Ghost promotion - Chức mới lương cũ, bạn có bằng lòng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 07, 2023

Ghost promotion - Chức mới lương cũ, bạn có bằng lòng?

Chức vị có thể làm bạn nở mày nở mặt và làm đẹp profile cho những cơ hội mới. Nhưng cũng không thể phủ nhận sức nặng của hầu bao trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Ghost promotion - Chức mới lương cũ, bạn có bằng lòng?

Nguồn: Unsplash

1. Ghost promotion là gì?

Ghost promotion xảy ra khi nhân viên thăng chức, thêm việc nhưng không được tăng lương. Ghost ở đây ý chỉ những thứ “nhìn vậy mà không phải vậy.”

Trên thực tế, không phải lúc nào chức vụ cũng tỷ lệ thuận với tiền lương. Theo dữ liệu từ công ty nhân sự OfficeTeam, khoảng 39% các nhà quản lý nhân sự tại Mỹ cho biết đây là “chuyện thường tình.” Và thực trạng này có thể hoàn toàn hợp pháp nếu nhân viên chấp thuận và được cung cấp lý do chính đáng.

Ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhân viên đôi khi phải gánh vác nhiều vai trò với một mức lương không đổi. Điều này còn phổ biến hơn trong các cuộc tái tổ chức hoặc sáp nhập công ty.

Chức vị có thể làm bạn nở mày nở mặt và làm đẹp profile cho những cơ hội mới. Nhưng cũng không thể phủ nhận sức nặng của hầu bao trong thời buổi kinh tế khó khăn. Vậy cái nào quan trọng hơn - chức danh hay lương bổng?

2. Nguồn gốc của ghost promotion

Ghost promotion xuất hiện lần đầu trong bài báo của The New York Times vào tháng 5/2019. Bài viết đề cập đến 3 vấn đề chính là: mức lương không tương xứng, sáp nhập công ty và không được thăng tiến.

Sau đó 2 tháng, trang Scorpion cũng đăng bài về cách xử lý những trường hợp ghost promotion bất hợp pháp ở Nam Phi.

Cụ thể, nếu chủ lao động yêu cầu nhân viên thực hiện những nghĩa vụ không có trong hợp đồng, điều này tương đương với hành vi đơn phương thay đổi hợp đồng lao động.

3. Vì sao ghost promotion trở nên phổ biến?

Ghost promotion thường không nằm trong “danh sách đen” của người đi làm vì tiền lương không phải là giá trị duy nhất của việc thăng tiến. Theo cuộc khảo sát của chuyên viên tư vấn Korn Ferry với 1,200 chuyên gia cho thấy, có khoảng 63% số người muốn được thăng chức mà không tăng lương hơn là tăng lương mà không thăng chức.

Sau đây là những “món hời” khác đi kèm khi bạn lên chức:

  • Phát triển kỹ năng và kinh nghiệm cấp cao của bạn.
  • Ứng tuyển cho các vị trí cấp cao hơn tại công ty khác.
  • Thể hiện quá trình phát triển sự nghiệp cho các nhà tuyển dụng.
  • Thể hiện uy quyền và địa vị trong xã hội.

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ có thể được “cài cắm” dưới những hình thức khác như thêm ngày nghỉ, trợ cấp đi lại, sử dụng dịch vụ cao cấp.

Về phía công ty, tiền lương đôi khi là một bài toán nan giải. Sau đại dịch COVID-19, 1 trên 5 CEO dự đoán sẽ không tăng lương cho nhân viên của họ trong 1 năm tới. 5% khác cho biết họ thậm chí có thể giảm lương, theo cuộc khảo sát của The Conference Board. Như vậy, công ty không phải không muốn mà là không thể nâng cấp mức lương cho nhân viên.

Một trường hợp khác có thể xảy ra là sếp muốn “thử lòng” bạn. Sếp nhắm bạn cho vị trí này nhưng chưa dám chắc nên cho bạn cơ hội để chứng minh. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất là bạn đang bị “bóc lột” vì công ty muốn tốn thêm đồng ra.

Giấc mơ leo lên nấc thang sự nghiệp không nhất thiết phải đánh đổi bằng miếng cơm manh áo. Với những cách sau, bạn có thể tìm được hướng giải quyết phù hợp dù mừng hụt với đồng lương “đóng băng” (theo The Balance):

  • Nắm bắt quy trình của công ty: Tìm hiểu kỹ về các chính sách và tình trạng của công ty liên quan đến thăng chức và tăng lương.
  • Thương lượng về các phúc lợi khác: Ngoài tiền lương, bạn có thể yêu cầu những lợi ích khác như khóa học trực tuyến hoặc tham gia các hội nghị lớn để tận dụng tốt vị trí mới.
  • Nghiên cứu về mức lương của vị trí: Tham khảo mức lương của những người từng ở vị trí này hoặc trên mặt bằng chung để thuyết phục về mức lương mong muốn.
  • Đối chiếu với giá trị của bản thân: Tự hỏi bạn ưu tiên yếu tố nào ngắn hạn, yếu tố nào dài hạn, con đường bạn muốn hướng tới để xác định đi hay ở nếu công ty không chịu thỏa thuận.

4. Cách dùng ghost promotion

Tiếng Anh:

A: I've taken over my previous manager’s duties for a while, but I haven’t heard of my promotion or pay rise.

B: Congrats! You’ve been offered a ghost promotion!

Tiếng Việt:

A: Tôi đã đảm nhận công việc của quản lý cũ một thời gian nhưng chưa nghe thấy động tĩnh gì về việc thăng tiến hay tiền lương.

B: Chúc mừng nha! Bà đã nhận được một lời "tiến cử hờ."