Vận động viên quần vợt kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Vận động viên quần vợt kiếm tiền như thế nào?

Thu nhập trong giới quần vợt dao động giữa hai cực: hoặc tất cả, hoặc không gì cả.
Vận động viên quần vợt kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: Rolex

Roger Federer vắng mặt tại Wimbledon 2022, nhưng điều này có lẽ không ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của anh. Mới năm ngoái anh còn đứng đầu danh sách thu nhập trong giới quần vợt. Các nguồn thu khác nhau mang về cho anh 90,6 triệu đô theo ước tính của Forbes.

Điều này khiến chúng ta không khỏi băn khoăn: vận động viên quần vợt thì có những nguồn thu nào? Và có phải vận động viên nào cũng đạt được khoản thu nhập đó không?

Ở nhiều nước, vận động viên quần vợt không nhận được lương từ các liên đoàn như nhiều môn thể thao khác. Vì thế, thu nhập của họ phụ thuộc rất nhiều vào phong độ, kết quả thi đấu, và thứ bậc trên bảng xếp hạng.

Cùng Vietcetera khám phá cách những Nadal hay Federer kiếm tiền, cũng như sự bất bình đẳng thu nhập trong môn thể thao này.

1. Tiền đấu giải

Đối với quần vợt và nhiều môn thể thao khác, đây là khoản thu nhập chính. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt trong quần vợt là các vận động viên không cần thắng giải, mà chỉ cần tham gia giải đấu đã nhận được tiền.

Các giải chuyên nghiệp trong hệ thống ATP trao thưởng theo vòng đấu, ai đi càng xa thì nhận càng nhiều tiền. Điều này có nghĩa là ngay cả khi một vận động viên dừng bước ở vòng đầu, họ sẽ không ra về tay trắng. Đơn cử như giải quần vợt Mỹ Mở rộng (US Open) có mức trao thưởng vòng một là 58 ngàn đô.

Đánh thua cũng được hơn năm chục ngàn đô, nghe thì có vẻ hời. Tuy nhiên ta cần lưu ý rằng đây là mức trả thưởng của một giải Grand Slam, tức cấp độ quần vợt chuyên nghiệp cao nhất chỉ dành cho các tay vợt trong khoảng top 100. Ở hai cấp độ dưới là Challenger và Future, con số thấp hơn đáng kinh ngạc.

Một giải đấu Challenger có mức trả thưởng vòng một chỉ vỏn vẹn 780 đô, nhiều khi không đủ để trang trải chi phí thi đấu. Đáng nói hơn nữa là khoản thưởng cho chức vô địch Challenger là khoảng 21 ngàn đô, tức chưa tới một nửa mức thưởng thấp nhất của Grand Slam.

Những con số thậm chí còn thấp hơn nữa nếu ta đi xuống giải Future - giải đấu mà tay vợt Lý Hoàng Nam hẳn đã quá quen thuộc. Với mức trao thưởng vô địch là 3600 đô, đây khó có thể là một phương án “câu cơm” lâu dài nếu vận động viên chỉ dừng lại ở trình độ này.

Con số 3600 thực sự bé nhỏ khi xếp cạnh mức thưởng hơn 3,8 triệu đô tại giải Mỹ Mở rộng. Từ sự khác biệt này, ta dần nhận ra khoảng cách về thu nhập cũng tương đương với khoảng cách trên bảng xếp hạng.

05jul2022usopen2019rafaelnadal2jpg
Khoảnh khắc vô địch US Open 2019 của Rafael Nadal. | Nguồn: Getty Images

2. Phí xuất hiện (Appearance Fee)

Nói đơn giản, đây là khoản thu nhập mà các giải đấu trả cho một vận động viên để người đó tham dự giải. Sự chi trả ngược đời này sẽ logic hơn nếu chúng ta nhìn từ góc độ của cả vận động viên lẫn người tổ chức.

Không phải giải đấu nào cũng có quy mô tổ chức như nhau, vì thế ắt có sự chênh lệch trong thu nhập của mỗi ban tổ chức giải. Để bán được nhiều vé và kiếm lợi nhuận, các giải cần có những tên tuổi lớn tham gia thi đấu.

Vấn đề nằm ở chỗ các giải ATP nhỏ không đủ sức hấp dẫn với những vận động viên top đầu. Đây là những giải để các vận động viên “kiếm điểm” và gia tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng, nhưng mức điểm thưởng của các giải này là quá ít so với số điểm các tay vợt hàng đầu đã có.

Appearance fee can thiệp để giải đáp khúc mắc này. Mỗi khi một tay vợt tham dự một giải đấu không có nhiều ý nghĩa về mặt thứ hạng, ban tổ chức giải sẽ trả tiền để họ xuất hiện và thi đấu tại giải. Bằng cách này, cả vận động viên lẫn ban tổ chức đều có thêm thu nhập.

05jul2022federerdoha2021thursdayforehandjpg
Roger Federer tại giải ATP Doha 2021. | Nguồn: ATP Tour

Theo ước tính, Roger Federer lấy mức phí xuất hiện là 1,1 triệu đô, con số này cao hơn một chút so với Nadal và Djokovic. Các vận động viên ở thứ hạng thấp hơn trong khoảng top 50 sẽ có những mức giá khác nhau, và có thể cũng thay đổi tùy thuộc vào giải đấu khác nhau.

3. Tiền tài trợ

Vai trò của tiền tài trợ như một khoản thu đang trở nên ngày càng lớn đối với giới thể thao nói chung và vận động viên quần vợt nói riêng. Những tay vợt cấp cao nhất nhận tài trợ từ rất nhiều nhãn hàng, mang lại cho họ một khoản tiền kếch xù.

