3 Hiểu lầm không đáng có về "sáng tạo" mà làm nghề nào cũng nên biết | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 05, 2024

3 Hiểu lầm không đáng có về "sáng tạo" mà làm nghề nào cũng nên biết

Điều gì giúp một người "sáng tạo" hơn người khác? Nhiều nguyên nhân, nhưng lớn nhất là do niềm tin của họ về sáng tạo. Bạn có đang để những hiểu lầm cản đường sáng tạo của mình?
3 Hiểu lầm không đáng có về "sáng tạo" mà làm nghề nào cũng nên biết

Nguồn: Unsplash

Hai năm trở lại đây, lĩnh vực "sáng tạo" trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết sau sự xuất hiện của thế hệ AI thứ 4 - Generative AI, với khả năng tự động tạo ra nội dung đa dạng và phức tạp, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm nhạc và video.

Với mình, đây thật sự là một bước nhảy vọt trong sự tương tác giữa người và máy móc. Cách truyền thống trước nay là con người nhập liệu đầu vào - input cho máy móc tính toán để trả lại kết quả - output. Chất lượng của output bị ảnh hưởng khá nhiều vào bởi chất lượng input do người nhập vào.

Bây giờ thì đã chuyển sang dạng tương tác con người và máy móc cùng trao đổi qua lại đan xen để cho ra kết quả cuối cùng, gần như là mối quan hệ hợp tác ngang hàng.

Nguồn hoangthoughts
Sự thay đổi trong cách tương tác giữa máy móc và con người. | Nguồn: @hoangthoughts

Thế nên, một khi những vấn đề đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều sự sáng tạo dần được máy móc giải quyết gọn gàng, thì lúc này con người chúng ta cũng cần phải tập trung nhiều hơn trong việc nâng cấp sự sáng tạo của chính mình.

Vậy liệu chúng ta đã thật sự hiểu hết về bản chất của sáng tạo? Hãy cùng mình điểm qua 3 hiểu lầm phổ biến nhất trong bài viết này. Đây cũng là một phần nội dung được trích từ cuốn sách đầu tay của mình có tên là “Có Cách - Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách”.

Hiểu lầm 1: Sáng tạo chỉ dành cho người “sáng tạo”?

Hãy khởi động bằng cách thử trả lời những câu hỏi này nhé:

  • Nếu một cái cây biết nói, thì bạn nghĩ câu đầu tiên nó sẽ nói với bạn là gì?
  • Nếu gặp một con mèo cướp nhà băng, bạn nghĩ lý do của nó là gì?
  • Nếu trẻ con là người điều khiển thế giới, bạn nghĩ thế giới đó sẽ trông như thế nào?

Bạn có đang suy nghĩ về câu trả lời, hay thấy những câu hỏi này thật ngớ ngẩn?

Nếu những câu hỏi này làm gợn lên trong lòng chúng ta chút phán xét rằng chúng thật ngớ ngẩn, thì đó có thể là một biểu hiện của việc đứa trẻ sáng tạo bên trong chúng ta đã bị quá trình trưởng thành làm cho mai một.

Giống như trong cuốn sách Hoàng Tử Bé, cậu bé Exupery 6 tuổi đã vẽ con trăn nuốt con voi rồi hỏi người lớn xem bức tranh này có đáng sợ hay không. Và người lớn đã trả lời: “Sao lại phải sợ một cái mũ chứ?”

Chiếc mũ hay con trăn nuốt con voi
Chiếc mũ, hay con trăn nuốt con voi?

Chính vì khi đã là người lớn, chúng ta thường suy nghĩ thực tế tới mức thực dụng, và chính suy nghĩ này đã vô tình bào mòn khả năng sáng tạo của chúng ta. Để rồi sau một thời gian, bạn cho rằng sáng tạo chỉ dành cho những người có năng khiếu.

Thế nhưng, thực tế tất cả chúng ta đều sinh ra với khả năng sáng tạo có sẵn bên trong mình.

