Một sự kiện lớn với nhiều biển quảng cáo, banner và standee thì trông hoành tráng thật đấy, nhưng bạn có biết “số phận” những tấm banner và standee ấy sẽ đi đâu sau khi sự kiện kết thúc không?
Nếu không còn phận sự, thì bạt sự kiện, bạt lót ao tôm, hay banner quảng cáo buộc phải ra đi, góp phần gia tăng núi “rác” khó phân hủy cho môi trường.
Giữa những bài toán xử lý rác nhựa khó nhằng này có vị cứu tinh mang tên Dòng Dòng - thương hiệu thời trang bền vững hô biến rác thải công-nông nghiệp thành balo túi xách thời trang, tạo nên “vòng đời thứ 2” bền vững cho chúng.
Khách mời tại sự kiện GREEN HORIZON vừa qua có chị Trần Kiều Anh - CEO Dòng Dòng, một phụ nữ trẻ quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp thời trang bền vững sau hơn một thập kỷ tại Anh Quốc.
Với ý tưởng hóa phông bạt cũ, rác nhựa thành túi xách đeo vai, hành trình bền vững này liệu có dễ dàng với chị và đội ngũ Dòng Dòng?
Điều gì khiến chị quyết định quay về Việt Nam sau thời gian dài sinh sống tại Anh?
Dành hơn 10 năm ở nước ngoài, tôi nghĩ mình cũng may mắn khi được “học cách làm người lớn” ở một nơi xa quê. Tôi yêu văn hóa chỉn chu của người Anh. Từ cách họ tỉ mỉ, nghiêm túc và trọng chữ tín trong mọi việc họ làm, cho đến sự sâu sắc và dí dỏm trong cách giao tiếp.
Tôi âm thầm quan sát những đức tính tốt đẹp ấy, và nghĩ sẽ tuyệt vời biết bao khi đức tính này kết hợp với sự giàu có, đậm đà của văn hoá Việt Nam. Một sản phẩm độc đáo địa phương Việt Nam mang nguồn cảm hứng từ Tây phương, sẽ thu hút không chỉ thị trường Việt mà cả nước ngoài. Đó là lý do tôi quyết định quay về.
Khởi nghiệp Dòng Dòng bắt nguồn từ tâm lý “cứ thử coi sao”, tôi thoải mái dấn thân và nếu không thành công thì lại đi.
May mắn thay, Dòng Dòng nay đã gần 4 tuổi và tôi rất hạnh phúc vì đã lựa chọn trở về Sài Gòn từ London.
Kinh nghiệm ở Anh đã giúp chị gây dựng Dòng Dòng thuở đầu như thế nào?
Tôi nghĩ mình đã có cái nhìn bao quát hơn về hành vi tiêu dùng người trẻ. Tôi tập trung đầu tư trải nghiệm online cho khách hàng trước, từ website đến bộ nhận diện cho Facebook và Instagram của Dòng Dòng. Vì đó là kênh tiếp cận phổ biến nhất với thế hệ trẻ năng động.
Bước vào website Dòng Dòng, khách hàng sẽ nắm ngay được tinh thần “xanh” của thương hiệu qua giao diện tinh giản, trải nghiệm mượt mà sinh động cùng nội dung chỉn chu.
Cách quảng bá sản phẩm cũng đi về chiều sâu, chủ yếu khai thác tính năng và câu chuyện chất liệu hơn là phủ sóng và “tạo viral”.
Theo chị, có xu hướng bền vững nào thú vị ở Anh nhưng lại không phổ biến ở Việt Nam?
Tôi nghĩ khác biệt nằm ở mức độ khách hàng “chào đón” những thương hiệu lạ, trẻ tuổi hay mới gia nhập thị trường.
Người dùng phương Tây sẵn sàng ủng hộ sản phẩm của thương hiệu trẻ, sẽ nghiên cứu kỹ về thương hiệu trước khi mua. Đặc biệt nếu insight sản phẩm đánh trúng tâm lý, họ sẽ không ngần ngại rút hầu bao. Ví dụ như chất liệu vải từ tre, hay cam kết không thử nghiệm trên động vật.
Ở Việt Nam thì mọi người thường dè dặt hơn. Họ chuộng mua các nhãn hàng lâu đời nổi tiếng mà họ tin tưởng, đặc biệt với người lớn tuổi. Đó là điểm khác biệt, cũng là thách thức khi làm thương hiệu bền vững, khi vốn dĩ một bộ phận người Việt đã quen với sự tiện lợi của “đồ nhựa dùng một lần”.
Xây dựng Dòng Dòng cũng giống như nỗ lực của tôi để cài cắm một thông điệp xanh, một sản phẩm xanh vào đời sống hàng ngày của người dùng Việt vậy, tuy sẽ tốn thời gian và công sức nhưng xứng đáng.
Ý tưởng nào đằng sau chiếc tên Dòng Dòng?
“Dòng Dòng” là cách phát âm miền Nam của “vòng vòng”.
Khi khai sinh Dòng Dòng, tôi muốn đứa con tinh thần của mình trông thân thiện, gần gũi với người dùng Việt nhất có thể, đó cũng là ngụ ý từ cái tên “Dòng Dòng” có âm hưởng rất địa phương Việt Nam.
Hiểu đơn giản Dòng Dòng sẽ là thói quen đặc trưng của người trẻ Việt, bạn bè cuối tuần rủ nhau vòng vòng dạo chơi.
Còn sâu xa hơn là vòng đời những tấm bạt bảng hiệu cũ, hết làm bảng hiệu lại quay vòng về làm túi tái chế bạn đeo trên vai.
