"Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần" – Phần Hai | Vietcetera
Billboard banner

"Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần" – Phần Hai

Phần Hai: Tôi thực sự cảm thấy sự đơn độc của Uyên. Ở mục “Người nhà khi cần báo tin” trên y bạ, Uyên đề tên tôi.
"Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần" – Phần Hai

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

“Đại dương đen,” cuốn sách mới được phát hành của tác giả Đặng Hoàng Giang, đi vào thế giới của người trầm cảm và người thân của họ. Thông qua các trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc, sách hy vọng có thể giúp cộng đồng hiểu hơn về các hình thái khác nhau của căn bệnh này, nó khác với “nỗi buồn thông thường” như thế nào, nó có thể gây tàn phế hay thầm lặng sát hại ra sao, có những định kiến nào đang tồn tại và những lối thoát nào khỏi nó.

Vì sao lại là Đại dương đen? Đây là một ẩn dụ mà nhiều người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng khổng lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.

Series ba bài này là một chương của Đại dương đen. Bạn đọc lưu ý, câu chuyện thật của người thật này có thể gây kích động tâm lý.

Tiếp nối kỳ trước: Phần Một

PHẦN HAI

Uyên

Lớp Sáu là lúc thế giới con trẻ đẹp đẽ của tôi, cái hình dung màu hồng về gia đình hạnh phúc của tôi, rạn nứt. Tôi là một đứa trẻ dũng cảm, chưa bao giờ tôi trốn dưới gầm bàn hay gầm giường khi bố đánh mẹ. Ban đầu thì tôi van xin lạy lục, sau thì tôi đánh lại bố và hét ầm ĩ lên. Ban ngày, tôi giấu dao sau khe tủ để bố không tìm thấy. Buổi tối, tôi cầm theo compa để phòng vệ và ngủ ngồi để canh xem bố có dựng mẹ dậy để đánh không. Tôi đã quên nhiều thứ rồi, nhưng không quên được cảnh ba mẹ con ngồi co ro với nhau, đối diện là bố với cái kéo to trong tay. Không quên được hình ảnh bố dùng dao phay ghì mạnh vào cổ mẹ, khiến chỗ đó bị tím bầm. Sau một hồi đánh chửi, bố ép mẹ làm tình, xong lại đánh chửi. Một số lần tôi gọi cho nhà nội trong lúc bố tát, đấm, kéo tóc mẹ, nhưng họ bảo không sao đâu, không có vấn đề gì đâu.

Đại Dương Đen

Vài năm nay, bố mẹ đã nói chuyện lại với nhau, chứ trước kia thì mẹ gọi bố là Người Lớn, khi nào cần nói gì với bố thì mẹ bảo tôi hay em trai nói với Người Lớn. Giữa tôi và bố thì vẫn hầu như không có giao tiếp gì. Tôi không muốn nghĩ bố là người xấu, và chuyện đã qua gần cả thập kỷ rồi, có lẽ chẳng ai trong nhà còn nhớ chúng, nhưng tôi thì không thể nào quên nổi. Những ký ức cứ ùa về, giày xéo tôi khổ sở. Lần khám gần đây nhất, bác sĩ bảo tôi bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn.

Hiển

Tôi và Uyên tìm nhà để ở cùng nhau. Như thế tôi yên tâm hơn, tôi có thể hiểu Uyên hơn, sát sao, chăm sóc Uyên tốt hơn. Tôi đi làm nhiều để cùng đóng tiền nhà, rồi tiền tham vấn tâm lý, tiền thuốc thang của Uyên. Thực ra bố mẹ Uyên có thể giúp được, nhưng đó lại là cả một câu chuyện khác. Uyên rất hay lo sợ là nó làm tôi mệt mỏi, phiền phức. Với người yêu trước, nó đọc được tin nhắn họ viết cho bạn như vậy, nên giờ nó bị ám ảnh. Người trầm cảm đánh mất niềm tin về giá trị của bản thân. “Có phải là em làm quá lên không?” Uyên hay thắc mắc, “Tại sao cũng hoàn cảnh đó mà người khác không bị sao?” Họ đã nghe câu lỗi tại họ nhiều quá, cho tới lúc họ tin vào điều đó. Cái gì xảy ra cũng do họ hết. Uyên cũng sốc, buồn và xấu hổ mãi với câu nói là nó muốn giết tôi, nó thấy ghê sợ chính mình. Tôi phải an ủi là lúc đó nó không phải là nó bình thường nữa.

