"Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần" – Phần Một | Vietcetera
Billboard banner

"Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần" – Phần Một

Phần Một: Trong các giấc mơ, tôi hay thấy bố đánh mẹ, những khi đó bố vào vai quái vật. Bị hành hạ bởi những cơn ác mộng, tôi bắt đầu rạch tay.
"Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần" – Phần Một

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

“Đại dương đen,” cuốn sách mới được phát hành của tác giả Đặng Hoàng Giang, đi vào thế giới của người trầm cảm và người thân của họ. Thông qua các trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc, sách hy vọng có thể giúp cộng đồng hiểu hơn về các hình thái khác nhau của căn bệnh này, nó khác với “nỗi buồn thông thường” như thế nào, nó có thể gây tàn phế hay thầm lặng sát hại ra sao, có những định kiến nào đang tồn tại và những lối thoát nào khỏi nó.

Vì sao lại là Đại dương đen? Đây là một ẩn dụ mà nhiều người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng khổng lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.

Series ba bài này là một chương của Đại dương đen. Bạn đọc lưu ý, câu chuyện thật của người thật này có thể gây kích động tâm lý.

Uyên, 21 tuổi, sinh viên ngành Kinh tế

Hiển, 21 tuổi, sinh viên ngành Điện ảnh

PHẦN MỘT

Uyên

Từ lớp Mười một thì có một nỗi buồn cứ len lỏi vào từng tế bào trong cơ thể tôi. Tôi bắt đầu trầm đi, dần tách mình khỏi chúng bạn và rút khỏi các hoạt động ở trường. Ý nghĩ muốn chết bắt đầu xuất hiện, và điều khiến tôi lo sợ là nhiều khi nó nổi lên mà không cần một lý do hay tác động bên ngoài nào.

Trong các giấc mơ, tôi hay thấy bố đánh mẹ, những khi đó bố vào vai quái vật. Bị hành hạ bởi những cơn ác mộng, tôi bắt đầu rạch tay, đầu tiên là vài vết nhỏ, rồi dần nhiều hơn. Những cơn ham muốn rạch kéo dài mười lăm, hai mươi phút, có cơn lên tới ba mươi phút. Lúc đó, tôi không cảm thấy sợ, thậm chí đầu óc còn có phần phấn chấn. Nhưng khi máu đã chảy nhiều và tôi đã thấm đau thì nỗi sợ hãi dâng lên, tôi rã rời, đầu và toàn thân ê ẩm. Những vết dao lam lan dần từ cánh tay lên hết cả vai và xuống dưới đùi tôi. Đứa trẻ mười sáu tuổi là tôi không thể giải thích được hành vi của mình. Tôi trở nên căm ghét bản thân. Lỗi tại tôi mà, tại sao tôi không mạnh mẽ, không vượt qua được quá khứ như những người khác?

Mẹ đưa tôi tới Bệnh viện Tâm thần sau một hôm tôi rạch nhiều quá, ở trường máu thấm ra ngoài áo đồng phục, tôi bị đưa vào phòng y tế và cô chủ nhiệm nói với mẹ. Ngồi sau mẹ mà tôi thấy có lỗi vô cùng. Ông bác sĩ nghe tôi mếu máo dăm câu, xem qua cái tay của tôi, cho làm trắc nghiệm tâm lý rồi kê một đơn thuốc tốn hai triệu. Rối loạn lo âu tổng hợp và trầm cảm. Tôi uống thuốc một tuần thì dừng vì chỉ thấy buồn ngủ, còn mong muốn rạch tay thì vẫn vậy. Mẹ cũng không hỏi han hay nhắc nhở gì. Mẹ bảo bạn mẹ nói là tôi chả bị làm sao cả, chỉ đơn giản là suy nghĩ nhiều quá và hay phóng đại mọi thứ.

Hiển

Mẹ Uyên rất xinh, cô ấy cao một mét bảy, là giáo viên thể dục nên giữ người chuẩn, ăn uống lành mạnh. Điều đó làm bố Uyên rất ghen.

Uyên

Liệu bố có biết không nhỉ? Lần đầu của tôi có lẽ là khi tôi đang thái dở thịt luộc. Tôi và bố cãi nhau về chuyện học hành thì phải, tôi nói là tôi đã bị dằn vặt và muốn chết lắm rồi, bố đừng nói thêm gì nữa. Ngay lập tức, bố nói là có giỏi thì chết đi. Tôi đặt con dao lên cổ tay và cứa nhưng không cứa nổi vì dao cùn và tay tôi nhiều mỡ.

