4 Chữ "đừng" bỏ túi cho ứng viên MarCom khi đi xin việc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
28 Thg 07, 2021
Thăng Tiến

4 Chữ "đừng" bỏ túi cho ứng viên MarCom khi đi xin việc

Không ít lần từ phía bên kia bàn phỏng vấn, tôi muốn hất tung tất cả, hủy phỏng vấn, gọi các em ngồi xuống, và nói: “Chị bảo này…”
4 Chữ "đừng" bỏ túi cho ứng viên MarCom khi đi xin việc

An Ho @meaptopia cho Vietcetera

MarCom là viết tắt của Marketing Communications, có nghĩa là truyền thông tiếp thị, phân biệt với truyền thông xã hội hay truyền thông báo chí. Để hiểu ngắn gọn, MarCom là tất cả các khâu trong việc truyền tải thông điệp doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, nhằm tương tác với khách hàng hay công chúng.

Ở vị trí quản lý truyền thông tiếp thị (MarCom Manager), tôi có dịp tuyển dụng các vị trí chuyên viên trong ngành MarCom. Không ít lần từ phía bên kia bàn phỏng vấn, tôi muốn hất tung tất cả, hủy phỏng vấn, gọi các em ngồi xuống, và nói: “Chị bảo này…”

Dưới đây là 4 điều “đừng” tôi mong mọi ứng viên MarCom ghi nhớ, để bạn có thể tự tin bước vào buổi phỏng vấn tiếp theo.

1. Đừng để CV chết yểu trong 7,4 giây

Người tuyển dụng thường kiếm tìm người phù hợp ở ba bình diện sau: người hợp việc (person-job, P-J) là ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc, người hợp công ty (person-organization, P-O) là ứng viên phù hợp với lĩnh vực và văn hóa công ty, và người hợp người (person-person, P-P) là ứng viên hợp văn hóa nhóm hay dân dã là “vừa mắt” người tuyển dụng trong phong cách, cá tính hay cách ứng xử.

CV là điểm đầu tiên người tuyển dụng dựa vào để đánh giá cả ba bình diện trên.

Một khảo sát của The Ladder năm 2018 cho biết các nhà tuyển dụng chỉ mất trung bình 7,4 giây để lướt qua một CV. Chính vì thế, để ghi điểm trong 7,4 giây này, CV cần ấn tượng hết mức có thể.

marcom1
Ba bình diện người tuyển dụng dựa vào để đánh giá ứng viên.

Với nghề MarCom, thiết kế, hình ảnh, màu sắc và thông tin trên CV cũng giống như tác phẩm đầu tiên chạm mắt nhà tuyển dụng. Nó thể hiện sức sáng tạo, mắt thẩm mỹ, nỗ lực khác biệt và tinh thần của ứng viên. Đó là những tố chất nhà tuyển dụng kiếm tìm ở một người làm nghề MarCom.

Thế nên, hãy dành thời gian để chải chuốt CV của mình về cả nội dung và hình thức. Nhưng đừng ghi mọi thứ vào CV; hãy cân nhắc các bình diện trên để làm nổi bật các thế mạnh của mình. Cũng đừng ngại ngần sáng tạo CV dưới các định dạng khác như video hay webpage. Bởi khả năng khai thác các nền tảng và định dạng cũng là một yêu cầu cơ bản của nghề MarCom.

2. Đừng quên chiều sâu của mình

Ngành MarCom rộng và nhiều lĩnh vực: từ quan hệ cộng đồng, báo chí, quản lý thương hiệu, sản xuất quảng cáo, đến truyền thông nội bộ, xử lý khủng hoảng. MarCom trải dài từ các kênh truyền thống như in ấn, đến các nền tảng số như website, email marketing hay mạng xã hội. MarCom là sân chơi của cả tổng quát viên (generalist) lẫn chuyên viên (specialist), của cả những tấm chiếu chưa từng trải lẫn những tấm chiếu đã trải nghìn lần.

Về điểm cộng, đây là sân chơi của những người chơi hệ nhanh nhạy, luôn có hứng thú, biết nắm bắt và chuyển đổi cái mới. Về điểm trừ, chơi trong một chiếc sân quá rộng dễ khiến bạn lạc lối, hoặc tệ hơn là làm cho người tuyển dụng nghĩ đang bạn lạc lối.

Chính vì thế, người tuyển dụng sẽ nhìn vào kinh nghiệm của ứng viên theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Chiều rộng thì bạn có bao nhiêu xài bấy nhiêu; không bao giờ là quá rộng với MarCom. Nhưng dù kinh nghiệm có rộng đến đâu, trong buổi phỏng vấn, hãy thể hiện rằng bạn có ít nhất một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành.

