Vì sao chúng ta đều trở nên đãng trí hậu đại dịch? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 04, 2022
Tâm Lý Học

Vì sao chúng ta đều trở nên đãng trí hậu đại dịch?

Hay quên là một triệu chứng hậu Covid phổ biến. Nhưng ngay cả những người chưa từng bị virus này ghé thăm cũng cảm thấy, trí nhớ của họ không còn được như trước dịch.
Vì sao chúng ta đều trở nên đãng trí hậu đại dịch?

Nguồn: Shutterstock

Sau hơn 2 năm sống chung với COVID-19, chúng ta đang bước sang thời kỳ “bình thường mới.” Người lớn trở lại công sở, học sinh trở lại trường học, các hoạt động vui chơi, giải trí và du lịch dần khôi phục. Tuy nhiên trong quá trình ấy, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra.

Trẻ đến trường thì quên đường vào lớp. Người lớn đi làm thì quên mặt, quên tên đồng nghiệp lâu ngày không gặp, thậm chí quên cách làm những việc đơn giản mà trước dịch ta từng làm hàng ngày. Bản thân tôi cũng đã có trải nghiệm đáng sợ khi quên mất việc mình phải viết một báo cáo 2000 từ chỉ… 2 ngày trước deadline, dù đã lên kế hoạch học và làm bài rất kỹ.

Đáng chú ý là hiện tượng này xảy ra với hầu hết mọi người, chứ không chỉ riêng với người từng mắc Covid. Nguyên nhân nào khiến chúng ta cùng “rớt não” sau đại dịch?

Stress kéo dài ảnh hưởng đến não bộ

Theo giáo sư tâm lý Grant Shields, căng thẳng kéo dài có thể gây nhiều hệ lụy lên trí nhớ của chúng ta. Và trong hơn hai năm đại dịch, chúng ta đã tích lũy một lượng stress không hề nhỏ.

Khi bị căng thẳng kéo dài, tuyến thượng thận tiết ra lượng cortisol lớn hơn khả năng cơ thể có thể giải phóng. Trong nhiều trường hợp, việc này có thể giết chết các tế bào não và làm giảm kích thước vỏ não trước trán (prefrontal complex) - khu vực chịu trách nhiệm ghi nhớ và học tập. Căng thẳng kéo dài cũng ảnh hưởng đến thời gian chú ý và chất lượng giấc ngủ, khiến ta khó có thể tập trung ghi nhớ.

Chúng ta trải qua quá nhiều thông tin và thay đổi

Trong những ngày nghỉ dịch, chúng ta phải tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ. Những cập nhật về số ca mắc mới, các thay đổi về quy định chống dịch dồn dập xuất hiện trên báo đài và điện thoại, khiến ta trở nên choáng ngợp.

Khi dịch bệnh lùi dần, chúng ta lại phải trải qua những thay đổi mới. Sau nhiều tháng làm việc từ xa, giờ ta phải làm quen trở lại với môi trường văn phòng và nếp sống trước kia. Bên cạnh đó, những thay đổi như giá xăng tăng diễn ra quá nhanh, làm chúng ta không kịp “trở tay.”

28apr2022shutterstock1919316803jpg
Lượng thông tin khổng lồ cùng những thay đổi quá đột ngột khiến chúng ta bị “ngợp”. | Nguồn: Shutterstock

Tất cả những sự kiện này đều tiêu tốn nhiều năng lượng nhận thức hơn ta nghĩ. Theo nhà thần kinh học Sara Mednick, việc đối mặt với quá nhiều thông tin và thay đổi làm chậm khả năng xử lý của não bộ, và trí nhớ là một trong các khu vực bị ảnh hưởng. “Nó giống như việc bạn mở một lúc quá nhiều tab trên máy tính khiến nó chạy chậm lại vậy,” bà Mednick chia sẻ trên Wall Street Journal.

Thời gian sử dụng các thiết bị điện tử dài hơn

Nghiên cứu cho thấy kể từ khi COVID-19 bùng phát, một người lớn dành trung bình 13 tiếng/ngày sử dụng các thiết bị điện tử. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến khả năng chú ý và ghi nhớ thông tin.

