A Perfume Catcher: "Đừng nản, nếu mùi hương không viral ngay từ đầu" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 11, 2021

A Perfume Catcher: "Đừng nản, nếu mùi hương không viral ngay từ đầu"

Muốn dấn thân vào ngành hương, một chiếc mũi nhạy cảm là chưa đủ. Bài viết hé lộ nhiều kiến thức và kĩ năng khác bạn cần để thành công trong lĩnh vực này.
A Perfume Catcher: "Đừng nản, nếu mùi hương không viral ngay từ đầu"

Những điều cần biết trước khi bước chân vào thế giới mùi thơm | Nguồn: A Perfume Catcher

Hiện nay, rất dễ để bạn nhận thấy những mẫu quảng cáo nước hoa handmade, nước hoa local, nến thơm, tinh dầu thiên nhiên xuất hiện trên MXH. Điều này chứng tỏ ngành kinh doanh hương thơm tại Việt Nam đang trên đà phát triển.

Theo thống kê, trong giai đoạn đại dịch, nến thơm và các loại tinh dầu thiên nhiên bán rất đắt hàng bởi người dùng muốn tìm kiếm những trải nghiệm cảm xúc tích cực trong lúc lockdown và thiếu vắng những mối quan hệ xã hội.

alt
Kinh doanh mùi hương ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm | Nguồn: HB Magazine

Đồng thời, khi khách hàng ngày càng quan tâm đến yếu tố giác quan trong lựa chọn sản phẩm thì mùi hương đương nhiên trở thành điểm nhấn thiết yếu trong quyết định lựa chọn mua hàng.

Kinh doanh hương thơm trở nên rất hấp dẫn với những bạn trẻ muốn khởi nghiệp và cả những công ty có tiềm lực. Tuy nhiên, việc kinh doanh mùi hương tốt không chỉ yêu cầu về tiềm lực tài chính mà còn rất nhiều yếu tố khác.

Trong NTN kì này, cùng cuộc trò chuyện với chị Lan Lê, – là chủ trang Blog về mùi hương A Perfume-catcher và có hơn 7 năm kinh nghiệm làm việc ở các nhà hương lớn. Chị Lan từng làm việc ở Pháp, Singapore và hiện nay là Đức, ở vị trí Evaluator (hay còn gọi là Creative Fragrance Manager).

Câu chuyện sẽ xoanh quanh những kiến thức nền tảng về mùi hương, xu hướng mới và đề xuất một số cách để hoạch định chiến lược khi bắt đầu.

1. Làm việc với mùi hương đòi hỏi kiến thức đa lĩnh vực

Khi muốn dấn thân vào ngành hương, dù chuyên về hương hay để kinh doanh với nó, trước hết bạn cần có sự nhạy cảm về mùi. Sự quan tâm đặc biệt về mùi dẫn dắt đến ngành hương dù đây vẫn còn là một ngành khá "niche" so với những ngành nghề khác.

Hương còn là một phạm trù rất con người, liên quan mật thiết đến cảm xúc, nên bạn cần có đủ sự tinh tế và nhạy cảm để thấu hiểu và chạm đến nó. Bạn mô tả mùi của một lọ thiếc như thế nào? Hay những loại mùi rất kì lạ đến nỗi khiến ta “bí” về mặt ngôn ngữ. Những điều đó đòi hỏi thời gian học hỏi và chiêm nghiệm.

Đầu tiên, hãy luôn sống trong sự tò mò. Ngành hương có được sự giao thoa rất đẹp giữa nghệ thuật, khoa học và tâm lý con người. Chính vì vậy nên người làm trong ngành cần có một sự hiểu biết rộng, hứng thú với tất cả các bộ môn nghệ thuật, tâm lý con người. Kiến thức bạn càng rộng, kho chất liệu sáng tạo càng lớn.

alt
Mùi hương là ngành đòi hỏi kiến thức trong nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, hội họa, văn chương... | Nguồn: Savour Flair

Kế đến, hãy đam mê ngửi, tìm tòi và luôn rèn luyện khả năng ghi nhớ và cảm nhận chuẩn xác hơn. Việc này rất cần cho người chế tạo hương, kinh doanh mùi hương hay làm tư vấn về mùi. "Kho lưu trữ mùi" càng lớn giúp việc chọn lựa mùi hương phù hợp cho khách hàng càng chính xác.

Những người "tay ngang" dấn thân vào ngành hương và kinh doanh thành công cũng không phải ít. Đương nhiên để có sự thành công đó, họ cũng đã trải qua một giai đoạn học hỏi, trau dồi và chuẩn bị kỹ càng kiến thức về mùi để làm hài lòng những cánh mũi ngày càng khó tính của người tiêu dùng.

Một ví dụ tiêu biểu là Victor Wong, Creative Director của nhãn hàng mùi hương Zoologist. Ngoài concept động vật độc đáo, ông còn nổi tiếng về việc phát triển nên những mùi hương rất chất lượng.

2. Chọn hương tốt và những bảng giá không dễ tiên đoán

Đối với những người kinh doanh về mùi hương, thật không để tìm ra được nguồn nguyên liệu/ mùi hương tốt giữa muôn vàn mức giá.

Giá của một mùi hương phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thật sự không dễ đoán. Độ tinh tế (refine), chất lượng của nguồn nguyên liệu sử dụng hay yếu tố kỹ thuật (độ bám, độ tỏa) là những nhân tố ảnh hưởng đến giá thành.

Tuy vậy, việc này lại chỉ có thể được thẩm định bởi kinh nghiệm của người đi mua hương. Khi bạn ngửi nhiều, dùng nhiều sẽ có độ nhạy nhất định với chất lượng nguồn nguyên liệu và biết có xứng với giá tiền hay không.

alt
Người mua hương cần thời gian trải nghiệm để chọn được hương tốt và đúng giá | Nguồn: Laura (Unsplash)

Ngoài ra, như một số ngành khác, giá cả của một mùi hương bạn mua còn tùy biến vào số lượng mua vì nó liên quan mật thiết đến giá thành sản xuất của các công ty. Mua càng nhiều thì giá thành sẽ càng tốt nên yếu tố MOQ (số lượng đặt hàng tối thiểu) cần được tính toán kỹ.

Nếu bạn mua hương với số lượng nhỏ qua các đại lý trung gian thì cần chọn lựa thật kỹ càng và trò chuyện với họ để đảm bảo có được mùi hương chất lượng và đẹp như mong muốn.

Hiện nay, một số bạn có vẻ như nhạy cảm với cụm từ hương liệu Trung Quốc. Sự thật là các công ty hương lớn trên thế giới đều có trụ sở và nhà máy sản xuất hương tại Trung Quốc nên không phải hương gắn mác Trung Quốc là không tốt!

3. Cần xây dựng và phát triển văn hóa mùi hương ở Việt Nam hơn nữa

Chị Lan nhận thấy trong xây dựng thương hiệu có một yếu tố quan trọng nhưng thường bị bỏ qua đó là văn hóa mùi hương và giáo dục mùi hương.

Văn hóa mùi hương ở Việt Nam thực sự có gốc rễ từ rất lâu. Từ thời người Pháp và Mỹ đem những mùi hương đầu tiên đến Việt Nam. Làn sóng hương tiếp theo đó là của những người định cư ở Mỹ sau chiến tranh.

Họ đem về những mùi hương mà ta hay gọi là "mùi Việt kiều". "Mùi Việt kiều" khá phong phú, có thể kể đến mùi nước hoa Boss Bottled, bánh xà phòng Coast hay mùi quần áo được giặt thơm lừng trong những chiếc va li vừa mới "đáp".

Đồng thời chế độ ăn uống của người Việt mình rất "có hương có hoa". Nền ẩm thực của ta rất "thơm" với nhiều loại rau thơm và gia vị phong phú. Chỉ lấy Phở làm ví dụ thôi đã thấy có tới hơn 5 gia vị và rất nhiều loại rau thơm được dùng.

alt
Yếu tố văn hóa mùi hương cần được phát huy trong quá trình xây dựng thương hiệu | Nguồn: Frosty IIze (Unsplash)

Nhìn chung, người Việt rất “chuộng hương” nhưng tiếc là lại ít người làm ngành hương hơn so với các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia…Vì vậy, để tạo dựng một thương hiệu mùi hương hay lớn hơn là kiến tạo nên một thế hệ làm hương thơm tại Việt Nam, chúng ta cần xây dựng được một văn hóa mùi hương.

Các bạn trẻ nên trau dồi và học hỏi thêm nhiều về hương vì đây thực sự là ngành rất thú vị và sẽ còn rất phát triển trong tương lai.

Song song đó, một thương hiệu hương thơm thành công còn đòi hỏi khả năng nắm bắt gu của khách hàng. Cái khó của thị trường Việt Nam là tính phân mảnh khá cao do đất nước ta trải dài với nền văn hóa vùng miền cùng thời tiết rất đa dạng.

