Ra mắt khán giả vào đầu năm 2019, Sex Education nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu, thu hút hơn 40 triệu người xem trong vòng 1 tháng ra mắt. Laurie Nunn, nhà sáng tạo của series này đã thổi một làn gió mới vào dòng phim tâm lí học đường vốn đã khá bão hòa.
Với câu truyện xoay quanh một văn phòng tư vấn tâm lí tình dục cho học sinh trung học, Sex Education đã đem đến cho khán giả đại chúng những bài học cực kì ý nghĩa về quá trình trưởng thành tâm sinh lí.
Bằng một kịch bản chăm chút đến từng nhân vật và một góc nhìn thật sự thấu đáo về các vấn đề liên quan đến sắc tộc và giới tính, TV series này đã đánh bật lại những khuôn mẫu sẵn có trong điện ảnh và cho những cộng đồng thiểu số có được sự đại diện (representation) mà họ xứng đáng.
Vấn đề muôn thuở của việc đại diện: Hi sinh thiểu số để vừa lòng đa số
Từ lâu, tính đại diện trong phim ảnh đã được khán giả và cả những nhà phê bình đánh giá chỉ qua số lượng những diễn viên thuộc cộng đồng thiểu số có mặt trong dàn nhân vật chính.
Đây là một cách nhìn nhận đơn giản, và đôi khi, đi cùng với nhiều vấn đề. Các nhà sản xuất và đạo diễn sẽ tạo ra những nhân vật không mấy ý nghĩa, hay tệ hơn nữa, là tạo nên những nhân vật hoàn toàn từ khuôn mẫu (stereotype) tiêu cực sẵn có. Họ làm vậy chỉ với một mục đích: thỏa mãn tính đại diện cho bộ phim của mình và từ đó tránh được “búa rìu” dư luận.
Đã bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy những nhân vật đồng tính ồn ào và õng ẹo. Hay những nhân vật Latin, nữ thì đi giúp việc nhà, và nam thì đi bán ma túy. Hay những nhân vật châu Á đeo kính, và điều duy nhất nhân vật đó nói về là Toán và Khoa học.
Tất cả những điều này, đều không mang tính đại diện và cũng không hề có ý định đem đến sự đại diện cho những cộng đồng thiểu số.
Vậy Sex Education đã bật lại những vấn đề này như thế nào?
1. Hãy viết nhân vật như họ là con người thật sự
Trong cuốn The Art of Dramatic Writing, Lajos Egri đã khẳng định rằng một nhân vật phải được hình thành từ 3 yếu tố: vẻ ngoài, xã hội và tâm lý. Tất cả những điều này, dù ít hay nhiều đều sẽ định hình được cách một nhân vật phản ứng với thế giới xung quanh. Từ đó định hình được cho họ một tính cách và thái độ hợp lí, đáng tin.
Chúng ta không thể tạo nên nhân vật chỉ với một từ khóa duy nhất. Không có bất kì con người nào trên thế giới chỉ đơn giản là “đồng tính”, hay “người da màu” cả. Con người là một cá thể phức tạp được cấu thành từ vô số những sự kiện và trải nghiệm mà họ trải qua trong cuộc đời.
“Thứ duy nhất giữ nguyên là sự thay đổi” - một nhân vật thật sự là một nhân vật bị ảnh hưởng và thay đổi liên tục bởi cả yếu tố hình thành nên nhân vật, lẫn những sự kiện xảy đến với nhân vật đó.
Những biên kịch của Sex Education cho thấy một sự tôn trọng mà họ dành cho cả khán giả và nhân vật. Những sự phân biệt và khó khăn đến từ những mẫu mác là một thành phần rất lớn trong việc xây dựng những nhân vật của Sex Education, nhưng không phải là toàn bộ.
Thử lấy một nhân vật da màu và đồng tính làm ví dụ. Sẽ có những bộ phim mà tuýp nhân vật này được xây dựng hoàn toàn vào dòng miêu tả ngắn ngủi ấy, chẳng hạn như “bóng bẩy”, “điệu đà” và “khó khăn duy nhất mà nhân vật trải qua chỉ xoay quanh màu da và giới tính của mình”. Mọi hành động, quyết định của nhân vật đó sẽ được đặt trong một môi trường “chân không” - không liên quan và không ảnh hưởng đến bất kì thứ gì khác.
Eric - một nhân vật da màu đồng tính trong Sex Education thì khác. Chuyện tình của cậu và Adam không bắt nguồn từ việc họ là hai nhân vật nam đồng tính duy nhất trong cả series, và họ dĩ nhiên sẽ đến với nhau.
Eric có những mối quan hệ, môi trường sống, niềm tin tôn giáo để hình thành nên những trải nghiệm và tính cách của cậu. Chính vì lẽ đó, cậu lựa chọn Adam. Lựa chọn đó đã làm tổn thương những người xung quanh Eric, cậu biết điều đó nhưng vẫn trung thành với quyết định của mình.