Trong một nghiên cứu kéo dài hàng chục năm trời của NASA, họ đã phát hiện ra rằng:

Trong mẫu số 1.600 trẻ em 4 và 5 tuổi mà họ nghiên cứu, có đến 98% đạt điểm "thiên tài sáng tạo". Nhưng 5 năm sau, chỉ có 30% trong nhóm trẻ em đó đạt được mức độ tương tự. 5 năm tiếp theo, con số giảm còn 12%. Khi thực hiện bài kiểm tra tương tự cho người lớn, người ta thấy rằng chỉ có 2% đạt được cấp độ thiên tài này.

Kết luận của NASA là khả năng sáng tạo của chúng ta bị cạn kiệt theo thời gian và phần lớn là bởi nền giáo dục khuôn khổ.

Mà một trong những khuôn khổ đó với mình, đó là tin rằng sáng tạo là phải tạo ra thứ gì đó mới lạ, độc đáo, chưa từng thấy trước đây. Cũng chính vì từng có cái suy nghĩ này, mà mình luôn bị tắt nghẽn ở giai đoạn khởi đầu sáng tạo, vì luôn bị ám ảnh phải nghĩ cho ra ý tưởng độc lạ.

Thế rồi, sau một thời gian đi làm, mình đã tìm được định nghĩa sáng tạo của riêng mình, đó là:

“Sáng tạo là quá trình tìm ra những ý tưởng khả thi nhất, dựa trên nguồn lực hiện có, và hiện thực hóa chúng.”

Trong đó:

  • Ý tưởng khả thi: là thứ có thể dùng để phục vụ cho một nhu cầu nào đó, hoặc cụ thể hơn, là giải pháp cho một vấn đề nào đó cần giải quyết.
  • Nguồn lực: là sự hiểu biết về những giới hạn tài nguyên (thời gian, chi phí, năng lực, bối cảnh) để từ đó chọn lọc ý tưởng phù hợp.
  • Hiện thực hoá: là những hành động, cách thức và kế hoạch để thực thi ý tưởng.

Như vậy có thể nói sáng tạo không phải là thứ gì đó quá cao siêu, chỉ dành cho thiên tài để tạo ra những thứ ngầu ngầu. Thực tế là sáng tạo có ở mọi nơi, từ trong những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, như đánh răng, nấu ăn, đến những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng hay những khám phá khoa học đột phá.

Miễn là bạn thấy mình đang phải động não để nghĩ ra các ý tưởng khác nhau để giải quyết một vấn đề nào đó, rồi chọn ra các ý tưởng khả thi với nguồn lực của bản thân và biến nó thành hiện thực, thì nghĩa là bạn cũng đang tư duy sáng tạo rồi.

Tới đây có thể là bạn sẽ hơi lấn cấn, vì “Làm sao mà mình lại đi đánh đồng những bức vẽ nghệ thuật, hay khám phá khoa học với những đổi mới cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày, để xem chúng là sự sáng tạo được cơ chứ? Bởi vì đã gọi là sáng tạo thì phải là nguyên bản và đậm tính cá nhân!”

Đó cũng là hiểu lầm lớn khác mà mình sẽ nói tiếp sau đây.

Hiểu lầm 2: Sáng tạo là phải nguyên bản, phải đậm tính cá nhân?

Sản phẩm sáng tạo vẫn thường được tin rằng phải là một thứ gì đó độc đáo, mới lạ và nguyên bản. Trong đó người ta thường xuyên tranh cãi “tính nguyên bản” của một tác phẩm hay một sản phẩm nào đó.

Mình thì tin rằng không có thứ gì là “nguyên bản” theo nghĩa: nó là phiên bản đầu tiên, duy nhất tự hình thành. Bởi ngay cả bản thân chúng ta, dù đều “là duy nhất”, cũng không hoàn toàn là nguyên bản.

Nếu nói dưới góc nhìn khoa học, chúng ta được thừa hưởng gen từ bố mẹ, ông bà mà tạo nên năng lực nhất định về thể chất và tâm trí. Giải thích dưới góc nhìn của Phật giáo thì những gì chúng ta có được ở kiếp này là quả đến từ nhân được gieo trồng qua nhiều tiền kiếp, khi gặp đủ duyên các ý tưởng sẽ nảy mầm.

