Tôi bị rối loạn lo âu từ nhỏ. Có nhiều loại và cấp độ rối loạn lo âu khác nhau. Và nỗi lo âu của tôi đến từ việc ngại đám đông. Cứ đứng ở nơi nào nhiều người là tim tự động đập nhanh, cơ thể chảy mồ hôi, miệng lưỡi khô đắng. Thậm chí, đôi lúc tôi phải cố gắng để ngăn mình khỏi việc ngất xỉu. Việc gần-với-đám-đông duy nhất mà tôi hứng thú, là chụp hình người khác.
Những năm cấp Ba, nhà tôi có chiếc máy ảnh bé xíu, cầm vừa bàn tay. Tôi tha nó đi khắp hang cùng ngõ hẻm, rồi về nhà hí hoáy chỉnh màu suốt ngày chẳng biết chán. Mẹ bảo tôi có năng khiếu, có thể cân nhắc mua một cái máy to hơn để chụp cho 'đã'. Nhưng thời ấy một chiếc máy DSLR cơ bản cũng 15-16 triệu đồng.
Tôi làm quần quật để dành một ít tiền, cộng thêm số tiền mẹ cho là gom góp được 20 triệu, đủ để mua một chiếc máy ảnh.
Đó là một chiếc máy ảnh cơ dành cho người mới chụp, to oành và nặng trịch. Với nhiều dân chuyên, bỏ ra 20 triệu mua một chiếc máy ảnh là chuyện nhỏ, nhưng với tôi, nó đáng giá cả gia tài. Tôi gắn bó với gia tài suốt thời cấp Ba, và để nó ở một vị trí trang trọng trong túi xách khi sang Nhật để đi du học.
Trường Đại học liên tục tổ chức các sự kiện lớn nhỏ, sinh viên năm Nhất cũng cần tham gia. Mỗi lần đứng ở nơi đông người, căn bệnh rối loạn lo âu lại phát tác. Thế là tôi mang chiếc máy ảnh theo mình trong tất cả các sự kiện.
Việc có thứ gì để cầm trên tay ở chỗ nhiều người khiến tôi đỡ bối rối. Và khi nhìn họ dưới ống kính máy ảnh, nỗi sợ trong tôi ít nhiều dịu đi. Tôi nghĩ, nếu gặp người lạ mà chẳng có thứ gì để nói với nhau, thì điều tối thiểu nhất mình có thể làm, là tặng cho họ một tấm ảnh kỷ niệm.
Tôi thành thợ chụp ảnh dạo suốt những năm đầu Đại học, và cũng vô tình làm quen được với nhiều người bạn mới. Tôi không biết họ, nhưng họ dễ dàng chỉ mặt tôi và nói: "À, đây là cô bạn hay cầm máy ảnh này". Những tấm ảnh giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn.
Dần dần, tim tôi bớt đập nhanh, người cũng chẳng còn chảy mồ hôi mỗi lần thả mình giữa biển người. Thậm chí, tôi bắt đầu có hứng thú nói chuyện trước đám đông và trò chuyện một cách vui vẻ với những ai chạy đến bắt chuyện cùng mình.
Mỗi lần giơ máy ảnh để chụp một ai đó, là tôi đã dần cởi bỏ nỗi sợ của mình. Về sau tôi mới biết rằng, dần dần làm quen với nỗi sợ cũng là một hướng điều trị rối loạn lo âu.
Việc 'tự trị liệu' này mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, khi đến khoảng năm Hai, năm Ba, tôi dần có nhiều bạn bè. Thậm chí, khi đã đi làm, tình trạng lo lắng cũng không bám lấy tôi mỗi lần thuyết trình trước rất nhiều người trong công ty.
20 triệu mua máy ảnh hóa ra không chỉ để thỏa mãn đam mê chụp ảnh, nó còn giúp tôi vượt qua cả nỗi sợ từ ấu thơ của mình.
(Chia sẻ từ Hà My, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM)