10 Cụm từ "cửa miệng" của Gen Z năm 2021 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

10 Cụm từ "cửa miệng" của Gen Z năm 2021

"Chọn tụ" ngôn ngữ Gen Z theo phong cách Chữ Với Nghĩa của Vietcetera năm vừa qua. 
10 Cụm từ "cửa miệng" của Gen Z năm 2021

Nguồn: Hometown Cha Cha Cha

Chữ Với Nghĩa là series "bóc bằng hết" những cụm từ phổ biến trong đời sống và trên mạng xã hội của Vietcetera. Năm vừa qua, một loạt từ mới-độc-lạ lại được thêm vào từ điển của Gen Z.

Tóp tóp là gì mà ai cũng "ghiền"? Tại sao Gen Z gọi trầm cảm là chằm zn? Bạo hành lạnh là gì? Khi nào thì ta có thể nói, "rồi xong, tới công chuyện luôn!".

Chưa hết, năm qua sao Việt bận rộn sao kê trong khi loạt sao Trung liên tục bị phong sát. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra khiến bao nhiêu người xu cà na; để rồi, tết đến nơi nhưng chỉ... còn cái nịt.

Nếu bạn thấy những cụm từ quen quen phía trên mà chưa hiểu rõ nguồn gốc, cách dùng, thì bài viết này hẳn là dành cho bạn. Cùng Vietcetera nhìn lại 10 cụm từ "trending" năm 2021 dưới đây.

1. Chọn tụ

Kể cả khi không phải là một người chơi hệ tâm linh, ít nhiều chúng ta đã một lần nghe đến cụm từ chọn tụ, đặc biệt là Gen Z. Chọn tụ chỉ việc đi xem bài Tarot để tìm giải pháp khi gặp một vấn đề nào đó trong cuộc sống.

Nguồn: Unsplash

Chọn tụ sinh ra từ Gen Z, khi cần một chỗ dựa tâm linh cho tinh thần. Để rồi từ đó, nó phổ biến trong ngôn ngữ giao tiếp; bao chiếc meme "huyền thoại" cũng bởi chọn tụ mà ra đời.

Năm cũ sắp qua, đã đến thời điểm để chúng ta chọn tụ cho năm mới? Bạn chọn tụ gì cho năm 2022?

2. Phong sát

Phong sát là gì mà nghệ sĩ nghe thôi đã sợ còn khán giả thì ngay lập tức mở đại hội hóng "drama"? Theo Baidu, phong sát (封杀 - fēng shā) là lệnh cấm vĩnh viễn đối với một nghệ sĩ trong làng giải trí.

Nguồn: k.sina.cn

Năm 2021 chứng kiến loạt sao ngã ngựa và bị phong sát lớn nhất trong lịch sử showbiz Trung Quốc. Những cái tên được "lên sàn" gồm Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy, Trương Triệt Hạn bởi các vấn đề liên quan đến đạo đức nghệ sĩ, trốn thuế, phạm tội hình sự...

Ở Việt Nam có phong sát không? Câu trả lời là không hẳn. Tuy nhiên, showbiz Việt năm 2021 đã đi qua "cơn bão" sao kê tiền từ thiện khiến công chúng đặc biệt quan tâm.

3. Tới công chuyện

Tới công chuyện... nhưng thực ra lại chẳng có công chuyện nào ở đây cả. Gen Z nói "tới công chuyện" để ám chỉ việc gặp rắc rối, xui xẻo; làm sai, làm hỏng hoặc làm chuyện không đâu.

Nguồn: Shutterstock.

Xuất phát từ một MV ca nhạc, tới công chuyện dần phổ biến trong giới trẻ. Tới công chuyện là cách nói rất phổ biến trong Gen Z. Từ này có nhiều biến thể để chỉ một phát ngôn vạ miệng, một hành động bộc phát, hay một scandal mới được “khui” ra.

Riêng với người viết, nếu bài viết này không kịp deadline là tới công chuyện với sếp luôn!