Đơn cử yếu tố thời tiết hai miền Nam Bắc cũng ảnh hưởng đến gu chọn nước hoa. Nhiều bạn ở Miền Nam rất ngại dùng mùi quá ngọt ngắt hay quá nặng mùi gỗ balsamic vì thời tiết nắng nóng không cho phép. Trong khi miền Bắc có cơ hội dùng những mùi này vào mùa thu đông.

Muốn nắm được “insight” này thì bạn phải cần có kinh nghiệm hay thông qua các công ty nghiên cứu thị trường. Hoặc có một cách đơn giản hơn là đi thực tế tại các chợ, siêu thị hoặc các cửa hàng tạp hóa. Những nơi này phản ánh rất tốt gu của người tiêu dùng gần đó.

4. Xu hướng mùi hương sau đại dịch

Covid-19 thay đổi nhiều thứ trên thế giới và mùi hương cũng vì đó mà có nhiều biến chuyến. Hiện nay, khách hàng có xu hướng chọn mùi thuần chay, không thử nghiệm động vật, và ưu tiên tính minh bạch của sản phẩm. Trong đó còn có việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất và trải nghiệm mùi thơm.

Công nghệ trong ngành hương còn được đẩy mạnh hơn vì COVID. Khách hàng không thể chọn hương trực tiếp nên các công ty đã ứng dụng các công nghệ như AI - Thuật toán mùi hương giúp diễn đạt mùi hương thật dễ hiểu, đồng thời tạo ra những hứng khởi mới cho khách hàng khi mua hương online.

alt
Những mùi hương sạch, có tính thẩm mỹ sẽ lên ngôi | Nguồn: Maison Margiela

Hiện tại, mùi hương đã không còn là lãnh địa độc tôn của các cửa hàng truyền thống - phải trực tiếp ngửi mới chọn được.

Xu hướng chọn mùi cũng có sự khác biệt. Những mùi sạch sẽ, clean, tươi được ưu ái. Tuy nhiên định nghĩa hương “sạch” không phải là mùi của y tế, khử trùng mà sự sạch sẽ phải được lãng mạn hóa lên, thông qua những nốt hoa aquatic, trái cây sáng, citrus...và có tính thẩm mỹ hơn.

Đặc biệt, nếu bạn kinh doanh mùi hương hãy quan tâm đến nhóm khách hàng Gen Z. Họ không chỉ quan tâm về mùi mà còn muốn trải nghiệm hương thơm theo nhiều cách khác nhau.

5. Điều gì tạo nên “linh hồn” cho thương hiệu?

Linh hồn của thương hiệu tạo nên phong cách riêng cho một thương hiệu. Một thương hiệu được đón nhận tốt và lâu dài cần một câu chuyện mạch lạc và một “vũ trụ” phong phú để khách hàng bước vào và cảm thấy mình trong đó.

Lấy ví dụ người phụ nữ của Dior rất ngọt ngào, nữ tính. Người phụ nữ Chanel lại thiên về hình ảnh mạnh mẽ, nổi loạn. Trong khi đó YSL lại là thế giới của những cô gái độc lập và đầy tự chủ.

Vậy thương hiệu của bạn tạo ra “vũ trụ” gì là câu hỏi rất quan trọng khi bạn bắt tay vào xây dựng một thương hiệu mùi hương để có thể "chạm" và truyền cảm hứng được tới nhiều người.

alt
Mùi hương cũng cần thời gian để "chín" | Nguồn: Le Labo

Ngoài ra, nếu kinh doanh nước hoa, bạn nên làm quen với khái niệm “nở muộn” của nhiều hương thơm. Ít người biết Santal 33 của Le Labo rất được chuộng tại Việt Nam nhưng nó không phải là chai nước hoa hot ngay từ khi ra mắt (vào năm 2011, cách đây 11 năm !).

Sự nổi tiếng của nó chỉ rộ lên trong nước khoảng 3-4 năm gần đây. Điều này là ví dụ để kinh doanh một dòng sản phẩm liên quan đến hương thơm thì đừng nản nếu không viral ngay từ đầu.

Vì vậy khi lên kế hoạch kinh doanh hãy nghĩ dài và bạn có thể đưa những mùi thơm mang tính “tầm nhìn”, mang cá tính cá nhân vào. Không nhất thiết phải luôn theo trend mùi hương.

Cảm giác khi tạo ra một mùi thơm sẽ thật sự “bung nở” vào một thời điểm nào đó trong tương lai cũng rất thú vị.