Việc này giúp bạn hai điều:

  1. Nó tạo ra trọng tâm để bàn trong buổi phỏng vấn. Bạn sẽ có cơ hội nói sâu hơn về lĩnh vực nổi trội của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm đến các mối quan hệ và bài học. Đó sẽ là những thứ bạn có mà những ứng viên thuộc lĩnh vực khác không có.
  2. Nó giúp người tuyển dụng đặt bạn vào bức tranh của toàn đội và soi chiếu theo những mảnh ghép còn thiếu. Trên thực tế, dù một đội MarCom toàn những tổng quát viên thì từng cá nhân vẫn có chức năng và vai trò cụ thể. Thấy được thế mạnh của bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá tiềm năng, và tạo cơ hội cho bạn với những vị trí phù hợp.

Cần lưu ý rằng chuyên sâu không chỉ dừng lại ở các kỹ thuật như thiết kế đồ hoạ, SEO/SEM hay copywriting. Nếu bạn có thế mạnh nổi trội về kỹ năng mềm như quản lý/điều phối dự án (project management), lên ý tưởng (concepting), hay lên kế hoạch chiến lược (strategic planning), đừng ngại nói về chúng!

Vậy nhỡ người tuyển dụng nghĩ bạn CHỈ làm được một việc thì sao?

3. Đừng chỉ chọn dẫn chứng từ một kinh nghiệm

Bạn không nhất thiết phải hét lên “Tôi làm được tất cả!” Cách hiệu quả nhất để thể hiện điều này là đưa ra dẫn chứng bằng kinh nghiệm bạn có ở vị trí, trong các lĩnh vực khác nhau. Nôm na là chọn ra những bông hoa đẹp ở những góc khác nhau trên tấm chiếu của bạn mà khoe!

Ví dụ: Khi làm ở công ty A, tôi làm kế hoạch chiến lược để ra mắt sản phẩm X. Khi làm ở công ty B, tôi phụ trách quan hệ công chúng. Khi làm ở công ty C, đúng vào thời điểm công ty gặp khủng hoảng, tôi đã phụ trách đội quản lý khủng hoảng trong thời gian này.

marcom2
Khoe hoa thì nhớ lý giải vì sao hoa đó đẹp.

Bạn cũng nên chia sẻ những bài học rút ra sau khi đã thử qua các vị trí khác nhau. Bởi dù có nhiều lĩnh vực chuyên biệt, nghề MarCom có một bộ kỹ năng chung mà người làm chuyên nghiệp nên có. Người tuyển dụng từ đó hiểu rằng bạn dù đi rộng nhưng vẫn có định hướng để tập trung phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.

Ví dụ: Khi lên kế hoạch chiến lược cho công ty A, tôi học cách lên ngân sách cho chiến dịch và đo lợi nhuận từ đầu tư (Return On Investment, ROI). Khi làm quan hệ công chúng cho công ty B, tôi thiết lập được mạng lưới mối quan hệ rộng và mật thiết với giới báo chí và những người quản lý tài năng.

4. Đừng quên "nêm nếm" bằng kể chuyện

Bạn có biết 65% thông tin mà chúng ta hấp thụ hằng ngày là những chuyện kể?

Theo một nghiên cứu của giáo sư tâm lý Uri Hasson tại đại học Princeton, khi lắng nghe một câu chuyện, não bộ người nghe có những sóng não đồng điệu với sóng não người kể. Người nghe có xu hướng đặt mình vào bối cảnh câu chuyện và thấu hiểu người kể. Dù có thể quên các con số hay nhân vật, người nghe vẫn rất nhớ thử thách, cảm xúc, cách tư duy, và hướng giải quyết của người kể.

Vậy, đừng quên trả lời câu hỏi của người tuyển dụng bằng những chuyện kể ngắn. Một chuyện kể, dù ngắn hay dài, cũng nên có:

  • Bối cảnh (thời gian, nơi chốn);

  • Tình huống (thử thách, nhân vật);

  • Cách giải quyết (phương pháp, kỹ thuật);

  • Kết quả (con số và cách thức đo kết quả).

Cách trả lời này giúp bạn thu hút sự chú ý của người tuyển dụng, đồng thời thể hiện khả năng trình bày hấp dẫn, gọn ghẽ. Và qua cấu trúc này, bạn cũng cho nhà tuyển dụng thấy năng lực đánh giá và giải quyết vấn đề, năng lực lên kế hoạch và đánh giá kết quả của kế hoạch.

Và thú vị là, gần như với tất cả các câu hỏi thường thấy, bạn đều có thể trả lời bằng một câu chuyện nhỏ với cấu trúc trên.

Nhưng nhớ là đừng kể những câu chuyện hư cấu nha! Người trong nghề mà nghe chuyện bịa, họ biết ngay!