“Đại dương đen,” cuốn sách mới được phát hành của tác giả Đặng Hoàng Giang, đi vào thế giới của người trầm cảm và người thân của họ. Thông qua các trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc, sách hy vọng có thể giúp cộng đồng hiểu hơn về các hình thái khác nhau của căn bệnh này, nó khác với “nỗi buồn thông thường” như thế nào, nó có thể gây tàn phế hay thầm lặng sát hại ra sao, có những định kiến nào đang tồn tại và những lối thoát nào khỏi nó.
Vì sao lại là Đại dương đen? Đây là một ẩn dụ mà nhiều người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng khổng lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.
Series ba bài này là một chương của Đại dương đen. Bạn đọc lưu ý, câu chuyện thật của người thật này có thể gây kích động tâm lý.
Tiếp nối kỳ trước: Phần Một | Phần Hai
PHẦN BA
[BẢY THÁNG SAU]
Uyên
Tôi và Hiển yêu nhau vì chúng tôi nói chuyện, chia sẻ, kết nối được với nhau rất nhiều. Nhưng giờ đây thì không vậy nữa rồi. Hiển chả nói gì cả nữa, mặt nó cứ lì ra, tối tăm. Không chịu được, tôi sẽ hỏi, mày đang nghĩ gì đấy. Nó bảo nó không nghĩ gì cả. Tôi hỏi thế sao mặt mày xầm xì thế, mày có ổn không. Nó im lặng. Qua lại như vậy cả tiếng đồng hồ. Tôi năn nỉ, tôi khóc lóc, tôi đè nó ra, tôi quát tháo.
Hiển
Tôi cảm thấy mất kết nối với con người. Tôi từ chối tiếp xúc với người khác. Vốn không phải là người sợ đám đông, nhưng bây giờ, thấy chỗ nào đông người là tôi sẽ lảng đi, tôi không đối mặt được. Tới cửa hàng tiện lợi mà thấy bên trong nhiều người, tôi sẽ bỏ công đi tìm chỗ khác. Hôm trước, tôi tới một sự kiện chiếu phim, Uyên ở trong ban tổ chức và hẹn là sẽ ra đón tôi, nhưng điện thoại của tôi hết pin. Không đủ khả năng đi vào trong tìm nó, tôi quay xe đi về.
Mâu thuẫn thay, tôi tự tách mình ra khỏi mọi người, nhưng cùng lúc đó lại thấy tủi thân, không được quan tâm. Xung quanh tôi, gia đình và bạn bè vẫn đó, nhưng tôi thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Chỉ cần một chi tiết nhỏ, ví dụ thằng bạn cùng làm phim nổi cáu, hay nó không mời tôi nước, cũng khiến tôi có cảm giác bị khước từ, bị ruồng bỏ. Biết mình thật vô lý, nhưng tôi không lý giải được tại sao.
Tôi tạo nên một bầu không khí u tối, tôi lầm lì và không chia sẻ gì với ai nữa, kể cả với Uyên. Nó sợ hãi, sốt ruột, nó cáu, anh làm sao vậy, nói gì với em đi. Nhưng tôi không biết mình phải nói gì, tôi không muốn nói gì. Tôi sợ nếu nói, anh không ổn, mình nói chuyện sau nhé, thì Uyên sẽ bị tổn thương, nên là tôi cứ ì ra. Thế là Uyên lại càng điên lên, và tôi lại càng im lặng. Trong đầu tôi, những đám mây đen tối dịch chuyển làm tôi không nghĩ được gì cả.
Vâng, bạn nói đúng. Trước kia, Uyên vẫn vậy, nhưng tôi còn khỏe mạnh, tôi có thể mỉm cười và nói một điều gì đấy khiến Uyên thấy được kết nối, được chia sẻ, tôi không chỉ ì ra với cái mặt tăm tối như bây giờ.
Uyên tự dằn vặt nó là nguyên nhân của tình trạng của tôi. Nó liên tục hỏi, “Không có em thì anh có bị như thế này không?” Nó hỏi bạn bè tôi về tôi trước kia. Tôi thì lại cho rằng mình đang ảnh hưởng tới Uyên chứ không phải ngược lại.
