Google có đang “chiều hư” não bộ của chúng ta? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
27 Thg 04, 2022
Tâm Lý Học

Google có đang “chiều hư” não bộ của chúng ta?

Nhỡ một ngày Google biến mất, điều gì còn đọng lại trong trí nhớ của chúng ta?
Google có đang “chiều hư” não bộ của chúng ta?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Mỗi ngày, có khoảng 8,5 tỷ lượt tìm kiếm trên Google, trung bình mỗi người 3-4 lượt. Google đang trở thành một phần “không thể thiếu” - nơi giải đáp mọi thắc mắc từ nhỏ xíu như “bao lâu tóc mọc?” đến chuyện to bự như “tận thế vào năm nào?” Nhờ vậy mới có thần chú “Cái gì không biết thì tra Google.”

Khi mọi thứ đều có thể lục tìm với vài cú nhấp chuột, ta không chỉ lên mạng để hỏi về những điều chưa biết mà cả những gì khó nhớ. Liệu bạn sẽ chọn nhớ diện tích của một đất nước hay nhớ cách vào Google và nhập từ khóa? Phải chăng sự gắn bó khăng khít với Google đang khiến ta mất dần tự chủ về ký ức bởi chính hiệu ứng mang tên nó?

Hiệu ứng Google là gì?

Hiệu ứng Google chỉ xu hướng mau quên những thông tin vốn có thể dễ dàng tra cứu trên mạng hoặc các thiết bị điện tử. Đây là một dạng của “chứng đãng trí kỹ thuật số” (digital amnesia).

Ngoài các công cụ tìm kiếm, hiệu ứng còn bao gồm dữ liệu từ bộ nhớ máy tính hoặc điện thoại như danh bạ, ghi chú, hình ảnh, ngày sinh nhật.

Hiệu ứng Google lần đầu được đặt tên và nghiên cứu bởi ba nhà tâm lý học Betsy Sparrow, Jenny Liu và Daniel Wegner vào năm 2011. Trước sự thâm nhập của Internet, nhóm nghiên cứu đã tự hỏi: Liệu người dùng có đang cá nhân hóa các công cụ tìm kiếm như bộ nhớ thứ hai? Bốn thí nghiệm đã được tiến hành để kiểm chứng.

Theo một thí nghiệm trong số đó, hai nhóm người tham gia được cung cấp một bộ thông tin. Kết quả cho thấy nhóm biết trước thông tin sẽ bị xóa có khả năng ghi nhớ khá tường tận. Còn nhóm người biết thông tin sẽ được lưu thì nhớ vị trí lưu trữ tốt hơn là nội dung.

Vì đâu mà hiệu ứng Google trở nên phổ biến?

Hằng ngày, bộ não của chúng ta gặp phải rất nhiều thông tin mới. Do đó, ta thường ưu tiên ghi nhớ thông tin chính và trao gửi những thông tin nhỏ lẻ tại bộ nhớ ngoài. Đây được xem là biểu hiện của “transactive memory” (tạm dịch: bộ nhớ giao dịch).

Trước đây, transactive memory chỉ việc phân chia ghi nhớ cho những chuyên gia ở mỗi lĩnh vực thay vì một người phải nhớ toàn bộ, kể cả những kiến thức họ không sành. Tới thời đại kỹ thuật số, chuyên gia đó là các thiết bị mạng. Hiệu ứng Google được coi là cách hiệu quả để bộ não không bị quá tải, nhưng đồng nghĩa với sự phụ thuộc gia tăng.

Khả năng tập trung suy giảm cũng khiến những kiến thức trên mạng khó ở lâu trong não. Theo nghiên cứu về “bộ não online” của Joseph Firth, gián đoạn trong lúc tiếp nhận thông tin sẽ làm giảm hoạt động của các vùng não hình thành và truy xuất trí nhớ dài hạn (như thùy thái dương). Thông tin chỉ được đưa vào khoang ngắn hạn rồi biến mất nếu ta không củng cố.

alt
Cách mà não bộ ghi nhớ và chuyển hóa thông tin từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn.

Một lý do khác đến từ những mặc định của ta. Internet có sẵn, luôn ở đó nên được xếp vào dạng “hiển nhiên và trường tồn.” Cần gì phải nhớ đường khi đã có Google Maps lo? Cần gì phải thưởng ngoạn quang cảnh khi đã có những tấm hình check-in? Cần gì phải nghe giảng khi đã có vị cứu tinh mang tên “zoom recording?”

Việc không mảy may nghi ngờ về ngày biến mất của Google khiến ta dần lệ thuộc quá mức. Ta không thể tự mình ghi nhớ thông tin nếu không tra cứu. Và cứ thế, hiệu ứng Google xuất hiện.

