Khi còn là đứa trẻ, chúng ta làm mọi thứ một cách đơn thuần. Bạn chẳng bao giờ nghĩ “Giữa chơi bóng chày và bóng đá cái nào vui hơn?”. Bạn chơi cả hai. Bạn xây lâu đài cát, chơi đuổi bắt, hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn, bắt mấy con bọ, đào bới cả khu vườn và đóng giả làm quái vật.
Chẳng ai bảo bạn làm cả, bạn chỉ làm nó vì tò mò và thích.
Và điều thú vị là, nếu sau đó bạn ghét bóng chày thì bạn không chơi nữa mà chẳng cần cảm thấy tội lỗi. Bạn chẳng phải đối chất với ai. Đơn giản là bạn thích hay không mà thôi.
Và nếu bạn thích bắt bọ, bạn chỉ cần làm. Chẳng cần phải lấn cấn “Bắt bọ có làm lãng phí tuổi thơ của mình không? Chẳng ai thích bắt bọ cả, vậy có gì sai khi mình làm vậy không? Bắt mấy con bọ có làm ảnh hưởng tới tương lai mình không?
Chẳng có gì cản trở. Nếu thích thì bạn làm thôi.
“Làm thế nào để tìm kiếm đam mê?”
Hôm nay, tôi nhận được email thứ 11,504 trong năm từ cùng một người nói rằng họ chẳng biết làm gì với cuộc đời mình. Như những người khác, người này hỏi liệu tôi có thể cho anh ta lời khuyên nên làm gì, bắt đầu từ đâu và làm thế nào để “tìm thấy đam mê” không.
Và dĩ nhiên là tôi không trả lời. Vì sao? Bởi vì làm thế quái nào mà tôi biết được. Nếu đến bạn còn không biết bản thân phải làm gì, thì điều gì khiến bạn nghĩ một tên ất ơ trên mạng có thể? Tôi là người viết lách chứ không phải thầy bói.
Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây là: “không biết” chính là mấu chốt của mọi vấn đề. Cuộc sống là chuỗi những thứ mà bạn không biết, nhưng rồi bạn vẫn làm gì đó. Ai cũng thế cả.
Nhiều người thường phàn nàn rằng họ cần phải “tìm thấy đam mê”.
Điều này thật ngớ ngẩn. Đam mê nằm ở đó, bạn chỉ đang lơ nó đi mà thôi. Thật đấy, bạn thức 16 tiếng một ngày, thế bạn làm cái quái gì với thời gian của mình? Rõ ràng bạn lúc nào cũng đang làm gì đó. Hẳn phải có thứ gì chiếm phần lớn thời gian rảnh, các cuộc trò chuyện và lịch sử duyệt web của bạn chứ. Nó cứ thế chi phối bạn mà bạn chẳng cần phải tìm kiếm.
Điều đó ở ngay trước mắt, bạn chỉ đang lảng tránh nó mà thôi. Bạn tự nói với bản thân “À, ừ thì tôi thích đọc truyện tranh nhưng nó không được tính. Ai lại kiếm tiền với truyện tranh bao giờ?”.
Bạn chắc không?
Vấn đề không nằm ở đam mê. Vấn đề là ở năng suất, nhận thức và sự chấp nhận.
Vấn đề ở chỗ bạn nghĩ “Đam mê đó không thực tế”, hoặc “Bố mẹ sẽ không để tôi làm nó”, hoặc “Làm công việc đó thì khi nào mới mua được xe hơi”.
Mấu chốt không nằm ở đam mê. Nó là sự ưu tiên.
Mà có là thế đi nữa thì ai bảo đam mê thì mới làm ra tiền? Từ khi nào mà bạn phải có nghĩa vụ yêu lấy thứ mình đang làm? Có gì sai trái khi làm một công việc bình thường với những đồng nghiệp dễ mến và theo đuổi đam mê khi rảnh? Từ bao giờ mà mọi người lại lý tưởng hóa đam mê đến vậy?
Còn một “gáo nước lạnh” khác dành cho bạn đây: làm việc gì thì cũng cần thời gian cả. Không có đam mê nào mà không khiến bạn chán, mệt mỏi hay chẳng bao giờ phàn nàn. Thứ đó không tồn tại. Tôi đang có một công việc trong mơ (hoàn toàn là ngẫu nhiên. Tôi không bao giờ lên kế hoạch cho nó. Tôi chỉ như một đứa trẻ và cứ làm thử thôi), thế mà tôi vẫn ghét 30% về nó. Có ngày còn nhiều hơn.
