Muôn vàn lo lắng vì xăng tăng giá | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Muôn vàn lo lắng vì xăng tăng giá

Giá xăng dầu tăng cao có thể dẫn đến lạm phát và gây áp lực lên thu nhập, chi tiêu trên mỗi đầu người.
Muôn vàn lo lắng vì xăng tăng giá

Nguồn: Báo Thanh Niên.

1. Giá xăng tăng kỉ lục thế nào?

Chỉ trong vòng một tháng, giá xăng trong nước tăng liên tục 3 lần. Tính đến ngày 09/03, giá xăng gần chạm ngưỡng 27.000 đồng/lít.

Theo dự báo, giá xăng sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Có thể giá xăng được sử dụng phổ biến là RON 95 sẽ chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, đạt kỷ lục trong nhiều năm gần đây. (Báo Lao Động)

2. Điều này ảnh hưởng gì đến chúng ta?

So với tổng thu nhập bình quân trên đầu người (GDP), giá xăng dầu ở Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất trên thế giới. GDP mỗi ngày của người dân là khoảng 111.000 đồng. Giá một lít xăng hiện nay tương ứng với khoảng 14,5% mức thu nhập này.

Theo báo Vietnam+, chi phí xăng, dầu chiếm 1,5% trong tổng số tiêu dùng của một hộ gia đình/tháng hiện nay. Vì vậy, giá xăng tăng mạnh đồng nghĩa giá các mặt hàng và dịch vụ tăng theo, khiến người dân sẽ gặp phải áp lực chi tiêu.

Giá xăng dầu tăng còn tác động trực tiếp đến nhiều nhóm người và lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong tháng 02/2022, nhiều điểm bán xăng đã phải đóng cửa vì hết hàng (khủng hoảng cung cấp xăng dầu), và chịu các khoản thua lỗ. Nhiều tài xế công nghệ, xe ôm bị giảm thu nhập, dân văn phòng tính bán xe máy mua xe điện (theo Vtc.vn).

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm bình luận, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai. Điều này sẽ khiến chiến lược kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát đang triển khai khó đạt hiệu quả.

Giá xăng tăng còn kéo theo những tác động tiêu cực ở tầm mức vĩ mô, dẫn tới việc không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

3. Vì sao giá xăng tăng mạnh?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng chóng mặt trong thời gian gần đây:

  • Giá dầu thô tăng nhưng các nhà khai thác trên thế giới không tăng sản lượng.
  • Từ 01/03, giá thành phẩm thế giới đã tăng gần 20% trên mỗi lít xăng dầu. Việc này khiến chênh lệch giá cơ sở dùng để tính toán giá bán lẻ trong nước và thế giới ngày càng tăng.
  • Thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng.
  • Nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng xăng dầu cao sau khi đại dịch Covid-19 "giảm nhiệt".
  • Những bất ổn về địa chính trị (chiến tranh Nga - Ukraine), các lệnh cấm vận về năng lượng, khí đốt... cũng tác động đến giá xăng dầu.

Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào thế giới nhưng cũng có một số nguyên nhân nội sinh như:

  • Tác động lớn của những ngành xử dụng nhiều xăng dầu: đánh bắt thủy hải sản, vận chuyển hàng hóa và hành khách...
  • Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng sản xuất.

4. Phương án nào được đưa ra để “giảm nhiệt” giá xăng?

Ở thời điểm hiện tại, 38% giá xăng dầu trong nước đến từ các loại thuế phí gồm: Thuế giá trị gia tăng (10%); Thuế nhập khẩu (10%);Thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%); Thuế bảo vệ môi trường (1.000 - 4.000 đồng/lít).

Mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với xăng (trừ Ethanol). Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị phương án giảm thuế 2.000 đồng/lít xăng với thời hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại.

5. Thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu dùng vào việc gì?

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế áp dụng tuyệt đối. Được biết, Thuế bảo vệ môi trường năm 2017 đóng vào ngân sách nhà nước đạt 44.825 tỷ đồng. Trong đó, xăng dầu đóng góp đến hơn 90%.

Mục tiêu quan trọng nhất của loại thuế này là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Thuế bảo vệ môi trường không được sử dụng dưới dạng thu 1 đồng chi ra 1 đồng. Hàng năm, căn cứ vào tình hình ngân sách, Quốc hội sẽ phê duyệt dự toán thu chi ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường đóng vai trò là một công cụ kinh tế, "góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường sinh thái, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới".