Với mức tăng trưởng bình quân 43%, và dự kiến đạt quy mô 15 tỉ Đô vào năm 2025, Việt Nam đang là một trong những thị trường thương mại điện tử có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển dụng những ngành nghề phục vụ cho lĩnh vực này cũng ngày càng tăng cao.
“6 năm về trước, e-commerce là một khái niệm vô cùng mới mẻ, nhiều người còn tưởng đây là một loại hình kinh doanh… đa cấp. Các nhà cung cấp không chào đón e-commerce buyer mà ưu tiên mở đại lý riêng, hoặc làm việc với các buyer truyền thống như siêu thị, chợ… Và vì mới, nên buyer cho e-commerce gần như là không có. Các trang thương mại điện tử phải tuyển buyer từ các mô hình bán lẻ ngoại tuyến.” Đó là chia sẻ của anh Trần Quang Khôi, hiện đang là Trưởng bộ phận sản phẩm Nhà cửa & Đời sống tại Leflair.
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Khôi bén duyên với e-commerce ngay từ những ngày đầu thực tập ở vị trí buyer assistant cho một kênh thương mại điện tử tiên phong. Trong hơn 7 năm theo nghề, anh là người đã luôn theo sát sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt. Hơn ai hết, anh hiểu về những cơ hội phát triển sự nghiệp mà lĩnh vực này mang lại.
Trong chuyên mục Nghề lạ lần này, cùng chúng tôi tìm hiểu về nghề e-commerce buyer cùng Khôi.
Mô tả tính chất công việc của một e-commerce buyer.
Buyer thường bị hiểu nhầm là tương tự như ngành sales, nhưng không, buyer là người đứng giữa và chịu trách nhiệm về lợi ích cho người bán (nhà cung cấp) và người mua (trong trường hợp này là e-commerce).
Đặc tính công việc của buyer là tham gia vào việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp với định vị của sàn thương mại điện tử mà mình làm việc, riêng tại Leflair mỗi thương hiệu được đăng bán, buyer phải là người nhìn tận mắt, cầm, và dùng thử sản phẩm.
Sau đó kiểm tra hóa đơn, chứng từ chuẩn, rồi đàm phán với nhà cung cấp để có thể thu mua sản phẩm với margin tốt nhất. Điều này khác với các sàn C2C (customer-to-customer) kinh doanh cả ngàn sản phẩm nhưng có thể chưa nhìn thấy sản phẩm họ bán bao giờ.
Công việc này khác gì so với một buyer cho mô hình bán lẻ hoặc sản xuất?
Về sự giống và khác nhau giữa làm buyer cho e-commerce và buyer cho mô hình sản xuất hoặc bán lẻ, những giai đoạn đầu trong quy trình thu mua như tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm sản phẩm phù hợp với nhu cầu đó, thương lượng để thu mua với giá tốt nhất, làm đơn đặt hàng (purchase order) và kế hoạch bán ra thị trường… đều khá giống nhau.
Duy chỉ có khác biệt ở kênh phân phối sản phẩm (ngoại tuyến và trực tuyến), database (cơ sở dữ liệu), và kiến thức cơ bản ở các kênh phân phối trong marketing nhằm tối đa hoá số lượng sản phẩm bán ra.
Cụ thể, tất cả mọi quy trình thu mua từ khi cầm bản báo giá cho đến khi thu mua đều được lưu trữ trong một hệ thống database, đó là chưa kể những dữ liệu về hành vi mua sắm của khách hàng đều được lưu lại để có thể phân tích mức độ hiệu quả của sản phẩm và điều chỉnh kế hoạch mua hàng và tiếp cận khách hàng sao cho phù hợp. Mỗi e-commerce sẽ có một database riêng.
Anh hãy chia sẻ một số kỹ năng cần thiết để trở thành một e-commerce buyer.
Khả năng đàm phán–đây là kỹ năng cần thiết nhất. Là một buyer, các bạn sẽ nhận được rất nhiều lời chào mời từ các nhà cung cấp, vì vậy bạn cần phải rèn luyện kỹ năng đàm phán, thương lượng để có thể đưa ra nhận định là những người bán hàng này có thành thật về sản phẩm của họ hay không. Sau đó ước đoán số lượng hàng tồn kho phù hợp cho đợt sự kiện gần nhất, tránh trường hợp tồn quá nhiều, dẫn đến tồn kho cao hoặc hụt hàng cho sản phẩm bán chạy.