Vấn đề nằm ở kỳ vọng. Nếu bạn nghĩ mình nên làm việc 70 giờ một ngày, ngủ ở văn phòng như Steve Jobs mà vẫn yêu lấy mỗi giây làm nó, thì bạn coi quá nhiều phim rồi. Cuộc sống đâu có diễn ra như thế. Chẳng thực tế gì cả.
Đam mê ở ngay trước mắt bạn
Tôi có một người bạn trong vòng 3 năm đã cố mở một doanh nghiệp online. Ngày đó không bao giờ đến bởi vì anh ta chẳng bắt đầu làm gì cả. Hàng năm trời, anh ta nói về việc mình sẽ làm cái này cái kia nhưng thực tế chẳng làm gì.
Nhưng một ngày nọ, đồng nghiệp cũ nhờ anh ta thiết kế một cái logo cho sự kiện. Vậy là anh ta cứ thế đắm chìm vào nó. Anh ta đã làm rất tốt, thức đến 4 giờ sáng và làm việc “quên ăn quên ngủ”.
Thế mà 2 ngày sau anh ta lại nói “Tôi chẳng biết mình nên làm gì bây giờ”.
Tôi gặp những người như vậy suốt. Họ chẳng cần phải đi tìm đam mê, đam mê đã tìm đến họ rồi. Họ chỉ lơ nó đi thôi. Họ từ chối tin rằng nó khả thi. Họ quá sợ việc cho nó một cơ hội. Họ tự giới hạn bản thân mình dựa trên những lý tưởng ngớ ngẩn về thành công và những gì mà họ nên làm.
Một dạng email khác mà tôi hay nhận được đó là từ những người muốn xin lời khuyên về việc trở thành nhà văn.
Và câu trả lời của tôi vẫn thế: tôi biết thế nào được.
Lúc bé, tôi có viết một vài mẩu chuyện ngắn cho vui. Khi ở tuổi thiếu niên, tôi viết review về bài hát và những ban nhạc mà mình yêu thích mà chẳng cho ai coi cả. Khi bắt đầu có internet, tôi dành hàng giờ trên các diễn đàn viết về những thứ chẳng đâu vào đâu – từ làm thế nào để chọn đàn guitar đến nguyên nhân của chiến tranh I-rắc.
Tôi chưa bao giờ coi viết là một sự nghiệp tiềm năng, sở thích hay đam mê. Đối với tôi, những gì tôi viết (âm nhạc, chính trị, triết học) chính là đam mê. Viết chỉ là điều tôi làm vì thích.
Và khi đi tìm một công việc mà mình yêu thích, tôi chẳng tìm đâu xa. Thực ra, tôi còn chẳng tìm nó. Theo một cách nào đó, nó chọn tôi. Nó là thứ mà tôi đã làm mỗi ngày, từ khi là một đứa trẻ mà chẳng cần nghĩ ngợi gì.
Bạn có thể cảm thấy điều này chua xót: Nếu bạn phải đi tìm đam mê, điều đó nghĩa là bạn chẳng đam mê gì với nó.
Nếu bạn đam mê điều gì đó, nó đã ăn sâu vào cuộc sống của bạn tới mức người khác phải nhắc nhở bạn rằng điều đó là không bình thường, rằng mọi người chẳng ai như vậy.
Chẳng mấy ai thấy chuyện viết 2000 chữ cho một bài đăng trên forum có gì vui. Anh bạn tôi cũng không nghĩ rằng nhiều người thấy thiết kế logo là chuyện khó. Điều đó tự nhiên và dễ dàng với anh ta đến nỗi anh ta không thể tưởng tượng nó lại khác đi. Vì vậy, đây có lẽ là công việc mà anh ta nên làm.
Một đứa trẻ không bước vào sân chơi và tự hỏi mình “Làm sao để tìm niềm vui?”. Nó chỉ chơi và tự thấy vui thôi.
Nếu bạn phải tìm kiếm những gì bạn thích trong cuộc sống, thì bạn sẽ không tận hưởng được gì cả.
Và sự thật là bạn đã và đang thích điều gì đó rồi. Bạn chỉ đang chọn bỏ qua chúng thôi.
Được chuyển ngữ từ bài viết "Screw Finding Your Passion" của Mark Manson.