Vì sao lâu lâu nghĩ một đằng nói một nẻo? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 05, 2021
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao lâu lâu nghĩ một đằng nói một nẻo?

Hiện tượng “nghĩ một đằng nói một nẻo” không phải của riêng ai. Ca sĩ đến điệp khúc vẫn quên lời. MC đến hồi gay cấn vẫn đọc nhầm tên hoa hậu.
Vì sao lâu lâu nghĩ một đằng nói một nẻo?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Đêm trước ngày phỏng vấn xin việc, bạn ngồi nhẩm lại những gì mình sẽ nói với nhà tuyển dụng. Tưởng chừng đã thuộc bài như cháo, chỉ sau 5 phút đầu phỏng vấn, bạn đột nhiên quên béng phải nói gì. Mọi lời lẽ sau đó đều là tuỳ cơ ứng biến, và cơ hội của bạn là tuỳ duyên trời định.

Hiện tượng “nghĩ một đằng nói một nẻo” không phải của riêng ai. Ca sĩ đến điệp khúc vẫn quên lời. MC đến hồi gay cấn vẫn đọc nhầm tên hoa hậu. Tác giả bài viết này đôi lúc đang gõ máy hăng say, vẫn “bay não” và quên mất phải viết gì tiếp theo.

Vậy, vì sao đôi lúc chúng ta nghĩ một đằng nói một nẻo?

“Nghĩ một đằng nói một nẻo” là do não tắc tạm thời

Thực tế, việc đột nhiên bị cứng họng không phải là lỗi lầm duy nhất do não gây ra. Hiện tượng này thuộc nhóm hiện tượng “brain fart” (tạm dịch: tắc não tạm thời).

“Brain fart” bao gồm các hiện tượng không-mấy-thơm-tho như quên tên một người, quên mất định lấy gì trong tủ lạnh, hoặc lỡ miệng gọi tên người yêu cũ.

brainfart-2
Tự nhiên quên mất cái caption!

Riêng việc nghĩ một đằng nói một nẻo xảy ra với mật độ khác nhau ở từng nhóm tuổi. Một thống kê cho thấy người ở độ tuổi 18 đến 22 thường gặp vấn đề này 1-2 lần/tuần, và gấp đôi với người ở độ tuổi 65 đến 75. Bất kỳ thứ gì ảnh hưởng đến thể chất và khả năng nhận thức như tuổi tác, thiếu ngủ, rượu bia hay lo âu đều có thể khiến “brain fart” xảy ra thường xuyên hơn.

Vì quá căng thẳng hoặc quá thư giãn

Khi căng thẳng

Tình huống "miệng nhanh hơn não" có thể xảy ra khi bạn đang trong một buổi phỏng vấn, bị hỏi về deadline công việc, hoặc đột nhiên bị công kích cá nhân trong cuộc trò chuyện.

Vào những lúc như trên, vùng thuỳ trán, nơi đảm nhiệm việc tư duy và sử dụng lý trí, sẽ bị vô hiệu quá. Đồng thời, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích thích tuyến thượng thận, giúp giải phóng catecholamine — một hợp chất hữu cơ bao gồm adrenaline và noradrenaline.

Catecholamine là một hormone quan trọng để cơ thể chuẩn bị cho những tình huống “chiến-hay-chạy”. Vì vậy, vào những lúc ta cảm thấy bất ngờ, sốt vó và căng thẳng, ta sẽ khó nói tròn câu hơn.

Và đôi lúc, do luống cuống mà lời nói của chúng ta cũng vô tình nghe thô lỗ. Thay vì trả lời “Em còn phần cuối chưa xong anh ơi,” bạn lại buột miệng buông câu “Còn phần cuối!”

brainfart-1
Vào những lúc ta cảm thấy bất ngờ, sốt vó và căng thẳng, ta sẽ khó nói tròn câu hơn.

Khi thư giãn

Hãy nhớ lại những lần bạn hăng say làm việc đến mức quên ăn. Đã bao giờ một người hỏi bạn "Ăn cơm chưa?" và bạn vô thức nhầm "chưa" thành "rồi"?

Đó là do quá trình “thay đổi hành vi não bộ” (maladaptive brain activity change).

Não chúng ta là một bộ phận vô cùng lười biếng. Khi lặp lại một hành động quá nhiều, não sẽ rơi vào trạng thái hoạt động vô thức (autopilot). Trạng thái này thường thấy khi ta lái xe, gõ máy tính, hay chơi một nhạc cụ, và có thể kéo dài đến tận 39 giây.

Lúc này, các vùng não kích hoạt sự thoải mái sẽ bắt đầu làm việc, và vùng não duy trì khả năng tập trung sẽ tạm ngưng. Bởi thế, khi phải dùng lời giao tiếp, não chưa kịp chuyển về trạng thái tập trung, khiến chúng ta lắp bắp và nói sai.

Ngoài ra, ở trong một môi trường thoải mái cũng khiến bạn thư giãn đến mức não ngừng tập trung hoàn toàn. Môi trường ấy có thể bao gồm các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, mùi hương hay đơn giản là ở bên người mình thương. Và trong phút chốc, bạn sẽ không nhận thức được bối cảnh xung quanh mình.

Kết

Tuy đây là một hiện tượng tiến thoái lưỡng nan, những hệ quả mà "nghĩ một đằng nói một nẻo" gây ra thường ít nghiêm trọng. Nhưng vẫn có tình huống mà ta cần xin lỗi và đính chính, chẳng hạn như trong công việc hoặc khi lời nói vô tình gây phật ý. Nếu có lỡ nói sai, hãy bình tĩnh và giải thích điều bạn muốn nói để tránh gây hiểu lầm.