Có lẽ ai rồi cũng sẽ muốn gặp nhà trị liệu tâm lý | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 07, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Có lẽ ai rồi cũng sẽ muốn gặp nhà trị liệu tâm lý

Trong trị liệu, sự cảm thông thường an ủi ta nhưng nó lại che lấp vấn đề của bệnh nhân. Chỉ có trung thực mới là liều thuốc tốt nhất. Và thuốc thì thường “đắng.”
Có lẽ ai rồi cũng sẽ muốn gặp nhà trị liệu tâm lý

Nguồn: Unspash

“Chúng ta có rất nhiều nỗi sợ. Đôi khi phải mất một thời gian để thừa nhận nỗi sợ hãi, đặc biệt là thừa nhận với chính mình.”

Đó là một đoạn mà tôi rút ra từ cuốn sách hồi ký, hay cũng có thể gọi là một cuốn “self-help” có tên là “Có Lẽ Bạn Nên Gặp Bác Sĩ Tâm lý’’ (Maybe You Should Talk to Someone) của nữ tác giả Lori Gottlieb.

Cuốn sách xuất bản vào năm 2019 và trở thành một hiện tượng trong làng xuất bản ở Mỹ, nhiều tuần liền nằm trong danh sách bán chạy nhất của The New York Times với hơn 1 triệu bản bán ra, và đang được hãng NBC chuyển thể thành TV series với Eva Longoria đóng chính.

Hai phía của chiếc ghế sofa: Nhà trị liệu với bệnh nhân

Đọc cuốn này, phần nào khiến tôi nhớ đến cuốn “Ăn, Cầu Nguyện, Yêu” của nữ tác giả Elizabeth Gilbert từng rất thành công và được chuyển thể thành phim với Julie Roberts đóng chính khoảng hơn chục năm trước.

Cả hai cuốn sách của hai nữ tác giả đều bắt đầu từ việc dùng những trải nghiệm khủng hoảng cá nhân của mình để dẫn dắt câu chuyện, với những góc nhìn mang tính riêng tư và tăng khả năng thấu cảm.

Cuốn sách của Lori Gottlieb cũng là cách cô đối thoại với những thân chủ của mình. “Thông qua quá trình trị liệu từ cả hai phía của chiếc ghế sofa: nhà trị liệu và bệnh nhân” để viết thành cuốn sách có giá trị phổ quát, mà độc giả có thể tự liên hệ với bản thân.

alt
Nguồn: Unsplash

Thật ngạc nhiên khi một nhà trị liệu lại tìm đến một nhà trị liệu khác để điều trị cho cuộc khủng hoảng của cá nhân. Nhưng đó là cách Gottlieb lựa chọn đối mặt để giải quyết vấn đề của mình. Người bạn trai lâu năm của cô quyết định chia tay với cô vì anh ta không thể kết hôn và sống chung với đứa con riêng của cô, khiến thế giới của cô sụp đổ.

Trong khoảng thời gian khủng hoảng này, Gottlieb mô tả những cảm xúc và cuộc đấu tranh để vượt qua khủng hoảng như bất kỳ bệnh nhân nào khác. Chính vì những cảm xúc tiêu cực đó, bạn bè khuyến khích cô tìm đến một nhà trị liệu tâm lý nhiều kinh nghiệm hơn.

Và từ chính trải nghiệm cuộc trị liệu của chính bản thân mình, cô mang đến những cái nhìn thấu suốt về hậu trường của những ca điều trị tâm lý phức tạp, mở rộng câu chuyện với những bệnh nhân của mình.

Nó bao gồm một nhà sản xuất Hollywood trung niên hơi ngạo mạn, một cô gái trẻ mới cưới được chẩn đoán mắc bệnh nan y và một người phụ nữ lớn tuổi dự định kết liễu cuộc đời của bà vào ngày sinh nhật lần thứ 70,... để viết nên cuốn sách này.

Được dắt dắt với giọng văn, hiểu biết đầy trí tuệ và hài hước, nữ tác giả mời chúng ta bước vào thế giới hậu trường của cô với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý đồng thời là một bệnh nhân. Cô dũng cảm đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện sinh, những mặc cảm tội lỗi, sự cứu chuộc, nỗi kinh hoàng khi chìm vào những cơn sang chấn hay trầm cảm không lối thoát. Cuối cùng là đối diện với cảm xúc tiêu cực để tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Hiểu theo cách khác, cô dám đối diện với những nỗi sợ của bản thân mình, “sẵn sàng phơi bày những điểm mù của mình cùng bệnh nhân, với một sự hiểu biết mới mẻ, đầy kinh ngạc về chính bản thân mình, để cho chúng ta thấy chúng ta không đơn độc trong cuộc vật lộn với bản thân mình và rằng, có lẽ chúng ta nên nói với nó nhiều hơn.”

