Chưa kể, khả năng hình dung ra tương lai trông sẽ thế nào của học trò còn được định hình bởi bộ môn hướng nghiệp được dạy ở cấp 2. Hướng sao cho chính xác, hiệu quả cũng là câu chuyện của nguồn lực, chất lượng giáo viên, và cơ hội tiếp nhận thông tin. Các yếu tố này không hề giống nhau ở từng vùng miền.

Ngoài ra, nội dung giáo dục địa phương được trông đợi là phương án tốt để cho học sinh thấy cơ hội phát triển ở ngay nơi mình sống thay vì chạy đua về những thành phố lớn. Thế nhưng, tới khi nào truyền thông còn khắc họa cuộc đời đáng sống chỉ gắn liền với sự xa hoa của đô thị, khi ấy những lựa chọn địa phương vẫn không bao giờ là thoả mãn.


Phần tiếp theo: "Xã hội hoá" có là đích đến cuối cùng của giáo dục?