Một vòng đời của túi xách Dòng Dòng sẽ đi như thế nào?
Chất liệu chủ yếu của túi Dòng Dòng là bạt cũ hoặc bạt vụn. Chúng là bảng hiệu hàng quán cũ, che mái hiên, trùm xe tải, bạt sự kiện hoặc bạt lót ao tôm. Đây đều là chất nhựa, nếu thải ra môi trường sẽ tốn rất lâu để phân huỷ và độc hại.
Nhưng làm sao để thu gom đầy đủ các tấm bạt cũ này về may túi? Bước đầu tiên là “săn bạt”.
Dòng Dòng sẽ đích thân liên hệ các tiệm lắp bạt mái che khắp Sài Gòn để mua lại bạt cũ, bạt vụn. Thậm chí có những chuyến lùng sục bạt cũ khỏi thùng rác theo đúng nghĩa đen.
Bạt sau khi thu về được tẩy rửa sạch sẽ bằng chất tẩy có chứa men vi sinh thân thiện môi trường như baking soda, giấm ăn,... Làm sạch rồi nhưng tấm bạt vẫn sẽ còn đâu đó các vết sờn, xước đặc trưng để kể tiếp câu chuyện của mình.
Các tấm bạt này sau đó được thiết kế và may thủ công lại tỉ mỉ thành túi. Bạn có thể thấy, tuy túi xách Dòng Dòng có cùng kiểu dáng nhưng ít khi nào bạn bắt gặp 2 chiếc túi họa tiết giống nhau 100%.
Mỗi sản phẩm đều được phối đặc biệt theo màu sắc của tấm bạt săn lùng được.
Cuối cùng sản phẩm của Dòng Dòng sẽ được giao tới khách hàng trong bao bì may bằng chất liệu hiflex, tái chế từ banner sự kiện, quảng cáo.
Dĩ nhiên, kéo dài vòng đời của bạt cũ bằng cách tái chế thành túi chưa phải là giải pháp cuối cùng. Người dùng vẫn có thể dùng 1-2 năm rồi bỏ thay đổi túi mới. Do đó Dòng Dòng đang nghiên cứu các phương pháp tái sử dụng bạt nhựa một lần nữa sau khi túi đã hết giá trị sử dụng để tối ưu hơn giá trị của chất liệu này.
Best-seller của Dòng Dòng nói gì về thị hiếu khách hàng?
Balo hiện đang là dòng sản phẩm được yêu thích nhất của Dòng Dòng, với thiết kế tối giản nhưng táo bạo về màu sắc cùng tính năng chống mưa, chống trộm và chống sốc.
Làm từ bảng hiệu quán xá và không cái nào giống cái nào, nên người mua luôn cảm thấy tò mò để săn lùng chúng.
Có thể nói, ngoài người sống bền vững thì khách Dòng Dòng còn có những bạn trẻ cá tính, muốn thể hiện phong cách bản thân qua các sản phẩm balo họa tiết độc nhất không ai giống ai.
Khách du lịch nước ngoài cũng hào hứng với họa tiết hình font chữ bảng hiệu, vừa đặc trưng địa phương Việt Nam, vừa mang màu sắc phố phường độc đáo.
Tệp khách hàng của Dòng Dòng đa dạng từ người sống xanh, người cá tính đến người ngoại quốc như thế.
Những giá trị nào chị sẽ không bao giờ thỏa hiệp khi xây dựng một thương hiệu bền vững?
Mặc dù sử dụng đến gần 75% nguyên liệu tái chế, Dòng Dòng không chọn cách “dạy đời” người tiêu dùng về các tác hại của thời trang nhanh. Thông điệp cũng không đi sâu vào giáo điều về tính bền vững, vì như thế sẽ khiến khách hàng cảm thấy phải mua vì nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Mua vì tính bền vững là điều tốt, nhưng bên cạnh đó Dòng Dòng muốn tiếp cận khách hàng ở góc độ gần gũi tự nhiên hơn. Brand sẽ tận dụng đặc tính của việc tái sử dụng bạt cũ để mang đến khách hàng giá trị về tính độc đáo, độc nhất. Mỗi mẫu chỉ có 1 loại hoạ tiết riêng biệt trên đời, tạo nên nét lôi cuốn của riêng bạn.
Vừa đẹp, tiện sử dụng, vừa độc đáo lại bền vững - tại sao không?
Một bài học của chị sau 4 năm kinh doanh bền vững với Dòng Dòng?
Một sản phẩm bền vững nếu chỉ lấy yếu tố thân thiện môi trường là điểm đặc trưng nhất, sẽ không thể có chỗ đứng trên thị trường. Hơn hết, sản phẩm bền vững cũng cần phải cạnh tranh được cả về tính thẩm mỹ, công năng và sự độc đáo.
Ngoài ra để đi đường dài, một người lãnh đạo cũng cần sự cân nhắc toàn diện về vòng đời của sản phẩm ngay cả khi đã hết sử dụng được. Đó là lý do Dòng Dòng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về “vòng đời thứ 3” của sản phẩm, cũng như nâng cấp quy trình may, đo, tái chế, sản xuất sản phẩm trong tương lai.
Vietnam Innovators Summit 2023 - GREEN HORIZON là một phần của Vietnam Innovators Summit 2023.
Sự kiện quy tụ các nhà đổi mới sáng tạo Việt Nam cùng trao đổi, học hỏi và tìm kiếm các giải pháp để tạo nên cộng đồng kinh doanh bền vững như một phần trong hành trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Cảm ơn Coca‑Cola Việt Nam và Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã đồng hành cùng VNI Summit 2023- GREEN HORIZON.