Tôi dạy bố mẹ săn sale | Vietcetera
Billboard banner

Tôi dạy bố mẹ săn sale

Bước đầu tiên của công cuộc dạy bố mẹ săn sale chính là hiểu được không phải sản phẩm nào gắn mác “sale” cũng là hàng tồn kho kém chất lượng.
Tôi dạy bố mẹ săn sale

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Mẹ tôi là một người thường không có kinh nghiệm trong việc mua sắm đồ đạc. Mẹ vẫn giữ quan niệm xưa rằng chỉ có đồ đắt tiền mới tốt, dùng lâu bền mà không hỏng vặt. Nên mỗi lần từ thành phố trở về thăm nhà, là tôi lại được vài lần ngã ngửa khi thấy ở nhà xuất hiện một món đồ kỳ quặc nào đó với mức giá trên trời. Đấy là lúc tôi nhận ra, mình cần phải thay đổi thói quen của bố mẹ về việc mua sắm.

Thế nhưng, việc này không hề đơn giản. Thế hệ của bố mẹ, không có phương thức truyền thông nào hiệu quả hơn cách truyền miệng, một món đồ rẻ và tốt là món đồ được nhiều người mách bảo. Đồng thời, họ có một niềm tin bất biến vào quan niệm mua sắm, tích trữ đồ dùng.

Mỗi lần dạy bố mẹ bước chân vào các sàn thương mại điện tử, làm quen với những đợt săn sale, áp mã giảm giá, lưu voucher là mỗi lần tôi lại đối diện với những câu hỏi khó nhằn của bố mẹ.

3 câu hỏi muôn thưở của bố mẹ về săn sale

"Làm gì có chuyện rẻ như thế, của rẻ chắc là của ôi"

Ngày nay, “của rẻ là của ôi” hay “đắt xắt ra miếng” không phải lúc nào cũng đúng. Hàng rẻ không hẳn lúc nào cũng là hàng kém chất lượng. Trong thời đại thị trường tiêu dùng và các sàn thương mại điện tử cạnh tranh khốc liệt, việc giảm giá nhiều khi là yếu tố sống còn để giữ chân khách hàng và kích thích mua sắm.

Ở hướng ngược lại, hàng đắt không phải lúc nào cũng nghĩa là hàng xịn. Một sản phẩm phải gánh chịu mức giá cao có thể vì trong đó bao gồm cả phí vận chuyển, mặt bằng, nhân sự, vận hành chứ không hẳn là vì chất lượng nguyên liệu hay tiền công sản xuất.

Bước đầu tiên của công cuộc dạy bố mẹ săn sale chính là hiểu được không phải sản phẩm nào gắn mác "sale" cũng là hàng tồn kho kém chất lượng. Khi đã cởi bỏ được tâm lý, bố mẹ sẽ thoải mái hơn trong việc chi trả cho những món đồ uy tín với số tiền thấp hơn dự kiến mà không quá lo về chất lượng.

"Ứng dụng gì mà thiết kế dày đặc khó hiểu vậy?"

Lý do bố mẹ chúng ta thường thích ra cửa hàng để mua sắm theo kiểu truyền thống là vì chỉ cần nêu yêu cầu, nhân viên sẽ đưa cho bố mẹ các lựa chọn phù hợp mà không cần phải ngồi tìm kiếm.

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Nhưng mua hàng online hoặc săn Sale thì không dễ như vậy. Chúng ta phải làm quen với các giao diện thương mại điện tử, ví điện tử, biết cách tìm các loại mã giảm giá, đọc thật kỹ các danh mục tìm kiếm. Điều này khó hơn nhiều so với việc đi đến cửa hàng và tận mắt đến gian hàng mình muốn. Chẳng hạn "Tivi" được xếp vào nhóm "đồ điện tử", nhưng với bố tôi, ông luôn mặc định đó là đồ gia dụng.

Vậy là, tôi đã dành một buổi tối để ngồi chỉ cho bố mẹ những mục khác nhau trong ứng dụng, muốn tìm kiếm món đồ gì chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm, và mỗi đợt sale sẽ có những món đồ giảm giá đặc biệt tương ứng.

"Lỡ nó hỏng thì sao bảo hành?"

Một trong những mối lo ngại lớn nhất của bố mẹ đó là cách thức bảo hành cho những sản phẩm điện tử hay gia dụng đắt tiền. Trên thực tế, các sàn thương mại điện tử đều có chính sách bảo hành và hoàn trả cụ thể.

Đối với những thương hiệu lớn, nếu sản phẩm gặp rắc rối đều có thể mang đến bảo hành nếu có tem chính hãng hoặc phiếu mua hàng,... Sau một thời gian thuyết phục và bảo mẹ kiểm tra tem mác, tôi đã thành công để mẹ tin rằng chỉ cần đọc kỹ những điều kiện bảo hành thì mình hoàn toàn có thể tránh được "bẫy lừa đảo" của những món đồ không rõ nguồn gốc.

Tôi “dạy" bố mẹ như thế nào?

