Ít ai biết được rằng Tuân Lê, Giám đốc Sáng tạo của The Lab Saigon, lại xuất thân từ trường lớp kinh doanh trước khi chuyển sang làm việc trong ngành quảng cáo. Cuộc sống của anh đầy những biến chuyển và thăng trầm với những lần rong ruổi từ Việt Nam, sang Nhật Bản, Dubai, và cuối cùng quay lại Việt Nam.
Tuy nhiên, với sự kiên trì và một chữ duyên, hay như anh gọi đó là “một dịp may mắn”, anh đã tìm được “ngôi nhà” cho riêng mình trong ngành sáng tạo tại Việt Nam.
Công việc đầu tiên của anh trong ngành sáng tạo là copywriting. Khi The Lab Saigon được thành lập thì anh tự trau dồi thêm kiến thức về thiết kế đồ họa. Tụi mình đã hẹn gặp anh để hiểu thêm về quá trình và những yếu tố đã tạo nên Giám đốc Sáng tạo Tuân Lê của hiện tại.
Anh tìm được công việc mình muốn vào 10 năm trước bằng cách nào?
Bằng cách làm những điều mà anh không có hứng thú. Anh mất một năm làm ở nhà máy và bán chuông báo cháy.
Anh dần cảm thấy bế tắc trong công việc, nên đã quyết định đăng ký một lớp học trực tuyến về quảng cáo. Và đó cũng là lúc anh đã tìm được điều mình thích.
Sự nghiệp của anh có rất nhiều thăng trầm. Anh va chạm và vấp ngã không ít lần, nhờ vậy mà anh biết được cái nào tốt và cái nào cần phải cải thiện. Trừ khi mình tự tay làm thử một việc nào đó, bằng không thì sẽ khó mà biết được nghề đó có phù hợp với mình hay không.
Anh có cảm thấy may mắn khi tìm được nghề mà anh thích?
Thật ra may mắn chỉ là một trong hai yếu tố, còn lại là nhờ thế mạnh của bản thân anh – dám đương đầu với mọi thử thách (hoặc có thể xem là liều lĩnh). Nếu anh thử sức với một thứ gì đó mới mẻ và thất bại thì anh sẽ tìm một phương hướng khác. Một khi bạn vượt qua được nỗi sợ thất bại thì bạn mới thuận lợi phát triển được.
Bài học mà anh có được sau khi đã làm qua nhiều ngành nghề?
Có rất nhiều đến nỗi không thể kể hết được. Bài học gần đây nhất là về cửa hàng concept Label ra mắt vào năm 2018. Khi đó anh đã quá tự tin và nghĩ rằng mình có thể gầy dựng được thương hiệu này, trong khi anh không có chút kiến thức gì về việc sản xuất, phân phối, hay thậm chí là mảng bán lẻ. Và sau 9 tháng anh đã phải đóng cửa Label.
Một bài học khác đó là thiếu sự tập trung trong công việc. Lúc trước anh là kiểu người thiên về hành động, anh bắt tay vào làm thử mọi thứ vì anh không quan tâm lắm đến chuyện thất bại. Nhưng sau này anh nhận thấy rằng mình cần phải phân bổ thời gian khoa học hơn và ưu tiên tập trung vào thế mạnh của mình trước nhất.
Anh nhận thấy những người thành công trong ngành sáng tạo thường có điểm chung nào?
Họ đều biết cách cân bằng cuộc sống. Những người này thường rất niềm nở, thoải mái, và hài hước, nhưng luôn tập trung cao độ khi làm việc. Công việc trong ngành này là một guồng quay điên cuồng và đầy áp lực. Nếu bạn không giỏi chịu áp lực trong cuộc sống thường ngày thì sẽ rất khó để hoà nhập trong ngành này. Cho nên bạn cần có sự cân bằng trong cuộc sống.
Chính vì thế anh luôn cố gắng về nhà đúng giờ và không làm việc vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần. Và anh hi vọng rằng nhân viên của anh cũng sẽ như vậy.
Anh thường làm gì mỗi khi bị áp lực?
Anh sẽ về nhà với chú chó của anh, chơi điện tử, hoặc là đi uống cùng bạn bè. Nhưng anh sẽ không sử dụng chất kích thích. Mình cần sự cân bằng như vậy trong cuộc sống. Có rất nhiều cách để lấy lại sự cân bằng sau những áp lực công việc, bạn có thể viết nếu bạn thích viết, hoặc nếu bạn thích cà phê thì hãy tự thưởng cho mình một ly.
Anh làm gì để giữ lửa trong nghề sáng tạo?