Nói như vậy nghĩa là ngay cả bản thân chúng ta, thứ thường được cho là “nguyên bản” nhất cũng không đến từ hư vô, mà là tổng hợp của nhiều thứ chúng ta bị động và chủ động chọn lấy trong cuộc sống này.

Vậy nên là một sản phẩm của quá trình sáng tạo không nhất thiết phải là bản gốc. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là mình đang cổ súy cho hành vi đạo nhái nhé.

Với mình, một sản phẩm sáng tạo ít nhất cần đáp ứng một số đặc tính như sau:

  1. Tính mới: Bạn không cần phải tạo ra một thứ gì đó trước giờ chưa từng có ai làm. Nó chỉ cần mới với riêng bạn, bằng cách bạn làm những việc chưa từng làm, dùng những thứ chưa từng dùng.

    Ví dụ như hôm nay đi tới văn phòng, bạn quyết định đi theo một lộ trình mới hoàn toàn, rẽ vào một con hẻm chưa từng đi trước đây. Có thể bạn sẽ tìm ra một con đường tới văn phòng nhanh hơn nhờ tránh được kẹt xe, hoặc chậm hơn vì phải đi vòng lại.

    Cấp độ cao hơn là khi bạn tạo ra một thứ mới đối với tổ chức, công ty mình làm việc hoặc cao hơn nữa là đối với xã hội, đó là khi bạn khởi nghiệp.

  2. Tính phù hợp: Nghĩa là ý tưởng phải phù hợp với những giới hạn về tài nguyên, hợp lý với hoàn cảnh của bạn, hay cao hơn là phù hợp với văn hoá, luật pháp. Ví dụ như bạn biết rằng chạy xe vào đường ray xe lửa sẽ nhanh hơn vì không có các xe máy khác, nhưng việc chạy vào đó là phạm luật và rủi ro tai nạn cũng nghiêm trọng.

  3. Tính thay đổi: Hành động bạn làm xong phải tạo ra sự thay đổi. Nghĩa là khi bạn quyết định đi lộ trình mới, thời gian tới văn phòng phải có sự thay đổi so với lộ trình cũ. Có thể bình thường bạn mất 10 phút tới văn phòng, thì với lộ trình mới, thời gian này đã khác đi, có như vậy chúng ta mới xác định được đặc tính cuối cùng, đó là

  4. Tính giá trị: Là khi sự thay đổi đó mang tới kết quả tích cực, như giải quyết được vấn đề để tạo ra các giá trị thực tế.

    Sau khi thay đổi lộ trình, bạn có rút ngắn được thời gian tới văn phòng hay không? Đường đi tuy nhanh hơn, nhưng có tạo ra những cảm giác tiêu cực khác hay không? Chẳng hạn nếu như đường mới đó có nhiều ổ gà ổ voi gây dằn xóc, khó chịu thì chưa chắc đó là một kết quả tích cực với bạn.

Nếu thiếu bất kỳ một tính chất nào vừa kể, sản phẩm hay giải pháp bạn tạo ra chỉ có vẻ mới mẻ, nhưng chưa thật sự sáng tạo. Tuỳ mỗi tính chất chiếm bao nhiêu phần trăm trong sản phẩm sáng tạo của bạn mà nó quyết định sản phẩm của bạn có đang “đậm đặc” tính sáng tạo hay không. Về khái niệm nồng độ sáng tạo, bạn có thể đọc thêm ở bài viết này của mình.

Vậy có phải là bạn luôn cần phải có nhiều thời gian thì mới sáng tạo tốt?

Hiểu lầm 3: Cần phải có nhiều thời gian thì mới có thể sáng tạo tốt?

Bạn không cần phải giống như tác giả George R.R. Martin tự nhốt mình vào một căn nhà nhỏ trên núi để hoàn thành nốt bộ tiểu thuyết “A Song of Ice and Fire”, thường được biết nhiều hơn với series phim “Game of Thrones”. Bạn cũng không cần phải nghĩ ra những giải pháp hoành tráng có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn ngay lập tức.

