Trung Quốc cấm người nổi tiếng khoe giàu sang | Vietcetera
Billboard banner

Trung Quốc cấm người nổi tiếng khoe giàu sang

Thật ra chỉ riêng việc nhìn người khác khoe của đã ảnh hưởng tới tâm lý của chúng ta.
Trung Quốc cấm người nổi tiếng khoe giàu sang

Nguồn: Twitter và Weibo

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 23/11, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ra thông báo cấm những người nổi tiếng “khoe của cải" hoặc “thú vui xa hoa" trên các mạng xã hội. Thông báo này cũng nêu rõ hành động tung tin đồn vô căn cứ, kích động người hâm mộ, kêu gọi ủng hộ gây quỹ hay đầu tư đều bị cấm.

Không chỉ các ngôi sao mà những người hâm mộ của Trung Quốc cũng phải tuân theo quyết định này. Trong cùng một ngày, Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc cũng công bố danh sách 88 nghệ sĩ bị cấm livestream hay xuất hiện trên các chương trình. Danh sách này cũng có nhắc tới Ngô Diệc Phàm.

Có thể thấy chính phủ nước này đang mạnh tay xử lý không cho các nghệ sĩ phạm sai lầm có cơ hội làm lại từ đầu.

2. Tại sao lại có quyết định này?

Kể từ khi chiến dịch Thịnh Vượng Chung bắt đầu, chúng ta cũng đã chứng kiến Trung Quốc trừng phạt những tỷ phú công nghệ giàu có của nước này, bao gồm luôn cả Jack Ma. Bên cạnh đó, hàng loạt các sự kiện phong sát các ngôi sao cho thấy chính phủ Trung Quốc đang quyết tâm thanh trừng văn hóa thần tượng mà họ cho là độc hại.

Theo như SMCP, Trung Quốc cũng đã công bố nội bộ bảng hướng dẫn giúp xây dựng “môi trường mạng văn minh”. Tất cả đều nằm trong kế hoạch “dọn dẹp" Internet trong vòng sáu tháng của Trung Quốc để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20, cũng như Thế vận hội mùa đông. Theo đó, chính quyền sẽ chấn chỉnh và kiểm soát hệ tư tưởng, văn hóa cũng như tiêu chuẩn đạo đức trên Internet.

3. Mặt trái của những lệnh cấm có thể là gì?

Kiểm duyệt trước giờ vẫn luôn là vấn đề nóng tại Trung Quốc. Quốc gia này cũng nổi tiếng với bức tường lửa trên Internet đã chặn đứng nhiều mạng xã hội.

Trong số những người nổi tiếng biến mất trên Internet Trung Quốc có ngôi sao quần vợt Bành Súy. Theo như Tuổi Trẻ đưa tin, cô đã đột nhiên mất tích sau khi tố cáo ông Trương Cao Lệ, phó thủ tướng Trung Quốc có hành động quấy rối tình dục cô trong quá khứ. Dù gần đây cô đã xuất hiện lại trong một video ngắn trên Twitter, nhiều người vẫn không khỏi lo lắng.

Video trên Twitter với nội dung khẳng định Bành Súy vẫn an toàn | Nguồn: REUTERS

Bên cạnh đó, cách mà Trung Quốc cấm những sao nam có vẻ ngoài phi giới tính cũng đang gia tăng căng thẳng cho câu chuyện bình đẳng giới tại nước này. Đôi khi giải pháp cho một vấn đề có thể tạo ra một vấn đề khác phức tạp hơn. Đây chính là hiệu ứng rắn hổ mang: giải pháp xuất phát từ mục đích cải cách và xây dựng xã hội trở nên tốt đẹp hơn, có khả năng gây ra hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn.

Vậy nên, cho tới hiện tại, khó mà khẳng định được liệu những chính sách của Trung Quốc sẽ để lại những hệ quả gì.

4. Từ khi nào mà khoe của cải trở thành một văn hóa?

Khoe của cải thực chất không phải hành vi mới lạ. Từ xưa, những gia đình giàu có cũng thường thuê thợ vẽ để lưu trữ lại những hình ảnh giàu sang phú quý của họ.

Cách để khoe một em bé giàu có | Nguồn: Classical Art Memes

Cho tới thời nay, hành vi này được thổi bùng hơn bởi Internet và những influencers hay YouTuber. Những bức tranh khoe giàu bây giờ gói gọn lại trong những khung hình trên mạng xã hội. Văn hóa khoe của - flex culture trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết, xuất hiện 24/7.

