1. Nghệ sĩ nào xóa bài đăng tiền ảo đa cấp?
Ngày 11/5, tiền ảo hệ động vật bất ngờ nổi lên nhờ một bài đăng của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg. Sau đó, nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam như Ngọc Trinh, Nam Thư, Kiều Minh Tuấn… cùng đăng tải dòng trạng thái giống nhau, ám chỉ cơn sốt tiền ảo AquaGoat, Shiba Inu. Tuy nhiên, các bài đăng về tiền ảo này bị gỡ bỏ chỉ sau vài giờ đồng hồ.
2. Tại sao phải vội xóa quảng cáo?
Những bài đăng của loạt người nổi tiếng kể trên đều “dính" phải một loại tiền ảo núp bóng đa cấp là FXT Token. Đây là loại tiền ảo đa cấp được Lion Group (hay Team, Lion Community) sử dụng nhằm trục lợi nhà đầu tư.
Theo Thanhnien, FXT Group đã lôi kéo hơn 40.000 người tham gia trên cả nước. Những ngày gần đây, sàn đa cấp Lion Group đã vô hiệu hóa khả năng rút tiền của người tham gia. Điều này đồng nghĩa, người đầu tư FXT đang ôm tiền giả vô giá trị.
3. Có phải mọi loại tiền ảo đều là lừa đảo?
Theo Ngân hàng Trung Ương châu Âu, tiền ảo (virtual currency) là loại tiền điện tử không được kiểm soát, không được phát hành bởi chính phủ mà bởi tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập.
Hiện nay có rất nhiều loại tiền ảo khác nhau như Bitcoin (tiền điện tử đầu tiên trên thế giới), Ethereum, DigiByte, Crypterium… Tiền ảo hệ động vật (Dogecoin, AquaGoat...) là loại tiền ảo hệ động vật được Mark Zuckerberg, Elon Musk đề cập đến nhưng chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Elon Musk từng cảnh báo: “Tiền ảo rất hứa hẹn nhưng hãy đầu tư cẩn trọng.”
4. Việt Nam có phản đối tiền ảo?
Theo báo Ngân hàng Việt Nam, việc chấp nhận hoàn toàn các đồng tiền kỹ thuật số (trong đó có tiền ảo) trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam và khuyến nghị:
- Đối với các tổ chức sử dụng tiền ảo (hoạt động, giao dịch) cần đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc kinh doanh, tuân thủ quy định của Pháp luật về phòng chống rửa tiền, có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ.
- Đối với cá nhân sử dụng tiền ảo cần tuân thủ các nguyên tắc về mua bán tài sản và có nghĩa vụ đóng thuế.
5. Cảnh giác loại quảng cáo trực tuyến nào nữa?
Người dùng có thể bắt gặp các hình ảnh quảng cáo mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư… trên Facebook, Youtube, TikTok. Nhiều người tiền mất tật mang vì những quảng cáo trên mạng kiểu như “nhà tôi ba đời chữa bệnh".
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (bộ Y Tế) cho biết, hình thức quảng cáo online thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang lan tràn, thổi phồng công dụng và sai quy định pháp luật.
6. Nghệ sĩ nên quan tâm điều gì khi nhận lời quảng cáo?
Để thu hút người tiêu dùng, nhiều nhãn hàng đã thuê hoặc lợi dụng hình ảnh trái phép người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật. Ngoài thù lao, người nổi tiếng nên quan tâm thêm điều gì?
Các KOLs/Influencers như Vinh Vật Vờ (công nghệ), Fashionista Quỳnh Anh Shyn từng chia sẻ trên Vietcetera mối quan tâm của họ khi quảng cáo sản phẩm:
- Biết rõ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
- Chỉ đề xuất khi đã sử dụng sản phẩm.
- Đánh giá sản phẩm chân thực và chính xác nhất.
Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ trên Zing, chưa có luật đối với người nhận quảng cáo; người nổi tiếng nói tốt về sản phẩm khi chưa sử dụng là không chấp nhận được. Tuy nhiên, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, thậm chí bị tẩy chay.
7. Cách hạn chế quảng cáo nào hữu ích?
Để hạn chế quảng cáo khi lên mạng, người dùng có thể sử dụng nhiều tính năng khác nhau trên các trình duyệt Chrome hoặc Mozilla Firefox.
Trên điện thoại di động, người dùng có thể thử một trong các cách sau. Nâng cấp Hệ điều hành IOS 14.5.1 trên Iphone có thể ẩn dữ liệu người dùng khỏi nhà phát triển ứng dụng nhằm mục tiêu quảng cáo của bên thứ 3 hoặc nhà quảng cáo. Với các điện thoại Android, người dùng có thể làm theo cách sau đây.