Cảm giác bất mãn với người yêu từ đâu mà có? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 05, 2022

Cảm giác bất mãn với người yêu từ đâu mà có?

Cảm giác bất mãn trong tình yêu đến từ những hiểu lầm, xung đột mà đôi khi có phần vụn vặt, nhưng nếu tích tụ lâu ngày, chúng dần sẽ biến thành quả bom nổ chậm.
Cảm giác bất mãn với người yêu từ đâu mà có?

Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Những nguồn cơn gây bất mãn trong cuộc tình

Khi yêu ai đó, đã bao giờ bạn cảm thấy mình bị đối xử thiếu công bằng chưa? Bạn thất vọng, vỡ mộng, thậm chí mất thiện cảm với nửa kia vì bạn cảm giác, hình như mình không được yêu thương thật xứng đáng. Đây được gọi là cảm giác bất mãn (resentment) trong tình yêu.

Theo tờ Psychcentral, sự bất mãn nằm giữa ranh giới của “tức giận” và “thất vọng”. Thực tế, tâm trạng của người bất mãn là sự tổng hòa của nhiều cảm xúc tiêu cực: lo âu, bất an, cay đắng, sửng sốt và cả phẫn nộ.

alt
Sự bất mãn, khi tích tụ đủ lâu, có thể khiến cặp đôi mất đi thỏa mãn và niềm tin trong mối quan hệ.

Nhà tâm lý học Charmain Jackman nhận định, cảm giác bất mãn xảy ra khi một người cảm thấy bị tổn thương hoặc bị coi nhẹ bởi ai đó, và “thủ phạm” thì vẫn không xin lỗi hay có hành động sửa sai một cách thỏa đáng.

Đúng như tên gọi, sự bất mãn, khi tích tụ đủ lâu, có thể khiến cặp đôi mất đi thỏa mãn và niềm tin trong mối quan hệ. Nguyên nhân có thể do hai người thực sự quá khác biệt, nhưng cũng có thể đến từ những hiểu lầm không đáng có. Ban đầu, hiểu lầm hay xung đột, xảy đến một cách vụn vặt, nhỏ lẻ, nhưng vì không được giải quyết triệt để, chúng dần biến thành quả bom nổ chậm. Và khi bom nổ, tình tan vỡ.

Cũng có lúc, cả hai có nhiều kỳ vọng thiếu thực tế về nhau, khi đối phương không đáp ứng nổi, họ nảy sinh cảm giác cay đắng. Ví dụ, bạn bị sếp mắng, bạn về nhà và mong người yêu tự động an ủi, vỗ về mà không cần nói ra, nhưng khi họ không làm được, bạn giận dỗi. Dưới đây là một số dấu hiệu khác cho thấy bạn đang bất mãn với nửa kia:

  • Bạn cảm thấy không được lắng nghe
  • Cả hai dễ tranh cãi về một vấn đề nhỏ, hoặc vấn đề kéo dài ngày qua ngày
  • Bạn luôn nhìn ra lỗi lầm và điểm không hay của đối phương
  • Một trong hai người có hành vi, lời nói gây hấn thụ động
  • Bạn không còn thoải mái với sự thân mật và muốn tạo khoảng cách
  • Mối bất hòa tăng cao, bạn dần mất tin tưởng và không muốn cam kết

Tại sao bạn không hài lòng với người thương?

1. Bạn cho nhiều, nhưng không nhận lại bao nhiêu

Bản năng của bạn khi yêu có thể là chăm sóc người yêu tận tình, đôi khi hơn mức cần thiết, bạn chạy đi giải quyết nhu cầu của họ trước cả khi họ nhờ bạn.

Mặc dù lúc đầu, trong giai đoạn trăng mật, bạn chỉ quan tâm đến việc cho nhiều hơn là nhận. Nhưng sau một thời gian, bạn bắt đầu nghĩ rằng sự “hy sinh” của mình cần một sự đáp trả tương đương. Khi lời đáp này không diễn ra, hoặc không ở mức mong muốn, bạn hụt hẫng, thất vọng.

2. Thiếu sự điều chỉnh

Dù tình yêu có thăng hoa và mãnh liệt đến mức cả hai tin rằng mình là một cặp trời sinh, nhưng bạn và người yêu vẫn là những cá thể rất riêng, dù bạn yêu người cùng giới hay khác giới.