Uyên
Tôi cảm thấy vô cùng bối rối và có lỗi. Do quen tôi nên Hiển mới ra ngoài sống và phải cáng đáng về kinh tế. Do muốn dồn sự quan tâm vào tôi, nên nó dần cắt đứt hết quan hệ bạn bè, dù chúng nó vẫn quan tâm, lo lắng, và tôi hoàn toàn không muốn vậy. Nó không ra ngoài, đi chơi, kết nối với bạn bè gì nữa. Chúng tôi cứ dính lấy nhau.
Bố mẹ Hiển rất thương nó và sẵn sàng giúp đỡ, nhưng nó không kể gì cả. Nó sợ bố mẹ lo, nó không muốn là gánh nặng kinh tế và tinh thần cho họ.
Hiển
Tôi vẫn nhớ cảm giác đói hồi đầu năm nay, khi Uyên bị trầm cảm nặng, lết bết ở nhà, chỉ có mình tôi đi làm kiếm tiền cho cả hai. Sáng tôi đi học, chiều đi làm tới tối muộn rồi lao về nhà nấu ăn. Tôi gầy rộc hẳn đi. Có những lúc tôi không dám vay bảy nghìn mua một cốc mì vì không chắc mình trả nợ được. Có hôm, hai cậu khách trẻ để lại cái bánh cuộn ăn dở. Tôi lén đem nó vào toilet trong gầm cầu thang, cứ đứng lom khom vậy, tọng cái bánh vào miệng, nhồm nhoàm tới phát nghẹn. Tôi khóc vì sung sướng và khóc vì mình đã đến mức như vậy.
Bố mẹ tôi không biết gì. Tôi không dám xin tiền họ nữa, tôi biết là họ đang gặp khó khăn. Bố đã phải bán cái ô tô, bây giờ, sáng sáng mẹ đèo em tới trường rồi quay về, sau đó bố sẽ đèo mẹ tới công ty bảo hành máy tính nơi bố làm việc, rồi mẹ đi xe máy về. Tiền học bố mẹ cho, tôi đã đập vào cái phim ngắn dự thi ở trường vừa rồi mà vẫn phải vay thêm bạn bè. Tôi đã bán một trong hai cái máy ảnh của mình đi. Hôm trước, thầy giáo tôi nói trước lớp là không có tiền thì đừng có đi học, ở trường này, không có tiền thì không học được đâu.
Phim của tôi thất bại rồi. Tôi rất buồn vì đã làm thầy chủ nhiệm thất vọng, thầy nói tôi là niềm hy vọng của khóa. Lúc kết thúc, tôi nghe loáng thoáng một thầy khác nói, “Năm cuối mà không bằng chúng nó.” Bây giờ thì tôi không chắc là mình có khả năng theo đuổi công việc này nữa. Tôi đã tham gia ba cuộc thi nhưng chưa bao giờ được cái gì cả. Tôi bất tài và vô dụng.
Tôi không nhớ bắt đầu từ khi nào, nhưng đầu óc tôi cứ bị cuốn vào những suy nghĩ rối như cuộn chỉ. Một giọng nói xuất hiện trong đầu tôi, nó kéo tôi, kéo tôi vào cái cuộn chỉ bùng nhùng ấy. Nó cứ nói, cứ nói và bắt mình nghe theo.
Uyên
Không có lý do gì cụ thể để dẫn tới hành động của Hiển hôm đó. Vẫn là những lủng củng như thiếu tiền, phim thất bại, rồi chúng tôi cãi cọ nhau vì nó chẳng nói gì. Buổi tối, khi hai đứa đang học tiếng Pháp (chúng tôi vẫn mơ được đi du học cùng nhau), thì Hiển buông bút, quay mặt vào tường. Một lúc sau thì nó bỏ ra ngoài hút thuốc rồi đi lên sân thượng.
Hiển
Cách đây một tháng… [Ngập ngừng rất lâu] Tôi tự sát hụt.
Tối hôm đó, tôi mang cái dây xích chó lên sân thượng. À, tôi còn mang theo một cái kéo để rạch tay, nhưng kéo cùn, không rạch được gì cả. Tôi thấy một cái ống chạy ngang khá chắc chắn. Uyên đi lên, lúng búng cái gì đó, rồi đi xuống. Tôi hút một điếu thuốc, vứt nó đi, rồi cởi áo ngoài, tháo kính, bỏ điện thoại sang bên, rồi tôi trèo lên cái bục. Tôi làm một cái thòng lọng. Lúc tôi chuẩn bị vòng cái dây qua cổ thì ở dưới có tiếng gào thét của Uyên, “AAAAH!!! CÓ AI Ở NHÀ KHÔNG?”
