Vì sao ta vẫn mua đồ rẻ dù nghĩ chúng là “của ôi”? | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao ta vẫn mua đồ rẻ dù nghĩ chúng là “của ôi”?

Người ta có thể “đánh cược” vay nợ để mua iPhone 14, và cũng có thể sẵn sàng mua đồ rẻ dù e ngại chất lượng. Vì sao lại như vậy?
Vì sao ta vẫn mua đồ rẻ dù nghĩ chúng là “của ôi”?

Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Đối lập với “rẻ tiền” là “đắt tiền”. Đối lập với “giàu” là “nghèo”. Nhưng không phải cứ giàu là không đụng đến đồ rẻ, nghèo là không bước được đến thánh địa đồ đắt tiền.

Không ít người sẵn sàng vay mượn để sở hữu chiếc iPhone 14 mới ra. Nhưng ở thái cực ngược lại, chúng ta nhiều lúc mua đồ rẻ dù thâm tâm nghĩ “của rẻ là của ôi”, và dù thực tế ta có thể trả mức giá cao hơn. Vậy chính xác tại sao chúng ta mua những món đồ rẻ, dù đôi khi trong tâm vẫn nghĩ chúng không đáng?

Nghĩ một đằng, làm một nẻo

Bất hòa nhận thức (cognitive dissonance) là sự căng thẳng xảy ra khi bạn gặp mâu thuẫn giữa niềm tin và hành động thực tế. Bạn có thể đã gặp hiện tượng này khi biết sắp có bài thi mà vẫn cố lướt điện thoại, hoặc biết thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng vẫn không thể ngừng hút.

Khái niệm này được nhà tâm lý xã hội học Leon Festinger đặt ra vào năm 1957. Ông cho rằng trong nội tâm chúng ta luôn có sự thúc đẩy để giữ niềm tin và hành vi tương đồng với nhau. Nhưng khi gặp bất hòa, một yếu tố phải được thay đổi để giảm bớt sự mâu thuẫn.

Điều này cũng xảy ra trong các quyết định mua sắm, khi ta biết giá rẻ thường đi kèm với chất lượng không tốt. Khi đó, tâm trí chúng ta thường “giải quyết” mối bất hòa này bằng các cách:

  • Thay đổi niềm tin: Hàng giá rẻ vốn không được marketing nhiều như những món đồ đắt tiền hơn. Và khi một món hàng được chào mời quá nhiều, nó dễ khiến khách hàng sản sinh tâm lý phản kháng. Vì vậy mà chúng ta đôi khi thích mua đồ rẻ, vì không bị cảm giác bắt ép phải mua.
  • Thay đổi hành động: Đồ rẻ luôn có giá nằm ở mức ngân sách chúng ta có thể trả. Vì vậy, não bộ không tốn quá nhiều năng lượng để cân nhắc trước khi ra quyết định mua sắm như với hàng đắt tiền. Nói cách khác, ta có thể dễ dàng mua đồ rẻ mà không cần suy nghĩ quá nhiều.

Hàng đắt chưa chắc đã xắt ra miếng

Bên cạnh bất hòa nhận thức, chúng ta còn hay gặp một mâu thuẫn khác trong mua sắm là bất hòa giá cả - giá trị. Nói một cách dễ hiểu, những câu tục ngữ như “của rẻ là của ôi” hay “đắt xắt ra miếng” không phải lúc nào cũng đúng.

Chẳng hạn bạn trả giá đắt hơn để thuê phòng khách sạn gần trung tâm, nhưng rồi thất vọng vì cơ sở vật chất không được như kỳ vọng của mình. Mâu thuẫn dạng này có thể đến từ trải nghiệm cá nhân, hoặc từ việc đọc review của những khách hàng khác. Chúng tạo ra mối lo khi bỏ ra khoản tiền lớn, nhưng chất lượng sản phẩm nhận về lại chưa tương xứng với nó. Hệ quả là bạn “đánh cược” vào hàng rẻ, và hy vọng sẽ có ngoại lệ đến với quyết định của mình.

28sep2022intext1jpg
Nhiều khi ta đánh cược mua đồ rẻ, với hy vọng nó vẫn có chất lượng tốt.

Thực tế đúng là trong nhiều trường hợp, hàng rẻ chưa chắc đã là hàng giả, kém chất lượng. Nhiều mặt hàng rẻ hơn vì phải cạnh tranh, đặc biệt khi các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày một nhiều. Theo Abstract Stylist, ngay cả thương hiệu lớn như Birkenstock và Swatch cũng phải rời bỏ Amazon vì không thể cạnh tranh với… hàng giả của chính họ. Vì vậy, việc giảm giá sản phẩm trở thành yếu tố sống còn để kích thích mua sắm và giữ chân người dùng.