Chưa kể, do tác động của môi trường sống, trải nghiệm, công việc hay những yếu tố ngoại cảnh khác, người yêu hoặc chính bạn sẽ thay đổi liên tục qua năm tháng. Nếu cặp đôi không điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi của nhau, sẽ đến lúc một trong hai cảm thấy người đối diện mình khác quá nhiều so với hồi mới yêu. Đây là lúc sự bất mãn len lỏi vào và ăn mòn mối liên kết hai người tạo ra lúc đầu.

3. Coi nhẹ những nỗ lực của nhau

Có những lúc, người đang yêu vô thức coi tình cảm, món quà, hay cử chỉ yêu thương của đối phương là hiển nhiên. Ví dụ, một món quà như ly trà sữa, chiếc bánh tự làm, vòng tay, hay cử chỉ nhỏ như gạt chân chống cho người yêu. Biết đâu, họ đã đi qua 3 cửa hàng để tìm bằng được chiếc vòng tay bạn muốn, hay dành cả ngày để làm chiếc bánh bạn thích. Họ mong bạn ghi nhận và biết ơn sự nỗ lực này, nhưng đổi lại là một lời cảm ơn có phần qua loa.

4. Kỳ vọng quá nhiều ở đối phương

Sự kỳ vọng cũng như quan điểm cá nhân: ai cũng có, nhưng không phải ai cũng chung quan điểm. Hơn hết, kỳ vọng có tính chủ quan và thiên kiến. Một vài người luôn mong đối phương phải tươm tất khi ra ngoài, phải dành nhiều thời gian rảnh đi chơi với nhau, luôn đứng về phe họ, hoặc thậm chí, đọc được suy nghĩ của họ mà không cần nói ra. Nếu cả hai có nhiều quan điểm trái chiều, hoặc không cùng thảo luận để đi đến một điểm giao, sự bất mãn sẽ tăng cao.

5. Không được lắng nghe

Một vài lý do khiến bạn cảm thấy không được lắng nghe là: phong cách giao tiếp của cả hai khác nhau, không cùng chung quan điểm, hay vấn đề tưởng như đã được giải quyết tiếp tục lặp lại.

Bạn cũng có thể cảm thấy không hài lòng khi người kia đột ngột chuyển chủ đề hoặc tỏ ra thờ ơ với câu chuyện. Thay vì tập trung vào cảm xúc của bạn, họ lại tập trung vào họ. Như khi bạn kể chuyện buồn, họ lại mải mê “lái” về chuyện buồn của họ. Và cuộc tâm sự trở thành cuộc thi “ai buồn hơn ai.”

Chuyển từ bất mãn sang thỏa mãn thế nào?

1. Ngăn hạt giống bất mãn đâm chồi

Đầu tiên, bạn cần hiểu, cả hai đều có những sở thích, kỳ vọng, ranh giới và cách nhìn nhận cuộc sống khác biệt. Một lúc nào đó, bạn sẽ vô tình tổn thương thế giới riêng người kia, cũng như họ không đáp ứng kỳ vọng của bạn, mọi thứ cộng hưởng lại và tạo tiền đề nảy sinh bất mãn.

alt
Cùng nhau ngồi xuống thảo luận để vấn đề không đi xa hơn.

Lúc này, hãy cùng nhau ngồi xuống thảo luận để vấn đề không đi xa hơn, hoặc nếu nó tiếp tục xuất hiện, cả hai đều đã chuẩn bị tâm lý và cách ứng phó. Đó có thể là vạch ra phạm vi, không gian cá nhân, chẳng hạn bạn không muốn bị làm phiền khi đang trong guồng quay công việc.

2. Quan sát suy nghĩ trong đầu

Nếu bạn biết mình là người dễ to tiếng, dễ mất kiểm soát khi không vui, đừng vội phân bua, tranh cãi vấn đề với người kia ngay lập tức. Nói với họ là bạn cần thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ, bạn cần vài phút, vài tiếng, nửa ngày hoặc nhiều hơn, nhưng đừng để mối bất hòa kéo dài quá lâu. Hãy xem phim, dọn nhà, ngủ, làm bất kỳ điều gì giúp tâm trí thả lỏng, sắp xếp cảm xúc.

Hãy tự hỏi mình: Vì sao bạn phản ứng gay gắt như vậy? Do tính cách của bạn, bạn gặp chấn thương thời ấu thơ, hay người kia từng làm bạn cảm thấy bất an trước đây? Bạn có thể chọn lọc câu từ như thế nào để vẫn diễn tả đúng ý nhưng không tổn thương người kia?