4. Còn cái nịt

Từ một đoạn video trên mạng, còn cái nịt trở thành một trong những cụm từ "hot" nhất trong năm. Dấu ấn của còn cái nịt đi từ clip này đến bài post nọ, từ livestream này đến meme kia.

Nguồn: cwpencils.com.

Cái nịt là gì? Nó là dây chun hay chiếc thắt lưng? Còn cái nịt là gì? Tại sao còn cái nịt lại có nghĩa là mất trắng, hết sạch, không còn lại gì?

Tham khảo bài viết đầy đủ và thú vị của editor Đông Hà, chủ biên series Chữ Với Nghĩa để hiểu rõ nguồn gốc, và độ nổi tiếng của cụm từ này.

5. Xu cà na

Xu (xui xẻo) bắt cặp với cà na (một loại quả có vị chua chát) tạo ra cụm từ đọc lên nghe vui tai, mà nghĩ lại thì mệt mỏi hết sức. Ngoài ra, xu cà na còn có một nghĩa khác là hết tiền.

Nguồn: Gadgetfix.com

2021 có phải là năm xu cà na nhất từ trước đến nay? Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến giãn cách xã hội, khó khăn về kinh tế, thiếu thốn về lương thực... Dù sao năm cũ sắp qua, người viết chỉ mong ước xu cà na đừng "hỏi thăm" bất cứ ai trong năm mới.

6. Bạo hành lạnh

Không đánh cũng chẳng chửi mắng nhưng bạo hành lạnh là nỗi khiếp sợ của những ai từng rơi vào hoàn cảnh này. Có thể hiểu nôm na, bạo hành lạnh tác động lên mặt tinh thần bằng cách thờ ơ hoặc ngừng mọi giáo tiếp với người khác.

Nguồn: Kristina Flour/Unsplash

Bạo hành lạnh được coi là một hành vi độc hại trong mối quan hệ, bởi nó gây tổn hại sâu sắc đến lòng tự trọng của người còn lại. Thủ phạm sử dụng “chiêu bài” này để thể hiện quyền lực và lạm dụng tâm lý của nạn nhân.

Im lặng, phớt lờ, coi thường cảm xúc không phải là cách. Bạn có thể tham khảo 5 bước để bắt đầu cuộc hội thoại có chiều sâu, từ đó học cách mở lòng hơn trong các mối quan hệ quanh mình.

7. Chằm Zn

Trầm cảm thì quá nặng nề, để "hề hước" hơn, Gen Z gọi thuật ngữ này bằng tiếng lóng chằm Zn (chằm kẽm). Khi Gen Z bất lực hoặc mệt mỏi, họ cảm thấy "nhẹ nhàng" hơn buông ra từ chằm Zn.

Nguồn: Matt Furie

Chằm Zn là cách Gen Z sử dụng ngôn ngữ gây cười để nói về những âu lo của mình. Đây cũng là một cách để họ giải tỏa cảm xúc bên trong.

Lần cuối cùng bạn chằm Zn là bao giờ? Với người viết, chằm zn là khi đã có hết ý tưởng và chất liệu để triển khai nhưng lại bị... bí (writer's block).

8. Khum

Khum có trong từ điển tiếng Việt hẳn hoi, mô tả hình dạng uốn cong lên hoặc lõm xuống như hình mui rùa. Nhưng Gen Z không phức tạp đến vậy, khi nói khum nghĩa là họ đang ám chỉ "không".

Nguồn: Freepik

Khum là cách thể hiện sự từ chối nhưng nhẹ nhàng thôi, được sử dụng phổ biến trong Gen Z. Thay vì những biến thể của từ không trước đây như 0, K, hay hok thì rõ ràng, khum đáng yêu và dễ tiếp nhận hơn nhiều.

9. Tóp tóp

Tóp tóp, đơn giản là cách nói vui của ứng dụng TikTok, được khai sinh từ câu nói của một cụ bà ở Quảng Ninh. Đây là một dạng phiên âm (phỏng âm, đơn tiết hóa, thay đổi theo âm địa phương) ngoại ngữ theo tiếng mẹ đẻ. Sau đó, cụ bà này còn được cư dân mạng phong là "ai-đồ (idol) tóp tóp".