Kỹ năng phân tích và thẩm định giá–lợi thế của buyer cho e-commerce là họ có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu lớn, dễ dàng xác minh tiềm năng của sản phẩm cũng như uy tín của nhà cung cấp. Thông thường, một sản phẩm được nhiều kênh bày bán thì có nghĩa là nó đang được ưa chuộng. Ngoài ra, bạn cũng phải hiểu được tâm lý người tiêu dùng để có thể tạo ra tầm giá lý tưởng kích thích nhu cầu mua hàng từ họ.
Ngoài ra, để trở thành một buyer cho e-commerce cũng đòi hỏi bạn phải có một chút khiếu thẩm mỹ, biết cập nhật xu hướng. Dĩ nhiên là sẽ có một đội ngũ riêng cho việc sản xuất hình ảnh, nhưng bạn cũng phải làm việc sát sao với họ để quảng bá sản phẩm một cách hợp lý nhất. Thỉnh thoảng, chính bạn sẽ là người đưa ra đề xuất màu sắc và câu chữ cho các chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Anh có thể cho biết một vài đặc điểm mua sắm của người tiêu dùng Việt?
Đa phần khách hàng Việt đều thiếu niềm tin khi mua hàng trực tuyến. Đó là lý do vì sao đa phần các đơn hàng trên tất cả các sàn đều chấp nhận phương thức thanh toán khi nhận hàng. Nhưng đặc điểm này đang được cải thiện dần nhờ các chương trình khuyến mãi khi thanh toán bằng thẻ và sự phát triển vượt bật từ cổng thanh toán ví điện tử.
Tuy nhiên, trước khi quyết định mua hàng, đặc biệt là các mặt hàng có giá thành cao, họ sẽ dành rất nhiều thời gian để hỏi ý kiến người thân, xem bình luận trên mạng, và gợi ý từ những người có tầm ảnh hưởng (influencer). Thế nhưng một khi đã có niềm tin ở một kênh mua sắm nào rồi thì họ sẽ rất trung thành với nó.
Vậy một e-commerce chuyên bán sản phẩm cao cấp như Leflair làm thế nào để xây dựng niềm tin nơi khách hàng?
Khoảng cuối năm 2015, khách hàng Việt Nam đã bắt đầu làm quen với sự hiện diện của e-commerce. Tuy nhiên, đa số các e-commerce ở thời điểm đó đều kinh doanh các sản phẩm đại trà, với đủ mọi tầm giá. Chiến thuật kinh doanh này là phù hợp nhằm xây dựng nhận thức cho thị trường đại chúng về hình thức mua sắm mới (e-commerce), nhưng về lâu về dài sẽ xuất hiện một số bất lợi.
Đầu tiên là cho các thương hiệu cao cấp có tầm giá cao, khi bày bán chung với các sản phẩm cùng nhóm có giá thành rẻ hơn thì khá là bất lợi cho họ. Còn về phía khách hàng, đứng trước vô vàn sản phẩm đủ mọi nguồn gốc thì họ cũng có phần hoang mang.
Đó là lý do Leflair ra đời, nhằm cung cấp cho khách hàng một kênh mua sắm uy tín, với sản phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng và đến từ các thương hiệu cao cấp. Leflair phát triển công nghệ, cơ sở dữ liệu, và đầu tư vào nhân lực, từ đội ngũ mua hàng đến sản xuất hình ảnh, để có thể tạo ra một website chỉn chu và trải nghiệm mua hàng uy tín nhất.
Anh có thể chia sẻ cách mình cập nhật xu hướng để phục vụ cho công việc buyer.
Mình chia thành 2 cách: chủ động và thụ động.
Chủ động là khi mình tìm đọc những tài liệu của GfK (tổ chức nghiên cứu thị trường lớn thứ 4 trên thế giới) chuyên cung cấp các tài liệu về xu hướng tiêu dùng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cập nhật xu hướng bằng việc theo dõi mạng xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc vì họ cập nhật xu hướng cực kỳ nhanh và tốc độ sản xuất thì không phải bàn cãi. Chỉ cần học hỏi từ họ thôi là chúng ta có thể đi trước 2-3 tháng so với những người khác rồi.