Bên cạnh đó sự xuất hiện ngày càng nhiều của giới nhà giàu mới nổi (new money) cũng góp phần vào văn hóa khoe khoang. Trong cuốn “Psychology of Money", tác giả Morgan Housel cũng đã phân định rõ hai khái niệm nhiều tiền (rich) và giàu có (wealthy). Ông cho rằng không khó để nhận biết những người có nhiều tiền vì họ có xu hướng khoe khoang của cải vật chất. Ngược lại, những người giàu có tập trung vào đầu tư để mua lại thời gian cũng như sự bình an trong tâm trí.

Nói cách khác, văn hóa flex cũng chỉ là một cái tên khác của xu hướng tiêu dùng phô trương. Ta tiêu tiền cốt lõi chỉ để thể hiện địa vị của mình.

5. Phong cách sống này được cổ vũ như thế nào?

Trong nền kinh tế được chèo lái bởi chủ nghĩa tiêu dùng, thì việc tôn vinh những giá trị vật chất luôn được đề cao. Điều này được thể hiện qua các các nhãn hàng nổi tiếng với những sản phẩm không có gì ngoài logo. Logomania hay sự phát cuồng lên vì những logo của nhãn hiệu nổi tiếng, được các ngôi sao, influencers ủng hộ nhiệt tình. Đây chính là cách mà chúng ta cổ vũ cho sự tồn tại của thị trường làm nhái và giả hàng hóa (đây cũng là một vấn đề tai tiếng của Trung Quốc).

Vừa qua, TikTok đã bị lên án khi cổ vũ xu hướng tiêu dùng quá độ với những video về thời trang của mình. Sự lên ngôi của những công việc sáng tạo nội dung khiến càng nhiều người đầu tư thời gian và tiền của cho những bộ cánh đắt tiền, những video với nội dung tiêu xài. Họ gọi đó là phong cách sống.

Hiện tượng mạng một thời nổi tiếng với việc khoe giàu có Lil Tay | Nguồn: Vice

Điều này tạo ra một thực tại thiếu thực tế về những xu hướng nhanh tới nhanh bị lãng quên, đi kèm với nó là những thói quen tiêu dùng “độc” cho môi trường và “hại” cho ví tiền.

6. Chúng ta bị ảnh hưởng gì khi ngắm nhìn người khác khoe?

Nhìn người khác khoe khoang về những món đồ ảnh hưởng tới chúng ta không chỉ về mặt tài chính khi kích thích mua sắm, mà còn gây tổn hại lên tâm lý người xem.

Tim Kasser là một nhà tâm lý học tại Cao đẳng Knox và tác giả của một cuốn sách về chủ nghĩa vật chất. Sau khi đọc hơn 200 nghiên cứu, ông nói rằng những người ủng hộ chủ nghĩa vật chất thường sẽ ít hạnh phúc và thiếu đi sự đồng cảm. Đồng thời, họ cũng sẽ không ủng hộ những sản phẩm mang tính bền vững và có khả năng sẽ đồng tình với những định kiến và phân biệt đối xử. (Wired, 2019)

Đối với nền kinh tế vốn bất bình đẳng trong thu nhập, thì áp lực từ việc nhìn người khác khoe khoang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Điều này dẫn tới việc nhiều người giả vờ giàu có, làm bán mạng chỉ để thuê hoặc mua những món đồ hàng hiệu để đăng lên mạng. Thước đo của hạnh phúc tương đương với số lượng tương tác trên mạng xã hội.

7. Tại sao tại một số nơi khoe giàu bị kỳ thị?

Chuẩn mực văn hóa khác nhau khiến việc khoe giàu sang bị kỳ thị ở một số quốc gia. Tại Nhật Bản, có hẳn một câu đùa rằng nhiều khi bạn sẽ chẳng biết được hàng xóm mình là tỷ phú. Theo Japan Times, người Nhật có định kiến lâu đời là không muốn nổi bật trong đám đông, vậy nên là lẽ tự nhiên khi họ không khoe khoang về tài sản.

Tại các nước giàu có như Thụy Điển thì việc khoe khoang của cải được so sánh như trái cấm. Họ thậm chí không bàn luận cả về tiền lương của mình vì nó mang lại cảm giác không thoải mái.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nước này cho rằng hành vi này xuất phát từ một khái niệm lâu đời của Bắc Âu: Jantelagen. Đây là một quy tắc bất thành văn, khó bị phá vỡ nói về việc phải khiêm tốn khi bạn không giỏi hơn bất kỳ ai. Có một sự tương đồng trong nhiều nền văn hóa khi ở Úc thì có khái niệm “poppy syndrome" đề hạ thấp những người hay khoe khoang.

Tuy nhiên, Internet không biên giới đã biến khoe tài sản đã trở thành lẽ thường tình. Vậy nên cho tới hiện tại, câu hỏi cần được đặt ra là liệu có ranh giới nào cho việc khoe khoang?