Đó là nhờ các thành viên trong nhóm của anh. Anh thích làm việc chung với các bạn trẻ. Vì những bạn này giỏi mảng thiết kế hơn anh nên anh chỉ hướng dẫn các bạn này là chủ yếu và tập trung vào việc tuyển dụng nhiều hơn.
Công việc của anh có những khó khăn nào? Anh đã giải quyết khó khăn đó như thế nào?
Thử thách lớn nhất và khó khăn nhất đối với anh là làm việc với con người, bao gồm các khách hàng, đối tác, và đặc biệt là các thành viên trong nhóm của anh. Giả sử anh có 20 nhân viên, thì sẽ có 20 cá tính và cuộc sống riêng cùng làm việc với nhau. Đời sống cá nhân sẽ gây tác động đến công việc của họ, và công việc đó lại tác động đến anh.
Anh có một thế mạnh nữa đó là khả năng phân vùng công việc. Anh sẽ sắp xếp mỗi công việc vào một vùng nhất định để chúng không ảnh hưởng lẫn nhau. Theo anh đây là điều mà một Giám đốc Sáng tạo cần có.
Nếu một nhân viên rời đi và dù rất buồn về điều đó, anh cũng không để cảm xúc ảnh hưởng đến trách nhiệm của mình đối với những người còn lại trong nhóm. Anh sẽ không để bất cứ thất bại nào ảnh hưởng tới những việc khác, đồng thời cũng không cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng.
Anh có nghĩ rằng xu hướng thường mang tính nhất thời? Công việc của anh có phụ thuộc vào xu hướng nhiều không?
Anh không chạy theo xu hướng một cách mù quáng. Thay vào đó, anh sẽ song hành với nó. Ví dụ như màu hồng millennial chẳng hạn, màu này rất thịnh hành một vài năm về trước. Lúc đó nhóm anh đã cố không sử dụng màu hồng trong các thiết kế. Nếu làm thế thì giờ đây những thiết kế ấy đã thành lỗi thời rồi. Nhưng nhờ xu hướng đó, anh biết được khách hàng đang chuộng các màu sáng, nên nhóm anh sử dụng nhiều màu sáng hơn trong thiết kế. Đó là cách song hành theo xu hướng.
Những bạn trẻ ngày nay có gì khác so với thời điểm mà anh cùng độ tuổi với các bạn ấy?
Anh thấy giống nhau đến 90%. Các bạn ấy cũng khao khát những thứ mà trước đây anh từng muốn: cơ hội, sự tôn trọng, và phần thưởng xứng đáng với nỗ lực bỏ ra. Tuy nhiên, anh quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp. Anh nghĩ một phần là do ngày nay xung quanh các bạn trẻ có quá nhiều thứ gây xao nhãng, chẳng hạn như mạng xã hội. Các bạn bị cuốn theo những thú tiêu khiển, những tư lự, thành công, nỗi buồn trên đó, và rồi quên mất việc tập trung vào cuộc sống và công việc của bản thân.
Anh được nhận vào làm chính thức chỉ sau hai tuần thực tập, làm việc tại vị trí junior trong vòng một năm tại Việt Nam trước khi chuyển tới Dubai và chỉ mất thêm một năm để trở thành senior. Anh đã dồn hết tâm sức vào việc phát triển sự nghiệp như vậy.
Còn một số bạn trẻ trong ngành sáng tạo hiện nay lại cảm thấy việc làm ở cùng một vị trí trong ba năm là một điều rất bình thường.
Anh có lời khuyên nào dành cho những bạn mới bước vào ngành sáng tạo?
Anh nghĩ đối với một người làm sáng tạo, cá tính rất quan trọng. Trường lớp dạy cho ta sự chuyên nghiệp trong công việc, nhưng lại vô tình khiến cho chúng ta bị đồng bộ hóa. Cho nên, hãy là chính mình.
Hiểu được giá trị của bản thân cũng rất quan trọng. Đôi khi chúng ta không biết liệu mình có đủ phù hợp với ngành này (hoặc thế giới này) không. Tại The Lab, anh giúp mọi người nhận ra được giá trị của bản thân bằng cách khuyến khích họ tự hào về công việc của mình, mài dũa sự tự tin của họ khi thuyết trình ý tưởng, huấn luyện cho họ tinh thần trách nhiệm với lời nói và hành động của mình, đồng thời đưa ra phần thưởng xứng đáng mỗi khi họ tiến bộ.
Nếu không làm Giám đốc Sáng tạo thì anh sẽ chọn nghề gì?
Chắc chắn anh sẽ chọn làm đầu bếp vì anh rất thích nấu ăn. Vào lần chuyển công tác sang Dubai, anh chỉ đem theo hai thứ – máy chơi game Xbox và cuốn sách “Kitchen Confidential” của Anthony Bourdain.