Hiệu ứng Google ảnh hưởng đến ta như thế nào?

Những bộ não thụ động

Nghiên cứu về “thế hệ Google” của Ian Rowlands nhận thấy, hiệu ứng Google đang giới hạn khả năng suy luận và phân tích của người dùng. Nhiều người tin tưởng vào mạng hơn nhận định cá nhân. Họ lười kiểm chứng lại thông tin, từ đó vô tình mất đi tư duy phản biện và cái nhìn khách quan. Khả năng sáng tạo cũng thuyên giảm khi bị bủa vây bởi ý tưởng của “người ta.” Giáo sư Frank Gunn-Moore cảnh báo, nếu không động não thường xuyên, trí tuệ sẽ trở nên sa sút.

alt
Quá dựa dẫm vào Google có thể khiến não của chúng ta lười tư duy.

Những rủi ro của bộ nhớ ngoài

Tính “bảo mật” trong không gian mạng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là lời cam kết. Mỗi ngày, có đến 160,000 vụ mất tài khoản và giả mạo. Ở môi trường công sở, theo Kaspersky khảo sát, 58% nhân viên không dùng phần mềm chống virus và chỉ 29% thiết bị được sao lưu. Điều này có nghĩa dữ liệu mật của các doanh nghiệp có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.

Hay như việc để mất điện thoại, máy tính cũng đủ biến những thông tin trong đó tan thành mây khói. Bộ nhớ ngoài đang đòi hỏi sự cảnh giác và bảo vệ tối cao. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ tuột mất quyền sở hữu nó.

Bỏ lỡ các trải nghiệm thực tế

Những trải nghiệm xã hội sẽ bị gói gọn trong một góc nhìn. Bạn có thể đi khắp thế gian bằng việc chỉ ngồi tại chỗ nhưng sẽ bỏ lỡ những cảm nhận đa giác quan và sắc thái của thực tế. Chính sự cọ xát ấy khiến ký ức được lưu giữ dài lâu.

alt
Việc bỏ lỡ trải nghiệm thực tế do lạm dụng Google cũng khiến ký ức khó đọng lại hơn.

Nhà tâm lý học Linda Henkel đã thử nghiệm hiệu ứng Google với việc chụp ảnh. Khi tham quan bảo tàng nghệ thuật, nhóm người không chụp hình có khả năng ghi nhớ chi tiết hơn nhóm có chụp. Điều này cho thấy, chất lượng trải nghiệm sống có thể giảm đi nếu chỉ quan sát qua ống kính.

Tác động tích cực

Giữa một rừng thông tin hỗn tạp, hiệu ứng Google đang thể hiện hiệu suất của não bộ. Ta biết cách sàng lọc, phân loại thông tin, và giảm bớt gánh nặng ghi nhớ. Như hình thức bộ nhớ giao dịch, ta hợp tác với các bộ nhớ ngoài để đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là trong thời buổi mọi thứ tranh đua nhau ở tốc độ.

Làm sao để hạn chế ảnh hưởng từ hiệu ứng Google?

Bảo đảm an toàn mạng: Người dùng mạng nên tạo mật khẩu hóc búa và khác biệt cho các tài khoản, xác thực mật khẩu bằng 2 lớp, thường xuyên quét virus, và thực hiện sao lưu dự phòng.

Tìm đến các nguồn thu thập thông tin ngoài Google: Bạn có thể sử dụng các tài liệu giấy như sách, từ điển để tiếp thu kiến thức và kiểm chứng những điều trên mạng. Cách này tốn thời gian hơn nhưng khiến bạn chủ động hơn.

Tập trung khi đọc thông tin: Hãy cố gắng tránh xa những yếu tố gây nhiễu trong quá trình tiếp nhận thông tin. Bạn nên cố định ở những tab cần thiết và tắt thông báo các ứng dụng khi chưa cần đến.

Ghi chú thủ công: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, ghi chú bằng tay sẽ tạo kết nối cá nhân với thông tin, khiến ta hiểu sâu và ghi nhớ lâu hơn. Việc này áp dụng cho cả đánh máy và vẽ. Bạn nên chọn cho mình cách ghi chú phù hợp để tạo thành thói quen.

Khởi động bộ nhớ trước khi tra cứu: Trước khi đánh chữ “google,” bạn thử dừng một chút và nhớ lại điều mình định tìm kiếm: Mình từng thấy nó chưa? Mình đã biết những gì về nó?

Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử: Hãy đóng khung những khoảng thời gian nhất định trong ngày để “cách ly” với thiết bị mạng. Trong những cuộc du hí, bạn nên dành thời gian quan sát và trải nghiệm thế giới thực nhiều hơn là gắn liền với thế giới ảo.