Đại Dương Đen

Uyên

Tôi không khác biệt. Tôi cũng có ước mơ, cũng có công việc mình muốn làm, cũng muốn hạnh phúc bên người mình yêu thương, cũng có bạn bè, cũng muốn được bộc lộ ra bên ngoài những gì đúng là con người mình, cũng muốn tâm sự, chia sẻ, muốn được thấu hiểu. Như bất kỳ ai khác.

Tôi có một trái tim bình thường, một cái đầu bình thường. Tôi biết đau, biết suy nghĩ, biết sợ hãi, biết khóc thương, biết vui vẻ. Tôi biết chọn lựa làm những điều khiến bản thân hạnh phúc.

Tôi không khác bất kỳ ai cả.

Đó là những điều tôi tự nói với bản thân năm tôi mười chín tuổi, hôm tôi can đảm mặc áo cộc tay, đứng trên sân khấu nhận một giải thưởng gì đó. Trong khoảng khắc đó, tôi quên đi hai cánh tay đầy sẹo của mình.

Một năm sau, tôi thấy cơ thể mình đáng tởm. Tóc tôi tởm vì xơ xác và nâu đen lờ lợ. Cánh tay tôi tởm vì nó lồi lõm ngang dọc như cành cây. Chân tôi tởm vì sẹo to sẹo nhỏ. Đầu vú tôi tởm vì nó cứ to và xấu xí đi. Vú tôi tởm vì nó cứ xệ ra. Phần dưới của tôi tởm vì nó cứ lắm lông đen sì. Đầu óc tôi tởm vì sự ngu đần. Trái tim tôi tởm vì đầy tiêu cực và đáng bỏ xó. Tôi ghét những gì mình từng trải qua vì nó tởm, mà trải nghiệm quá khứ là điều tạo nên tôi, nên là tôi thấy mình tởm. Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần.

Hiển

Trầm cảm không phải là một nỗi buồn mà mình có thể xua tan bằng cách cố gắng lên, suy nghĩ tích cực lên. Người trầm cảm không muốn tỏ ra như thế, họ bị như thế, và cần phải được chữa trị. Uyên lên xuống thất thường. Có những lúc đang êm đẹp thì nó bước vào một giai đoạn trầm cảm mà không có một lý do ngoại cảnh nào cả. Uyên buông hết, không còn thiết gì cả, trong khi trước đó nó làm marketing cho ba bốn dự án. Không đi làm, không nói năng, không ra ngoài, không chơi bời gì nữa, nó chỉ nằm trên giường, quay mặt vào tường, bấm điện thoại, xem YouTube.

Uyên

Hiển bảo những lúc đó trông tôi rất kinh khủng, nếu nỗi buồn là mặt đất thì tôi đào một cái hầm nằm sâu dưới đất cả trăm mét. Cứ mỗi lúc Hiển chuẩn bị đèo tôi đi học, thay xong quần áo là tôi bắt đầu khóc. Hiển dỗ mãi tôi mới chịu ra khỏi nhà, và vẫn tiếp tục khóc trên đường tới trường. Tôi sợ các cuộc tiếp xúc, tới trường là chóng mặt, vào thang máy đúng lúc sinh viên tràn vào chen chúc, thì buồn nôn, khó thở và hoảng sợ. Nhưng tôi biết là nếu ở nhà thì tôi sẽ tự giày vò đến chết mất. Tôi sẽ thấy mình tồi tệ, yếu đuối. Tôi ghét nhất là cảm giác mình thất bại và ngu dốt, nên cứ tỉnh táo một chút là tôi cố làm hay học cái gì đó.