Hay như Aimee - một nhân vật được xây dựng hoàn toàn từ hình mẫu “tóc vàng hoe ngu ngốc” (dumb blonde). Một hình mẫu mà theo thông lệ, sẽ được xây dựng cực kì sơ sài vì nhân vật này chỉ được thêm vào kịch bản với mục đích gây cười.
Nhưng càng về sau, chúng ta dần hiểu thêm vì sao Aimee lại trở thành con người như vậy. Khi mà không một ai xung quanh Aimee quan tâm đến cô, Aimee trở thành một người chỉ biết quan tâm đến cảm xúc của người khác mà bỏ quên chính bản thân mình. Thậm chí, khi Steve hỏi rằng cô muốn anh làm gì để có thể thỏa mãn cô trên giường, Aimee đã cứng đờ người và không biết trả lời anh như thế nào.
Chúng ta kết nối được với Eric, Aimee và những nhân vật khác vì chúng ta tin đây là một con người thật sự, với tính cách phức tạp và những mưu cầu riêng, chứ không phải một công cụ truyền thông để nhà làm phim rao giảng với thế giới về những bài học về sắc tộc hay giới tính.
2. Hãy kể câu chuyện của những cộng đồng thiểu số
Việc cho một nhân vật thuộc những cộng đồng thiểu số xuất hiện trên màn ảnh như bao nhân vật khác là một việc làm đúng, nhưng chưa đủ. Một bộ phim thật sự có tính đại diện cho thấy những khó khăn mà những cộng đồng thiểu số đang phải đối mặt. Từ đó nhân vật sẽ là đại diện cho những cộng đồng này nói lên tiếng nói của họ.
Tất cả những nhân vật của Sex Education, dù chính hay phụ, dù ít hay nhiều cũng có những khó khăn bắt nguồn từ nhãn mác mà xã hội gắn lên cho họ.
Một khó khăn mà Eric phải vượt qua chính là thái độ của cha cậu về việc bộc lộ giới tính ra ngoài xã hội. Là một người nhập cư, cha của Eric đã quá quen với việc ông phải học cách hòa nhập với đám đông. Hơn ai hết, ông không muốn Eric gặp nguy hiểm khi cậu bộc lộ tính nữ của mình tại nơi công cộng.
Sex Education hoàn toàn có thể tiếp tục câu chuyện mà không để việc gì xảy ra với Eric. Đó là hướng đi mà những bộ phim trước đó thường làm - phớt lờ đi những gì mà người đồng tính phải đối diện và đưa ra một lời khuyên sáo rỗng: “hãy cứ bộc lộ bản thân theo hướng thoải mái nhất có thể”.
Nhưng không, Sex Education chọn cách đối diện trực tiếp với việc rằng thế giới này còn nhiều người kì thị người đồng tính, và để cho Eric đối mặt với nó. Vào lúc mà Eric đang đi vào điểm rơi lớn nhất của nhân vật, biên kịch của Sex Education không ngại dừng lại tại đó.
Khi mà cậu bị người bạn thân nhất của mình bỏ mặc và phải đi bộ về nhà vì bị cướp mất ví tiền và điện thoại, họ cho Eric đối mặt với những thành phần kỳ thị và để họ đánh đập cậu, chỉ vì cậu là người đồng tính.
Bằng việc xác định với khán giả rằng cha của Eric cũng có phần đúng, người viết đưa câu chuyện đến gần hơn với thế giới thật và để Eric phải tự mình vượt qua sự xấu xí của thế giới.
Để rồi trong cuộc nói chuyện trước buổi dạ hội của hai cha con, khán giả mới có thể đồng cảm với những gì Eric nói với cha của mình, rằng: “dù cho thế nào, bộc lộ hay không, con cũng có thể bị tổn thương, vậy chẳng tốt hơn nếu như con là chính con hay sao?”
Kết
Sex Education là một bước tiến rất lớn để đưa khán giả đến với một định nghĩa đúng hơn về “tính đại diện” trong phim ảnh. Rằng để tiến đến một thế giới mà bất kì ai cũng có chỗ đứng, chúng ta phải thật sự thấu hiểu, và đồng cảm với những khó khăn mà những người khác đang trải qua.
Những nhân vật mang tính đại diện cần phải được xây dựng đúng để có thể làm được điều này. Điều đó đòi hỏi tư duy và sự thấu cảm thật sự đến từ người viết và làm phim. Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của những con người của những cộng đồng thiểu số, và điện ảnh chính là một phương tiện để chúng ta nói lên tiếng nói ấy.
Season 3 của Sex Education sẽ chính thức có mặt trên Netflix vào ngày 17 tháng 9.