Khi đã có đủ từ ngữ, bạn cần chọn thời điểm phù hợp để nói chuyện. Đừng quên nhấn mạnh rằng bạn muốn thảo luận để cả hai cùng thoải mái và sống hòa hợp hơn, chứ không phải bạn muốn hơn thua hay giành quyền kiểm soát.

3. Chia sẻ với ai đó

Một số người không giỏi tự phân tích những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu, họ dễ bộc lộ cảm xúc hơn khi trò chuyện với ai đó. Nếu bạn là người đó, hãy nghĩ đến phương án tâm sự với người mình tin tưởng. Người này có thể là bạn chung của cả hai, nhưng điều quan trọng là họ cần ở phe trung lập, không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến của phe nào.

Bạn có thể nói rõ trước với họ, rằng bạn cần một người để tâm sự và giúp bạn sắp xếp, hệ thống lại mọi thứ trong đầu. Điều quan trọng là, cho dù họ có khuyên bạn hay đề xuất phương án giải quyết thế nào, quyền quyết định vẫn nằm ở bạn.

4. Luyện tập lòng trắc ẩn

Tiến sĩ Steven Stosny, tác giả cuốn sách Empowered Love cho rằng, muốn giải quyết sự bất mãn, cần nhiều kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Để luyện tập lòng trắc ẩn, bạn nên tập đứng ở góc nhìn của đối phương và cảm nhận những điều không hay họ đang chịu đựng.

Ví dụ, một khách hàng từng tìm đến Steven và than, vợ anh sống quá tiêu cực, lúc nào cũng chăm chăm đi hạ thấp người xung quanh. Theo Steven, dùng một sự tiêu cực để soi chiếu sự tiêu cực khác chỉ khiến mọi chuyện xấu đi. Hãy thử đặt mình vào góc nhìn của cô vợ, có phải cô ấy đang tự ti, tổn thương, bị cô lập, hay bị quá tải cảm xúc hay không?

Dù đáp án thực sự là gì, bạn cũng sẽ đón nhận câu chuyện bằng một ánh nhìn bao dung hơn. Ngoài ra, mỗi khi sự tiêu cực xâm lấn, hãy thử nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của người kia, và lý do mà hai người yêu nhau từ đầu.

5. Học cách thỏa hiệp

Đừng sợ phải thay đổi trong tình yêu. Sau khi nhận ra những thiếu sót của cả hai, ta cũng cần học cách điều chỉnh, thích nghi và thỏa hiệp để tìm một điểm cân bằng. Nói đơn giản, đi tìm lời giải cho câu hỏi: Điều gì là hợp lý cho cả mình và người ấy?

Ví dụ, hai bạn đã kết hôn và cùng chung sống, một ngày cả hai quyết định chuyển đến một căn hộ mới vì chi phí rẻ hơn, nội thất đẹp và gần chỗ làm của bạn, nhưng địa điểm quá xa nơi làm việc của vợ/chồng bạn. Như vậy có công bằng với họ không? Có lẽ, bạn cần thỏa hiệp và tìm một căn hộ khác.

Hãy thường xuyên để tâm đến biểu hiện, suy nghĩ của nhau để biết người kia có đang bất mãn hay không. Bởi khi thỏa hiệp, cả hai ít nhiều phải hy sinh lợi ích cá nhân.

6. Hiểu rằng mình cũng từng làm cho đối phương thất vọng

Chắc hẳn cũng có lúc bạn làm đối phương không vui, ví dụ như bạn đến trễ, bạn quên ngày kỷ niệm, bạn thất hứa, hay bạn bỏ quên họ lúc họ cần bạn nhất. Hoặc khi cãi nhau, bạn vô tình lôi lỗi lầm quá khứ của đối phương ra để dày xéo họ. Thế là, sự bất mãn từ một chiều chuyển thành hai chiều.

Khi bạn làm đối phương không vui, hoặc hiểu lầm họ, hãy cất cái tôi và sự bất mãn trong người sang một bên và đừng ngại nói xin lỗi - một lời xin lỗi chân thành. Hỏi họ nghĩ gì khi bạn làm tổn thương họ, và tìm cách bù đắp. Đối với những người ít nói lời cảm ơn hay xin lỗi, bạn có thể bù đắp bằng một cái ôm, hoặc một món quà nhỏ.