Tới giờ, tôi đã bốn, năm lần gặp chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần. Lần gần đây nhất, tôi tự so sánh với kết quả trắc nghiệm hồi lớp Mười một và hiểu là mình đã bị nặng hơn nhiều. Có biểu hiện suy giảm trí nhớ, suy giảm tập trung, người ta ghi vậy và khuyên tôi nhập viện nội trú, nhưng tất nhiên là tôi không nghe. Tôi uống thuốc một tuần và thấy tâm trí có sáng sủa ra, tuy nhiên tôi vẫn dừng lại. Tôi không muốn tạo thêm gánh nặng tiền nong cho Hiển, nó cũng chỉ mới hai mươi thôi. Tôi cũng không muốn xin tiền bố mẹ cho việc này, vì tôi không cảm thấy sự quan tâm, sốt sắng từ họ. Mẹ chẳng bao giờ hỏi, “Ơ, sao bây giờ không đi lấy thuốc nữa à?” Hồi tôi phải vào viện vì một phẫu thuật nhỏ thì mẹ khác hẳn, đưa tôi đi lấy thuốc bổ, hỏi han, nhắc nhở tôi uống. Mẹ quan tâm tới vết mổ đó hơn là tới căn bệnh tâm lý của tôi nhiều.

Tôi đã từng đưa thông tin, tài liệu cho mẹ. Anh tham vấn đã từng gọi cho mẹ. Nhưng qua cái cách mẹ nói chuyện với tôi, tôi không nghĩ mẹ hiểu bệnh của tôi là cái gì. “Cần tiền mua thuốc thì mẹ cho,” mẹ nói, “nhưng chẳng có bác sĩ hay là thuốc men nào cứu được mình đâu, mình phải tự vượt qua thôi.” Mẹ cũng nói với anh tham vấn là bố tôi “không như thế nữa,” theo cái ý là tôi không cần phải bị chuyện bố bạo lực ám ảnh nữa, mọi người trong nhà đã bỏ nó sang một bên từ lâu rồi.

Hiển

Một lần, khi chúng tôi ở nhà bố mẹ Uyên, nó ngỏ ý muốn mẹ đi cùng để chụp não, có đứa bạn cũng bị rối loạn lưỡng cực khuyên vậy. Mẹ nó bảo bệnh này là bệnh tư tưởng, tất cả là do mình, người bị ung thư mà suy nghĩ tích cực thì còn khỏi được cơ mà. Uyên bảo đây là bệnh thật, không phải tưởng tượng, không phải do suy nghĩ tiêu cực. Mẹ nó lại bảo tất cả là ở bản thân mình, mình suy nghĩ tích cực thì nó thành tích cực.

Uyên

Rồi mẹ nói mẹ phải lo nhiều thứ, mẹ rất bận, phải dạy bù giờ, mẹ bị viêm van B, răng mẹ yếu, mẹ đau ốm mệt mỏi, thuốc men nhiều tiền.

Tôi bắt đầu khóc lóc và to tiếng chất vấn. Vì sao sau bao nhiêu năm mà mẹ vẫn cho đây là bệnh tư tưởng, vì sao bạn mẹ chưa gặp tôi mà có thể nói là tôi vẫn khỏe mạnh, tôi chỉ phóng đại mọi thứ lên. Mẹ nói khám ở đâu, uống thuốc gì cũng được, nhưng đấy là do mẹ chiều đòi hỏi của tôi, chứ không phải vì mẹ nghĩ tôi thực sự cần. Rằng tôi đừng có chấp vặt mấy câu nói của bố mẹ để vin vào đó mà hành hạ người nhà, rằng tôi đang ngồi lên đầu mẹ đấy.