Ở thái cực ngược lại, hàng đắt không phải lúc nào cũng nghĩa là hàng xịn. Nhiều sản phẩm có mức giá cao do phí vận chuyển hay thuê mặt bằng, chứ không hẳn do chất lượng nguyên vật liệu hay tiền công sản xuất.

Không chú trọng chất lượng sản phẩm

Nhiều khi chúng ta không quá xem trọng chất lượng sản phẩm khi quyết định mua. Điều này khá đúng với những sản phẩm ta mua để dùng tạm, và không có ý định gắn bó với nó lâu dài.

Tâm lý này cũng xuất hiện với một số mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), chẳng hạn nước giặt quần áo. Vì phải giặt đồ thường xuyên, ta thường quan tâm đến hiệu quả giặt hơn là tính organic hay độ xút - những yếu tố khiến nước giặt cao cấp đắt hơn hẳn. Tâm lý “miễn giặt sạch là được” khiến nhiều người dùng mua nước giặt loại rẻ thay vì các loại cao cấp hơn.

Thậm chí đối với nhiều người, đây là chiến lược lý tưởng giúp họ tiết kiệm cho những mục tiêu tài chính lớn hơn. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng nó giống như việc bạn ăn mì tôm cả tháng để dành tiền cho chuyến du lịch cuối tháng.

28sep2022intext2jpg
Không ít người dùng chiến lược mua đồ rẻ với sản phẩm dùng tạm hoặc nhanh, để dành tiền cho những mục tiêu lớn hơn.

Cần lưu ý gì khi mua hàng giá rẻ?

Khi rơi vào các mâu thuẫn trên, não bộ đều muốn phớt lờ yếu tố chất lượng để giúp ta nhanh chóng quyết định mua đồ rẻ. Đây chính là biểu hiện của thiên kiến hiện tại - yếu tố khiến ta không tính đến yếu tố thời gian. Hệ quả là nhiều khi đồ rẻ lại trở nên đắt hơn về lâu dài.

Một ví dụ phổ biến là mua quần áo thời trang nhanh (fast fashion). Những bộ đồ này có thiết kế đẹp nhưng may bằng chất liệu rẻ. Do đó chỉ sau vài lần mặc, chúng sẽ sờn hoặc phai màu và bạn lại phải đi mua đồ mới. Nếu ngay từ đầu bạn mua chiếc áo đắt nhưng có chất liệu bền, bạn sẽ mặc được nó lâu hơn.

Đây cũng là lỗi mua sắm thường gặp với đồ điện tử. Bạn có thể dễ dàng mua chiếc máy giặt giá rẻ mà không cần nghĩ nhiều. Nhưng nếu năm nào nó cũng trục trặc và bạn phải mang đi sửa, thì chi phí sửa chữa cộng lại có khi còn cao hơn một chiếc máy đắt tiền nhưng bền vững.

Theo tác giả Madeleine Somerville chia sẻ trên Guardian, thực tế đồ rẻ có nhiều vấn đề cần cân nhắc hơn bạn nghĩ. Cô gợi ý 4 câu hỏi bạn có thể tham khảo trước khi mua chúng để tránh những khoản chi tốn tiền mà chất lượng không như ý:

Mình có cần cái này không?

Câu hỏi này giúp bạn suy nghĩ kỹ về mức độ thiết yếu của món hàng sắp mua.

Mình có thể tự làm nó không?

Nhiều đồ gia dụng có thể tự làm mà không cần mua ngoài hàng. Một ví dụ khá phổ biến là tái chế hộp kem nhựa thành hộp đựng thức ăn hàng ngày.

Mình có thể mua second-hand không?

Nếu không thể tự làm, hãy tìm đến những cửa hàng thrift shop hay những hội nhóm mua bán, trao đổi trên mạng xã hội. Bạn có thể tìm thấy thứ mình cần với chất lượng tốt mà giá rẻ hơn nhiều so với mua mới.

Đây có phải chất lượng tốt nhất mình có thể chi trả không?

Chỉ nên mua mới nếu bạn không thể đáp ứng cả 3 câu hỏi trên. Bạn nên tìm kiếm ở nhiều nguồn khác nhau, và khi có thể nên ra cửa hàng mua thay vì mua online để kiểm nghiệm chất lượng trước khi chốt đơn. Điều này khá quan trọng với những món đồ bạn muốn gắn bó lâu dài.