Làm quen với liên kết ngân hàng và ví điện tử

Sau khi giải thích tường tận cho bố mẹ về những chức năng, hình thức và giao diện của một ứng dụng săn sale, tôi bắt đầu chỉ cho bố mẹ các bước để liên kết tài khoản ngân hàng cũng như ví điện tử.

Đây lại là một khó khăn khác. Trong vai những người tiêu dùng cực kỳ cẩn trọng, bố mẹ tôi luôn cảm thấy việc cung cấp thông tin ngân hàng cho những ứng dụng khác nhau là không an toàn.

Vậy là, tôi đành phải nâng cấp thêm “giáo án” của mình. Ngày nay, việc kết hợp của các ví điện tử và sàn thương mại điện tử mang lại rất nhiều tiện ích và lợi ích khác nhau. Hơn nữa, thao tác cũng rất đơn giản và dễ dàng thực hiện với những người chậm công nghệ.

Việc sử dụng các app ngân hàng hay ví điện tử, săn code ưu đãi là cách mình tiết kiệm từ những đồng tiền nhỏ nhất và tận dụng được những ưu đãi khi mình sử dụng dịch vụ của ngân hàng, thay vì mua sắm như khách hàng vãng lai thông thường.

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Đọc đánh giá của những người đi trước

Nếu trước đây, bố mẹ tôi mua món đồ nào cũng sẽ gọi điện hỏi xem có người quen nào đã dùng chưa; thì hiện nay, luôn có nhiều hơn một người giúp bố mẹ tôi đưa ra quyết định. Để có thêm nhiều góc nhìn và tăng độ uy tín cho sản phẩm, tôi đã hướng dẫn bố mẹ vào đọc bình luận, đánh giá các sản phẩm của người đã đặt hàng.

Đây là một việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tốn thời gian không kém. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mặt hàng và gian hàng khác nhau, bố mẹ trong vai những người mua hàng lần đầu đặt chân vào hẳn sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ.

Hãy dành thời gian và kiên nhẫn chỉ cho bố mẹ cách so sánh lượt đặt hàng giữa các gian hàng với nhau. Giống như quan niệm được mách bảo khi đi du lịch, cứ hàng nào đông người ăn thì hàng đó ngon hoặc nổi tiếng, tôi cũng chỉ cho bố mẹ kinh nghiệm tương tự, cứ gian hàng nào càng đông người đặt, nhiều bình luận đánh giá 5 sao là tăng thêm phần uy tín.

Bố mẹ từ khi được chi thêm kinh nghiệm đó, tôi để ý thấy họ có thêm niềm vui lúc rảnh rỗi là đi tìm đọc đánh giá các sản phẩm khác nhau. Mẹ tôi thậm chí còn hào hứng chụp ảnh, đăng bình luận lên mỗi khi nhận được sản phẩm, vừa là góp tiếng nói, vừa là tích xu để đổi ưu đãi cho lần sau.

Kiên nhẫn và quan tâm đến nhu cầu của bố mẹ nhiều hơn

Những con chữ đầu tiên, tiếng nói đầu tiên trong cuộc đời đều do bố mẹ dạy dỗ chúng ta. Khi đó, chúng ta giống như một tờ giấy trắng, với rất nhiều sự thơ ngây và tò mò, không ai dành cho chúng ta nhiều sự kiên nhẫn như những ông bố, bà mẹ.

Thời gian thay đổi và chúng ta trưởng thành hơn, bố mẹ cũng phần nào trở nên bớt tinh tường và nhanh nhạy so với ngày trước. Lúc này, những đứa con như tôi lại đổi vai, trở thành "thầy cô giáo" của bố mẹ mình trong lớp học về công nghệ mới.

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Bố mẹ - những người luôn có cái tôi và cho rằng mình đúng, đã không ngại cho phép đứa con được "lên mặt" chỉ dẫn và luôn kiên trì lắng nghe. Chính điều này đã dạy tôi bài học về sự nhẫn nại từ những đấng sinh thành.

Những cuộc điện thoại thường ngày về nhà của tôi với bố mẹ, thay vì chỉ nói với nhau vài câu "hôm nay ăn gì," "bố mẹ khỏe không", tôi và mẹ nói nhiều hơn về cuộc sống gia đình, về làm đẹp, về chiếc nồi mới mua kho cá thật đậm đà, nước giặt mới săn sale được thơm hơn nhiều so với mùi cũ. Tôi nhận ra mẹ cũng giống mình, có thật nhiều niềm vui đơn giản và sự háo hức khi mua được một món đồ tốt với giá rẻ.

Người ta luôn nói nhiều về việc công nghệ làm đứt gãy những khoảng cách thế hệ và mọi người xa cách nhau hơn, nhưng đó chỉ là một mặt của đồng xu. Đôi khi công nghệ là cây cầu để nối tiếp những giá trị, là những niềm vui thường nhật để chúng ta có thể góp mặt trong cuộc sống của nhau thường xuyên hơn và bền vững hơn.