Vì sao chúng ta bật cười khi lo lắng hay bối rối? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 10, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao chúng ta bật cười khi lo lắng hay bối rối?

Cười hay được coi là biểu hiện của niềm vui. Tuy nhiên, tại sao có lúc chúng ta vẫn cười dù đang trong tình thế ngặt nghèo?
Vì sao chúng ta bật cười khi lo lắng hay bối rối?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nếu bạn đã từng bật cười trước những tình huống khó đỡ như: ngã oạch trước bàn dân thiên hạ, trót buông một câu đùa “duyên dáng”, hoặc khi bị sếp mắng, thì bạn không phải là người duy nhất. Là một người hay rơi vào tình huống trớ trêu và đôi khi chẳng biết phải phản ứng thế nào ngoài cười, người viết đồng cảm với bạn.

Thật ra, mọi người còn có hẳn một cái tên cho sự buồn… cười này, đó là “nervous laughter” (tạm dịch: cười lo âu).

Cười lo âu là gì?

Cười lo âu là khi chúng ta bật cười trong những tình huống xã hội không mấy thoải mái, chẳng hạn như khi xấu hổ, hối lỗi, bối rối.

Tương tự như khóc khi hạnh phúc hoặc khao khát véo những thứ dễ thương, cười lo âu là một dạng biểu hiện lưỡng hình (dimorphous expression), khi hành động bên ngoài mâu thuẫn với cảm xúc bên trong.

Hầu hết các trường hợp, điệu cười giả trân này rất dễ bị bắt bài và đôi lúc cũng khiến những tình huống vốn đã ngặt nghèo còn thêm phần khó xử.

Ở Việt Nam nói riêng, “cười giả lả” khá gần với định nghĩa này. Nó mang tính văn hóa đến độ hay được đề cập trong các cẩm nang du lịch để tránh cho du khách nước ngoài hiểu nhầm rằng “người đang cười là người đang vui”.

Chúng ta bật cười trong những tình huống trớ trêu vì:

Cười là một hình thức trấn an

Trong một thử nghiệm, người tham gia đóng vai trò là “giáo viên” và được phép giật điện các “học sinh” với cường độ tăng dần mỗi khi họ trả lời sai (đương nhiên việc giật điện là giả). Mục tiêu của thử nghiệm là để xem người tham gia có thể tăng điện áp đến đâu trước khi bỏ cuộc.

Tuy nhiên một hiện tượng lạ đã xảy ra, một vài người tham gia thí nghiệm bắt đầu cười đầy lo âu khi nghe tiếng thét của những người bị giật điện.

Không nhất thiết phải giật điện người khác, chúng ta cũng lắm khi rơi vào những tình huống chẳng dễ chịu gì. Đó là cảm giác bối rối trước những khoảng lặng trong cuộc trò chuyện, đỏ mặt khi vấp ngã nơi đông người hoặc sượng trân khi lỡ buông một câu đùa kém duyên,... Vào những lúc khó xử thế này, bật cười là một hình thức tự trấn an.

Cười có tác dụng giúp bạn tự trấn an lẫn trấn an người khác.

Nhà thần kinh học Ramachandran cho rằng cười khi lo âu khiến bản thân chúng ta nghĩ rằng những gì khủng khiếp mà mình gặp phải (hay gây ra) không tệ đến vậy, điều mà chúng ta thật sự muốn (lẫn cần) tin vào nhằm vỗ về bản thân.

Không chỉ vậy, âm thanh nhịp nhàng của tiếng cười còn có tác dụng thông báo cho những người xung quanh rằng tình huống trông có vẻ nghiêm trọng kia là một “báo động giả” và họ không cần phải bận tâm. Nó giúp xoa dịu bầu không khí bối rối trong những khoảng lặng, ra tín hiệu rằng bạn vẫn ổn sau khi ngã hoặc ngầm thông báo là bạn không hề có ác ý với câu đùa.

Cười cũng như một cơ chế phòng vệ

Cười lo âu cũng hay xảy ra khi bạn rơi vào tình huống mà cái tôi bị đe dọa, chẳng hạn như bạn trót quên kéo khóa quần hay khi bị sếp mắng.

Hành động cười vào lúc này được các nhà tâm lý học coi như một cơ chế phòng vệ - thường được kích hoạt để bảo vệ cái tôi khỏi cảm giác lo lắng. Nó tăng cường khả năng chịu đựng, giúp bạn giữ được tỉnh táo và lấy lại quyền kiểm soát.

Một cách dễ hiểu, cười lo âu sẽ như một “tấm khiên” chắn giữa bạn và “kẻ tấn công” - tức những tình huống éo le.

Cười là cách mà ta chống lại những tình huống éo le.

Ngoài ra, cũng giống như cơ chế của các biểu hiện lưỡng hình khác, chúng ta cần một hành động “tích cực” để trung hòa cảm xúc “tiêu cực” khi nó trở nên mất kiểm soát. Cười chính là cách để đưa cảm xúc lo âu về mức ổn định nhằm duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể lẫn tâm trí.

Kết

Nhìn chung, cười lo âu là một cơ chế tự nhiên nhằm bảo vệ bạn. Phần lớn trường hợp, nó không quá ảnh hưởng và mọi người sẽ sớm nhận ra cũng như thông cảm cho bạn.

Tuy nhiên, nếu cười lo âu diễn ra thường xuyên khiến bạn khó xử hoặc không phù hợp với các tình huống nhất định, hãy tham khảo một vài kỹ thuật kiểm soát lo âu sau:

4 Kỹ thuật "sơ cứu" đơn giản mỗi khi căng thẳng hay lo âu quá mức

Điểm tên 5 kỹ thuật thiền phổ biến: Bạn phù hợp với dạng nào?