Tháng 10 năm ngoái, trong một ngày vô cùng buồn bã vì chia tay mối tình sâu sắc, mình rủ hai đồng nghiệp - cũng là nhân viên cùng văn phòng của mình đi uống rượu. Đó là bữa ăn thân mật đầu tiên dù bọn mình đã làm việc với nhau hơn nửa năm. Có lẽ, cách biệt 10 tuổi khiến bọn mình vốn nghĩ rằng chẳng có gì chung để tâm sự.
Bữa tối hôm đó, chúng mình thổ lộ rằng ít nhất một lần trong đời đã nghĩ đến chuyện chấm dứt cuộc sống này. Mình kể "Sáng nay em chị bảo người dân ở châu Phi người ta còn tạo ra điều hòa mà không cần điện kìa."
"Ừ nhưng vì họ muốn sống tiếp nên họ mới tìm cách. Chị có muốn đâu."
Hai đồng nghiệp cười ầm lên bảo: "Em chưa từng gặp sếp nào mà nói như thế với nhân viên."- "Sếp cũng chỉ là chức danh thôi, đều là con người. Lúc 23 tuổi chị không hề nghĩ đến. Nhưng 30 tuổi, chị lại nghĩ về nó từ nhiều tháng nay."
Ở tuổi của hai đồng nghiệp đó bây giờ, mình hừng hực khí thế chứng minh năng lực, làm việc kiếm tiền để đi khắp nơi và cảm thấy vui vẻ. Nhưng khi nhìn hai bạn gái xinh xắn, tài năng mới 23, 24 tuổi ngồi trước mặt mình và kể về những biến cố, bế tắc trong đời, mình lại cho rằng mỗi người có một con đường và một ngưỡng chịu đau khác nhau. Mình chưa từng trải qua những chuyện giống họ, không thể phán xét về cách họ đối diện với cuộc sống.
Một độc giả hỏi mình rằng “Có thật là người trẻ bây giờ gặp nhiều vấn đề tâm lý vậy không? Hay mọi người đang cố dán thật nhiều nhãn để nghe cho… nguy hiểm. Sao hồi xưa bọn mình không bị như vậy?”
Mình trả lời anh ấy rằng không phải hồi xưa bọn mình không bị, mà là có thể đã bị, nhưng không có ai xung quanh quan tâm đủ, hoặc có thông tin đủ để nhìn nhận đúng về nó. Số đông đa phần sẽ gom những biểu hiện đó thành nỗi buồn một cách chung chung.
Và có thể đưa ra những lời khuyên “việc gì mà phải thế”, “ở ngoài kia còn nhiều người khổ hơn kìa”, rằng “sao có mỗi chuyện như thế thôi mà buồn lâu vậy?”
Dần dà, bạn sẽ có sự so sánh, rằng có vẻ mình đúng là một ca khó, một ca bệnh chữa mãi không khỏi. Trong khi những người khác chỉ buồn trong khoảng hai tháng rồi có thể vui vẻ sôi nổi trở lại, thì bạn thậm chí đã buồn suốt hai năm mà vẫn không thể thoát ra. Bạn sẽ chỉ cảm thấy tệ hơn về bản thân, thậm chí đơn độc khi thấy xung quanh ai cũng “ổn” hơn mình.
Công việc mà đôi lúc chúng mình bị bảo là “dán nhãn”, thực ra là một cách chúng mình cố gắng để cộng đồng hiểu được có rất nhiều sự khác biệt tồn tại trong xã hội.
Có nhiều trạng thái tâm lý cần phải được định nghĩa, được hiểu đúng và những người có những biểu hiện ấy cần được quan tâm, giúp đỡ, lắng nghe theo những cách cụ thể, chứ không phải một câu động viên chung chung “Cười lên nào. Vui lên đi” là xong.
Một độc giả khác nói với mình rằng đọc bài viết của chúng mình cảm thấy thật đau đầu, “Chắc người viết còn đau đầu lắm nhỉ." Mình đã thấy một bạn họa sĩ minh họa trong đội của mình khổ sở thế nào khi minh họa những bài viết về người trầm cảm.
Mình cũng thấy tác giả các bài trong mục “Tâm lý học” cần mẫn giải thích và đưa đến cho độc giả cái nhìn khách quan, khoa học nhất về rối loạn lo âu, bị thao túng, về chứng khó giao tiếp với đám đông… Trong khi chính cô ấy đang phải trải qua những ngày tháng đau buồn nhất trong cuộc đời mình.
Việc được tiếp cận, được viết ra và thẳng thắn đối diện với các vấn đề tâm lý vừa là cách chúng mình làm việc, vừa là cách chúng mình cùng giúp đỡ nhau. Mặc dù không cùng thế hệ, nhưng khi lắng nghe họ đủ, điều mình học được là: vấn đề tâm lý có thể xảy đến với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào.
Nó không hề quy định rằng chỉ người trẻ mới gặp phải, còn nếu bạn đã lập gia đình, có con cái thì cuộc đời bạn hoàn toàn ổn thỏa và sẽ không gặp vấn đề tâm lý. Cách đầu tiên để yêu thương một người khác mình, chính là chấp nhận sự khác biệt của họ, không phán xét, càng không nên áp đặt cách của mình và cho rằng đó là cách đúng duy nhất.
Ai cũng sẽ tự đi trên con đường của mình và bằng đôi chân của mình. Chúng ta không thể đi thay, chỉ có thể tiếp sức.
Một người bạn của mình nói rằng “Trong yêu thương, không nói đến chuyện phù hợp hay không phù hợp. Yêu thương nhau là dìu nhau đi trên đường đời”. Có thể các vấn đề của mỗi đồng nghiệp trong chúng mình đều không giống nhau.
Nhưng nếu mỗi ngày thức dậy, vẫn còn cảm thấy “Mình muốn đến văn phòng đó, gặp gỡ và trò chuyện cùng đồng nghiệp ở đây”, thì đó là thêm một ngày, chúng mình cảm thấy may mắn vì có một công việc để làm và một người để lắng nghe.
(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn M.B)