TikTok làm gì mà khiến bạn lướt quá 180 phút một ngày? | Vietcetera
Billboard banner

TikTok làm gì mà khiến bạn lướt quá 180 phút một ngày?

Thay vì đi ngủ thì bạn lướt TikTok tới 3 giờ sáng.
TikTok làm gì mà khiến bạn lướt quá 180 phút một ngày?

Nguồn: Unsplash

Sinh sau đẻ muộn, nhưng TikTok đang dần vươn lên trở thành mạng xã hội phổ biến nhất. Thế hệ Gen Z thậm chí còn sử dụng TikTok như một công cụ tìm kiếm sản phẩm thay vì Google.

Tương tự như các mạng xã hội như Facebook hay Instagram, doanh thu của Tiktok phần nhiều tới từ tiền quảng cáo, cửa hàng ảo và tiền hoa hồng.

Vậy nên, nhiệm vụ của TikTok là giữ chân người dùng càng lâu càng tốt bằng nhiều thủ thuật tâm lý. Không phải tự nhiên mà bạn tự nguyện “lướt TikTok quá 180 phút" mỗi ngày!

1. Giao diện giới hạn, giảm thiểu xao nhãng

Thứ đầu tiên bạn thấy khi nhấn vào ứng dụng TikTok chính là màn hình video đã được chạy sẵn, giúp thâu tóm sự chú ý. Bằng cách hạn chế sự xao nhãng với video tràn màn hình, Tiktok đã tạo ra một trải nghiệm khiến người xem hoàn toàn đắm chìm (immerse experience).

alt
TikTok có giao diện màn hình tràn mà Instargam cũng đang bắt chước | Nguồn: TikTok Newsroom

Giao diện thiết kế và yêu cầu thao tác của TikTok hết sức tối giản với ít lựa chọn, tuân theo một quy tắc trong thiết kế là Luật Hick. Được đặt theo tên của nhà tâm lý học William Edmund Hick và Ray Hyman, quy luật này nhấn mạnh vào việc khi mình trao cho người dùng càng nhiều lựa chọn, họ lại càng khó đưa ra quyết định hơn.

Ví dụ, bước đăng nhập và điền thông tin cũng được đơn giản hóa và giới hạn, hay thao tác duy nhất bạn cần làm khi sử dụng TikTok là “lướt”. Vì TikTok cũng đã giới thiệu video cho bạn, bạn không bị rơi vào tình trạng quá tải nhận thức vì có quá nhiều sự lựa chọn được đưa ra.

Bên cạnh đó, chính giao diện đơn giản này sẽ đỡ làm tốn dung lượng não của bạn khi bạn ít phải chú ý tới nhiều thứ. Lúc này, bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi switch-cost effect (hiệu ứng chi phí chuyển đổi), thứ khiến bạn tốn thời gian để chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác mà hoàn toàn tập trung vào TikTok.

2. Thuật toán tinh vi giữ chân người dùng

Thuật toán của TikTok hoạt động như thế nào luôn là một chủ đề được quan tâm và bàn luận. Bởi một khi nắm được bí kíp này, những nhà sáng tạo nội dung có thể tìm ra lối tắt đi tới danh vọng.

Một bài báo của New York Times đã tiết lộ về thuật toán giới thiệu video của TikTok, và cách nó giữ chân cũng như khiến người dùng quay lại. Trong báo cáo lưu hành nội bộ, TikTok đã đưa ra 4 mục tiêu như sau:

  • User value (giá trị người dùng): đưa ra giá trị cho người dùng
  • Long-term user value (giá trị lâu dài của người dùng): giữ chân người dùng quay lại mỗi ngày
  • Creator value (giá trị của người sáng tạo): mang lại giá trị cho người sáng tạo nội dung
  • Platform value (giá trị của nền tảng): cải thiện ứng dụng với thuật toán

Thuật toán của TikTok cũng đã tuân theo 4 định hướng này. Nhờ đó mà nhiều người cảm thấy rất ngạc nhiên khi TikTok hiểu họ muốn gì hơn cả chính bản thân họ.

Để làm được điều này, TikTok đã đưa ra một hệ thống tính điểm dựa trên các hành vi của người dùng như like, share, comment và thời gian họ dành ra để xem một video. Sau đó, họ dựa vào số điểm này để chọn ra video phù hợp với người xem.

alt
Thuật toán này giữ chân và khiến bạn liên tục quay lại | Nguồn: Unsplash

Wall Street Journals cũng đã nghiên cứu cách thuật toán của TikTok hoạt động bằng cách tạo ra 100 tài khoản giả. Họ nhận ra rằng các video được TikTok giới thiệu phụ thuộc nhiều vào thời gian bạn dành ra để xem một nội dung cụ thể.

Ngoài ra khi càng lướt nhiều, các video ít phổ biến với nội dung ngách sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Có thể thấy, thay vì chỉ giới thiệu cho người dùng thứ mà họ quan tâm, TikTok còn giới thiệu những danh mục nội dung mới để mở rộng định hướng nội dung cho người dùng. Bằng cách này, não chúng ta sẽ không bị chán nếu cứ coi đi coi lại một loại nội dung.

3. Tạo ra sự thỏa mãn cho não bộ

Nhiều người so sánh trải nghiệm sử dụng TikTok như một loại thuốc gây nghiện. Có thể nói, ứng dụng này như một nhà máy kích thích não sản sinh ra dopamine - phần thưởng giúp cơ thể dễ chịu.

Não bộ có xu hướng thưởng dopamine khi chúng ta tiếp thu thông tin mới. Tuy nhiên, nội dung của TikTok lại quá ngắn khiến chúng ta cứ khao khát xem nhiều hơn khi lượng dopamine tiết ra vẫn chưa đủ.

Bên cạnh đó, TikTok cũng sẽ khiến người dùng tò mò về video ngẫu nhiên sắp tới được phát. Vậy nên, dần dà chúng ta rơi vào vòng lặp của dopamine và tiếp tục lướt.

Lướt TikTok giới hạn bao nhiêu là đủ?

TikTok có tính năng nhắc nhở người dùng về việc họ đã xem video quá nhiều trong một ngày.

Tính năng này cũng nhắm vào đối tượng trẻ vị thành niên từ độ tuổi 13-17, khi giới hạn thời gian xem cho đối tượng này là 100 phút/ngày. Nguyên nhân của sự thay đổi này tới từ việc nhiều nhà làm luật bắt đầu quan ngại vì khả năng gây nghiện của TikTok.

Trước đó thì khi bạn đang lướt TikTok, một video khuyên bạn nên nghỉ ngơi sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, việc của TikTok chỉ là nhắc, còn làm hay không vẫn phụ thuộc vào bạn.

Growth Design, trang web chuyên phân tích về áp dụng tâm lý vào thiết kế cho rằng cách TikTok nhắc nhở bạn dừng xem video thật sự không hiệu quả.

Họ phân tích rằng việc đưa ra format video tương tự những gì bạn đang xem không giúp bạn thoát ra khỏi vòng lặp video hiện tại. Bạn cơ bản chỉ cần nhấc ngón tay lướt để được coi tiếp. Tâm lý phản kháng cũng khiến bạn làm ngược lại những gì mình đã được khuyên.

Vậy nên, nếu thực sự muốn “cai” TikTok, những gì bạn cần là học cách giới hạn thông tin tiêu thụ, hoặc thậm chí thanh lọc công nghệ.

Đây là những biện pháp đường dài giúp bạn thực sự thay đổi thói quen, thay vì chỉ được nhắc nhở ngừng coi tạm thời.