Tôi đã lấy của bố rất nhiều dao lam mà không trả lại. Có lần cái hộp hết dao, tôi phải mở dao cạo râu ra để cậy miếng dao lam đang dùng dở lên. Sau lần mẹ và tôi tới bệnh viện thì cái hộp đựng dao không ở vị trí cũ nữa, nhưng tôi nhanh chóng tìm thấy nó trên nóc tủ quần áo.

Hồi năm hai đại học, có hôm bọn bạn tôi phải tới nhà đưa tôi đi bệnh viện với hai cánh tay và bắp tay đầy máu. Mẹ trách tôi sao lại gọi năm sáu đứa kéo tới đứng đầy trước cửa nhà như vậy, tôi tìm kiếm sự thương hại của chúng và bêu riếu gia đình. Tôi gây rắc rối, tôi bất hiếu, và nếu có chuyện gì xảy ra, nếu mẹ chết thì tôi sẽ phải hối hận. [Khóc].

Bố thì còn độc địa hơn. Sau buổi khám ở bệnh viện thì thỉnh thoảng, khi cãi nhau, bố gọi tôi là con điên, con thần kinh. Bố vốn như vậy. Khi biết tôi có người yêu là nữ, bố chửi tôi là biến thái, và rủa rằng “cái bọn ấy,” tức là những người đồng tính, rồi sẽ bị đào thải khỏi xã hội.

Hiển

Chúng tôi quen nhau qua Tinder khi hai đứa đều mười chín tuổi. Tôi là bạn trai đầu tiên của Uyên, trước đó nó chỉ toàn yêu nữ. Ngay hôm đầu tôi đã để ý thấy các vết sẹo nhỏ và dài trên tay Uyên; nó cũng không giấu và khuyên tôi nên chuẩn bị tinh thần, khi nó lên cơn thì thường đối phương sẽ rất cuống. Lúc đó nó cũng thường thuyết phục rất giỏi, tôi phải tỉnh táo và cương quyết. Uyên nói sẽ cố gắng thông báo khi cơn hoảng loạn kéo tới. Tôi lên mạng đọc tài liệu nọ kia để chuẩn bị tinh thần cho mình.

Uyên

Khi cơn của mình lên, thường tôi sẽ thuyết phục được bạn đưa cho mình vật gì nhọn để tự hại. Chắc bộ dạng tôi lúc đó kinh khủng lắm, nên thường chúng không thể khước từ, chúng sẽ đưa cái gì đó rồi ngoảnh mặt đi. Rạch một lúc thì hơi thở của tôi trở lại bình thường và sự căng thẳng dịu xuống.

Có những đợt tay tôi nặng như chì vì các vết cắt đóng vảy, và ngứa ngáy vì các vết thương lên da non. Mùa đông, tôi vào nhà vệ sinh ở trường, nhăn mặt kéo tay áo len lên, đưa cánh tay chằng chịt vết cắt xuống dưới vòi nước lạnh, khiến nó tê rần, rồi quay lại lớp với cánh tay đau rát và đầu óc trống rỗng mơ hồ.

Khi người khác nhìn thấy cánh tay tôi, tôi có thể đọc được ý nghĩ của họ qua ánh mắt. “Trẻ trâu, muốn gây chú ý.” “Lại thất tình rồi.” Người lớn hơn thì bảo, “Mình là con gái, nên giữ gìn cơ thể cháu ạ, cha mẹ đã sinh mình ra…”

Nhiều lúc tôi có cảm giác mình tồi tệ, xấu xa, mình khuyết tật. Nhưng cũng có những khoảnh khắc khác. Đây là những lời hai cánh tay của tôi nói với tôi năm tôi mười tám tuổi:

Chào cậu, lại là mình đây. Kỳ nghỉ lễ của cậu thế nào?

Gần đây mình hơi đau, thế nên mình biết cậu không vui đâu nhỉ? Hôm qua mình chảy nhiều máu, lúc đấy cậu và mình đứng nép sau cánh cửa nhà tắm, máu cứ rỏ từ thân của mình xuống làm loang lổ cái sàn gạch men trắng. Mình thấy cậu khóc, cậu lấy phần bả vai để quệt nước mắt. Mình buồn quá, mình không lau nước mắt cho cậu được vì mình đang chảy máu. Giờ mình lành dần vết thương rồi, cậu đừng lo, mình cũng không làm cậu quá đau nữa đâu. Mình biết cậu che mình dưới lớp áo bò vì sợ người khác phát hiện, không sao đâu, mình hiểu mà. Khi đau đớn, cậu hay khiến mình bị chảy máu. Mình không trách, cậu và mình đều đau đớn.

Cô gái bé nhỏ của mình, cậu thực sự luôn tuyệt vời. Mình sẽ mãi mãi ở gần cậu, thấu hiểu cậu, dù mình không đẹp đẽ và lành lặn.