Nhiều người hình thành thói quen kéo news feed liên tục trên mạng xã hội, hoặc xem video ngắn trên các nền tảng như TikTok. Việc này khiến não bộ gặp khó khăn khi mã hóa thông tin chúng ta nghe hoặc nhìn thấy, khiến ta khó ghi nhớ chúng lâu dài. Một thói quen phổ biến khác là vừa lướt điện thoại, vừa làm việc khác khiến sự chú ý của ta bị “chia năm sẻ bảy.”

Bên cạnh đó, việc học tập và làm việc online khác rất nhiều so với môi trường lớp học hay công sở. Với một chiếc máy tính kết nối internet, chúng ta chỉ cần google là ra ngay thứ mình cần tìm. Điều này vô hình trung khiến ta trở nên lệ thuộc vào internet, không thể tự mình ghi nhớ thông tin nếu không tra cứu.

Sự lặp lại và dễ đoán của cuộc sống thời đại dịch

“Ngày nào cũng như ngày nào” là cuộc sống chúng ta đều trải qua trong những ngày phong tỏa. Điều này khiến việc ghi nhớ những sự kiện diễn ra trong giai đoạn này trở nên khó khăn hơn.

Theo nhà thần kinh học nhận thức Zachariah Reagh, những trải nghiệm mới mẻ là yếu tố quan trọng giúp củng cố bộ nhớ con người. Chính vì vậy, khi cuộc sống trở nên đơn điệu và diễn ra lặp lại trong cùng một không gian, ta sẽ không thể nhớ rõ một trải nghiệm riêng biệt nào. Hệ quả là sau vài tháng phong tỏa, khả năng ghi nhớ của ta cũng bị suy giảm đáng kể.

Cải thiện trí nhớ bằng cách nào?

Điều đáng mừng là hiện tượng đãng trí hậu đại dịch chỉ là tạm thời, và sẽ dần biến mất khi chúng ta bắt kịp với nhịp sống trước kia. Song nếu việc hay quên khiến bạn gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống, có thể thử các cách sau để cải thiện trí nhớ:

Không làm việc đa nhiệm: Nếu không áp dụng đúng cách, làm việc đa nhiệm (multitasking) có thể khiến công việc đơn giản trở nên khó khăn, suy giảm trí nhớ ngắn hạn và khiến não bộ kiệt sức. Vì vậy, nếu đã sẵn có vấn đề về trí nhớ, bạn nên tránh làm việc theo cách này. Thay vào đó, hãy tập trung hoàn thành một đầu việc trước khi xử lý đầu việc tiếp theo.

Giúp não bộ bình tĩnh lại: Theo bà Sara Mednick, phương pháp này giúp củng cố thùy trán - cơ quan phụ trách mã hóa và truy xuất bộ nhớ, giúp bạn tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Các bài tập bạn có thể thử là yoga, chánh niệm và hít thở chậm ít nhất 10 phút/ngày.

28apr2022pexelsmonstera5384533jpg
Yoga và chánh niệm là những bài tập phổ biến giúp tăng cường tập trung, cải thiện trí nhớ. | Nguồn: Pexels

Giảm thiểu thời gian sử dụng đồ điện tử: Bạn có thể tổ chức những cuộc họp mặt bạn bè, người thân mà tất cả không được sử dụng điện thoại. Tập trung vào những hoạt động như chơi board game, nướng BBQ hay đi dạo cùng nhau để tăng cường kết nối, giúp bạn ghi nhớ tốt hơn những gì mọi người cùng chia sẻ.

Học một điều gì mới: Đây là biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ (dementia) hay Alzheimer ở người cao tuổi. Tuy nhiên ở bất cứ độ tuổi nào, chúng ta cũng có thể áp dụng nó để cải thiện trí nhớ. Bạn có thể học một kỹ năng hay ngôn ngữ mới, hoặc học đan len, làm thủ công…đều có tác dụng rất tốt.

Bổ sung các vitamin cần thiết cho não: Bạn có thể ăn các thực phẩm giàu Omega-3 (cá biển, các loại hạt), vitamin B6, B12 & C (trứng, nghệ, cam, súp lơ), hoặc kết hợp sử dụng thực phẩm chức năng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh những biện pháp trên, bạn nhớ duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và tập thể dục. Nếu để cơ thể quá mệt mỏi thì áp dụng phương pháp nào cũng không thể cải thiện được trí nhớ của bạn.