Hiển

Uyên bắt đầu hoảng loạn, nó gào thét và tự cào tay. Tôi chạy đi tìm giấy, bác sĩ nói là những lúc này có thể cho Uyên vò giấy hoặc cầm đá trong tay, mà nhà thì không có đá. Uyên vớ cái cốc thủy tinh ném vào tường, rồi tiếp tục khóc nấc lên và rên rỉ. Khi Uyên từ từ dịu xuống thì tôi lấy chổi quét các mảnh thủy tinh và các cục giấy vo viên rải rác đầy dưới sàn. Trong cả quãng thời gian đó, ngoài tôi cố gắng vỗ về Uyên thì cả nhà không ai phản ứng gì. Em Uyên ngồi trước cái máy tính ở trong góc. Mẹ Uyên im lặng trên giường, mắt vẫn nhìn điện thoại. Bố Uyên ở phòng bên, chắc chắn bác ấy biết Uyên lên cơn, vì nó hét rất to và ném đồ đạc.

Đại Dương Đen

Uyên

Cảm giác tội lỗi và xấu hổ bao trùm. Đây là lần đầu bố mẹ chứng kiến tôi lên cơn. Trên đường về, tôi cứ day dứt, tôi có khiến bố mẹ cãi nhau không, họ có đổ lỗi gì cho nhau không, tôi có làm em mình khổ không. Tôi sợ bị nói là bất hiếu, là không chín chắn, không thương bố mẹ. Tôi nhờ Hiển nhắn tin rằng mình không kiểm soát được bản thân chứ không muốn giày vò ai, rằng tôi là một đứa trẻ lớn lên với một nhân cách lệch lạc, đáng kinh tởm. Rằng tôi xin lỗi mẹ.

Hồi mẹ còn nhỏ thì bà ngoại bỏ nhà đi, và kỳ lạ là mang theo bác hai và bác ba, nhưng bác cả và mẹ là út thì bà bỏ lại. Ông lấy vợ mới, mẹ và bác cả bị đánh đập nhiều và bị đói. Hai anh em đi tàu trốn vé tìm mẹ, mãi sau thì bốn anh em mới sống cùng với nhau. Trong nhà ngoại, mẹ là người duy nhất có nghề nghiệp ổn định, mẹ thành trụ cột trong họ, lo nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng cho các cháu. Liệu vì thế nên mẹ cho là những thứ mà tôi trải qua chả nhằm nhò gì, sao mà tôi lại phải trầm cảm? Hay mẹ tránh nhắc đến bệnh của tôi vì xấu hổ, mặc cảm là đã đẻ ra một đứa con không lành lặn? Khi cho rằng tôi chỉ phóng đại, muốn gây chú ý và tìm kiếm sự thương xót, mẹ yên tâm về trách nhiệm của mình? Để mẹ vẫn có thể chụp ảnh thật xinh đăng lên Facebook, viết vài bài thơ, chia sẻ dòng tâm trạng để củng cố thêm hình ảnh giáo viên mãn nguyện của mình?

Hiển

Mẹ Uyên nhắn tin cho tôi, xin lỗi “nếu đã có gì quá lời,” nhưng tôi không thực sự thấy cô ấy hiểu vì sao mình cần xin lỗi. Tôi cũng không rõ tại sao lại phải khó khăn thế. Tôi cũng đã từng không biết gì, nhưng mình chỉ cần lên mạng tìm hiểu thì biết đây là một bệnh như những bệnh khác, nó không phải là một sự tưởng tượng.

Tôi vẫn động viên Uyên thỉnh thoảng về thăm nhà. Lần nào tôi cũng cảm nhận một không khí u tối, nặng nề. Cả căn phòng chỉ có một bóng đèn trần trụi ở giữa nhà. Không ai cười đùa, pha trò, mẹ Uyên đang nói gì mà bố Uyên nói lại là cô ấy sẽ im luôn. Nó rất khác với sự vui tươi, nhẹ nhõm, mọi người trêu trọc nhau ở nhà tôi. Điều đó khiến Uyên tự ti.