Bạn có thể “làm quen” với sáng tạo bằng cách tối ưu từng việc nhỏ hàng ngày như vệ sinh cá nhân sau khi thức dậy, xếp đồ đạc cần thiết vào ba lô trước khi tới trường, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những điều phải làm trong ngày,… Bắt đầu với tư duy nhìn mọi việc dưới góc độ là vấn đề cần bạn giải quyết, tự nhiên bạn sẽ “có cách”. Và khi hình thành được thói quen tối ưu mọi thứ xung quanh, bạn sẽ dần nhận ra bạn đã có được nhiều thời gian hơn để sử dụng.

Ngay cả khi bạn đang làm một công việc có nồng độ sáng tạo cao, bạn cũng không nhất thiết phải có thật nhiều thời gian để nuôi đủ cảm hứng, hay để hoàn thiện một sản phẩm.

Mình không hề phủ nhận cảm hứng sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra một ý tưởng hay ho. Mình tin những sản phẩm sáng tạo chất lượng thường là kết quả của sự kiên trì, thử nghiệm, sai và sửa liên tục.

Nhưng trước khi tất cả những điều đó xảy ra, việc đầu tiên bạn cần phải làm là bắt tay vào làm ngay lập tức dù chỉ có 5 phút thời gian rảnh rỗi trong ngày cho việc sáng tạo.

Trong quá trình sáng tạo có một giai đoạn được gọi là thu thập thông tin, dữ liệu về vấn đề mà chúng ta đang muốn giải quyết. Đây là việc mà bạn không cần phải có hứng mới có thể làm. Cứ thu thập từ từ, và ý tưởng có thể xuất hiện vào lúc mà bạn không thể ngờ tới.

Khi viết blog hoặc là làm podcast, đôi khi mình gặp những chủ đề rất khó khiến bản thân không biết nên bắt đầu từ đâu. Những lúc như vậy mình chỉ đơn giản là cứ bắt đầu tổng hợp nhiều thông tin về chủ đề mà mình muốn viết rồi đi chạy bộ, và y như rằng những góc nhìn mới sẽ hiện ra ở km thứ 2 hoặc 3 của cả cuốc chạy 5 km.

Tất nhiên bạn không cần phải chạy bộ giống như mình. Những ý tưởng “xuất thần” của bạn có thể nảy ra từ một cuộc trò chuyện, một cuốn sách bạn đang đọc, hoặc khi đang đi xe trên đường. Nhưng trên tất cả, để khoảnh khắc đó có thể xảy ra bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết cho nó từ lâu trước đó.

alt
Sự sáng tạo không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ bên trong chúng ta. Nó đến từ lòng say mê, niềm yêu thích, sự tò mò và khao khát khám phá. | Nguồn: Pexels

Kết

Sáng tạo là quá trình tìm ra những ý tưởng khả thi nhất dựa trên nguồn lực hiện có, và hiện thực hóa chúng.

Với mỗi công việc chuyên môn và hoạt động sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, sự sáng tạo lại được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự đa dạng và khác biệt trong cách thể hiện sáng tạo của mỗi người giúp chúng ta được sống trong một thế giới vô cùng sinh động và phong phú.

Sự sáng tạo không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ bên trong chúng ta. Nó đến từ lòng say mê, niềm yêu thích, sự tò mò và khao khát khám phá. Vì vậy, hãy tự tin và bắt đầu hành trình sáng tạo của bạn, dù bạn có cảm hứng hay không.

Cuối cùng, mình cũng rất muốn được biết câu trả lời của bạn về ba câu hỏi ban đầu:

  • Nếu một cái cây biết nói, thì bạn nghĩ câu đầu tiên nó sẽ nói với bạn là gì?
  • Nếu gặp một con mèo cướp nhà băng, bạn nghĩ lý do của nó là gì?
  • Nếu trẻ con là người điều khiển thế giới, bạn nghĩ thế giới đó sẽ trông như thế nào?

Hãy bình luận cho mình biết nhé!