Federer nhận tài trợ từ hơn mười nhãn hàng từ đủ mọi ngành khác nhau, trong đó có cả hãng đồng hồ Rolex, hãng xe Mercedes-Benz, và thương hiệu thời trang Uniqlo. Nguồn thu này mang lại cho Federer khoảng hơn 80 triệu đô mỗi năm dưới cả dạng hiện vật lẫn tiền mặt.

Một ví dụ khác là tay vợt Serena Williams - đối tác của nhiều đơn vị trong đó có Nike, Pepsi, và cả công ty công nghệ Intel cùng ngân hàng đầu tư JP Morgan Chase. Mỗi năm, Serena Williams thu về khoảng 25 triệu đô tiền tài trợ.

Các vận động viên sẽ trở thành đại sứ và tham gia các chương trình quảng cáo, sử dụng các vật phẩm tài trợ khi thi đấu và tại sự kiện công chúng. Một nhãn hàng cân nhắc đầu tư cho một tay vợt dựa trên thứ hạng, phong độ, và khả năng đại diện thương hiệu của tay vợt cùng cộng đồng người hâm mộ.

05jul2022secretdeodorantserenawilliamsblackenterprisejpg
Serena Williams trong chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng Secret. | Nguồn: Secret

Quốc tịch của các vận động viên cũng có thể ảnh hưởng tới câu chuyện tài trợ. Mức tài trợ sẽ cao hơn ở những nước đông người hâm mộ quần vợt như Tây Ban Nha hay Argentina. Ngoài ra, nếu vận động viên thi đấu tốt, các đơn vị sẽ có những khoản thưởng thêm theo quy định của từng hợp đồng tài trợ.

4. Tiền “đánh biểu diễn”

Thể thao không phải lúc nào cũng chỉ có cạnh tranh, bởi bên cạnh chuyện thắng thua, người xem cũng quan tâm tới tính giải trí. Đây chính là động cơ để ngành công nghiệp quần vợt tổ chức các trận đấu biểu diễn (exhibition match) không chỉ trong quần vợt mà trong cả nhiều môn thể thao khác.

Mục đích của các trận đấu này không phải là để tranh tài, mà là để tôn vinh môn thể thao hoặc một cá nhân có thành tựu trong bộ môn, để ăn mừng một sự kiện, hay là để quyên góp một khoản tiền. Trên tất cả, tôn chỉ của các trận đấu biểu diễn là sự giải trí và sự vui vẻ.

Các vận động viên tham gia giải đấu với tâm thế nhẹ nhàng và giao lưu. Họ tập trung vào việc tạo ra tiếng cười và giá trị giải trí cho khán giả bằng những đường bóng mỹ miều, những cách đánh lạ mắt, và cả những cuộc trò chuyện, bông đùa trong khi thi đấu.

05jul2022eca86bd9ddb413fce98d2cjpg
Novak Djokovic trong một trận đấu biểu diễn ở Bueno Aires, 2013. | Nguồn: ChinaDaily

Quy trình chi trả cho các trận đấu biểu diễn là không công khai. Tuy nhiên ta có thể ước tính một vận động viên top đầu sẽ thu về ít nhất một triệu đô nếu tham gia từ ba tới năm trận biểu diễn mỗi năm.

Nguồn thu này không chỉ mở cho các tay vợt hàng đầu, mà ngay cả những tay vợt cấp thấp hơn cũng có thể tham gia các trận đấu biểu diễn ở những sự kiện công chúng.

5. Tiền thi đấu cho các câu lạc bộ

Bên cạnh các giải đấu ATP, nhiều nước trên thế giới có hệ thống thi đấu chuyên nghiệp riêng ở cấp cá nhân và cấp câu lạc bộ. Vì thế, các tay vợt có thể đầu quân cho một câu lạc bộ và nhận tiền từ câu lạc bộ đó.

Đây là một cách kiếm tiền rất hời, đặc biệt đối với các tay vợt chưa có thứ hạng cao. Lý do là bởi các câu lạc bộ sẽ trả cho vận động viên khoảng hơn 10 ngàn đô cho nỗ lực thi đấu trong khoảng 2 tới 3 tháng.

Con số này tính ra không thực sự lớn, nhưng câu lạc bộ cũng chi trả toàn bộ chi phí thi đấu và ăn ở, và đây chính là điểm khác biệt.

Các giải đấu câu lạc bộ thường không tính điểm xếp hạng ATP. Tuy nhiên, chúng diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn với lịch trình ít mâu thuẫn với các giải ATP. Điều này tạo cơ hội cho vận động viên có thể một khoản “thu nhập hè” mà vẫn duy trì việc cạnh tranh thứ bậc trên bảng xếp hạng.

Kết

Trong số các môn thể thao, có lẽ quần vợt có sự phân chia thu nhập mạnh mẽ nhất. Trong bóng đá, nếu một cầu thủ lọt vào top 100, cầu thủ đó đã là một siêu sao với mức thu nhập lớn.

Trong bóng rổ, top 100 cho phép bạn thi đấu tại giải NBA. Còn trong quần vợt, chỉ có những người từ top 20 mới có thể nghĩ tới một cuộc sống nhàn hạ với quần vợt chuyên nghiệp.

Nằm ngoài top 100, các vận động viên quần vợt lỗ nhiều hơn lãi khi thi đấu. Sau khi trừ chi phí di chuyển và các chi phí thi đấu, khoản thu từ các giải đấu không những không hòa, mà còn âm.

Vì thế, nếu không có sự trợ giúp từ gia đình, các liên đoàn thể thao, hay các đơn vị, một vận động viên quần vợt khó có thể phát triển.