Tôi thực sự cảm thấy sự đơn độc của Uyên trong quá trình chiến đấu chống lại bệnh của mình. Ở mục “Người nhà khi cần báo tin” trên y bạ, Uyên đề tên tôi.

Uyên

Tôi muốn chữa lành cho mình. Tôi không muốn chết. Tôi thực sự khát khao được khỏe lại, được có những niềm vui, những khoảng khắc hạnh phúc, chúng đã thật hiếm hoi trong những năm qua. Nhưng mọi thứ hỗn độn, bên trong tôi đang méo mó, hay môi trường bên ngoài tôi đang lệch lạc? Tôi đã mất khả năng đánh giá. Tôi sợ những cơn của mình, chúng xâm chiếm não bộ tôi, nhấn chìm lý trí của tôi, chúng phơi bày sự đau đớn, cô đơn, nỗi sầu thảm suốt những năm tháng niên thiếu của tôi, sự ám ảnh của bạo lực, của lẻ loi, của tức giận vì chẳng được ai giúp đỡ. Trong những giấc mơ, tôi thét lên với mọi người, cố gắng diễn đạt sự sợ hãi và tuyệt vọng của mình, nhưng không ai hiểu. Giờ đây, tôi nhận thấy là ở riêng hay ở cùng bố mẹ, chỗ nào tôi cũng bất ổn. Sự bế tắc cùng nỗi thù ghét bản thân và thế giới của tôi đang lớn dần lên.

Đại Dương Đen

Hiển

Tôi thường xuyên lo lắng, vì phòng chúng tôi thuê ở trên cao, dao kéo ở nhà nhiều. Tôi thường xuyên nhắn tin, không thấy Uyên trả lời thì gọi điện, tan làm là vội vàng phóng về nhà. Tôi liên lạc với anh tham vấn để cập nhật tình hình của Uyên, hỏi han tôi phải làm gì. Tôi trở thành đầu mối thông tin cho bạn bè nó. Chúng tôi nuôi hai con mèo và một con chó để Uyên vui khi một mình.

Sống chung với người trầm cảm cần nhiều tình cảm và kiến thức. Tôi không thấy đuối, thấy mệt, tôi không thấy bị phiền, tôi không trách móc, tôi biết bạn gái mình đang không ổn. Quan tâm duy nhất của tôi là làm sao để chăm sóc người mình yêu tốt hơn nữa, làm sao để người yêu không nguy hiểm, để bạn gái mình không kết thúc cuộc sống.

Nhưng Uyên không tin. “Em suốt ngày nói đến chuyện tự tử như thế, làm gì có chuyện không mệt.” Nhưng mình cảm thấy mệt làm sao được khi mình yêu thương người ta nhiều. Mình chỉ cảm thấy rất lo, rất là sốt sắng. Tôi không muốn mất đi thêm một người bạn nữa. Tôi đã mất một đứa bạn rồi, cùng trong nhóm nhạc, khá thân. Tai nạn. Sự ra đi của nó khiến tôi rất sợ, tôi bị ám ảnh đến tận bây giờ. Hồi nó còn sống, có những lúc tôi khá thờ ơ với nó, nó nhắn tin, tôi cũng lười trả lời. Bây giờ, hình ảnh của nó luôn nhắc tôi là đừng để cho người bạn nào của mình ra đi nữa.

Đọc tiếp: Phần Ba

Nhận thấy nhu cầu lớn từ cộng đồng, tác giả Đặng Hoàng Giang cùng các cộng sự khởi xướng đường dây nóng Ngày Mai, một hoạt động phi lợi nhuận nhằm cung cấp miễn phí tham vấn tâm lý cho người trầm cảm, và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần.

Xin xem thêm thông tin tại fanpage: Đường dây nóng Ngày mai.