Nói như nhà tâm thần học Carl Jung được nữ tác giả trích dẫn ở đầu sách: “Người ta sẽ làm bất cứ điều gì, dù ngớ ngẩn đến đâu, để tránh phải đối mặt với bản ngã của chính mình.”

Nhưng ông cũng nói, “Ai nhìn vào sẽ thức tỉnh.” Còn bạn có dám đối mặt với bản ngã của chính mình không?

Nhà trị liệu với kẻ hiếp dâm

Trong cuốn sách tâm lý đặc biệt này, có một chương khiến tôi bật cười vì cách so sánh vừa hài hước vừa “thô” của tác giả.

Lori Gottlieb viết rằng trong tiếng Anh, nhà trị liệu là therapist. Nhưng nếu tách đôi từ đó ra thành hai từ, thì nó là the rapist, có nghĩa là kẻ hiếp dâm. Thực ra, đây là một cách đùa khá phổ biến trong giới trị liệu của cô. Nhưng không phải không có cơ sở.

Trong những cuộc tư vấn tâm lý, ánh mắt của nhà trị liệu thường nhìn sâu vào thân chủ, khiến họ không có nơi nào để lẩn trốn và buộc phải phơi bày tất cả những vấn đề cá nhân của họ.

alt
Nguồn: Unsplash

Các nhà trị liệu tâm lý lắng nghe những bí mật và mộng tưởng của bệnh nhân, nỗi xấu hổ và thất bại của họ, xâm chiếm vào không gian riêng tư mà họ giữ kín. Nói chung, họ là kẻ nắm giữ những bí mật riêng tư và sâu kín nhất của bệnh nhân. Có lẽ vì vậy mà những nhà trị liệu bị nói đùa là những “kẻ hiếp dâm cảm xúc của bệnh nhân.”

Nói như một nhà tâm lý kỳ cựu, trong trị liệu, sự cảm thông thường an ủi ta nhưng nó lại che lấp vấn đề của bệnh nhân. Chỉ có trung thực mới là liều thuốc tốt nhất. Và thuốc thì thường “đắng.”

Với trải nghiệm bản thân vừa là một nhà trị liệu vừa là một bệnh nhân đang trị liệu, tác giả hoàn toàn có lý khi cho rằng, “một nhà trị liệu sẽ là chiếc gương soi chiếu cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân cũng có thể là chiếc gương soi chiếu cho các nhà trị liệu. Trị liệu không phải là quá trình một chiều. Mỗi ngày, bệnh nhân lại đặt ra những câu hỏi khiến bản thân chúng tôi phải suy ngẫm.”

Trong những cuộc trị liệu cho các bệnh nhân của mình, trường hợp của John, một nhà sản xuất phim ở Hollywood đang gặp khủng hoảng tuổi trung niên khiến tôi đồng cảm hơn cả. Tôi tin nhiều nam giới ở tuổi trung niên khi gặp các vấn đề về sang chấn tâm lý hay trầm cảm cũng hoàn toàn chia sẻ với những điều mà tác giả đúc kết.

Cô cho rằng, “Nam giới có xu hướng gặp bất lợi trong vấn đề hiểu và bộc lộ cảm xúc của họ, vì họ thường không được dạy để hiểu về thế giới nội tâm của chính mình. Nam giới khi nói về cảm xúc cá nhân cũng thường ít được xã hội chấp nhận. Trong khi phụ nữ bị áp lực văn hóa về việc giữ vẻ ngoài trẻ trung thì đàn ông bị áp lực về mặt thể hiện cảm xúc. Phụ nữ có xu hướng tâm sự với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình, nhưng khi đàn ông nói với tôi về cảm xúc của họ trong quá trình trị liệu, tôi gần như luôn là người đầu tiên họ bộc lộ điều đó.”

Đó là lý do mà nam giới tuổi trung niên khi gặp trầm cảm thường có xu hướng tìm đến tự sát cao gấp ba lần so với phụ nữ. Tác giả cho rằng, những người trầm cảm thường chọn tự sát, không phải họ muốn chết mà họ muốn chấm dứt nỗi đau của mình.

Làm sao để chấm dứt nỗi đau mà không phải tự sát? Làm sao để dám đối diện với sự yếu đuối, tổn thương, vụn vỡ trong lòng? Làm sao để có thể đối mặt với những cảm xúc sâu kín, vượt qua thói quen tự hủy hoại bản thân và đánh thức sức mạnh bên trong?

Lori Gottlieb đưa ra lời khuyên: “Đừng phán xét các cảm xúc của bạn, hãy để ý đến chúng. Coi chúng như bản đồ. Đừng sợ sự thật.”

Và đừng ngần ngại khi tìm đến các nhà trị liệu tâm lý để được tư vấn về các vấn đề như sang chấn tâm lý, khủng hoảng cá nhân hay trầm cảm để được chữa trị kịp thời.

Với tôi, đó có lẽ là thông điệp sâu sắc và thuyết phục nhất của cuốn sách này.