Một thằng bạn cùng thuê nhà huỳnh huỵch chạy lên. Nó trèo lên bục, đỡ tôi xuống. Tôi chạy vụt xuống dưới phòng, ngồi thu lu một góc. Uyên chạy theo, vẫn khóc lóc.
Tối hôm đó, tụi cùng thuê nhà bình luận về chuyện của tôi trong nhóm Zalo chung. Một đứa bảo nếu nó ở nhà, nó đã đánh để tôi “tỉnh ra.” Một đứa khác bảo tôi là ngu ngốc. Một đứa khác nữa lên án tôi vì “mới tí tuổi đầu, chưa báo hiếu được gì cho bố mẹ mà đã hành xử vậy.”
Uyên
Lúc hai đứa ở trong phòng rồi, tôi mới hoảng loạn. Tôi cứ gào lên, “Mày thích chết à? Mày thích chết thì tao chết cùng. Sao hai đứa không cùng chết luôn đi?” Hiển thì cứ im lặng suốt.
Mấy hôm sau, tôi tình cờ thấy trên điện thoại của nó là nó đã từng tìm thông tin về cách làm thòng lọng.
[Im lặng]
Tôi giục nó đi khám nhưng nó sợ tốn tiền. Chúng tôi cứ trì hoãn. Khi nào thấy rất tệ thì chúng tôi bảo nhau, đi khám thôi, đi khám thôi, nhưng tới lúc đỡ hơn thì chúng tôi lại để đó.
Hiển
Tại sao nó lại xuất hiện nhỉ? Nó ở đâu ra? Chưa bao giờ tôi lại nghĩ là sẽ có một người khác ngồi trong đầu mình và hai đứa sẽ nói chuyện với nhau như vậy. Tôi ngạc nhiên và bất ngờ lắm.
Cái giọng nói trong đầu tôi, nó thuyết phục vô cùng. Nó phân tích tại sao tôi nên chết. “Chết đi! Không có mày thì mọi người không bị ảnh hưởng. Uyên có thể đi yêu người khác, bố mẹ mày không bị tốn kém thêm.” Nó rất hiểu mình, nó biết các băn khoăn của mình, nó kéo mình đi.
Cái giọng nói đó, nó và tôi là một. Tôi nói chuyện với nó như đang nói chuyện với bạn đây. Chúng tôi cùng lập kế hoạch. Tôi băn khoăn là nên làm ở đâu, nó trả lời luôn cho tôi, phân tích này nọ. Mọi thứ không phải do tôi chọn. Nó chọn, nó thuyết phục. Tôi thấy hợp lý.
Có lúc vào cơn, Uyên bất lực khóc lóc, “Vì sao tao lại phải phải khổ sở về mày? Mày muốn chết? Sao mình không cùng nhau chết đi?” Điều đó lại càng đẩy tôi đi xa hơn. Sáng nay, trong cả quãng thời gian tôi đưa Uyên tới trường rồi tới đây, và cả lúc này đây, cảm giác mất kết nối, ý nghĩ mình làm ảnh hưởng tới người khác, vẫn ở trong tôi, đeo bám. Tôi vẫn đang suy nghĩ về kế hoạch. Ở đâu, như thế nào. Tôi sẽ không làm ở nhà, như thế ảnh hưởng tới Uyên. Tôi biết là tôi không muốn lên báo, nên là sẽ không nhảy cầu hay đâm vào ô tô. Tôi sẽ để lại thư và cái máy ảnh còn lại cho Uyên.
Tôi đủ tỉnh táo để nói với bạn tất cả những điều này.
Không, tôi không muốn đi khám. Vâng, tôi biết, chính tôi là người trước kia giục Uyên tới bác sĩ. Nhưng tôi thì khác, tôi vẫn tin là mình khỏe mạnh, mình chỉ cần cố gắng hơn thôi. Tôi sẽ tự vượt qua được, sẽ tự chữa, tự xử lý được.
Vả lại, nếu như tôi đem về nhà tờ chẩn đoán là tôi có vấn đề tâm lý thì Uyên sẽ thấy chính thức được xác nhận về tác động của nó tới tôi. Chừng nào chưa chính thức thì nó không phải đối diện với chuyện đó.