Tóp tóp là gì mà ai rồi cũng mê?

Hiện tại, tóp tóp (TikTok) thu hút hơn 1 tỉ người dùng mỗi tháng nhờ nội dung video ngắn gây nghiện. Rất nhiều trào lưu của năm qua đều có gốc gác từ đây, cho thấy sức ảnh hưởng lớn của nền tảng này tại Việt Nam. Để hiểu hơn về tóp tóp, hãy nhấn vào link bên dưới để đọc trọn vẹn bài viết.

10. Bạn là nhất, nhất bạn rồi

Bạn là nhất, nhất bạn rồi là mộ lời khen nhưng không ai muốn nghe, bởi thực chất đó là một lời mỉa mai. Khác với lời khen phổ biến trong tiếng anh "You're the best", bản Vietsub của nó lại không cùng "số phận".

Nguồn: Pexels

Bạn là nhất, nhất bạn rồi là cách nói ngược, một thủ pháp quen thuộc trong văn học và văn hóa nói chung. Thỉnh thoảng, nói ngược cũng là một cách gây hấn thụ động (passive-aggressive).

Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về, câu ca dao này mô tả rất đúng về tình huống nhận lời khen bạn là nhất, nhất bạn rồi từ ai đó. Ngoài ra, mô típ tương tự trong trường hợp bạn cần dùng (hoặc nên tránh là): xin lỗi, được chưa?; bạn mà sai thì không ai đúng hết á hay bạn là trùm rồi, không ai làm lại bạn hết á.

3 từ Viecetera muốn mà chưa "bóc" trong năm 2021.

Ủa em

Ủa được hiểu sự bất ngờ, ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình. Với Gen Z, ủa còn là từ để mở lời, thường được ghép với nhiều chữ khác như ủa alo, ủa em.

Ủa em là trạng thái vừa không hiểu, vừa bất ngờ và có đôi chút khó chịu. Nghe tưởng như câu hỏi nhưng đây thật ra lại là một câu hỏi tu từ có hàm ý gây hấn thụ động. Cũng giống như bạn là nhất, nhất bạn rồi, ủa em phổ biến bởi tính "sát thương" trong nhiều ngữ cảnh. Đặc biệt ở môi trường công sở, cụm từ này dần trở thành điều "khum" ai mong muốn nhìn thấy nhất vào sáng sớm lẫn tối muộn.

U là tr (u là trời)

Thay vì nói ôi trời ơi hoặc trời ơi, Gen Z nói u là tr (u là trời). Cụm từ thể hiện sự cảm thán này đã được Gen Z sử dụng rộng rãi trong suốt năm 2021.

Một số người cho rằng, u là tr xuất phát từ cách gọi của người Huế. Một số bạn trẻ phân tích: u là tr = u là trời = u is trời = úi trời. Từ góc độ ngôn ngữ, u là tr là một cách một cách chơi chữ dựa trên cách viết tắt bằng các thành tố đồng âm. Gen Z cũng sử dụng cách tương tự đế nói "j v tr" (gì vậy trời).

Gen Z sử dụng với mục đích gây chú ý và tạo "nét". Chính âm điệu dễ thương khi lẩm nhẩm trong miệng hay nói ra khiến cho cụm từ này được sử dụng rộng rãi.

Quả táo nhãn lồng

Gen Z đã "sáng chế" ra các cách gọi khác của giáo lý nhà Phật như luật hoa quả thay cho luật nhân quả, quả táo thay vì quả báo, quả táo nhãn lồng thay cho quả báo nhãn tiền.

Quả táo nhãn lồng nổi tiếng từ một video của hot tiktoker Bông Tím. Cụm từ này sau đó được Gen Z sử dụng thường xuyên để tạo ra những lời "cảnh báo" về nghiệp (karma) trong đạo Phật nhưng nhẹ nhàng hơn.