Hiển

Mãi tới gần đây, ở lần khám thứ tư hay thứ năm gì đó thì bác sĩ mới chẩn đoán Uyên bị rối loạn lưỡng cực cùng với PTSD - rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Trước đó, họ chỉ nói Uyên bị trầm cảm. Khi hưng cảm thì Uyên rất khác. Có lần, sau một buổi party sinh nhật, Uyên bảo, “Anh ơi, em vui quá, em chỉ muốn ném cái điện thoại ra xa.” Uyên hát rất to, múa trên đường, trêu chọc mọi người và hét lên vì phấn khích. Lúc trên xe thì nó bảo tôi là rất thích đâm vào những xe ngược chiều. Về nhà, đã gần nửa đêm nhưng nó vẫn lao vào dọn dẹp như là muốn tổng vệ sinh, rồi giặt tay một đống quần áo vì máy giặt đang hỏng, rồi quay ra viết lách và làm bài tập. Sáng tôi tỉnh dậy thì thấy tin nó đăng trên Instagram lúc năm giờ sáng.

Uyên

Giờ tôi mới biết được là hóa ra những cái điên rồ mà tôi làm không phải là do cá tính của tôi, mà là do hưng cảm. Hưng cảm khiến tôi thích ngồi quay ngược đằng sau xe máy, hai tay không bám vào đâu. Nó khiến tôi nửa đêm vô tư về nhà một thằng con trai lạ hoắc mới quen mà không hề lo nghĩ. Hay đột nhiên đang đi bộ buổi tối với Hiển, tôi chạy lên trước, vén váy lên hở hết mông trong khi không mặc đồ lót, mà không quan tâm cách đó một đoạn là một hàng nước. Những lúc đó, mong muốn thử cảm giác mới, muốn trêu trọc người khác vốn có trong tôi được nhân lên gấp vô vàn lần và giết chết phần lý trí ít ỏi còn lại. Những lúc đó, tôi thấy mình không thực sự là mình nữa. Rồi tôi nhận ba bốn dự án liền một lúc, di chuyển giữa các chỗ làm từ sáng sớm tới khuya. Tôi hoạt động hai trăm phần trăm công suất, cho tới khi sập.

Hiển

Chúng tôi date với nhau được tầm một tháng, đang rất quấn quýt, gần như tối nào cũng gặp nhau, thì Uyên nhắn tin muốn chia tay, khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi gọi lại, nhưng Uyên khước từ nói chuyện và dập máy trong nước mắt.

Chiều hôm sau, tôi đang ở chỗ làm thì bạn Uyên nhắn tin là “có vẻ nó đang vào cơn đấy.” Tôi bỏ việc, tới chỗ nó, đập cửa. “Uyên ơi, Uyên ơi.” Mãi nó mới đi xuống, mở cửa, rồi lặng lẽ đi lên, sắc mặt rất lạ.

Uyên

Tôi làm nửa ngày rồi xin phép chiều nghỉ để thực hiện cái ý đồ kia. Thời gian đó, ý nghĩ muốn chết thường trực trong đầu tôi chứ không chỉ bất chợt xuất hiện như trước kia nữa. Thậm chí tôi đã dừng lên kế hoạch cho công việc và học hành. Tôi không tự nhủ là năm nay mình phải làm được cái này cái này nữa.

Ở nhà trọ, tôi viết thư để lại cho bố mẹ, cho Hiển và inbox nhắn nhủ yêu thương cho bạn bè thân. Tôi khóc nhiều rồi thiếp đi một lúc. Tỉnh dậy, tôi nhìn lên trần nhà tìm một thanh ngang nhưng không thấy, rồi ra ngoài ban công tầng bốn. Tôi đặt cái điện thoại đang phát nhạc xuống cái thùng sắt ở góc, thò một chân ra ngoài lan can rồi khóc lóc và cứ loay hoay ở đấy suốt. Tôi muốn ra đi cho nhanh gọn, nhưng đâu đó bên trong đầu, một giọng nói vẫn thì thầm nhắc nhở, “Tỉnh táo lại đi, tỉnh lại đi, mày điên rồi.”

Cuối cùng, tôi quay vào, tìm thứ gì đó để làm đau mình. Điện thoại của tôi đầy thông báo mới. Mấy đứa bạn nhắn tin trả lời, đứa thì cũng gửi lại lời yêu thương vui vẻ mà không nghi ngờ gì, đứa thì chắc hơi đoán đoán ra, “Mày đừng có làm gì đấy nhé,” đứa thì gọi lại liên tục vì lo lắng. Tôi cắm bàn là, dí nó vào chân và đùi. Nỗi đau thể xác khiến tôi tỉnh táo hơn chút ít để có thể xuống mở cửa cho Hiển đang đợi ở dưới.