Uyên
Nửa năm qua, tôi như người đi trên dây, lúc nào cũng có thể ngã, một sự kiện nhỏ, một cú hích nhỏ, đã có thể làm tôi loạng chạng. Tôi ở một trạng thái cân bằng mong manh, được ngày nào biết ngày đó. Những cơn khủng hoảng ít hơn và nhẹ hơn, nhưng cảm nhận về thời gian của tôi thì kém hẳn. Các sự kiện nhanh chóng chìm vào trong sương mù, Hiển toàn phải giúp tôi nhớ lại. Có những lúc tôi còn không nhớ được là chúng tôi yêu nhau đã bao lâu.
Gốc rễ vấn đề của tôi vẫn ở đó. Tôi đã quen với sự độc hại trong nhà tới mức, giờ đây, mỗi khi nhà tôi có một không khí của một gia đình bình thường, bố trêu em trai, mẹ tôi gọt hoa quả, ti vi đang chiếu cái gì đó, thì tôi lại có cảm giác mình xem một thước phim siêu thực.
Tôi vô cùng mong mỏi là chỉ một lần, một lần thôi, bố xin lỗi về những gì đã xảy ra. Tôi đã cố gắng giải thích rằng bạo lực của bố đã ảnh hưởng tới tôi, đã đẩy tôi ra khỏi nhà, nhưng bố không hiểu, bố vẫn cho rằng như thế là tốt cho gia đình. Bố đánh mẹ vì mẹ không bỏ công ra xây dựng gia đình. Bố hơn mẹ nhiều tuổi, bố chỉ là công nhân, còn mẹ tiếp xúc với nhiều người hơn, mẹ xinh xắn, chắc là bố lo sợ. Bố đánh mẹ vì bố cho là tôi hư, đòi ra ở riêng, và đó là lỗi của mẹ. Đánh vợ là cách đàn ông bảo vệ gia đình. “Mày cứ kết hôn đi thì mày sẽ hiểu.” Tôi bế tắc. Sống cùng bố mẹ thì tôi sẽ phát điên, nhưng ở riêng thì tôi sẽ không bảo vệ được mẹ. Em trai tôi thì thờ ơ, nó thây kệ mọi chuyện. Tôi khuyên nó học hành thì nó bảo, “Sống còn không muốn sống, thiết gì việc học.”
Bố cũng coi thường vấn đề tâm lý của tôi. Hôm ở nhà ông bà nội, có cả bố ở đó, tôi và bố lại căng thẳng vì bố đá đểu mẹ cái gì đó. Tôi bắt đầu khóc, người hơi run lên. Sợ tôi lên cơn, bố len lén lỉnh đi, nhưng trước khi lẻn đi, bố nói, “Mày lại bắt đầu làm trò đấy à?”
Tương lai sức khỏe tâm thần của tôi sẽ ra sao? Tôi có thể làm gì cho mình? Tôi không biết, tôi không có dự định gì. Tôi cứ cố sống ngày qua ngày thôi.
Hiển
Tất cả những chuyện tôi kể cho bạn hôm nay, tôi không thể kể cho Uyên. Nó sẽ làm Uyên thấy tệ hơn. Tôi biết là nó muốn giúp tôi mà chẳng biết làm thế nào. Người không ổn không thể giúp được người không ổn.
Cuộc gặp hôm nay khiến tôi thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy rất an toàn để chia sẻ.
Nhiều lúc tôi muốn làm một phim tài liệu về hai người trẻ có vấn đề tâm lý sống cạnh nhau. Ý định này níu kéo tôi lại một chút, nó đẩy lùi ý nghĩ tự sát của tôi.
Nếu tôi bắt tay vào làm phim này thì nó có thể khiến tôi an toàn trong vài ba năm tới nhỉ?
"Đại dương đen" đã được Fonos chuyển thể thành sách nói. Mời các bạn nghe câu chuyện của Uyên và Hiển qua các giọng đọc truyền cảm tại đây:
Nhận thấy nhu cầu lớn từ cộng đồng, tác giả Đặng Hoàng Giang cùng các cộng sự đang triển khai đường dây nóng mang tên Ngày Mai, một hoạt động phi lợi nhuận nhằm cung cấp miễn phí tham vấn tâm lý cho người trầm cảm, và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần.
Xin xem thêm thông tin tại fanpage: Đường dây nóng Ngày mai.