1. Tới công chuyện là gì?
Công chuyện, theo từ điển Từ ngữ Nam Bộ, là việc riêng, việc cá nhân của ai đó. Ví dụ: thằng bé học thêm, học chính, rồi sau đó về nhà làm bài tập, bao nhiêu công chuyện mà nó cần làm.
Khi nói đến tới công chuyện, nhiều người sẽ hiểu đơn giản là việc cấp bách cần giải quyết ngay. Nhưng dưới bàn tay nhào nặn đầy “tài hoa” của cộng đồng mạng, nghĩa của tới công chuyện còn được mở rộng hơn thế:
- Gặp xui xẻo, vướng vào rắc rối, “tới số”.
- Làm chuyện không đâu, vặt vãnh.
- Làm sai, phá hỏng thứ gì đó, không gỡ gạc lại được.
2. Nguồn gốc tới công chuyện?
Tới công chuyện là tên một “MV ca nhạc” được đăng tải bởi kênh YouTube CoCo Channel. Mở đầu video, một nhân vật tên Sang gặp gỡ và nói chuyện với đàn em của mình. Vì không đồng ý với yêu cầu của đàn em, anh nói “mày về đi, chút xíu nữa tao phải đi công chuyện”, sau đó anh này hát rap và liên tục lặp lại từ “công chuyện” để diễn tả sự bận rộn của mình.
Dựa theo bối cảnh MV, tới công chuyện hiểu nôm na là: tới lúc phải làm việc của mình rồi!
Nguồn gốc tới công chuyện là đây.
Nếu như người miền Bắc khi bận thường nói “hôm đấy bận việc rồi”, “nhà có việc” thì người miền Nam lại hay dùng cụm “mắc/đi công chuyện rồi”. Tới công chuyện là một cách kết hợp từ khá lạ tai, không thường gặp.
3. Tới công chuyện phổ biến khi nào?
Tới công chuyện đã được sử dụng trong khoảng 1 năm trở lại nhưng có phần rải rác, ngẫu hứng. Mãi cho đến 2 tháng gần đây, mọi người mới bắt đầu dùng như một thói quen. Đặc biệt, lượng tìm kiếm từ khóa này tăng vọt vào tháng trước.
Hồi cuối tháng 4, page Run Your Life đăng tải một đoạn tin nhắn hài hước với caption “tới công chuyện”. Nội dung kể về một người tạo nhóm chat và chỉ mời toàn nhân vật có họ Nguyễn tham gia, mục đích là để… thách đấu họ. Tới công chuyện được page dùng với ý nghĩa: làm chuyện vô bổ, không đâu vào đâu.
Cách đây không lâu, nghệ sĩ Quang Trung đăng tải một bài viết chụp lại những bình luận trêu chọc từ bạn thân, đính kèm dòng caption “Tới công chuyện với mọi người thiệt sự”. Ở đây, Quang Trung muốn nói đùa rằng bạn bè anh đang “rảnh” quá, phá hỏng sự nghiêm túc của bài hát anh vừa đăng . Bài viết đạt 85.000 like và gần 2.500 lượt chia sẻ.
Tới khoảng hơn 2 tuần trở lại, khi showbiz Việt gặp không ít sóng gió, nhiều nghệ sĩ liên tục vướng phải scandal, thì tới công chuyện cũng xuất hiện nhiều hơn trong các bài đăng trên mạng, ví dụ có thể kể đến vụ phát ngôn của stylist Kye Nguyễn với Nathan Lee và CEO Phương Hằng, hoặc status của nghệ sĩ Đức Hải.
Trường hợp này, tới công chuyện được tính là một phát ngôn vạ miệng, một hành động bộc phát, hay một scandal mới được “khui” ra của nghệ sĩ nào đó. Tất cả đều để lại hậu quả và rất khó để gỡ gạc, thay đổi.
4. Cách dùng tới công chuyện?
Hai nét nghĩa phổ biến nhất của tới công chuyện là gặp rắc rối, xui xẻo và làm hỏng thứ gì đó. Bạn có thể học cách sử dụng tới công chuyện qua đoạn hội thoại dưới đây:
Bà tám 1: Ê chị Lan hay viết status nói xấu công ty cũ lắm. Vừa rồi lại đăng bài xỉa xói công ty A.
Bà tám 2: Ừ, mà chị ấy không nhớ ẩn bài viết khỏi sếp, vì sếp hiện tại chơi thân với bên đó. Hôm qua anh sếp like status, chị hoảng quá liền vội xóa đi.
Bà tám 1: Rồi xong, tới công chuyện luôn!