Hiển

Hai đứa nói chuyện qua lại. Uyên muốn giải phóng cho tôi. Nó bảo, chia tay trước khi nó đi thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho tôi vì chúng tôi không phải là người yêu nữa. Tôi bảo, hâm à, thậm chí tôi sẽ còn bị dày vò, đau đớn hơn. Nó trao cho tôi một lá thư, trong đó nó viết là rất tự hào về tôi, rất ủng hộ con đường của tôi, rằng nó rất yêu tôi và xin lỗi là không thể cùng nhau đi tiếp. Nó muốn tôi cố gắng đi nốt, đi cả cho nó nữa.

Tâm trạng Uyên bị kích động dần. Nó tìm cách ra ban công nhưng tôi ngăn lại. Tôi đi quanh nhà, thu lượm kéo, dao, rồi tới bên nó, vỗ về. Tôi đã biết là không nên nói những câu như “cố gắng lên,” hay “quá khứ thì đã qua rồi, mình phải sống tiếp chứ,” nhưng ngoài ra thì chả biết phải nói gì.

Uyên

Tôi bắt đầu cảm thấy tê dọc người, run rẩy mạnh và khó thở, đầu thì đau dữ dội. Cảm giác sợ hãi lan khắp toàn thân, như đang ăn mòn từng đốt tay, đốt chân và cả từng sợi tóc mới nhuộm đỏ của tôi. Tôi căng thẳng như một quả bóng được bơm sắp quá ngưỡng. Vì Hiển ngăn, tôi không có nỗi đau vật lý nào để làm giảm nỗi đau tinh thần. Đầu và người tôi chìm trong đau đớn. Tôi bắt đầu ném đồ đạc, tôi đấm vào tường, vào tủ, khóc lóc và cào cấu chăn đệm.

Hiển

Tôi có cảm giác như Uyên đang bị ai đó điều khiển. “Thở sâu vào, hít thở sâu nào…” tôi lặp đi lặp lại như một cái máy. Sau này, Uyên kể lại là lúc đó nó như là đang ở một thế giới khác, tiếng tôi vọng lại từ một nơi rất xa xôi.

Uyên

Có một điều khiến tôi sau này ghê tởm và sợ hãi chính mình, đó là lần đầu tiên tôi thấy Hiển phiền phức và muốn giết nó. Tôi đã thực sự muốn giết chết người mình yêu và sau đó tự sát. Những ký ức bắt đầu quay về, những cảm xúc của tôi khi mười hai, mười ba tuổi nhấn chìm tôi. Tôi vừa khóc rít lên vừa van xin bố.

Hiển

Uyên lườm tôi, ánh mắt rất lạnh. Liệu nó có nhận ra người yêu mình trước mắt? “Tao muốn giết chết mày.” Không hoảng loạn, không hoảng loạn, tôi tự nhủ, cả hai cùng bị kích động là hỏng hết. Tôi ôm nó, “Thôi nào, chúng mình yêu nhau cơ mà, đừng có nghĩ như thế đi.” Uyên nhắc lại câu đó vài lần nữa, rồi nó ôm đầu, mắt nhắm nghiền.

Sau một lúc thì nó rên rỉ, “Bố ơi, đừng đánh mẹ nữa. Con xin bố đấy, đừng đánh mẹ nữa.” Tôi ôm nó chặt hơn, “Bố không ở đây đâu, anh ở đây mà, làm gì có ai đánh đâu.” Uyên vẫn van xin, “Đừng đánh mẹ nữa! Ai đó giúp mẹ con đi.” Rồi nó lịm đi.

Tôi ôm Uyên trên tay, đầu rối bời. Thời gian như ngừng trôi, rồi đúng lúc tôi đang tính gọi cấp cứu thì Uyên mở mắt ra, ú ớ tỉnh dần. Nó nhận ra tôi nhưng không nói được. Nó quờ lấy cái điện thoại, viết, “Em không nói được, không nói được tên anh.” Dần dần, Uyên hồi lại. Nó nằm thở. Khi tôi ra về, Uyên hôn tôi, “Em yêu anh. Mai đón em đi làm nhé.” Đứng dưới đường, xung quanh xe cộ nườm nượp, tôi bàng hoàng. Tất cả như một giấc mơ. “Ơ, thế này là như thế nào, thế có bỏ nhau nữa không?”

Đọc tiếp: Phần Hai

Nhận thấy nhu cầu lớn từ cộng đồng, tác giả Đặng Hoàng Giang cùng các cộng sự khởi xướng đường dây nóng Ngày Mai, một hoạt động phi lợi nhuận nhằm cung cấp miễn phí tham vấn tâm lý cho người trầm cảm, và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần.

Xin xem thêm thông tin tại fanpage: Đường dây nóng Ngày mai.