Dù toát ra sự thiêng liêng khi đặt bên cạnh những đứa trẻ, bầu ngực của phụ nữ lúc xuất hiện độc lập vẫn mang lại cảm giác xấu hổ cho hầu hết người xem.
Vú là điều cấm kỵ. Cũng chính vú được thương mại hoá (công khai hoặc giấu giếm) trong một khoảng thời gian dài ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đến mức những người dùng vú để kiếm tiền đã vượt xa khỏi những người thực sự sở hữu nó.
“Trong xã hội bị vú ám ảnh của chúng ta, vú có khả năng thương mại gần như vô tận". - Marilyn Yalom, tác giả cuốn Lịch sử Vú thốt lên.
Phụ nữ “bán" sữa mẹ
Với ý nghĩa nguyên thuỷ nhất, bầu ngực là cách mà phụ nữ nuôi dưỡng những đứa con của mình.
Chức năng này của bầu ngực trước hết được “thương mại hoá" qua hình thức “vú nuôi". Vô số phụ nữ trên khắp thế giới đã kiếm tiền từ công việc này. Đặc điểm chung của họ là đều có số phận phụ thuộc vào gia chủ.
Nhiều người bị “bán" cho các tầng lớp giàu có, bị bóc lột, đánh đập, thậm chí là xâm hại tình dục. Nhưng cũng có những người kiếm được rất nhiều tiền, ở đẳng cấp cao nhất, vú nuôi của con cái vua Ai Cập nắm quyền lực đáng kể, vú nuôi của Hoàng hậu nước Pháp thậm chí được hưởng bất kỳ đặc quyền nào.
Nghề vú nuôi cũng phổ biến tại Trung Quốc từ thời Chiến Quốc trong các hoàng cung. Khi quyền lực của cung tần mỹ nữ phụ thuộc vào con, nghề vú nuôi ra đời để họ có thể tiếp tục tranh sủng, sinh ra những công chúa, hoàng tử tiếp theo mà không bị ảnh hưởng bởi việc nuôi con.
Ban đầu, địa vị của những vú nuôi xin việc ở các “biệt phủ sữa" rất thấp, nhưng sau khi được chọn vào cung, các nhũ mẫu sẽ trở thành quý tộc, cả đời hưởng phú quý. Nếu là vú nuôi của hoàng đế, người đó có thể được hưởng vinh hoa phú quý cả đời. Thậm chí, một số hoàng đế còn tôn nhũ mẫu của mình làm Thái Hậu.
Phụ nữ “bán" những bầu ngực gợi dục
Nếu chỉ mang ý nghĩa nuôi dưỡng, chắc chắn bầu ngực phụ nữ đã không trở thành điều “cấm kỵ" đến vậy.
Vú đã trở thành một đối tượng mang tính gợi dục trong suốt chiều dài lịch sử bởi nhiều người tin rằng ngực phụ nữ thực sự có khả năng kích dục với đàn ông (điều mà chúng tôi sẽ cố gắng giải thích ở phần sau). Việc tình dục hóa bộ ngực đã trở nên phổ biến đến mức trong văn hóa phương Tây, ý nghĩa tình dục của bộ ngực thậm chí chiếm ưu thế hơn so với vai trò sinh học.
Nhiều phụ nữ đã kiếm tiền bằng cách cho người khác nhìn và chạm vào bầu ngực của mình trong hàng ngàn năm, ở khắp nơi từ Tây sang Đông. Ví dụ về việc “bán" trực quan nhất chính là nghề mại dâm.
Các cô gái hồng lâu (hetaira) đã làm nghề này từ thời Hy Lạp cổ đại như một ngành nghề phổ biến và công khai, các bức vẽ về hetairai thời kỳ này thường khắc hoạ họ với bộ ngực trần, ngay cả ngoài bối cảnh đang quan hệ tình dục.
Ở Trung Quốc, chế độ ca kỹ - kỹ viện tồn tại gần 3000 năm theo suốt chiều dài lịch sử và chỉ chính thức kết thúc vào năm 1950 khi nước này chính thức tuyên bố thanh lâu là bất hợp pháp. Hiện nay, trên thế giới có 22 quốc gia công nhận sự hợp pháp của hoạt động mại dâm, 61 quốc gia coi mại dâm là hoạt động hợp pháp nhưng có giới hạn.
Không trực tiếp tham gia vào hoạt động tình dục, phụ nữ còn kiếm tiền bằng cách phô ra bộ ngực trần của mình trong những buổi biểu diễn thoát y. Những bức tượng vũ nữ thoát y hơn 9.000 năm tuổi được tìm thấy ở Bulgaria và Romania. Sau này, nhảy thoát y (striptease, strip dance) phát triển trở thành một bộ môn nghệ thuật tại nhiều quốc gia.
“Với một bầu vú, bạn có thể bán bất cứ thứ gì bạn muốn"
Khi những bộ ngực gợi lên khao khát cháy bỏng được thương mại hoá, người ta tin rằng bộ ngực phụ nữ nóng bỏng đặt bên cạnh sẽ khiến cho các sản phẩm trở nên thu hút hơn, đặc biệt là các sản phẩm mà khách hàng mục tiêu là đàn ông.
Sự xuất hiện lộng lẫy và gợi cảm của các PG (Promotion Girl - nữ tiếp thị) trong các sự kiện quảng bá ô tô chính là một ví dụ. PG được trả mức caste tương đối cao cho việc tạo dáng cạnh những chiếc ô tô.
Và tất nhiên, họ cũng phải là những “chân dài" có số đo 3 vòng "bốc lửa", hầu như mặc trang phục nhấn mạnh vào ngực, mông và đôi chân dài. Họ được mô tả là "giúp cho những chiếc xe bất động trở nên sinh động hơn, góp phần thu hút khách tham dự".
Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi phụ nữ không còn là người có thể trực tiếp "bán" bầu ngực của mình. Thay vào đó, phụ nữ chỉ "bán" cho những người trung gian, những người sau đó ghi lại hình ảnh ngực của phụ nữ, thương mại hoá nó, và kiếm tiền.
Tạp chí Playboy đã làm điều đó từ năm 1953 đến nay: đăng những bức ảnh khoả thân của phụ nữ. Playboy đã trở thành một biểu tượng toàn cầu sau khi đăng ảnh khỏa thân của Marilyn Monroe. Thời kỳ đỉnh cao, có tới 7 triệu bản tạp chí được bán ra mỗi năm.
Và tất nhiên, Playboy định vị mình là “tạp chí phong cách sống cho đàn ông”. Xa hơn, phim khiêu dâm đã phát triển lên thành cả một ngành công nghiệp cũng là một ví dụ sống động cho việc có vô số người đã “kiếm tiền" từ việc “tình dục hoá" bộ ngực phụ nữ.
Ngoài các sự kiện quảng bá trực tiếp, quảng cáo cũng “vật hoá" bộ ngực phụ nữ như “hàng hoá có thể mua được", kể cả khi bán các sản phẩm không hề liên quan đến tình dục.
Người ta yêu thích việc đặt hình ảnh một người phụ nữ trên banner, và nhiều khi, bộ ngực của họ thậm chí được nhấn mạnh hơn cả hình ảnh sản phẩm. Tấm áp phích với bộ ngực trần của nhãn hàng Root dưới đây đã được thiết kế nhằm thúc đẩy mọi người mua sản phẩm ca cao Cuca của họ nhiều hơn.
Từ những năm 1920 đến năm 1950, các thùng đựng trái cây tại Mỹ “thường có hình ảnh của những cô gái gợi tình vú bự", trong khi không hề có bất kỳ hình ảnh trái cây nào bên cạnh. Hãng táo Yankee Doll đã thiết kế một nhãn thùng với hình ảnh cô gái áo đỏ với “bầu vú tròn trông đủ đẹp để ăn".
Chữ táo - “apples" đặt sát cạnh bầu ngực, tái tạo một cách trực diện những so sánh thường trực nhất với hoa quả hấp dẫn, căng tròn và mọng nước mà bầu ngực được đặt trong tương quan: chanh, táo, cam, bưởi…
Tại sao vú luôn “bán chạy”?
Nhìn vào cách người ta “bán" vú trong hàng ngàn năm qua, có thể thấy rõ vai trò chủ đạo của vú đã chuyển từ chức năng “vú tốt" nuôi dưỡng thiêng liêng sang chức năng tình dục. Các nhà nghiên cứu đã luôn cố gắng trả lời câu hỏi vú bắt đầu bị tình dục hoá từ khi nào và tại sao.
Cuốn Lịch sử Vú nhắc đến sự kiện ở thế kỷ XV, tình nhân của vua nước Pháp được vẽ với một bên vú để trần như một quả cầu bung khỏi áo, không hề có sự kết nối linh thiêng với đứa trẻ mà như thể phục vụ cho những người quan sát bên ngoài bức tranh. Tác giả coi đây là sự kiện đánh dấu “sự chuyển đổi từ lý tưởng bầu vú thiêng liêng gắn liền với tình mẫu tử sang bầu vú gợi tình biểu thị khoái cảm nhục dục”.
Hành trình của vú là một ví dụ điển hình cho tiến trình “vật hóa phụ nữ”, phụ nữ bị coi như đồ vật và được người khác sử dụng, cho mục đích chăm sóc, phục tùng hay tình dục...
Điều này còn có thể xảy ra một cách gián tiếp, trước là trên các bức vẽ từ thời Trung cổ, sau là trong phim khiêu dâm hay các sản phẩm truyền thông khác, khi cơ thể (hoặc một vài bộ phận trên cơ thể) của phụ nữ bị xem xét một cách riêng lẻ, bị phóng đại, méo mó nhằm thỏa mãn ham muốn tình dục của khán giả được cho là nam giới.
Vật hoá phụ nữ góp phần dẫn đến văn hóa thống trị của đàn ông, hạ thấp cơ thể phụ nữ như một công cụ nhằm thỏa mãn niềm vui của đàn ông, coi thường phụ nữ như con người có suy nghĩ, cảm xúc và ham muốn.
Việc kinh doanh vú còn vô tình đặt lên áp lực khiến phụ nữ ám ảnh về vú của chính họ. Những bộ ngực hoàn hảo trên truyền thông tạo nên tiêu chuẩn “chất lượng" phi thực tế: kích thước, hình dạng, độ săn chắc…
Điều này ép họ phải chi trả nhiều hơn để chăm sóc bầu ngực một cách cẩn thận, thúc đẩy nhu cầu cho các sản phẩm gắn liền với vú: ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ, tập luyện thể hình, áo ngực độn, đẩy, kem bôi, thực phẩm chức năng làm tăng kích thước ngực...
Câu hỏi cơ bản mà Marilyn Yalom đặt ra trong Lịch sử Vú là “Vú thuộc về ai?”.
Trong khi trẻ em thấy thức ăn, đàn ông thấy tình dục, doanh nhân thấy có thể kiếm được tiền…, phụ nữ là người thực sự có nó trên người, họ thấy gì ở bầu vú của chính họ? Lòng tự tôn bị hạ thấp hay nỗi bất an được nâng cao?
Không chỉ là quảng cáo áo ngực, hay bộ đồng phục cổ trễ trong cửa hàng bán đồ điện tử, những sản phẩm bạn đang tiêu thụ vốn chiếm dụng vú một cách phức tạp và "có lịch sử" hơn bạn nghĩ rất nhiều.