Riêng về sản phẩm chăn ga gối đệm, bạn có thể cập nhật thêm các xu hướng thời trang nữa, vì suy cho cùng, tất cả đều là sản phẩm làm từ vải. Những xu hướng về chất liệu vải, hoa văn theo mùa,…
Còn bị động là khi các thương hiệu phía nhà cung cấp tự cập nhật và thiết kế sản phẩm theo xu hướng, các nhãn hàng khác cũng tạo ra những sản phẩm tương tự, từ đó tạo nên nhu cầu mua sắm theo xu hướng cho người tiêu dùng. Việc của buyer là quan sát những chuyển động này để có thể thu mua những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng.
Làm thế nào để buyer có thể cân bằng xu hướng, thị hiếu người dùng, và định hướng thương hiệu của cả Leflair và thương hiệu đối tác?
Leflair định vị mình là một trang thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm cao cấp với giá giá phải chăng nhất–đó cũng là những gì mà khách hàng kỳ vọng từ phía Leflair. Vì vậy, là một buyer, trách nhiệm của mình xác định những nhà cung cấp đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và tầm giá đó để đảm bảo uy tín cho Leflair.
Có thể học làm buyer ở đâu?
Thời của mình thì cách duy nhất là vừa học vừa làm vì không có trường nào dạy e-commerce cả. Nhưng bắt đầu từ năm 2016, các trường đại học Việt Nam đã bắt đầu đưa e-commerce, mạng xã hội và quản lý quan hệ khách hàng (CRM) vào giảng dạy.
Nhưng theo mình, cách hiệu quả nhất là vẫn là tự học, học bằng cách thực hành, từ những người đi trước. Các bạn nên tự chủ động vì ngành này vẫn còn khá mới, có rất nhiều cơ hội để phát triển, và thay đổi với tốc độ cực kỳ nhanh.
Ví dụ, hai năm trước Facebook nằm ở vị trí then chốt, nhưng ở thời điểm hiện tại, Instagram mới chính là kênh mua sắm và tiếp cận khách hàng được ưa chuộng nhất. Sắp tới là sự lên ngôi của TikTok. Hoặc, người lớn tuổi không dùng điện thoại thông minh và mạng xã hội, vậy làm sao để tiếp cận họ?
Một vài khó khăn một buyer thường gặp phải?
Đó là những tháng kinh doanh thấp điểm. Theo kinh nghiệm của mình, những lúc như vậy, buyer phải chủ động ra ngoài tìm kiếm sản phẩm mới. Hoặc tìm kiếm trong mạng lưới quan hệ của mình để thăm dò xu hướng và các sản phẩm mới. Đây cũng là một lý do vì sao việc mở rộng quan hệ với các buyer và nhà cung cấp không bao giờ là thừa đối với một buyer.
Môi trường e-commerce vốn dĩ đã vận hành với một tốc độ rất nhanh, Leflair còn nhanh hơn vì nó theo đuổi mô hình flash sales. Là một buyer, bạn luôn phải năng động và có khả năng làm việc trong môi trường áp lực cao. Một cái khó khác là công việc buyer là… bạn luôn phải cắm mặt vào điện thoại, nó giúp ích cho công việc nhưng cũng tiêu tốn không ít thời gian (cười).
Ba điều anh thích ở nghề buyer?
- Là nghề văn phòng nhưng không nhất thiết phải dính chặt ở văn phòng, bạn sẽ thường xuyên được ra ngoài làm việc và quen biết với nhiều người.
- Càng làm việc với nhiều người thì mình lại càng học được nhiều điều, và cập nhật được nhiều xu hướng.
- Công việc buyer cho e-commerce cho phép bạn được thử sức với nhiều công việc khác nhau–nó giúp ích cho định hướng phát triển sự nghiệp sau này. Bạn có thể tự kinh doanh, làm quản lý thương hiệu,…
Xem thêm:
[Bài viết] 8 Xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý tại Đông Nam Á – Phần 1
[Bài viết] Nghề Lạ: Anh bạn thân Trị Nguyễn giải thích công việc của một growth hacker